INAMORI KAZUO
Nếu nhận ra mình đã phạm sai lầm,
đừng khổ sở một cách vô ích, mà
quan trọng là phải tạo suy nghĩ mới,
chuyển sang hành động mới sao cho
lần tới không thất bại nữa. Điều đó
mới là quan trọng.
Tội nghiệt trong quá khứ biến mất khi bạn gặp khó khăn
Đời người thường xảy ra những điều khiến tâm hồn khổ sở như những điều lo lắng, hay những thất bại, v.v… Nhưng cũng như cốc nước bị đổ không thể hốt lại, những thất bại đã xảy ra rồi thì dù có dằn vặt, khổ sở đến mấy cũng chẳng có ý nghĩa gì.
Hiểu như vậy mà vẫn cứ tiếp tục ôm trong lòng sự tiếc rẻ “giá mà suôn sẻ thì…” thì chỉ khiến tâm hồn trở nên yếu đuối, kéo theo sự mệt mỏi về thể xác, rồi khiến cuộc đời bạn bất hạnh mà thôi. Nhất định phải từ bỏ, không để những cảm xúc mệt mỏi, những dằn vặt trong tâm trí bị tích tụ lại.
Những gì đã xảy ra thì đành chịu. Nếu nhận ra mình đã phạm sai lầm, đừng khổ sở một cách vô ích, mà quan trọng là phải tạo suy nghĩ mới, chuyển sang hành động mới sao cho lần tới không thất bại nữa. Điều đó mới là quan trọng.
Những gì đã xong thì dù có phản tỉnh sâu sắc, vẫn không để bị ảnh hưởng bởi những tình cảm, cảm xúc khiến bản thân mệt mỏi. Phải suy nghĩ về sự việc một cách lý tính, chuyển sang suy nghĩ mới, hành động mới ngay. Điều đó sẽ giúp cuộc đời trở nên tuyệt vời.
Tôi cũng từng gặp phải khó khăn thế này. Đó là câu chuyện phát triển xương nhân tạo bằng ceramic cho những bệnh nhân bị tổn thương về xương, khớp.
Lâu nay, xương nhân tạo thường được chế tạo bằng kim loại. Thế nhưng, kim loại vào trong cơ thể con người sẽ bị chảy ra, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Sau khi thử nghiệm tìm kiếm chất bất hoạt tính hơn, tôi biết ceramic phù hợp. Vì vậy, tôi đã phát triển khớp hông nhân tạo bằng ceramic dành cho các bệnh nhân có khớp hông có vấn đề, hay xương hông bị lão hóa, không đi lại được.
Tôi tiến hành tất cả các thử nghiệm cần thiết như thử nghiệm với động vật, v.v.., được Bộ Y tế (nay là Bộ Y tế & Lao động & Phúc lợi xã hội) cấp giấy phép bán hàng. Sản phẩm được đánh giá cao về tính năng tuyệt vời, bắt đầu được sử dụng trong các bệnh viện đại học nổi tiếng toàn quốc.
Một trong những bệnh viện đó đề nghị phát triển khớp gối nhân tạo. Vì có rất nhiều người không thể đi lại do khớp gối suy giảm chức năng nên họ đề nghị chúng tôi nhanh chóng phát triển khớp gối bằng ceramic. Khác với khớp hông, nếu không tiến hành thí nghiệm lâm sàng đầy đủ và không có giấy phép của Bộ Y tế thì việc cung cấp khớp gối sẽ vi phạm luật về dược. Vì vậy, Kyocera đã từ chối lời đề nghị ấy. Thế nhưng đối tác vẫn tiếp tục nài nỉ.
“Bệnh nhân gặp rất nhiều khó khăn. Đây là việc cứu giúp người. Xương khớp nhân tạo bằng ceramic không có độc tính, kết quả ghép với hông cũng được thực tế chứng minh là ổn rồi. Vì vậy, chắc chắn dùng cho đầu gối cũng không có gì xấu đâu. Nhất định sẽ không phiền gì đâu, hãy sản xuất đi.”
Bị nài nỉ đến vậy rồi thì chúng tôi đành làm thử sản phẩm giao cho họ. Sau đó vì nhận được phản hồi “kết quả tốt lắm, cứ sản xuất nhiều hơn nữa đi” nên chúng tôi tiếp tục giao hàng.
Sau đó vài năm, một nghị sĩ đã chất vấn ở Quốc hội: “Gần đây, Công ty hàng đầu Kyocera đang bán cho bệnh nhân khớp gối nhân tạo chưa được cấp phép, kiếm lời khủng”. Vụ việc trở nên ầm ĩ, các báo, tạp chí liên tiếp viết “Kyocera kinh doanh vô đạo đức”. Không cần biết động cơ thế nào, nhưng rõ ràng việc không làm thủ tục pháp lý là một sai lầm không thể chối cãi. Chúng tôi hối lỗi và đã xin lỗi với tư cách công ty. Cùng với hình thức xử phạt cấm sản xuất 1 tháng là việc công ty chủ động hoàn trả chi phí chữa trị cho những bệnh nhân có liên quan. Hơn thế nữa, để phòng chống tái diễn, chúng tôi thiết lập Ban Xử lý Kiểm toán Đặc biệt, xem xét lại chế độ quản lý của Công ty. Dù vậy, Công ty vẫn bị báo chí chỉ trích nhiều ngày liên tục khiến thời gian đó, chúng tôi trải qua những ngày khổ sở tưởng chừng không thể chịu đựng nổi.
Khi ấy, tôi tìm đến lão sư Nishikata Tansetsu chùa Empuku ở Kyoto, là người hướng dẫn của tôi. “Hẳn sư thầy cũng đã biết tin qua báo chí, con đang gặp phải khó khăn rất lớn. Con thật bối rối. Sau khi nghe xong câu chuyện của tôi, sư Tansetsu cười nói: “Điều đó là bằng chứng cho thấy anh Inamori đây đang sống”.
Khi tôi còn đang trong tâm trạng chẳng biết nên sống hay chết thì được sự thấy nói là bằng chứng đang sống. Tôi thật không hiểu rõ ý nghĩa của lời nói ấy, chằm chằm nhìn mặt nhà sư.
“Vì đang sống nên mới gặp khó khăn như vậy. Nếu chết rồi, khó khăn cũng chẳng phải gặp. Là bằng chứng anh đang sống đấy”.
Tôi đã nghĩ chuyện đó là đương nhiên. Nhưng những lời tiếp theo của sự thấy khiến tôi ngộ ra.
“Không biết là kiếp trước hay kiếp này, nhưng đó là cái nghiệp mà anh đã tạo ra trong quá khứ, bây giờ nó trở thành kết quả và hiện ra. Đúng là bây giờ gặp tai họa thế này, vất vả thật đấy. Nhưng tội nghiệt mà anh đã tạo ra trong quá khứ này trở thành kết quả thì cũng là lúc cái nghiệp đó biến mất. Nghĩ rằng nghiệp biến mất rồi thì phải vui lên mới đúng chứ? Nếu phải đánh đổi sinh mạng thì gay go chứ chỉ ở mức độ vài ba bài báo nói xấu thì chẳng phải đáng mừng sao? Ngược lại, phải chúc mừng đấy”.
Xuyên suốt, đó là một khó khăn mà tôi phải đối mặt trong công việc quản lý. Một cái nghiệp mà tôi đã tạo ra trong quá khứ, không biết ở kiếp trước hay kiếp này nhưng nay kết quả đã xuất hiện. Khi được khuyên “nghĩ rằng nghiệp đã biến mất và phải chúc mừng”, những khổ sở trong lòng tôi như tan ra trong khoảnh khắc.
Nếu gặp phải những trở ngại khó lòng chịu đựng dù đã làm điều đúng đắn, ta dễ bị suy sụp, khó có thể tiến lên phía trước. Nhưng quan trọng là chính những lúc ấy, ta không nên rơi vào tình trạng u sầu, khổ não mà phải hối cải sâu sắc rồi nhìn về tương lai, mạnh mẽ bước một bước tiến mới. Chính bằng cách như vậy mới có thể tận dụng khó khăn hiện tại thành cơ hội kết nối với tương lai mà không lãng phí.