LISE BOURBEAU
Trích: Nhận Diện 5 Tổn Thương; Người dịch: Quế Chi; NXB. Dân Trí; Công ty XB Thiện Tri Thức, 2023
Khi một đứa trẻ được sinh ra, tự trong sâu thẳm nó đã biết lý do vì sao nó đầu thai. Đó chính là được làm chính mình trong khi sống qua rất nhiều trải nghiệm. Vả lại, linh hồn nó đã chọn gia đình và hoàn cảnh sống để sinh ra cùng với một mục tiêu rất cụ thể. Tất cả chúng ta đều có một nhiệm vụ giống nhau khi đến với Trái đất này: trải nghiệm cuộc sống cho đến khi nào chúng ta chấp nhận nó và trong quá trình đó yêu thương lấy mình.
Chừng nào chúng ta còn chưa chấp nhận một trải nghiệm nào đó, tức là vẫn còn phán xét nó, vẫn còn dằn vặt vì nó, sợ hãi, tiếc nuối nó, hay mọi dạng không chấp nhận khác, chừng đó con người ta còn không ngừng thu hút vào mình những hoàn cảnh, sự kiện và con người đẩy ta quay trở lại với trải nghiệm đó một lần nữa. Một số người không chỉ gặp cùng một trải nghiệm nhiều lần trong đời, mà còn phải đầu thai một hay nhiều lần nữa thì mới có thể hoàn toàn chấp nhận nó.
Chấp nhận một trải nghiệm nào đó không có nghĩa là chúng ta mong muốn có nó hay đồng tình với nó, mà đúng hơn là cho phép ta cảm thụ và học hỏi từ những gì ta đã trải qua. Đặc biệt chúng ta phải học cách nhận ra cái gì là có ích cho mình, cái gì là không. Cách duy nhất để nhận ra điều đó là trở nên ý thức về hậu quả của mỗi trải nghiệm. Tất cả những gì mà ta đã lựa chọn hoặc không lựa chọn, tất cả những gì mà ta đã làm hoặc không làm, tất cả những gì mà ta đã nói hoặc không nói và thậm chí tất cả những gì ta đã nghĩ và không nghĩ, đã cảm và không cảm đều để lại hậu quả.
Đã là người thì ai cũng muốn sống ngày càng sáng suốt hơn. Khi chúng ta nhận ra một trải nghiệm nào đó dẫn tới những hệ quả nguy hại, thì thay vì đổ lỗi chính mình hoặc cho người khác, ta chỉ cần học cách chấp nhận là mình đã chọn nó (cho dù vô thức) để nhận ra quyết định đó là không khôn ngoan hoặc không có lợi cho mình. Rồi sau này ta sẽ nhớ mãi mà nhắc nhở mình tránh chuyện đó. Đấy mới chính là chấp nhận một trải nghiệm nào đó trong cuộc sống. (Bạn có thể phải cho phép bản thân mình lặp lại một sai lầm hoặc sống lại kinh nghiệm khó chịu nào đó hết lần này tới lần khác.) Ngược lại, tôi cũng nhắc bạn nhớ rằng cho dù bạn có tự nói với chính mình: “Minh không muốn sống như thế này nữa” thì thế nào trải nghiệm ấy cũng trở lại cho đến khi bạn học được kinh nghiệm cần thiết và có sức mạnh ý chí để chuyển hóa điều đó. Tại sao ngay sau lần đầu tiên bạn không hiểu ra điều đó? Đó là vì cái tôi của chúng ta, cái tôi được duy trì bởi chính niềm tin của chúng ta.
Chúng ta ai cũng có rất nhiều niềm tin, chúng ngăn cản chúng ta trở thành con người mà ta mong muốn. Những niềm tin và thái độ càng khiến ta đau đớn, chúng ta càng cố gắng che giấu chúng. Chúng ta thậm chí còn tin rằng chúng không thuộc về mình nữa. Do đó để hòa giải được với chúng thì chúng ta cần phải đầu thai nhiều lần. Chỉ khi nào tinh thần, cảm xúc và thể xác của chúng ta lắng nghe vị Thượng đế bên trong chúng ta thì khi đó tâm hồn chúng ta mới hoàn toàn vui vẻ.
Mọi trải nghiệm nếu không được chấp nhận thì đều tích tụ lại ở linh hồn. Vì linh hồn là bất tử nên nó không ngừng trở đi trở lại dưới nhiều nhân dạng khác nhau vì những hành lý là những gì tích tụ trong ký ức linh hồn. Trước khi sinh ra, chúng ta đã quyết định tại sao ta muốn trở lại kiếp này và để giải quyết chuyện gì. Quyết định này và tất cả những gì đã tích tụ từ các kiếp trước đều không được lưu lại trong ý thức của chúng ta, tức là ký ức thuộc về trí tuệ. Chỉ khi thời gian dần trôi, chúng ta mới nhận thức được kế hoạch của linh hồn, ý thức được mục đích sống và những gì mà chúng ta phải giải quyết.
Bất cứ khi nào tôi dùng từ “chưa giải quyết” là tôi có ý nói đến một trải nghiệm nào đó diễn ra mà ta không chấp nhận chính bản thân ta. Chấp nhận một trải nghiệm khác với chấp nhận bản thân. Hãy lấy ví dụ một cô bé bị người cha phủ nhận, bởi ông ta muốn có một cậu con trai. Trong trường hợp này, chấp nhận trải nghiệm tức là cho phép người cha đó có quyền được khao khát một đứa con trai và phủ nhận đứa con gái. Còn với cô bé, chấp nhận bản thân có nghĩa là được phép tức giận với người cha và tha thứ cho bản thân vì đã tức giận với ông. Không nên để có bất cứ phán xét nào đối với người cha và với chính bản thân, chỉ có lòng trắc ẩn và thấu hiểu dành cho nỗi khổ đau của mỗi người.
Cô ấy biết rằng trải nghiệm này sẽ hoàn toàn được hóa giải khi tự cho phép mình làm hoặc nói điều gì đó phủ nhận người khác (mà cô ấy không cố ý, nhưng kết quả có thể như nhau nếu người này bị tổn thương vì sự phủ nhận đó) và không hề chỉ trích bản thân. Có một cách khác để cô biết được kiểu tình huống này thực sự đã được hóa giải và đã được chấp nhận hay chưa: nếu người mà cô đã “phủ nhận” không tức giận với cô thì cô sẽ nhận ra rằng sống ở đời ai trong chúng ta cũng có lúc nào đó phủ nhận một người khác.
Đừng để cái tôi đánh lừa bạn. Nó vẫn thường xuyên dùng mọi cách để khiến chúng ta tin rằng mình đã hóa giải được tình huống. Chúng ta thường xuyên nói với bản thân là: “Phải rồi, mình đã hiểu tại sao người ta hành động như thế” để không phải nhìn lại bản thân mình và không phải tha thứ cho chính mình. Cái tôi của chúng ta lúc nào cũng mưu mô gạt những tình huống khó chịu sang một bên. Đôi lúc, chúng ta chấp nhận một tình huống hoặc một người nào đó nhưng lại không hề tha thứ cho bản thân hoặc cho phép bản thân được quyền tức giận người đó. Đây gọi là “chỉ chấp nhận trải nghiệm”. Tôi xin nhắc lại: “Quan trọng là phải phân biệt được chấp nhận trải nghiệm và chấp nhận bản thân”. Chấp nhận bản thân khó hơn, bởi cái tôi của chúng ta không muốn thừa nhận rằng tất cả những trải nghiệm khó chịu đã diễn ra với chúng ta chỉ có một mục tiêu duy nhất là chỉ cho ta thấy rằng ta chẳng qua cũng hành động như những kẻ khác.
Bạn đã nhận ra rằng khi bạn đổ lỗi cho ai về chuyện gì đó, thì chính người ấy cũng sẽ đổ lỗi cho bạn về chuyện tương tự hay chưa?
Thế cho nên học cách hiểu rõ và chấp nhận bản thân nhiều nhất có thể là điều vô cùng quan trọng. Đây chính là cách giảm bớt những tình huống khó chịu trong cuộc sống. Làm chủ cuộc sống của mình hay để cho cái tôi kiểm soát cuộc đời bạn, điều đó phụ thuộc vào bạn. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để chuyện này thì cần rất nhiều bản lĩnh bởi không tránh khỏi việc nó sẽ chạm vào những tổn thương xưa kia, những tổn thương vốn có thể là rất tệ, nhất là khi chúng đã lưu cữu từ nhiều kiếp. Trước một tình huống hoặc một người cụ thể nào đó, bạn càng đau khổ bao nhiêu thì vấn đề càng sâu đậm bấy nhiêu.
Nếu muốn tự giúp mình, bạn có thể dựa vào vị Thượng đế trong chính bạn, người toàn tri, toàn hiện và toàn năng bên trong bạn. Quyền năng này luôn hiện diện và sẵn có bên trong bạn, hướng bạn về phía những người và những tình huống cần thiết để bạn trưởng thành và phát triển theo như kế hoạch cuộc đời đã được chọn trước khi bạn sinh ra.