INAMORI KAZUO
Trích: CÁCH SỐNG - Từ Bình Thường Trở Nên Phi Thường; Người dịch: Phạm Hữu Lợi; NXB Lao Động Xã Hội, 2017
Sự việc đi đến kết cục khác nhau tùy theo thiện tâm hay ác tâm của con người. Chẳng hạn khi tranh cãi, giữa thái độ “Phải làm cho ra nhẽ, bắt họ chấp nhận lý lẽ của mình vì họ sai trái” và thái độ “Cùng nhau tìm cách tháo gỡ vì họ cũng có lý của họ” thì với cùng một vấn đề, cách giải quyết sẽ khác nhau. Sự khác nhau phụ thuộc vào việc có hay không có thái độ “nghĩ đến mình thì cũng phải nghĩ đến người khác”.
Trước đây, vào thời kỳ quan hệ Nhật – Mỹ căng thẳng xung quanh vấn đề mở cửa thị trường Nhật Bản, tôi đã vận động để góp phần làm giảm căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước bằng cách lập ra “Ủy ban Nhật – Mỹ thế kỷ 21” nhằm tạo điều kiện cho những người thuộc khu vực kinh tế tư nhân trao đổi thẳng thắn các vấn đề vướng mắc.
Tôi đề nghị: Hai bên loại bỏ các tranh cãi mang tính thù địch, ngừng việc chỉ trích lẫn nhau. Vấn đề tranh cãi sẽ không thể đi đến hồi kết nếu bên nào cũng đem lý của mình ra bắt bên kia phải chấp nhận, phải nhượng bộ. Chỉ chăm chăm tính toán hơn thiệt, đấu lý với nhau thì mọi cuộc đối thoại chắc chắn sẽ kết thúc trong thất bại, lòng tin giữa hai bên bị đổ vỡ, tâm lý nghi kỵ sẽ gia tăng.
Vì thế , tôi đề nghị trước hết phải có thái độ tôn trọng đối phương; không khăng khăng bảo vệ quan điểm của mình; phải lắng nghe đầy đủ mọi suy nghĩ và quan điểm của đối phương, thúc đẩy đối thoại trên cơ sở tinh thần vị tha. Ngoài ra, tôi còn đề xuất, nếu thấy cần thì Nhật Bản nên nhượng bộ trước. Vì sao như vậy? Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, nước Mỹ đã không tiếc công, tiếc của cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm và kỹ thuật cho Nhật Bản. Mặt khác, Mỹ đã mở cửa thị trường rộng lớn của mình để tiếp nhận sản phẩm của Nhật Bản. Nhờ thế mà Nhật Bản đã phục hồi và phát triển như ngày nay.
Cho dù hành động đó có bị coi là nằm trong tính toán chiến lược của Mỹ đi chăng nữa nhưng việc Mỹ tỏ ra khoan dung đối với Nhật Bản sau chiến tranh cũng là sự thật không thể phủ nhận. Vậy thì đến lượt mình, Nhật Bản cũng nên bày tỏ thái độ tương xứng. Thái độ quảng đại, nhân nhượng, mang tinh thần vị tha chẳng phải là thể hiện tinh thần trọng nghĩa khí và biết ơn của một đất nước đã trở thành cường quốc kinh tế như Nhật Bản hay sao?
Tại uỷ ban này, chúng tôi đã thảo luận suốt hai năm trên tinh thần đó. Và chúng tôi đã đệ trình bản đề nghị của uỷ ban lên hai chính phủ.
Trong quá trình thiết kế hình ảnh quốc gia thì việc lấy “ĐỨC” làm nền tảng xây dựng đất nước cùng với tinh thần vị tha trở thành “từ khoá” quan trọng.
Trước đây, giáo sư Kawakatsu Heita thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Văn hoá Nhật Bản đã từng đề xướng khái niệm “Phú quốc hữu đức”. Phát triển quốc gia bằng ĐỨC chứ không phải chỉ bằng sự giàu có. Giúp đỡ các quốc gia khác trên cơ sở ĐỨC bằng cách sử dụng đúng đắn tiềm lực kinh tế của mình. Có được sự tin tưởng, kính trọng của các quốc gia khác bằng ĐỨC chứ không phải bằng sức mạnh quân sự hay sức mạnh kinh tế.
Theo tôi, phải lấy ĐỨC làm nền tảng căn bản của đường lối chính sách. Lấy ĐỨC làm trọng tâm chính sách, Nhật Bản – vốn từng bị chỉ trích rất nhiều do chỉ biết theo đuổi lợi ích riêng – sẽ phải đi trước trên con đường này, làm gương cho các quốc gia khác.
Con đường mà Nhật Bản hướng tới, không phải chỉ là cường quốc kinh tế và càng không phải là cường quốc quân sự, mà phải là xây dựng đất nước dựa trên nền tảng đạo đức.
Chúng ta không phải chỉ là quốc gia giàu có vì giỏi tính toán làm ăn, càng không phải là quốc gia chỉ biết diễu võ giương oai với tiềm lực quân sự, mà phải là quốc gia có khả năng giao tiếp với thế giới trên tinh thần thanh cao của con người – lấy ĐỨC làm nền tảng triết lý.
Chỉ đến khi trở thành quốc gia như vậy thì Nhật Bản mới thực sự trở nên cần thiết đối với cộng đồng thế giới và nhận được sự tôn trọng của các quốc gia khác, và cũng sẽ không có kẻ nào có ý định xâm lăng một đất nước lấy ĐỨC làm nguyên tắc ứng xử. Với ý nghĩ đó, tôi cho rằng đây cũng là chính sách bảo đảm an ninh quốc phòng tốt nhất.