ĐẶT NHỮNG HÒN ĐÁ TO VÀO TRƯỚC

STEPHEN R. COVEY

Trích: 7 Thói Quen Tạo Gia Đình Hạnh Phúc- The 7 Habits of Highly Effective Families; Biên Dịch: Vương Khánh Ly-Phan Khánh Giang; Nguyễn Thu Giang - Nguyễn Chương; NXB. Trẻ

Thời gian ở bên gia đình và thời gian gắn kết từng thành viên hàng tuần là rất cần thiết – thậm chí là nền tảng, để giải quyết những nhu cầu căn bản của gia đình, xây  dựng  Tài  khoản Ngân hàng Tình cảm, tạo dựng một văn hóa trong gia đình.

Làm thế nào để bạn thực hiện? Làm thế nào để bạn quản lý, sắp xếp thời gian dành cho gia đình hàng tuần, những buổi nói chuyện định kỳ, riêng tư với các thành viên trong gia đình?

Tôi muốn bạn hãy dùng trí tưởng tượng của bạn một lúc. Hãy hình dung bạn đang đứng sau một cái  bàn, trên bàn  có môt cái bình lớn hở miệng đã chứa đầy những viên sỏi nhỏ. Bên cạnh bình là một vài viên đá to cỡ nắm tay.

Bây giờ hãy giả sử cái bình đó tượng trưng cho một tuần mới trong cuộc đời của bạn. Những viên sỏi nhỏ tượng trưng cho những thứ mà bạn thường làm. Và những viên đá lớn tượng trưng cho thời gian gia đình, những buổi nói chuyện riêng và những thứ khác thực sự quan trọng, nằm sâu trong trái tim mà bạn biết mình thực sự nên làm nhưng vào thời điểm này, bạn không thể “sắp xếp” vào kế hoạch được.

Khi bạn đứng phía sau bàn, hãy tưởng tượng rằng nhiệm vụ của bạn là phải cố gắng ấn những viên đá to vào trong bình, càng nhiều càng tốt. Nhưng bạn chỉ có thể cho vào một, hai hòn vào, buộc lòng bạn phải lấy chúng ra. Bạn quan sát hình dạng của viên đá. Bạn nhận ra nếu chọn những viên đá có hình dạng khác nhau, bạn có thể bỏ vào bình được nhiều hơn. Bạn thử lại lần nữa. Nhưng cuối cùng bạn chỉ có thể cho ba, bốn viên đá vào trong.

Bạn cảm thấy thế nào? Bạn nhìn vào bình, nó đã đầy tới tận miệng (vì đã có sẵn những viên sỏi nhỏ). Bạn đang có những điều thực sự quan trọng nhưng chưa thể hoàn thành. Và nó sẽ cứ như vậy hàng tuần liền. Đã đến lúc xem xét một cách tiếp cận khác.

Bạn hãy lấy những viên đá to ra. Bạn đổ tất cả những viên sỏi  nhỏ từ trong bình  ra,  cho vào một cái cốc. Sau đó, bạn đặt những viên đá to vào trong bình trước.

Bây giờ, có bao nhiêu viên đá to bạn có thể cho vào? Nhiều hơn trước rất nhiều, chắc chắn như vậy. Khi bình chứa đầy những viên đá to rồi, bạn hãy đổ những viên sỏi nhỏ vào. Hãy nhìn xem cái bình vẫn có thể chứa được thêm nhiều viên sỏi nhỏ nữa.

Mấu chốt ở đây là: nếu bạn không đặt những hòn đá to vào trước, bạn sẽ không bao giờ cho chúng vào hết được!

Cynthia (congái tôi):

Bố rất hay đi công tác ra khỏi thành phố lúc tôi còn bé, nhưng bố con tôi lại ở bên nhau nhiều hơn bất  cứ gia đình  nào khác.

Tôi có nhiều thời gian nói chuyện riêng với bố hơn bất cứ người bạn nào của tôi, mặc dù bố của họ chỉ làm việc 8 tiếng mỗi ngày.

Tôi nghĩ có hai lý do. Một, bố luôn lên kế hoạch trước. Ông tin vào châm ngôn “hãy bắt đầu với một mục tiêu”. Vào đầu của mỗi năm học, ông luôn muốn biết: “Khi nào những trận đấu bóng của các con trai sẽ diễn ra? Khi nào có những hoạt động của các cô con gái?”, và ông hầu như không bao giờ bỏ lỡ thứ gì quan trọng. Ông rất ít khi ra ngoài thành phố vào buổi tối của gia đình. Ông luôn ở nhà vào những ngày cuối tuần, cả gia đình đi lễ nhà thờ và sinh hoạt tập thể. Nhiều người bạn của tôi có bố mẹ chỉ làm 8 tiếng mỗi ngày nhưng tối đến chỉ ngồi xem ti-vi và thậm chí không nói chuyện với nhau. Trong khi đó, bố mẹ tôi mặc dù bận rộn công việc nhưng vẫn lo toan được cho chín đứa con học ở năm trường khác nhau, Nhưng họ đã làm được. Vấn đề cốt lõi ở đây là họ yêu quý gia đình, điều đó quan trọng đối với họ.

Hai, chúng tôi tuân theo một quy định không ai được vắng mặt vào buổi tối thứ hai – đó là buổi tối gia đình. Đôi lúc, khi còn ở tuổi vị thành niên, chúng tôi có càu nhàu chút ít. Nhưng quy định đó được chấp nhận như một phần của nề nếp văn hóa gia đình, sau một thời gian, chúng tôi không phàn nàn về nó nữa.

Những trải nghiệm trước đây của tôi về cảm giác day dứt vì đã không ưu tiên cho một vài vở kịch, trận bóng của các con đã đưa tôi đến một thói quen – đó là luôn cố gắng bỏ những viên đá  to vào trước. Vào đầu mỗi năm học, Sandra và tôi hỏi trường học về những kế hoạch và sự kiện mà con cái chúng tôi có thể tham gia. Chúng tôi ưu tiên lên kế hoạch để có mặt trong những sự  kiện này. Chúng tôi cũng khuyến khích các con tham  gia những  sự kiện của anh chị em mình. Hiện nay, với gần năm mươi thành viên (các con tôi, bạn đời của chúng, và các cháu), chúng tôi không thể đi tới xem tất cả mọi hoạt động. Nhưng chúng tôi cố gắng làm những gì có thể, để minh chứng với mọi thành viên gia đình, rằng họ và những hoạt động của họ quan trọng với chúng tôi như thế nào. Chúng tôi cũng lên kế hoạch cho những kỳ nghỉ chính của gia đình trước hai, ba năm, thậm chí bốn năm. Và những buổi tối họp mặt gia đình, những buổi nói  chuyện  riêng với từng người vẫn luôn được coi là thiêng liêng.

Không gì có thể so sánh với niềm hạnh phúc có được nhờ việc ưu tiên cho gia đình. Với quá nhiều áp  lực  trong  cuộc sống, điều này không dễ thực hiện. Nhưng sẽ  còn  khó  khăn hơn rất nhiều nếu bạn không làm! Khi bạn không đưa ra trước lịch thời gian dự phòng để xây dựng những mối quan hệ, đầu  tư vào việc tổ chức gia đình, bạn sẽ phải tốn nhiều thời gian hơn nữa sau đó để sửa chữa những mối quan hệ đổ vỡ, để cứu vãn một cuộc hôn nhân, hay để giáo dục lại bọn trẻ sau khi chúng bị lôi kéo bởi những tác động bên ngoài xã hội.

Nếu như bạn biện minh, “Chúng tôi không đủ thời gian để làm những việc thế này!”, bạn sẽ ngày càng không có thời gian nếu bạn không bắt tay vào cuộc. Vấn đề mấu chốt ở đây là lên kế hoạch trước và hãy kiên trì – “nếu muốn, bạn sẽ làm được!”.

Khi bạn đặt những hòn đá  gia đình vào trước, bạn sẽ có một cảm giác thanh bình nội tâm. Bạn sẽ không bị giằng xé giữa gia đình và công việc. Trên thực tế, bạn sẽ phát hiện hóa ra mình có nhiều thời gian hơn để làm mọi việc.

Kiên trì với những cơ cấu gia đình thế này sẽ đem lại một cuộc sống gia đình hạnh phúc. Nó tạo ra một văn  hóa gia đình tốt đẹp, giúp bạn không  bị cám dỗ bởi hệ thống văn hóa đại chúng, tiêu dùng của thời đại. Khi bạn còn đứng ngoài cuộc, không thực sự trải nghiệm những nét văn hóa gia đình tốt đẹp, bạn rất dễ bị rối trí, bị lôi kéo bởi những xu hướng khác, nhưng khi bạn đã ở trung tâm của vấn đề rồi, câu hỏi duy nhất sẽ là “Liệu còn điều gì tốt hơn được nữa không?”.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. VĂN HÓA GIA ĐÌNH
  2. GIA ĐÌNH VÀ CON CÁI
  3. CÁ NHÂN, GIA ĐÌNH VÀ XÃ HỘI

Bài viết khác của tác giả

  1. MỘT SỐ THÁCH THỨC CỦA KỶ NGUYÊN MỚI
  2. TÀI KHOẢN TÌNH CẢM VÀ SÁU KHOẢN KÝ GỬI CHỦ YẾU – PHẦN 2
  3. TÀI KHOẢN TÌNH CẢM VÀ SÁU KHOẢN KÝ GỬI CHỦ YẾU

Bài viết mới

  1. HÒA HỢP TỪ NHỮNG ĐỐI KHÁNG
  2. LỢI ÍCH CỦA TINH THẦN TU TẬP
  3. BẠN