AI CŨNG GIAO TIẾP NHƯNG MẤY NGƯỜI KẾT NỐI

JOHN C. MAXWELL

Trích: Ai Cũng Giao Tiếp Nhưng Mấy Người Kết Nối (Everyone communicates, Few connect); NXB Lao Động Xã Hội

Khả năng kết nối với người khác bắt đầu bằng sự thấu hiểu về giá trị của họ.

ĐỂ THÀNH CÔNG TRONG BẤT CỨ LĨNH VỰC NÀO TRONG CUỘC SỐNG, HÃY KẾT NỐI!

Nếu đã từng nỗ lực kết nối với mọi người, bạn có thể học cách kết nối tốt hơn. Và nếu chưa, bạn sẽ kinh ngạc trước khả năng nó có thể làm thay đổi cuộc sống của bạn.

Cathy Welch, một ca sĩ đã viết thư kể cho tôi nghe về chuyến viếng thăm của cô đến một nhà dưỡng lão. Cô viết:

Tôi đứng ở phòng y tá gần nhất và lặng lẽ chờ người đi qua để hỏi thăm. Vừa lúc đó, tôi thấy một phụ nữ đang ngồi xe lăn quay lưng về phía tôi, đầu gục lên đùi. Cô ấy ngồi bất động, cánh tay phải bám vào thành cửa quầy của phòng y tá.

Chúng tôi đến đây là để khuyến khích và động viên những người cao tuổi, nên tôi nghĩ mình nên hỏi thăm xem cô ấy có sao không. Tôi nín thở khi cô quay đầu về phía tôi, ngẩng đầu lên một chút, khuôn mặt rạng rỡ, cô nói: “Tôi không sao! Tên tôi là Abigail và tôi từng là một giáo viên trung học.”

Tôi có thể tưởng tượng được việc cô ấy đã phải chờ đợi bao lâu để được một ai đó chú ý đến. Dù bạn gặp ai đó ở đâu, họ đều mong muốn kết nối với những người khác!

Nếu bạn đang phải đối mặt với những thách thức về kết nối, như tôi gặp phải trong thời kỳ đầu của sự nghiệp và cuộc sống, bạn có thể vượt qua chúng bằng cách kết nối với các lựa chọn. Bạn có thể thành công hơn nhờ học cách kết nối với mọi kiểu người trong bất cứ tình huống nào.

Tôi chắc chắn có thể giúp bạn. Bởi tôi đã học được cách kết nối với những người khác và bởi tôi đã giúp rất nhiều người khác kết nối. Khát khao đầu tiên của tôi là giúp các bạn hiểu được các nguyên tắc ẩn sau khả năng kết nối với người khác, bằng cách:

•Tập trung vào họ

•Mở rộng vốn từ vựng kết nối của bạn vượt ra khỏi những từ ngữ thông thường

•Chuẩn bị sẵn sàng năng lượng để kết nối

•Có cái nhìn sâu sắc về cách các bậc thầy kết nối kết nối

Sau đó, tôi sẽ giúp các bạn có được những kỹ năng thực tế về kết nối:

•Tìm điểm chung

•Giao tiếp đơn giản

•Nắm bắt sở thích của mọi người

•Khuyến khích họ

•Chân thành

Đây là những điều ai cũng có thể học.

Tôi tin hầu hết tính cách của chúng ta và tất cả những gì chúng ta thực hiện trong cuộc sống đều là kết quả của sự tương tác giữa chúng ta với người khác. Nếu bạn cũng tin điều đó, thì bạn sẽ biết rằng khả năng kết nối với những người khác là một trong những kỹ năng quan trọng nhất mà một người có thể học hỏi. Đó là thứ bạn có thể bắt tay cải thiện ngay hôm nay. Cuốn sách này sẽ giúp bạn làm được điều đó.

KẾT NỐI VỚI MỌI NGƯỜI Ở MỌI CẤP ĐỘ

Cuốn sách này sẽ tập trung vào việc kết nối với mọi người ở ba cấp độ khác nhau: trực tiếp với một người, theo nhóm và với khán giả.

Nguyên tắc kết nối: Kết nối làm tăng ảnh hưởng của bạn trong mọi tình huống.

Khái niệm chính: Nhóm càng nhỏ, thì kết nối càng quan trọng.

KẾT NỐI TRỰC TIẾP VỚI MỘT NGƯỜI

Kết nối trực tiếp với một người quan trọng hơn là kết nối nhóm hoặc kết nối với khán giả. Bởi 80-90% trong mọi kết nối xảy ra ở cấp độ này và đây là nơi bạn kết nối được với những người quan trọng nhất.

Bạn kết nối với bạn bè, gia đình, đồng nghiệp… tốt đến mức nào? Nguyên tắc để gia tăng ảnh hưởng của bạn khi kết nối trực tiếp với một người:

•Nói về người khác nhiều hơn và về chính mình ít đi. Chuẩn bị hai hoặc ba câu hỏi mà bạn có thể đặt ra cho ai đó trước một cuộc họp hoặc buổi gặp mặt xã giao.

•Mang theo một thứ có giá trị, chẳng hạn như một trích dẫn hữu ích, câu chuyện, cuốn sách, hoặc CD, để tặng cho ai đó khi các bạn gặp nhau.

•Khi kết thúc cuộc trò chuyện, hãy hỏi xem bạn có thể làm gì để giúp họ và nếu có hãy nhiệt tình đến cùng. Hành vi giúp đỡ này có ảnh hưởng lớn và lâu dài hơn lời nói.

KẾT NỐI TRONG NHÓM

Để kết nối với một nhóm, bạn phải chủ động với những người trong nhóm. Để làm điều đó, hãy:

•Tìm cách khen ngợi mọi người trong nhóm về các ý tưởng và hành động của họ.

•Tìm cách để tăng thêm giá trị cho những người trong nhóm và những gì họ đang làm.

•Không kể công khi nhóm thành công và đổ lỗi khi thất bại.

•Tìm cách để giúp nhóm kỷ niệm và tôn vinh thành công với nhau.

KẾT NỐI VỚI KHÁN GIẢ

Một trong những cách tốt nhất để học kết nối với khán giả là quan sát các nhà giao tiếp giỏi kỹ năng này. Học hỏi từ họ và áp dụng những gì có thể vào phong cách của riêng bạn. Dưới đây là bốn điều bạn có thể làm để kết nối với khán giả:

•Hãy để người nghe biết rằng bạn rất vui khi được tiếp xúc với họ.

•Cho họ thấy bạn muốn mang lại giá trị cho họ.

•Hãy cho họ biết họ hay tổ chức của họ đã mang lại giá trị cho bạn như thế nào.

•Nói với họ rằng thời gian dành cho họ là ưu tiên hàng đầu của bạn trong ngày hôm đó.

ĐỂ KẾT NỐI CẦN HẠN CHẾ NHỮNG ĐIỂM SAU:

1. Cái tôi cá nhân

Những người của công chúng luôn tiềm ẩn rủi ro rất lớn nếu phát triển cái tôi mạnh mẽ không lành mạnh. Các nhà lãnh đạo, diễn giả và giáo viên có thể có quan điểm lệch lạc về tầm quan trọng của bản thân. Bạn của tôi, Calvin Miller, trong cuốn The empowered Communicator (Tạm dịch: Nhà giao tiếp được trao quyền) đã mô tả vấn đề này và các tác động tiêu cực mà nó gây ra cho những người khác dưới dạng một bức thư. Bức thư có nội dung như sau:

Thưa diễn giả,

Cái tôi của ngài đã trở thành một bức tường ngăn cách ngài và tôi. Ngài không thực sự quan tâm đến tôi, phải vậy không? Ngài chỉ quan tâm đến việc bài phát biểu này có thực sự hiệu quả, quan tâm đến việc ngài có thực sự làm tốt về phần mình hay không. Ngài sợ tôi sẽ không vỗ tay, phải vậy không?

Ngài sợ tôi sẽ không cười khi ngài pha trò, không nhỏ lệ trước những câu chuyện cảm động của ngài. Ngài đang để mình bị cuốn vào việc tôi sẽ đón nhận bài phát biểu của ngài ra sao mà chẳng đoái hoài gì đến tôi. Tôi có thể đã quý trọng ngài, nhưng ngài chỉ nghĩ đến bản thân mà bỏ qua cảm xúc của tôi. Nếu tôi không quan tâm đến ngài, thì đó là vì tôi cảm thấy không cần thiết.

Khi nhìn thấy ngài trên bục phát biểu, tôi thấy một Narcissus đang soi mình trong nước… Cà vạt của ngài đã thẳng thớm chưa? Mái tóc đã gọn gàng chưa? Cách cư xử hay từ ngữ của ngài có hoàn hảo không?

Ngài có vẻ kiểm soát được mọi thứ trừ khán giả của ngài. Ngài nhìn thấy mọi thứ trừ chúng tôi. Nhưng tôi e việc đó khiến chúng tôi bỏ ngoài tai những lời nói của ngài. Chúng tôi phải đi ngay bây giờ. Xin lỗi ngài. Hãy gọi cho chúng tôi sau nhé. Chúng tôi sẽ quay trở lại khi ngài thực sự nhìn thấy chúng tôi… sau khi những giấc mơ của ngài tan vỡ… sau khi trái tim của ngài tan vỡ… sau khi sự kiêu ngạo của ngài đã biến mất cùng sự tuyệt vọng. Lúc đó sẽ có chỗ cho tất cả chúng tôi trong thế giới của ngài.

Lúc đó, ngài sẽ không quan tâm xem chúng tôi có vỗ tay ủng hộ sự thông minh của ngài không. Ngài sẽ là một người trong số chúng tôi.

Lúc đó, ngài sẽ phá bỏ bức tường bản ngã và sẽ xây dựng một cây cầu mối quan hệ ấm áp. Chúng tôi sẽ gặp ngài trên cây cầu đó. Lúc đó, chúng tôi sẽ lắng nghe ngài. Mọi diễn giả đều vui vẻ hiểu khi họ với tay đến sự thấu hiểu.

– Khán giả của ngài

Lần đầu tiên đọc lá thư của Calvin Miller, tôi đã sốc khi nó miêu tả chính xác hình ảnh của tôi khi mới rời trường đại học. Tôi rất tự mãn. Tôi nghĩ mình biết mọi thứ, nhưng sự thật tôi chẳng biết gì. Tôi đã tham gia các khóa học về thuyết trình, nhưng khóa học ở đại học mà tôi đã hoàn thành để lấy bằng chỉ dạy tôi cách xây dựng một đề cương hoàn chỉnh. Nghiên cứu của tôi không thể giúp tôi kết nối với khán giả. Các giáo sư đã khuyến khích chúng tôi chú ý đến chủ đề của mình. Chúng tôi được dạy phải tập trung vào một điểm trên bức tường cuối căn phòng. Việc truyền đạt của tôi khó khăn và cứng nhắc. Tệ hơn nữa, bất cứ lúc nào thuyết trình hoặc nói chuyện, tôi đều không hứng thú với đối phương; tôi đang tìm kiếm những lời khen ngợi mà tôi mong nhận được sau khi thông điệp của mình được chuyển đi. Không ai có thể kết nối với kiểu thái độ đó.

2. Không đề cao mọi người

Ngày nay, tôi thấy mục đích của mình là bổ sung giá trị cho người khác. Nó đã trở thành tâm điểm trong cuộc sống của tôi và bất cứ ai quen biết tôi đều hiểu tầm quan trọng của nó. Tuy nhiên, để bổ sung được giá trị cho người khác, trước tiên bạn phải đề cao người khác. Trong những năm đầu sự nghiệp, tôi đã quá tập trung vào lịch trình của mình đến mức phớt lờ và bỏ qua nhiều người. Nếu họ không quan trọng đối với việc làm của tôi, họ sẽ không bao giờ được tôi dành thời gian hoặc quan tâm đến.

Tôi nghĩ thái độ sai lầm này rất phổ biến. Một trong những câu chuyện hay nhất mà tôi từng được nghe kể bởi một y tá đã minh họa cho luận điểm này. Cô ấy kể lại:

Vào năm thứ hai tại trường điều dưỡng, giáo sư đã giao cho chúng tôi một bài kiểm tra. Tôi làm rất nhanh các câu hỏi cho đến khi đọc tới câu cuối cùng: “Tên của cô lao công ở trường là gì?” Chắc chắn đây là một câu hỏi tếu táo. Tôi đã gặp cô ấy nhiều lần, nhưng sao mà biết được tên cô chứ? Tôi đã nộp bài kiểm tra và để ngỏ câu hỏi cuối. Trước khi giờ học kết thúc, một bạn đã hỏi giáo sư rằng câu hỏi cuối cùng trong bài kiểm tra có được tính điểm không. “Chắc chắn có”, vị giáo sư trả lời. “Trong sự nghiệp, các em sẽ gặp rất nhiều người. Tất cả đều đặc biệt. Họ đáng được các em quan tâm và chăm sóc, ngay cả khi tất cả những gì các em có thể làm là mỉm cười và nói xin chào.” Tôi sẽ không bao giờ quên bài học đó. Tôi cũng biết được tên cô ấy là Dorothy.

Để thành công trong cuộc sống, chúng ta phải học cách làm quen và thân thiện với người khác. Một cây làm chẳng nên non cũng như một người không thể làm việc một mình mà mong mang lại hiệu quả lớn. Như John Craig chỉ ra: “Dù có thể làm bao nhiêu việc đi nữa, dù có đam mê thế nào đi nữa, bạn cũng không thể tiến xa trong kinh doanh nếu bạn không hợp tác với người khác.” Điều đó buộc bạn phải nhìn thấy những giá trị mà người khác sở hữu.

Khi chúng ta học cách chuyển sự tập trung từ bản thân sang người khác, cả thế giới sẽ dang tay chào đón chúng ta. Những người thành công hiểu rõ sự thật này trong mỗi bước đi trong cuộc sống. Tại một cuộc họp quốc tế gồm các giám đốc điều hành công ty, một doanh nhân người Mỹ đã hỏi một giám đốc đến từ Nhật Bản về thứ ngôn ngữ quan trọng nhất đối với thương mại thế giới. Doanh nhân người Mỹ nghĩ tiếng Anh sẽ là câu trả lời. Nhưng giám đốc người Nhật Bản, với sự hiểu biết toàn diện hơn về kinh doanh, đã mỉm cười và đáp: “Đó là ngôn ngữ của khách hàng của tôi.”

Khi kinh doanh, có một sản phẩm hoặc dịch vụ tốt thôi không đủ, trở thành một chuyên gia về sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn cũng không đủ. Biết rõ sản phẩm của bạn, thay vì khách hàng của bạn đồng nghĩa với việc có cung mà không có cầu. Và giá trị mà bạn đặt vào những người khác phải chuẩn mực. Như Bridget Haymond nhận xét: “Bạn có thể khăng khăng khẳng định bạn quan tâm đến họ, nhưng từ trong tâm can, mọi người đều biết liệu bạn có thực sự quan tâm đến họ không.”

Để bổ sung được giá trị cho người khác, trước tiên bạn phải đề cao người khác.

3. Sự thiếu tự tin

Đây là lý do cuối cùng cho việc mọi người thường tập trung thái quá vào bản thân thay vì người khác. Tuy đây không phải là một trong những vấn đề của tôi khi bắt đầu sự nghiệp, nhưng đó là trường hợp phổ biến với nhiều người.

Chew Keng Sheng, một giảng viên tại Trường Khoa học Y tế thuộc Đại học Sains Malaysia, tin rằng lý do của sự thiếu trưởng thành và bản ngã lớn, đặc biệt là ở các diễn giả là sự thiếu tự tin. “Tôi có thể nhớ vài lần đầu tiên khi tôi được đề nghị làm diễn giả,” Keng Sheng viết. “Tôi thực sự bối rối.”

Khi diễn giả dễ dao động, họ sẽ tìm kiếm sự ủng hộ từ khán giả. Càng muốn tìm kiếm sự ủng hộ của khán giả, họ càng tập trung vào bản thân và tìm cách để gây ấn tượng với người khác. Kết quả là, nhiều khả năng họ không đáp ứng được nhu cầu tức thời. Quả thật đó là một chu kỳ tiêu cực, đặc biệt là nếu một người không nhận được hoặc nhận ra sự ủng hộ như mong muốn.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. LÀM VIỆC NHÓM: MỖI THÀNH VIÊN ĐỀU CÓ MỘT VỊ TRÍ THÍCH HỢP ĐỂ PHÁT HUY HẾT KHẢ NĂNG CỦA MÌNH
  2. LÀM VIỆC NHÓM (TEAMWORK)

Bài viết khác của tác giả

  1. KHÍCH LỆ ĐIỀU BẠN MUỐN ĐẠT ĐƯỢC MỖI NGÀY
  2. LÀM VIỆC NHÓM: MỖI THÀNH VIÊN ĐỀU CÓ MỘT VỊ TRÍ THÍCH HỢP ĐỂ PHÁT HUY HẾT KHẢ NĂNG CỦA MÌNH
  3. TÔI BIẾT GÌ VỀ NHỮNG TRẢI NGHIỆM TỒI TỆ

Bài viết mới

  1. KIÊN TRÌ ĐẾN LÚC THÀNH CÔNG
  2. BẢN TÁNH TỐI HẬU CỦA TÂM
  3. BA CON ĐƯỜNG