MỖI SINH MỆNH ĐỀU CÓ MỘT CƠ CHẾ GIÚP ĐẠT ĐẾN TUỔI THỌ TỰ NHIÊN

HIROMI SHINYA

Trích: Nhân Tố Enzyme, Phương Thức Sống Lành Mạnh; Việt dịch: Như Nữ; NXB. Thế Giới; Công ty CP Sách Thái Hà; 2019

Người ta cho rằng trong 100 năm qua, Y học đã có những bước tiến vượt bậc. Tuy nhiên, số người mắc bệnh không những không giảm mà ngày một tăng lên. Vậy nếu y học thực sự tiến bộ thì tại sao số bệnh nhân lại không giảm?

Liệu có phải y học hiện đại đã sai lầm ngay từ bước đầu? Y học hiện đại ngày nay bắt đầu từ quan điểm “chữa trị” tức là chữa khỏi bệnh. Theo tôi, đây là điều hết sức sai lầm. Đáng lẽ chúng ta phải tìm hiểu cơ thể con người bắt đầu từ trạng thái khỏe mạnh, nghiên cứu về việc làm thế nào để duy trì được sức khỏe và xây dựng nền “y học thực sự” thay vì nền y học bắt đầu từ các loại bệnh tật.

Tôi bắt đầu nghiên cứu một cách nghiêm túc về mối quan hệ giữa ăn uống và sức khỏe từ hơn 30 năm trước. Hồi đó, tôi đã khám sức khỏe cho rất nhiều người ở Mỹ và tôi nhận ra rằng dạ dày, đường ruột chính là thước đo để biết được tình trạng sức khỏe của một người và cải thiện dạ dày, đường ruột là con đường dẫn đến cải thiện sức khỏe. Vì vậy, bên cạnh việc nỗ lực nghiên cứu và phát triển kỹ thuật polypectomy (kỹ thuật cắt bỏ polyp bằng phương pháp nội soi) để giúp những người bệnh đang đau khổ về căn bệnh này, tôi cũng bắt đầu đi tìm nguyên nhân gốc rễ khiến con người mắc bệnh.

Tôi đã đọc hàng ngàn tài liệu, cùng với sự giúp đỡ của các bệnh nhân, thu thập các số liệu lâm sàng, tự bản thân kiểm chứng ảnh hưởng của thuốc và nghiên cứu cả các loài động vật hoang dã. Kết quả tôi đã nhận ra rằng “đi ngược lại quy luật tự nhiên bao gồm tất cả mọi điều trên thế giới (có thể cho là ý của chúa trời) sẽ khiến con người mắc bệnh”.

Trong các loài động vật hoang dã, hầu như không có các bệnh liên quan đến lối sống sinh hoạt. Tất nhiên, ta cũng phải thừa nhận rằng một trong số nguyên nhân chính là ở thế giới tự nhiên không bác sĩ, không thuốc thang bệnh tật gắn liền với cái chết.

Các loài động vật hoang dã hầu như không có tình trạng “mắc bệnh” như ở con người. Tại sao chúng lại không mắc bệnh. Bởi chúng luôn tuân theo các quy luật tự nhiên.

Bản thân sự sống luôn có cơ chế để đi đến hết tuổi thọ tự nhiên của mình. Không có sự sống nào bắt đầu vòng đời bằng bệnh tật cả. Cũng có những cá thể khi sinh ra đã mang những căn bệnh bẩm sinh, tuy nhiên đó Là hậu quả từ những ảnh hưởng di truyền hoặc ảnh hưởng môi trường trong quá trình hình thành sinh mệnh. Trên thế giới, nếu không có nguyên nhân sẽ không tồn tại kết quả. Kể cả những căn bệnh bẩm sinh không rõ nguyên nhân hay những căn bệnh không rõ nguyên nhân khác, không phải là chúng không có nguyên nhân mà là ta chưa tìm ra được nó.

Mỗi sinh mệnh, từ khi sinh ra đã mang trong mình một “kịch bản” cần thiết để sống lâu và khỏe mạnh. Tôi gọi đó là “kịch bản cửa sự sống”. Nói một cách đơn giản đó là các loài động vật luôn “biết những điều cần thiết theo bản năng” để sinh tồn. Nói cách khác, các loài động vật hoang dã biết được kịch bản của sự sống, nên chúng sống theo bản năng và sống theo kịch bản đấy.

Răng của động vật ăn thịt và răng của động vật ăn cỏ khác nhau chính là biểu hiện của quy luật tự nhiên, “thức ăn của các người là như thế đấy”. Và hàm răng của chúng ta cũng chứa những quy luật tự nhiên trong đó.

Bản thân con người cũng có “kịch bản của sự sống” nhưng chúng ta lại kiêu ngạo bỏ qua kịch bản ấy. Chúng ta bỏ qua “kịch bản” sắp đặt theo quy luật tự nhiên là do “lòng tham” không đáy của chính mình. Con người đã mắc sai lầm trong “suy nghĩ”, ân huệ mà chúa trời ban cho con người, tự con người nghĩ rằng mình là sự tồn tại đặc biệt, coi bản thân là sinh vật bậc cao hơn các loài động vật khác, nuôi các loài động vật như gia cầm hay vật nuôi để bản thân vui vẻ.

Nền văn hóa mà con người xây dựng được cho đến nay, ở một góc độ nào đấy chính là nền văn hóa “dục vọng”. Để thỏa mãn dục vọng được ăn các món ngon hơn, chúng ta đã vượt ra khỏi phạm vi thực phẩm cho phép của tự nhiên. Để thỏa mãn dục vọng được sống tốt hơn, chúng ta đã tạo ra hàng loạt công cụ tiện lợi tại mỗi nền văn minh, và đi cùng với nó là phá hoại môi trường tự nhiên. Vì dục vọng muốn canh tác an nhàn hơn, chúng ta cho ra đời các loại thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật… Và vì muốn có nhiều đất đai, tiền bạc hơn chúng ta đã tạo ra chiến tranh.

Trong xã hội loài người hiện nay, để đạt được những “ham muốn”, những “tiện ích” ngày càng lớn, chúng ta đang phải trả giá bằng chính sức khỏe của mình.

May mắn là trong tiến trình phát triển của y học hiện nay, chúng ta đang dần nhận ra chúng ta không hề khỏe mạnh. Chúng ta là một phần của tự nhiên. Và một phần của tự nhiên này nếu muốn sống lâu, khỏe mạnh thì phải biết tuân theo các quy luật của tự nhiên. Tuân theo các quy luật của tự nhiên là biết lắng nghe “kịch bản của sự sống” trong mỗi chúng ta. Chúng ta cảm thấy đói mặc dù bản thân lại thừa cân, đó chính là cơ thể đang thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết. Chúng ta bị táo bón hay tiêu chảy, đó là do chúng ta ăn các thức ăn không phù hợp với bản thân. Và chúng ta bị bệnh, đó là do chúng ta coi thường kịch bản của sự sống.

Vì vậy, tôi cho rằng Y học trong tương lai không phải là giữ vững nền y học hiện tại, chỉ tập trung vào việc điều trị, mà phải chuyển sang nền y học biết nhìn nhận các quy luật tự nhiên, lắng nghe kịch bản của sự sống, đánh thức khả năng trị bệnh tự nhiên trong mỗi con người và giúp bồi đắp sự sống.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. CHỮA LÀNH BẰNG NĂNG LƯỢNG CÓ THỂ GIÚP TÔI NHƯ THẾ NÀO?
  2. CHÌA KHÓA CỦA SỨC KHỎE LÀ SỐ LƯỢNG ENZYME
  3. NỤ CƯỜI CHỮA LÀNH TRÁI TIM NGƯỜI ĐỐI DIỆN

Bài viết khác của tác giả

  1. “TÌNH YÊU” GIÚP TĂNG CƯỜNG SỨC ĐỀ KHÁNG
  2. NẾU KHÔNG LẮNG NGHE CƠ THỂ THÌ KHÔNG HIỂU ĐƯỢC
  3. “TÌNH YÊU” GIÚP TĂNG CƯỜNG SỨC ĐỀ KHÁNG

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ