VƯỢT THẮNG TÍNH LƯỜI BIẾNG

HH. DALAI LAMA XIV

Trích: Sống Hạnh Phúc - Chết Bình An - The Joy of Living - Dying in Peace; Dịch: Chân Huyền

Vậy thì tinh tấn nghĩa là gì? Ở đây nó có nghĩa là ta biết vui hưởng khi thực hành các nghiệp thiện. Bạn có thể vẫn làm những việc vô thưởng vô phạt hay gây ra những hành nghiệp bất thiện, nhưng trong Phật giáo, như thế không được coi là tinh tấn. Thực tập tinh tấn có nghĩa là tạo được nhiều niềm vui lớn khi phát triển các tính thiện. Một trở ngại của tinh tấn là tánh lười biếng. Nó thể hiện ra nhiều cách khác nhau: như tánh trì hoãn, hoặc là bị vướng mắc vào những hoạt động vô bổ, không chịu tin vào khả năng của mình, tất cả đều vì giải đãi (lười biếng) cả. Ta phải vượt thắng những trở ngại này.

Mục tiêu của Phật pháp là chuyển hóa tâm thức. Nó cũng giống như một công trình xây dựng ngoài đời, nhưng nó phải được thể hiện từ trong nội tâm ta. Khi khởi sự xây cất, ta phải tìm coi những hoàn cảnh và phương tiện cần thiết là gì để thu thập cho đủ vật liệu. Tương tự như vậy, ta cần nhận diện những trở ngại và dẹp bỏ từng thứ một khi muốn chuyển hóa tâm mình. Trở ngại chính của sự phát triển các tính thiện trong tâm là sự lười biếng, không có khả năng hoàn thành chuyện gì cả. Khi bạn bị vướng vào những hoạt động vô nghĩa và không thể tu tâm, đó là lười biếng. Khi bạn trì hoãn công việc tới mai mốt hay bỏ qua đi, bạn cũng đang biếng nhác vậy. Nếu bạn nghĩ: “Một người như tôi, làm sao mà tu cho được?” thì cũng là một hình thái giải đãi.

Muốn vượt thắng tính lười, ta phải biết lý do vì sao ta lười. Bạn chỉ biết tính đó khi loại bỏ được những căn nguyên của nó. Những căn nguyên khiến ta lười là: phí phạm thì giờ, nghỉ ngơi hay ngủ nhiều quá; không xúc động trước cảnh khổ luân hồi. Đó là ba yếu tố chính làm cho ta lười biếng. Càng nhận diện được sự giả tạm và những khổ đau trong cõi nhân sinh, bạn càng mong vượt thắng được chúng nhiều hơn. Trái lại, khi bạn không nhìn thấy cảnh khổ trên đời và cảm thấy đang sung sướng, thì bạn sẽ không có ý muốn được giải thoát. Ngài Aryadeva, một vị học giả nổi danh người Ấn đã nói: “Một con người không bị thất vọng vì cuộc đời thì đâu có để tâm tới Niết Bàn? Thật khó xa lìa thế tục khi ta đã ở quen trong nhà thì đâu có muốn đi ra ngoài nữa”.

Những phiền não trong tâm được ví như cái lưới, một khi bạn bị rơi và vướng mắc vào cái lưới đó, bạn sẽ không thể gỡ ra được để có tự do, mà sẽ bị chúng đưa vào cõi sanh tử. Một cách để chống bệnh lười biếng là nghĩ tới vô thường và nghĩ tới cái chết. Tử thần không có lòng từ bi. Dần dà, từng người một, thần chết sẽ mang ta đi. Chúng ta luôn luôn nghe nói người nào đó đã chết tại một nơi nào, trong một thời điểm nào. Khi nghe tin một người đã chết, ta thường nghĩ rằng họ đã tới số, mà không bao giờ nghĩ tới lượt mình cũng sẽ ra đi.

Chúng ta cũng giống như lũ cừu khờ dại khi nghĩ rằng các bạn mình bị đưa vào lò sát sanh, mà không biết là chính chúng cũng sẽ bị như vậy. Không sợ chết nên chúng tiếp tục vui chơi, ăn ngủ. Khi nào thần chết tới là điều ta không thể biết được. Nó có thể tới ngay thăm ngay khi ta vừa mới bắt đầu một công việc gì đó. Thần chết không cần biết ai có dự án vừa khởi sự hay đang tiến hành dở dang. Nó có thể tới bắt ta bất cứ lúc nào, một cách bất ngờ. Vì ta thế nào cũng chết, nên khi còn sống, ta nên rán tạo thiện nghiệp. Khi bị thần chết viếng rồi thì muốn bỏ tính lười cũng đã quá trễ, lúc đó không thể làm gì được nữa. Vậy chớ nên chần chờ, đừng tính để chuyện tu tâm dưỡng tánh tới ngày mai, hãy bắt đầu ngay đi.

Nếu bạn luôn trì hoãn, để việc phải làm tới ngày mai hay năm tới… thì dù có làm một danh sách những việc đó rồi ghi vào máy Computer, bạn vẫn sẽ bị đau nặng bất thình lình một ngày nào đó. Bạn sẽ phải vào nhà thương và uống những thứ thuốc bạn chẳng ưa chút nào. Bác sĩ có thể giải phẩu cho bạn. Có khi những người mặc áo trắng đó tỏ ra tử tế, thương người; cũng có khi họ mổ xẻ bạn như mở một cái máy ra sửa, chẳng có tình cảm chi hết.

Bình thường khi người ta khỏe mạnh, họ thường ba hoa là họ không tin ở kiếp trước kiếp sau gì cả. Nhưng khi cái chết gần kề, bạn sẽ nhớ lại tất cả những ác nghiệp. Tâm bạn có thể tràn đầy ân hận, đau khổ và phiền não. Bạn có thể nghe thấy cả tiếng chuông trong địa ngục và sợ đến vãi cả nước tiểu ra giường. Một người quen nói với tôi rằng khi anh ta bị ốm nặng và thân thể rất đau đớn, anh nghe nhiều tiếng động rất lạ tai. Có khi người ta ngất xỉu vì quá đau đớn. Trước khi tỉnh lại, hình như nhiều người thấy mình đã chui qua một cái ống. Đó là kinh nghiệm cận tử. Những người tạo nhiều nghiệp xấu đều kinh hoàng khi họ thấy tứ đại trong thân họ tan rã. Những người đã tạo nhiều nghiệp lành khi gần chết lại cảm thấy hài lòng và sung sướng.

Khi chúng ta sống, ta có thể bị kẻ thù bắt ta phải xa rời quê hương, nhưng ta vẫn mong có ngày xum họp với bà con thân thuộc. Nhưng khi chết thì ta phải vĩnh viễn lìa xa gia đình và bè bạn. Ngay cả cái thân thể yêu quý đã từng theo bạn đi bất cứ đâu, bạn cũng sẽ phải lìa bỏ nó. Và khi chết rồi mọi người sẽ coi cơ thể ta là thứ nguy hiểm, dễ sợ và xấu xí vô cùng. Mấy vị Du già (Yogins) thường nói: cái thây ma luôn luôn hiện diện trong ta, ngay cả khi ta còn sống. Thân mạng đó là thứ khó kiếm trong kiếp sau. Vậy nên khi có may mắn làm người, ta không nên vì ngu muội mà chỉ ngủ nghỉ thôi.

Phật pháp thượng thừa của Bụt mang lại cho ta nguồn suối an lạc bất tuyệt. Bỏ lỡ con đường cao tột nầy và bị lôi cuốn vào những cơ duyên gây khổ não thì thật là bất hạnh. Hãy kềm chế mình, đừng trì hoãn nữa mà nên cố gắng để có sáng suốt thực hành chuyện tu tập. Nó giống như chúng ta sửa soạn ra trận vậy. Trước hết bạn phải có tự tin để chiến đấu, bạn phải quyết tâm chịu cực khổ để thắng được tất cả những trở lực. Giống như một vị tướng cần có vũ khí tốt và lính thiện chiến, bạn phải có trí tuệ và nhiều đức tính. Khi đánh nhau, bạn phải xử dụng tối đa hỏa lực của khí giới, nhắm thẳng vào kẻ thù.

Tương tự như vậy, dù tu tập theo phương pháp nào, bạn cũng phải xử dụng trí tuệ một cách tỉnh thức, có chánh niệm. Kết quả, bạn sẽ thắng kẻ thù lười biếng và kiểm soát được thân tâm, tiến bước trên con đường tâm linh. Nếu nghĩ rằng bạn không có khả năng và thiếu thông minh thì thật là sai lầm. Ngay trong đời sống hằng ngày, bạn cũng nên tự tin khi muốn làm việc gì đó. Người Tây phương hay thiếu lòng tự tìn nơi chính mình, tôi không biết người Tây Tạng và các xứ văn hóa khác có bị như vậy không. Nhưng không tin ở chính mình làm cho ta rất suy nhược. Trong việc thường ngày hay trên con đường tâm linh, ta đều cần giữ vững lòng tin.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. BỒ ĐỀ TÂM TỊNH HÓA NGHIỆP XẤU – HẠNH PHÚC TỐI HẬU
  2. CON ĐƯỜNG HẠNH PHÚC
  3. TU TẬP TRONG ÁNH SÁNG CỦA PHẬT

Bài viết khác của tác giả

  1. MỘT ĐẦU ÓC UYỂN CHUYỂN
  2. KHÁM PHÁ NHỮNG GÓC NHÌN MỚI
  3. SUY TƯ VỀ NHỮNG NGƯỜI MUỐN BƯỚC THEO CON ĐƯỜNG PHẬT GIÁO

Bài viết mới

  1. THEO BẠN ĐAM MÊ LÀ GÌ?
  2. KHÔNG LÀM HẠI
  3. HÒA HỢP TỪ NHỮNG ĐỐI KHÁNG