SƯU TẦM
Phật tử Anh Trung cẩn ghi; nguồn: https://www.vienchuyentu.com
Nam mô A Di Đà Phật.
Kính bạch Thầy,
Con nhớ, hơn bảy năm về trước, trong bài giảng “Đường Về Rừng Xiêm Gai”, Thầy có hỏi chúng con về danh xưng của Bậc Tướng quân trong Chánh pháp. Ngày đó, không ai trong chúng con dám đứng lên trả bài, dù rất nhiều người đã biết. Bài học của chúng con trong lớp học đặc biệt hôm nay, Thầy không hỏi lại câu hỏi năm nào, nhưng chúng con đã tự giác đồng thanh: Bậc Tướng quân trong Chánh pháp, chính là tôn giả Xá-lợi-phất, người đứng đầu trong Thập Đại đệ tử của Đức Phật, người được tuyên dương là có trí tuệ bậc nhất trong hàng Tăng chúng.
Ngài được xưng danh như vậy bởi Ngài là Bậc có trí tuệ cao tột và phẩm hạnh tuyệt vời. Cả cuộc đời của Ngài tỏ rạng như Vì Sao sáng nhất. Câu chuyện về những ngày cuối cùng trước khi Ngài nhập diệt, sáng ngời tinh thần hiếu đạo của Bậc Tướng quân và là bản hùng ca thiêng liêng tình mẫu tử.
Ngài được sinh ra trong một dòng tộc nổi tiếng từ nhiều đời thuộc giai cấp Bà-la-môn, giai cấp đứng đầu trong xã hội Ấn Độ thời bấy giờ. Cha của Ngài là đại luận sư nổi tiếng, mẹ của Ngài, bà Xá-lợi, một phụ nữ thông tuệ, có tài biện luận. Để biểu thị niềm tôn kính tuyệt đối với dòng họ của Ngài, người dân đã lấy tên làng Upatissa đặt tên khi Ngài cất tiếng chào đời.
Ngay từ nhỏ, cậu bé Upatissa đã nổi tiếng thông tuệ và có tài hùng biện siêu biệt làm kinh ngạc giới luận sư và đoàn cử tọa, điều đó báo hiệu một tương lai xán lạn của bậc đạo sư lỗi lạc để kế thừa truyền thống viên mãn của dòng tộc và một kỳ vọng lớn lao của người Mẹ. Tuy nhiên, Ngài đã không theo con đường như mẹ Ngài mong đợi. Nhờ một nhân duyên thù thắng, Ngài đã được gặp giáo pháp của Đức Phật, ngộ được Đạo lý duyên khởi và xin Đức Phật xuất gia tại Trúc Lâm tịnh xá.
Được gần gũi Bậc Toàn giác, Ngài càng nổi tiếng với tri thức sâu rộng, trí tuệ siêu việt, kiến giải uyên thâm, đạo hạnh cao tuyệt, biện hùng vô ngại; với phẩm hạnh ưu tú, mẫu mực, Ngài đã hàng phục, chuyển hóa nhiều người, kể cả những ngoại đạo, học phái… đi theo chánh pháp, làm đệ tử của Đức Phật, trong số đó có sáu người em ruột của Ngài.
Đối với mẹ của Ngài, việc tất cả các con của Bà rời khỏi gia đình, bỏ lại tất cả danh tiếng địa vị, tài sản vàng bạc, tình thân quyến thuộc để theo Đức Phật xuất gia đã khiến bà thất vọng, uất ức và khổ đau cùng tột. Bà không thể lý giải nổi và cho đó là sự nông nổi, bồng bột; là dại dột, xuẩn ngốc; là cả tin, dễ dụ; là sai lầm, lạc lối… Vì vậy, Bà đã không có lòng kính tin Tam bảo và có thái độ, ngôn ngữ, cử chỉ không thiện cảm với Đức Phật cùng các chúng đệ tử xuất gia của Ngài. Với Bà, thần linh mới là đáng kính, đấng Phạm Thiên là tối cao định đoạt số mệnh, phước báo của con người.
Là một người con, lại là Bậc trí tuệ thâm sâu, Ngài Xá-lợi-phất luôn hiểu hết, hiểu thấu mọi nỗi niềm, suy nghĩ, tình cảm nội tâm từ những chính kiến bất đồng của Mẹ. Với niềm tin son sắt, Ngài biết sẽ có một ngày Mẹ sẽ tin vào Chánh pháp, tìm được bến bờ giải thoát an vui. Trải qua bao năm tháng, ngày đó đã đến, được sự đồng ý của Đức Phật, Bậc Đại Trưởng lão quyết định chuyến hồi hương, trở về ngôi làng Upatissa yêu dấu để thăm người Mẹ 100 tuổi vẫn đang ngóng chờ. Đó là một cuộc trùng phùng kỳ thú, thấm đẫm tình mẫu tử sau bao năm xa cách.
Là người phụ nữ quyền lực và nghị lực, Mẹ của Ngài đã trải qua nhiều biến cố tâm lý khi những đứa con cứ lần lượt rời xa, để một mình Bà lạnh lẽo, cô đơn trong cơ ngơi đồ sộ của dòng tộc. Nước mắt của Bà đã cạn nhưng nỗi nhớ mong con trong Bà chưa bao giờ vơi, lúc nào cũng khắc khoải, ngóng trông… Và rồi, chỉ biết tự an ủi mình bằng những kỷ niệm tìm về những tháng năm đầy ắp tiếng vui đùa, tiếng dạ thưa, tiếng thắc mắc ngộ nghĩnh… của những đứa con trai, con gái khi chúng còn thơ bé. Là người mẹ, dù rất giận, nhưng lòng yêu thương con của Bà luôn là vô hạn. Dù Bà chưa có thiện cảm với Tăng đoàn, nhưng những đề nghị của Ngài về việc sắp xếp chỗ nghỉ qua đêm cho 500 tỳ-kheo tùy tùng và cúng dường Tăng đoàn Bà đều không từ chối và thực hiện rất chu đáo, trang trọng. Bà làm việc đó không ngoài mong muốn để các con của bà có được sự nể trọng, được sự bao bọc, giúp đỡ, che chở của những người đồng đạo. Tiếng hỏi “Ông về được bao lâu?” của Bà không chỉ là câu hỏi thông thường, mà ấn chứa trong tim mong muốn được gặp và nỗi lo lắng, nỗi sợ hãi phải xa con của người mẹ sau bao ngày hằng mong, thương nhớ.
Lần này, khi nghe tin con trai về đến đầu làng, Mẹ Ngài ngạc nhiên, mừng, tủi, nhắc người dọn dẹp chu đáo căn phòng của Ngài, đích thân cùng gia tộc đốt đuốc ra đón Ngài cùng Tăng đoàn. Vì tuổi cao, lại bộ hành nhiều ngày trên quãng đường dài, nên Ngài đã nhiễm bệnh nặng, dù rất khó chịu, đau đớn, mệt mỏi nhưng Ngài luôn chánh niệm và nhập chánh định trụ, tĩnh tọa, an nhiên. Trong không gian yên tĩnh của đêm, có ba đợt hào quang lung linh, với cấp độ tăng dần, rực rỡ chói ngời, tỏa chiếu ngập tràn căn phòng của Ngài, khắp xung quanh tòa lâu đài và lan tỏa ra cả ngôi làng. Mẹ của Ngài đã chứng kiến tất cả những cảnh tượng ấy, phần vì thương con, phần vì thấy lạ, Bà đã quyết định sang thăm hỏi Ngài. Bà vô cùng ngạc nhiên khi nghe Ngài nói về những luồng ánh sáng đó là chuyến viếng thăm của Tứ Đại Thiên vương, trời Đế Thích và Vua cõi trời Phạm Thiên. Những vị vua trời mà Bà và những người cùng giai cấp luôn tôn thờ, kính ngưỡng thảy đều tôn kính con trai của Bà, điều đó có nghĩa là oai đức của con trai Bà còn cao hơn họ và lòng tự hào về con trai của Người Mẹ lại trỗi dậy mạnh mẽ như ngày nào.
Là một phụ nữ vốn thông tuệ, Bà hiểu ngay rằng: Con trai Bà như vậy thì chắc chắn, Thầy của con trai Bà oai đức còn cao hơn nữa và một niệm tôn kính Đức Phật được khởi lên ngay tự tâm Bà. Sau khoảnh khắc đó, Ngài Xá-lợi-phất đã giảng cho Mẹ bài pháp ngắn về ân đức cao tột của Đức Phật. Thật vi diệu, niềm kính tin vào Tam bảo trong Bà bừng sáng, Bà đã ngộ được chân lý giải thoát, chứng được Pháp nhãn thanh tịnh trong niềm xúc động và hỷ lạc ngập tràn. Danh tiếng của một dòng tộc về đẳng cấp và sự giàu có đã được thay bằng danh thơm ngát hương giác ngộ, giải thoát của một Bà mẹ vĩ đại đã chứng Thánh quả thứ nhất. Bà là người mẹ tuyệt vời cùng với bảy người con đều chứng quả A-la-hán, là những người con xuất sắc của Đức Phật, bậc long tượng làm giềng mối của Đạo pháp.
Lòng mong cầu, niềm tin của tôn giả Xá-lợi-phất từ mấy mươi năm về trước đã thành hiện thực, Ngài đã trọn bổn phận hiếu đạo của người con đối với mẹ của mình. Đó là cách báo hiếu tối thượng của bậc Tướng quân tài đức vẹn toàn. Thực hiện xong hạnh nguyện cuối, Ngài nhẹ nhàng thu thần nhập diệt trong vòng tay của người mẹ thân thương, của em trai là tôn giả Thuần-đà và của những đệ tử nhất mực tôn kính. Ngài mãi luôn là niềm tự hào to lớn của Đức Phật, của Tăng đoàn, của gia tộc và của biết bao người qua bao thế hệ.
Học theo hạnh hiếu của Ngài, chúng ta, những người con Phật cần hiểu sâu sắc về tâm hiếu hạnh và thực hành báo hiếu đúng pháp đối với cha mẹ của mình. Ngoài việc phụng dưỡng hàng ngày, chúng ta cần học, hành hạnh lắng nghe để thấu hiểu những chia sẻ, mong cầu tình cảm thiêng liêng của cha mẹ để biết cách chăm sóc, báo đáp bằng những hành vi, cử chỉ, lời nói yêu thương, giúp cha mẹ mình không thấy cô đơn của tuổi già xế bóng. Và đặc biệt, nếu cha mẹ chưa hiểu Phật pháp, nên tìm mọi cách, dùng mọi phương tiện để giúp cha mẹ có lòng kính tin Tam bảo. Cách thuyết phục hiệu quả nhất, trước nhất, chúng ta phải gương mẫu thực hành tốt mọi phận sự trong gia đình và ngoài xã hội với tâm chân thành, đầy trách nhiệm. Chỉ như vậy, chúng ta mới có thể tận hiếu với cha mẹ của mình.
Luôn nhận thức đúng trách nhiệm của người con, với lòng biết ơn mẹ cha vô hạn, chắc chắn tuệ giác và đức hạnh của ngài Xá-lợi-phất sẽ soi sáng cho chúng ta thực hiện hiếu hạnh của mình đối với các Đấng sinh thành.