MỐI LIÊN QUAN GIỮA NGƯỜI CỘNG SỰ VÀ TIỀN

KEN HONDA

Trích: Những Bài Học Đáng Giá Về Giàu Có - Túi khôn của tỷ phú Thụy Sỹ; NXB Hồng Đức, cty PHS Saigonbook

– Bây giờ ông sẽ giải thích cho cháu nghe mối liên kết giữa người cộng sự và tiền.

Sau khi thấy tâm trạng của tôi đã ổn định lại, ông Hoffmann liền bắt đầu bài học quan trọng tiếp theo:

– Ông hiểu điều này năm ông 20 tuổi. Cũng giống, như cháu, lúc đó ông bắt đầu tìm gặp những nhà tỷ phú để học hỏi thêm được nhiều điều, cố gắng tìm ra những điểm chung của họ. Và cuối cùng ông đã tìm ra Đặc điểm chung của những nhà tỷ phú đó là họ rất xem trọng người cộng sự của mình. Người cộng sự chính là người đặc biệt, không nhất thiết phải là vợ chồng hay người yêu. Cộng sự trong kinh doanh cũng vậy. Những người đang thành công rất xem trọng mối quan hệ với đối tác và họ luôn đặt niềm tin lên hàng đầu.

Dĩ nhiên, nhiều người giàu thường bồ bịch rất lung tung số người yêu mà họ có không chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhưng ông nhận ra rằng, những người như vậy không có ai hạnh phúc cả. Có thể bề nổi của họ cho ta thấy rằng họ đang thực sự vui vẻ, tuy nhiên tận sâu trong thế giới ham mê khoái lạc đó thì không thể nào tìm ra được hạnh phúc cũng như sự bình an. Cháu có thể tưởng tượng thế giới đó giống như địa ngục trong đạo Phật vậy.

Những lời của ông Hoffmann mới dễ hiểu làm sao. Điều ông nói khiến tôi liên tưởng đến những trường hợp mà mình đã gặp hồi còn ở Nhật. Đỉnh điểm nền kinh tế bong bóng của Nhật đã tạo ra rất nhiều “vị vua” trong giới bất động sản. Tôi đã gặp những tay giám đốc

nửa mùa tỏ ra thông thái, lúc nào cũng đi với một cô nhân tình mới, lân la ở các khu phố thời thượng Ginza nói chuyện làm ăn. Nhìn họ lui tới văn phòng của các nhà chính trị, như lời ông Hoffmann nói, tôi cảm nhận được nỗi hoang mang thất vọng trong sự nhốn nháo của thời cuộc.

– Quay trở lại đề tài chính, những người giàu có hạnh phúc rất xem trọng cộng sự của mình. Cộng sự luôn là người ở bên cạnh họ trong mọi hoàn cảnh, dù đó là niềm vui hay nỗi buồn thì họ đều muốn chia sẻ với người này. Đương nhiên, sự gắn bó đó không liên quan đến tiền bạc, mà nó được tạo nên từ sự trân trọng, quý mến và thực lòng muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho nhau. Những tỷ phú mà ông gặp, họ xem trọng cộng sự hơn cả đế chế kinh doanh lẫn số tài sản khổng lồ mà họ gầy dựng được.

Tạo ra năng lượng làm chủ cuộc đời

– Cháu đã từng nghe nói đến từ “Master Mind” chưa ?
– Dạ, cháu đã nghe ông Geller nói qua về từ đó. Nhưng ông có thể giải thích rõ ràng hơn giúp cháu được không?

– “Master Mind” là một trạng thái liên kết nhiều người lại với nhau. Cháu hãy nghĩ đến thời điểm 12 tông đồ được Chúa Giêsu tuyển chọn trong các môn đệ của mình. Trước đây một chút chúng ta có cuộc cách mạng Pháp, cuộc chiến tranh giành độc lập của nước Mỹ, hay như cuộc cải cách Minh Trị của Nhật cũng vậy. Thời hiện đại, chúng ta có cuộc đấu tranh giành độc lập của Gandhi, hay phong trào đòi dân quyền của Martin Luther King…. Tất cả những thành quả vĩ đại trong lịch sử vừa kể trên, cái đầu tiên cần phải có là khả năng kết nối mọi người lại với nhau.

Trong giới kinh doanh phải kể đến Carnegie, Henry Ford, Edison,… Cách kinh doanh của họ là sử dụng sự tích cực của mình để truyền cảm hứng đến mọi người. Cháu hãy thử tìm đọc bộ sách Think and Grow Rich (Tạm dịch Nghĩ giàu và làm giàu) của phóng viên trẻ tuổi Napoleon Hill. Hill đã được chính Andrew Carnegie truyền cảm hứng để viết nên cuốn sách này khi gặp gỡ và viết bài về Carnegie.

– Ra là thế. Cháu đã sử dụng cái gọi là “Master Mind” một cách vô thức khi làm dự án xếp hạc giấy phải không ông?

– Đúng vậy. Sự kết nối vô cùng sâu sắc, giống như một thỏi nam châm tạo ra những điều kỳ diệu. Nếu cháu sử dụng những điều này một cách tích cực và hiệu quả thì dẫu làm bất cứ việc gì cũng thành công. Nếu so với những thành tựu mang tính chất lịch sử thì việc làm cho cuộc sống trở nên hạnh phúc và kéo tiền bạc đến gần mình hơn là việc quá dễ dàng phải không nào?

4 LÝ DO SỰ CỘNG TÁC HẠNH PHÚC KÉO TIỀN BẠC LẠI GẦN HƠN

Ông sẽ giải thích cho cháu tại sao có một người cộng sự tốt sẽ khiến cho tiền tự động tiến lại gần. Nhưng phải nhớ rằng một người cộng sự tốt là người mà ta hoàn toàn có thể tin tưởng nhờ cậy và luôn có cảm giác vững vàng kiên định trong mối quan hệ với họ.

1. Dễ được mọi người tín nhiệm
– Được tín nhiệm sẽ dần tạo thành một thói quen. Nếu được nhiều người tín nhiệm thì bản thân người đó sẽ ngày càng trở nên đáng tin hơn và có trách nhiệm hơn. Chính vì vậy, khi hợp tác với một người nhận được nhiều sự tín nhiệm thì cháu có thể hoàn toàn yên tâm vì với họ, trách nhiệm là thứ được đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó, nếu cháu sở hữu một mối quan hệ tốt đẹp với cộng sự thì sẽ khiến cho người khác cảm kích và trân trọng cháu hơn. Từ đó, sự tín nhiệm cũng dần đến với cháu, và cơ hội cũng cứ thế ùa đến một cách rất tự nhiên.

2. Làm tăng dũng khí
Khi có một người cộng sự đồng cam cộng khổ trong mọi hoàn cảnh thì cháu sẽ có nhiều động lực hơn cả để vượt qua trở ngại. Nếu cháu làm một mình hoặc có một người cộng sự bình thường những rào cản có thể quật ngã cháu hoàn toàn vì cháu không có một chút động lực nào để đứng dậy đi tiếp. Thế nhưng khi có một người cộng sự tuyệt vời, người mà cháu hết sức yêu thương và trân trọng thì tất cả những rào cản không thành vấn đề. Chỉ cần nghĩ tới chuyện sẽ làm cho người mình yêu thương được hạnh phúc thì dũng khí sẽ gấp trăm ngàn lần.

3. Không có phí tổn dư thừa
– Sự hòa hợp sâu sắc với người cộng sự cũng sẽ giúp cháu không phải tốn tiền một cách vô nghĩa. Có nghĩa là trong một mối quan hệ hạnh phúc giữa hai người sẽ không xuất hiện thêm những khoảng chi phí vô bổ nào khác. Còn ngược lại, nếu đó là mối quan hệ không hạnh phúc, ví dụ như một người chồng ngoại tình, một cô vợ nghiện mua sắm chẳng hạn thì sẽ có thêm nhiều chi phí tốn kém hơn.

4. Tiếp cận cơ hội
– Những người có mối quan hệ tốt với cộng sự luôn có vận may tốt. Chính vì đã có một nền tảng vững chắc nên tạo cho người tiếp xúc có cảm giác vững vàng trong các mối quan hệ khác, kéo theo nhiều cơ hội đến. Cháu có để ý rằng nếu cuộc sống luôn tràn ngập tình yêu thương thì mọi thứ dường như trở nên may mắn hơn không?

 

Bài viết này đã đóng bình luận.


Bài viết khác của tác giả

  1. XÁC ĐỊNH MỤC ĐÍCH CỦA ĐỜI MÌNH
  2. XÁC ĐỊNH MỤC ĐÍCH CỦA ĐỜI MÌNH – TUỔI 30 HOÀI BÃO
  3. 5 KỸ NĂNG ĐỀ TỰ XOAY CHUYỂN CHÍNH MÌNH

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP