TẠO MỘT NỀN TẢNG TỐT CHO THIỀN QUÁN

THANISSARO BIKKHU

Nguồn: Văn hóa Phật Giáo số 287 - 15/12/2017, Nguyễn Văn Nhật dịch từ nguyên tác: Creating a Good Ground for Meditation, Thanissaro Bikkhu. Trích từ tạp chí Lion’s Roar số tháng 12-2017. ( https://www.lionsroar.com/creating-a-goodground-for-meditation/)

Tỳ-kheo Thanissaro là Viện chủ của Metta Forest Monastery ở San Diego County, California, Hoa Kỳ. Ngài là tác giả của nhiều tác phẩm Phật học quen thuộc đối với độc giả phương Tây.

???

Nhiều người cứ nghĩ rằng chỉ cần thêm một chút thiền quán vào trong thời khoá sinh hoạt hàng ngày của mình thì những tác dụng tốt đẹp của thiền định sẽ tràn ngập toàn thể cuộc sống của họ mà chẳng cần phải làm thêm bất kỳ việc gì khác. Chỉ cần đưa thêm thiền quán vào cái hỗn hợp đời sống của ta thì điều đó sẽ thay đổi tất cả những hợp phần khác – đó là điều chúng ta thường nghĩ; nhưng thực sự thiền quán không tác động theo lối đó. Chúng ta phải làm cho đời sống của mình trở thành một nơi thích hợp để thiền quán thấm vào, vì lẽ một số hành động và trạng thái tâm thức của ta thực sự chống lại việc tiếp nhận bất kỳ ảnh hưởng nào của thiền quán.

Đó là lý do khi đang là một thiền giả, chúng ta vẫn phải xem xét cách mình sống trong cuộc đời, xem xét những hành động hàng ngày của mình. Hãy nghiệm xem ta có đang tạo ra được một môi trường thuận lợi cho thiền quán tiến bộ và mở rộng hay không; nếu không, việc thiền quán của chúng ta chỉ là cố nặn ra được những mảnh vụn nơi này nơi khác mà chẳng bao giờ thấm đẫm vào được bất kỳ điều gì.

Trong kinh điển Nguyên thủy, có một giáo pháp nói về năm nguyên lý mà một vị tu sĩ mới thụ pháp cần phải gìn giữ mãi trong tâm. Những nguyên lý này không chỉ áp dụng cho những vị tu sĩ mới, mà còn có giá trị với tất cả những ai mong muốn sống một cuộc sống sao cho ảnh hưởng của thiền quán thấm vào và tràn ngập mọi sự.

Nguyên tắc đầu tiên là giữ gìn giới đức. Hãy bảo đảm rằng chúng ta luôn bám vào các giới luật mà chính ta đã chấp nhận. Đối với các tu sĩ Phật giáo, đó là những giới luật căn bản được ghi trong Luật tạng. Đối với các cư sĩ, đó là Ngũ giới hay Bát giới tùy trường hợp. Khi giữ giới, chúng ta đang nắm vững những nguyên tắc chắc thật của cuộc đời mình. Đức Phật từng mô tả việc giữ giới như một món quà tặng: một món quà tặng cho chính mình và cho cả những người chung quanh mình. Khi giữ giới, chúng ta trao tặng sự bảo vệ cuộc sống cho những người khác, bảo vệ cho tài sản và danh dự của họ, bảo vệ cho sự thật. Ta bảo vệ họ ở chỗ ta không say sưa; ta bảo vệ họ ở chỗ ta không có những sinh hoạt tình dục bất chính. Và khi ta đã cam kết với chính mình rằng ta luôn luôn giữ những giới luật đó trong mọi trường hợp, Đức Phật bảo rằng khi đó ta đã trao tặng cho cuộc đời sự an toàn không giới hạn mà chính ta cũng được hưởng phần của sự an toàn đó. Như vậy, giới luật tạo ra một môi trường ở đó có sự bảo vệ nhiều hơn. Và khi có nhiều sự bảo vệ hơn thì việc thiền quán trở nên dễ dàng hơn. Giới luật cũng nuôi dưỡng một thái độ về việc hiến tặng. Cần nhận thức rằng chúng ta hiến tặng là vì hạnh phúc của chính mình. Khi có được một quan điểm như thế về việc hiến tặng, việc thiền quán cũng trở nên dễ dàng hơn, vì lẽ khi đến với thiền quán, người ta thường đặt câu hỏi, “Tôi có thể nhận được gì từ sự thực hành này?”. Nhưng nếu chúng ta đã quen hiến tặng và đã nhận biết được những kết quả tốt của việc hiến tặng, có nhiều khả năng là chúng ta sẽ đặt một câu hỏi khác, rằng “Tôi có thể mang lại điều gì cho việc thiền quán? Những nhu cầu nào cần được hiến tặng để mang lại những kết quả tốt đẹp?”. Với thái độ đó trong tâm, chúng ta sẽ dễ dàng hơn trong việc hiến tặng thời gian và năng lực của mình theo một cung cách mà có thể trước đó ta chưa sẵn sàng.

Nguyên tắc thứ hai để tạo ra một môi trường tốt cho việc thiền quán trong cuộc đời mình là sự chế phục các căn. Chúng ta không chỉ phải cẩn thận trước những gì xuất hiện trong tâm thức; chúng ta còn phải cẩn thận trước tất cả những gì sẽ đi vào tâm thức của mình qua những điều mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm, và sự xúc chạm của thân thể. Hãy cẩn thận đừng chú ý đến những gì có thể sinh khởi sự tham lam, giận dữ, và u mê. Nếu chúng ta không cẩn thận trong lúc thấy, nghe… chúng ta sẽ rất khó kiểm soát được những suy nghĩ, vì lẽ suy nghĩ luôn luôn tinh tế hơn. Điều đó không có nghĩa là chúng ta bước ra đường với dải băng che mắt và với những nút bịt lỗ tai; nó chỉ có nghĩa là chúng ta cần khéo léo trong việc chúng ta nhìn vào sự vật như thế nào, lắng nghe mọi chuyện như thế nào. Trước những điều gì đó có khuynh hướng khơi gợi lòng tham dục hay sự giận dữ, chúng ta hãy học cách để thấy, để nghe những điều ấy qua những khía cạnh làm mất tác dụng gây tham dục và giận dữ. Nói một cách khác, trước một điều hấp dẫn, ta hãy tìm cách thấy hay nghe về điều đó qua những khía cạnh không hấp dẫn; và ngược lại, trước một điều không khả ái, ta hãy tìm cách thấy và nghe về điều ấy qua những khía cạnh khả ái. Như một vị thầy thuộc trường phái Tu trong Rừng ở Thái Lan là ngài Ajahn Lee thường nói, “hãy là người có đủ hai con mắt, chứ đừng chỉ có một”.

Điều đó không có nghĩa là chúng ta không nên nhìn vào thân thể (người khác). Nó chỉ có nghĩa là chúng ta nên nhìn với sự thận trọng. Hãy nhìn vào những phần không hấp dẫn. Điều đó làm cân bằng cái nhìn một chiều, cứ chăm chú vào những bộ phận hấp dẫn mà bỏ qua tất cả những điều khác, chỉ để sinh khởi sự ham muốn. Xét cho cùng, chẳng phải thân thể tạo nên sự ham muốn mà chính tâm thức gây ra cảm giác ham muốn. Nhiều khi tâm muốn có được cảm giác ham muốn nên cố tình điều khiển các căn tìm đến những điều kích thích sự ham muốn. Tâm níu giữ bất kỳ chi tiết hấp dẫn nhỏ nào mà nó phát hiện, ngay cả khi những chi tiết ấy xuất hiện giữa những điều ô uế.

Cho nên, hãy giám sát chặt chẽ những gì xuất phát từ tâm và những gì được thu nhận vào tâm. Đối với người thế tục, điều đó có nghĩa là phải cẩn thận trước những người bạn mà mình giao du, trước những sách báo mà mình đọc, trước những chương trình truyền hình mà mình xem, trước những loại âm nhạc mà mình thưởng thức. Sau một thời gian, ta sẽ nhận biết rằng những điều nêu trên không có nghĩa là chúng ta tự hạn chế sự nghe nhìn của chính mình, mà là ta đã học được cách nghe nhìn thận trọng hơn, trọn vẹn hơn. Nay, chúng ta bắt đầu thấy được mọi khía cạnh của sự vật mà trước đó chúng thường tỏ ra hoặc chỉ hấp dẫn, hoặc chỉ vô vị và đáng chán.

Điều này đòi hỏi nhiều cố gắng. Chúng ta cần phải có nhiều nghị lực hơn trong việc quán sát xem chúng ta nghe nhìn như thế nào. Thế nhưng ích lợi của nó là tâm thức của chúng ta sẽ ở một trạng thái thích hợp hơn cho việc thiền quán vì lẽ tâm ta không còn bị lấp đầy bởi những điều có thể gây hại cho việc thiền quán, làm yếu đi sự tập trung tâm ý, hoặc xen vào giữa lúc ta đang chú ý tới một đề mục. Cho nên, rất nhiều lần, khi ngồi xuống để thiền quán, nếu chúng ta bất cẩn trong việc giám sát những gì đi vào tâm hay xuất hiện từ tâm, chúng ta sẽ thấy giống như chúng ta đang phải dọn dẹp một căn phòng đã bị bỏ hoang từ lâu. Có quá nhiều rác rưởi ở đó đến nỗi chúng ta phải dành cả giờ đồng hồ để dọn dẹp và phát hiện rằng cuối cùng chúng ta chỉ có được vài phút tĩnh lặng thực sự vào lúc kết thúc thời thiền. Đừng để bất kỳ chút rác rưởi nào ở cửa ra vào hay cửa sổ. Như thế, chúng ta sẽ thấy mình có được một chỗ thật vừa ý để tĩnh tâm khi chúng ta thực hiện một thời thiền quán ở nhà.

Nguyên tắc thứ ba là kiềm chế chuyện trò. Lần đầu tiên khi tôi đến học với vị thầy của mình, ngài Ajahn Fuang, ngài dạy rằng bài học đầu tiên của việc thiền quán là kiểm soát cái miệng. Nói cách khác, trước khi mở miệng ra để nói điều gì, ta hãy tự hỏi, “Điều này có cần thiết không? Điều này có ích lợi không? Có lý do nào xứng đáng để nói điều này không?”. Nếu có thì cứ nói. Nếu không, tốt hơn là hãy lặng im. Như ngài dạy, nếu ta không kiểm soát được cái miệng thì làm sao ta kiểm soát được tâm. Và một khi ta đã có thói quen đặt ra những câu hỏi như trên trước khi nói, ta sẽ thấy rằng rất ít những cuộc trò chuyện là thực sự cần thiết. Nếu ta đang ở chỗ làm việc và muốn trò chuyện với những người đồng sự để tạo một không khí thân tình ở đó thì cũng được, điều đó được kể là những lời cần thiết. Nhưng những “câu chuyện làm quà” như thế thường đi quá xa. Từng bước, chúng ta sẽ trở nên bất cẩn, bỗng nhiên đi lạc đề, và rồi cuộc trò chuyện trở thành những điều tán gẫu huyên thuyên không đâu, chẳng những mất sức mà còn là nguồn gốc của những điều nguy hiểm. Thông thường, những gì được nói ra gây nên nhiều tai họa nhất là khi người ta cho bất kỳ những gì có trong tâm được phép thoát ra khỏi cửa miệng mà không có bất kỳ một sự ước thúc nào.

Nếu việc tuân thủ nguyên tắc này khiến ta có tiếng là người kém giao thiệp thì cũng chẳng sao. Chúng ta sẽ thấy rằng những điều mà ta nói ra với sự thận trọng – tiết kiệm từng lời một – bắt đầu được đánh giá cao hơn. Cùng lúc, chúng ta cũng tạo ra được một bầu khí tốt đẹp hơn cho tâm thức của mình. Sau cùng, nếu chúng ta quen nói chuyện phiếm cả ngày, làm thế nào chúng ta có thể dừng những điều nói phiếm trong tâm thức mình khi ta bắt đầu ngồi xuống để thiền quán? Nhưng nếu chúng ta phát triển được thói quen giám sát việc trò chuyện của mình, thói quen đó cũng được áp dụng vào sự thiền quán. Tất cả những cái miệng trong tâm thức của chúng ta cũng bắt đầu biết dừng bặt.

Nguyên tắc thứ tư để tạo môi trường tốt cho việc thiền quán là tìm một chút cô tịch. Việc này giúp chúng ta có thể đạt được ý thức về một cách nhìn vào hoàn cảnh và một cách quyết định về những gì là quan trọng đối với cuộc sống của mình, khiến cho những gì diễn ra trong tâm thức của ta nổi bật hẳn lên. Hãy tìm nhiều cơ hội để sống cuộc sống cô tịch nếu có thể. Điều đó tốt cho ta. Nếu một người bối rối khi phải sống trong sự cô tịch thì điều đó có nghĩa là người ấy còn nhiều điều về nội tâm chưa giải quyết được.

Cho nên, hãy tạo ra một chỗ cô tịch ngay trong ngôi nhà của mình. Hãy tắt máy truyền hình, tắt đèn, và hãy cho phép mình ở một mình mà đừng có quá nhiều điều gây xao lãng. Cứ nói với mọi người là tôi thường xuyên cần một khoàng nhỏ thời gian cô độc. Khi sống cô độc, ta sẽ thấy những điều vẫn ẩn sâu trong lòng bỗng nổi lên trên bề mặt của tâm thức – và chỉ khi chúng nổi lên trên bề mặt của tâm thức thì chúng ta mới có thể đối phó được với chúng. Khi không có nhiều dữ liệu từ bên ngoài đưa vào, tâm thức của ta có khuynh hướng ở lại với sự thiền quán một cách dễ dàng hơn. Có thể khi bắt đầu một thời thiền, tâm thức ta vẫn rộn rã những ý tưởng huyên thuyên, nhưng chỉ sau một lúc, mọi chuyện lắng xuống; chúng ta chỉ thích được tĩnh lặng. Cùng lúc, chúng ta tách khỏi mọi ảnh hưởng của tư tưởng và ý kiến của bất kỳ người nào khác. Chúng ta buộc phải tự hỏi mình, “Tôi thực sự tin vào điều gì? Ý kiến của tôi là gì? Điều gì quan trọng đối với tôi khi tôi không còn bị ảnh hưởng bởi ý kiến của những người khác?”.

Điều này dẫn đến nguyên tắc thứ năm là phát triển chánh kiến. Chánh kiến có hai cấp bậc. Trước hết, có một niềm tin vào luật về nghiệp – rằng những gì chúng ta làm đều mang lại hậu quả. Và chúng ta phải thừa nhận rằng thực sự chính là chúng ta có hành động, rằng không hề có ai ở bên ngoài ta thực hiện hành động ấy thông qua ta, chẳng có thần thánh hay ma quỷ nào cả. Chúng ta đưa ra quyết định và chúng ta có khả năng thực hiện những quyết định đó cho dù khéo léo hay vụng về.

Việc tin vào luật về nghiệp là điều quan trọng, vì điều đó mang lại cho chúng ta nhiều năng lực hơn trong cuộc sống. Đó chính là niềm tin mang lại quyền năng cho phép ta hành động – nhưng cũng đòi hỏi chúng ta phải có trách nhiệm. Đó là lý do khiến chúng ta phải thận trọng trong mọi hành vi, không cho phép chúng ta lơ là. Khi chúng ta thận trọng về mọi hành động, khi đến thời thiền quán, chúng ta cũng dễ dàng thận trọng đối với tâm thức mình.

Cấp bậc thứ hai của chánh kiến, cấp bậc siêu thế, là nhìn mọi sự qua Tứ diệu đế – sự đau khổ, nguyên nhân của sự đau khổ, tình trạng chấm dứt sự đau khổ, và con đường dẫn tới tình trạng chấm dứt sự đau khổ. Hãy cứ nhìn vào toàn bộ chuỗi kinh nghiệm của chính mình: thay vì chia nó ra theo những khuôn mẫu thông thường là của tôi và không phải tôi, hãy cứ chỉ nhìn để thấy rằng đâu là nơi đang có đau khổ. Hãy hỏi, “Tôi đang làm gì để gây nên sự căng thẳng này? Tôi có thể buông bỏ hành động đó hay không? Tôi cần phải phát triển những phẩm chất nào, tôi cần phải buông bỏ những điều gì… để loại bỏ sự khao khát, sự ngu dốt là nền tảng của những căng thẳng này? Khi tôi từ bỏ sự tham ái, tôi có thể nhận thức được điều gì đang xảy ra hay không?”. Thông thường, khi ta từ bỏ sự tham ái đối với điều này thì ta lại vướng vào sự tham ái đối với điều khác. “Làm sao tôi có thể khiến mình tự nhận thức được khoảng cách giữa hai điều tham ái và mở rộng khoảng không gian ấy? Điều gì giống với việc có được một tâm không tham ái?”.

Đức Phật dạy rằng việc nhìn sự vật theo cách nêu trên là điều rất quan trọng, vì nếu chúng ta đồng hóa mọi sự vật với chính mình, làm sao chúng ta có thể hiểu được bất kỳ điều gì thực sự là gì? Nếu chúng ta khăng khăng rằng đau khổ là chính mình, làm sao chúng ta hiểu được đau khổ là gì? Nếu chúng ta chỉ nhìn thấy đó là đau khổ mà đừng gán cái nhãn “của mình” vào đấy, khi ấy chúng ta bắt đầu thấy nó đúng như nó đang là, và bấy giờ ta học được cách buông bỏ nó. Nếu điều đau khổ đó là chính mình, nếu ta giữ niềm tin rằng nó là chính mình, chúng ta không thể buông bỏ nó được. Ngược lại, việc nhìn mọi sự vật theo quan điểm Tứ diệu đế cho phép ta giải quyết toàn bộ vấn đề đau khổ.

Vậy, hãy nhìn toàn bộ cuộc đời của ta dưới ánh sáng ấy. Thay vì đổ lỗi cho người khác về những đau khổ của mình, hãy xem xét ta đang làm gì để gây nên điều đau khổ đó và trước hết hãy tập trung giải quyết việc ấy đã. Khi ta đã phát triển được thái độ này trong cuộc sống hàng ngày, thật là dễ dàng để áp dụng nó vào việc thiền quán. Ta đang tạo ra một môi trường mà ở đó càng lúc nó càng tạo ra nhiều ý nghĩa để ta bám vào con đường thánh ấy.

Cho dù ta là một vị tu sĩ mới thụ pháp trong tu viện hay chỉ là một cư sĩ sống cuộc sống thế tục, những điều này là những yếu tố tạo ra một môi trường thiền quán: luôn luôn tuân thủ giới luật, sẵn sàng chế phục các giác quan, thực hành việc kiềm chế thói quen thích trò chuyện, sắp xếp cho mình những chỗ hẻo lánh tĩnh mịch, và phát triển chánh kiến. Khi ta giữ vững những nguyên tắc vừa nêu, chúng sẽ tạo ra một môi trường thuận lợi cho việc tập trung tư tưởng cũng như một môi trường dễ tiếp thu cho phép những kết quả của sự tập trung tư tưởng ấy thấm đẫm không gian quanh ta. Bằng cách này, việc thực hành của chúng ta có đủ không gian tăng trưởng và chuyển hoá mọi sự chung quanh.

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đám mây, bầu trời và ngoài trời

Bình luận

[…] Vì vậy để giải phóng khỏi tình trạng đối lập ấy người ta phải tạo ra một cảm giác vượt lên trên tất cả. Một tay lang bạt, sống ngoài vòng pháp luật, đến đâu cũng bị bạc đãi, không phải chỉ bởi những kẻ khác mà còn bởi chính mình, nó thấy rằng mình là sở hữu chủ của tất cả tài sản và uy quyền mà một sinh vật có thể đạt được trong cõi đời này – sao lại có thể thế, nếu không cảm giác được kỳ cùng vẻ tự tôn tự đại của mình? Một Thiền sư nói: “Lúc chứng ngộ là lúc thấy ra một lâu đài tráng lệ xây bằng pha lê trên một tơ hào độc nhất; nhưng khi không chứng ngộ, lâu đài tráng lệ ấy khuất lấp sau một tơ hào mà thôi”. Một Thiền sư bác, hiển nhiên là dẫn dụ kinh Hoa Nghiêm (Avatamsaka) nói: “Này các Thầy hãy xem kìa! Ánh sáng rực rỡ đang tỏa khắp cả đại thiên thế giới, cùng lúc hiển hiện mọi xứ sở, hiển hiện tất cả những núi Tu di (Sumerus), những mặt trời, những mặt trăng, những bầu trời và cõi đất – nhiều đến hằng trăm nghìn ức số. Này các Thầy, các Thầy có thấy ánh sáng ấy chăng?”. Thế nhưng, cảm giác siêu thoát của Thiền đúng ra là một cảm giác trầm lặng của cõi lòng tri túc; nó chẳng có chút gì lồ lộ, khi giây phút sáng lạn đầu tiên đã đi qua. Cái Vô Thức ấy không bộc lộ ồn ào ở Thiền. […]


Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP