TẾT AN BÌNH

Theo Tuổi trẻ online 18/01/2020 , LƯU ĐÌNH LONG thực hiện

Báo Tuổi Trẻ đã có cuộc trò chuyện với TS Dương Hoàng Lộc, giám đốc Trung tâm nghiên cứu tôn giáo – đạo đức (Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG TP.HCM), về việc làm thế nào để đón một cái tết mang nhiều giá trị truyền thống trong một tâm thái nhẹ nhàng, tươi vui.

Giữ gìn cái đẹp

* Thưa tiến sĩ, ông có thể chia sẻ suy nghĩ về những sinh hoạt tâm linh của người dân trong những dịp trước, trong và sau tết hiện nay?

– Dân tộc Việt Nam vốn hiện hữu đời sống tâm linh độc đáo, đa dạng và phát triển lâu đời nên rất sâu sắc. Tết là thời khắc quan trọng đối với mỗi gia đình, mỗi con người Việt Nam. Không chỉ vậy, nó còn phản ánh nhiều đặc điểm văn hóa dân tộc. Qua thực hành văn hóa tâm linh chúng ta có thể nhận thức rõ điều này.

Ngày tết, người Việt Nam không chỉ vui chơi mà còn hướng đến Phật, thánh, thần và đặc biệt là ông bà tổ tiên, cho thấy sự giao hòa giữa con người với cái thiêng ở thời gian khởi đầu một năm mới. Nhờ đó giúp bà con hướng về cội nguồn, quê hương và gia đình trên nền tảng chân, thiện, mỹ, phát triển các giá trị đạo đức truyền thống.

Cụ thể, trước ngày tết, người Việt đi tảo mộ để dọn dẹp mộ phần tổ tiên được sạch sẽ, khang trang và thắp hương, bày lễ vật thể hiện tâm thành với ông bà mình.

Thông thường những ngày cận tết, người dân lau dọn và trưng bày bông hoa, trái cây, bánh mứt ở các bàn thờ trong nhà, nhất là bàn thờ tổ tiên. Ngày 30 tết, người dân nấu các món ăn truyền thống để thỉnh mời tổ tiên về ăn tết cùng con cháu. Những ngày mùng 1, mùng 2, mùng 3 tết, nhiều gia đình vẫn giữ lệ cúng thức ăn mỗi ngày cho ông bà tổ tiên.

Đặc biệt, ngày 30 tết, nhiều gia đình ở miền Nam còn bày thêm mâm cơm ở ngoài sân cúng chiến sĩ trận vong, đồng bào tử nạn, những vong hồn vất vưởng không nơi nương tựa. Thiết nghĩ, điều này thể hiện tính nhân văn của bà con, một sự bao dung, rộng rãi cần được nhắc đến.

Những năm gần đây, gần cuối năm, nhiều người còn làm từ thiện bằng việc ủng hộ, giúp đỡ người nghèo hưởng một cái tết no đủ với tâm nguyện hành thiện tích đức là một việc làm mang ý nghĩa thiết thực, thể hiện lối sống nhân ái, nghĩa tình.

Đêm giao thừa, nhiều người có thói quen đi lễ chùa để cầu nguyện một năm mới được bình yên, hạnh phúc, no đủ. Ngày nay, việc đi chùa đầu năm khá phổ biến từ thành thị đến nông thôn suốt từ mùng 1 đến mùng 3.

Sau đó, việc tổ chức đi hành hương đến các danh lam cổ tự, các đền miếu trên khắp ba miền liên tục diễn ra để con người tạ ơn và cầu khấn những mong ước của họ sớm thành hiện thực trong năm mới.

Như vậy, đối với người dân Việt Nam, trước và trong, sau tết, việc thực hành văn hóa tâm linh luôn được coi trọng. Theo tôi, đây chính là một giá trị văn hóa tốt đẹp, phản ánh chiều sâu về văn hóa tinh thần mà thế hệ chúng ta hôm nay cần gìn giữ.

Giao thoa kim cổ, thành thị – nông thôn

* Vậy để có cái tết thật ý nghĩa, chúng ta nên có những sinh hoạt văn hóa tâm linh nào cũng như nên làm những gì cho phù hợp với thời đại ngày nay?

– Thật ra, sinh hoạt văn hóa tâm linh ngày tết phụ thuộc nhiều vào đặc trưng văn hóa vùng miền cũng như truyền thống các gia đình theo nếp xưa truyền lại.

Tuy nhiên, theo suy nghĩ riêng của tôi, con người ngày càng văn minh, tiếp cận nhiều với công nghệ, bận bịu với công việc thì có xu hướng tìm về các giá trị văn hóa truyền thống ngày tết, trong đó có thực hành tâm linh, nhằm mang lại những điều thú vị, bổ ích và hơn hết là để nhận biết nguồn cội văn hóa của bản thân.

Tuy vậy, các sinh hoạt văn hóa tâm linh ngày tết cần hướng đến sự thăng bằng cho người dân trong cuộc sống, mang lại sự bình an, thanh thoát, nhẹ nhàng, sự gần gũi thiên nhiên để giúp họ vơi đi những căng thẳng, lo toan của nhịp sống ngày càng nhanh chóng, hối hả. Vì thế, chúng ta cần tổ chức nhiều không gian sinh hoạt văn hóa tâm linh cho cộng đồng xã hội, nhất là khu vực thành thị.

* Có ý kiến cho rằng người trẻ bây giờ ít hiểu về những giá trị truyền thống, trong đó có tết, các lễ nghi cúng kính cũng không mặn mòi và cho rằng đó là đánh mất văn hóa, đồng nghĩa với mất gốc rễ! Ông nghĩ sao về điều này?

– Tôi không nghĩ vậy! Giới trẻ hôm nay có cách thực hành văn hóa tết theo cách nghĩ của họ, nhất là sao cho phù hợp với xu thế phát triển kinh tế – xã hội nhanh chóng. Bản thân văn hóa không thể đứng yên, văn hóa phải thay đổi mới phát triển, nhưng làm sao không đánh mất bản sắc.

Tôi thấy nhiều bạn sinh viên những ngày giáp tết gói bánh chưng, bánh tét tình nguyện để gửi đến bà con, chiến sĩ ở vùng sâu vùng xa, hay tích cực vận động gạo, mì và quần áo cho người nghèo. Những hình ảnh này rất đáng quý và trân trọng! Họ biết kế thừa truyền thống cũng như phát huy tính nhân văn, khơi gợi lòng nhân ái của con người trong xã hội hôm nay.

Còn về lễ nghi, cúng kính, chúng ta làm sao phải gọn gàng, tránh rườm rà, nhất là giải thích nguồn gốc, ý nghĩa của các tập tục, lễ nghi để các bạn trẻ hiểu rõ và đúng thì mới gắn họ với văn hóa tết truyền thống.

Thông qua đó gắn kết họ với tổ tiên, với quê hương đất nước, với những giá trị cao đẹp của dân tộc Việt Nam.

Qua quan sát những năm gần đây, các phương tiện truyền thông, các trang mạng xã hội trở thành một kênh thông tin quan trọng cho xã hội, nhất là các bạn trẻ, trong việc nâng cao sự hiểu biết về văn hóa tết truyền thống. Đây là điều đáng mừng, cần phổ biến.

Bình luận


Bài viết mới

  1. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ
  2. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  3. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH