TÁC ĐỘNG CỦA MÔI TRƯỜNG LÊN HOÀN CẢNH

JIM ROHN

Trích: Bốn mùa cuộc sống; Nguyễn Thanh Huyền dịch; NXB. Lao Động

—–????—–

DÙ CHO MỘT NGƯỜI có tín ngưỡng hay thiên hướng tư duy nào, thì cũng khó để phủ nhận rằng nhân loại theo một cách nào đó đã ăn khớp với một kế hoạch vĩ đại do một thế lực chi phối mà rất ít người trong chúng ta hiểu được. Cá nhân tôi tin rằng con người đến từ một nơi nào đó… rằng trí tuệ của anh ta tồn tại ở đâu đó khác trước khi tới trái đất này. Tôi tin rằng trí tuệ cá nhân, sự tồn tại của riêng anh ta, cư ngụ ở đâu đó khác, lớn dần, học tập, cố gắng, thất bại, và thành công – nhưng luôn luôn phát triển.

Quãng đời của chúng ta trên tinh cầu này chỉ đơn giản là một bậc thang trong một kế hoạch phát triển trường cửu được tính toán kỹ lưỡng nào đó, ở đó, bằng cách nào đó, chúng ta trở nên vượt trội trong một kiếp sống để đi theo, hoặc lùi lại và chứng kiến những người ta yêu thương tiến lên, chứ không phải lùi lại, và vượt qua chúng ta, về phía một nhận thức mới, một sự hiểu biết sâu sắc hơn về vạn vật. Phải chăng đây là ý nghĩa của “địa ngục” và “trừng phạt”.

Hãy hình dung ra sự đau đớn của bản thân khi khám phá ra rằng thực ra chúng ta đang được “thử thách” mà không hề hay biết, và thay vì sự phát triển cá nhân lâu bền, một nhận thức sâu sắc hơn, một sự hiểu biết mới, ta lại quyết định chọn sự cẩu thả, biếng nhác, nhỏ nhen, và mơ hồ. Và với những người chúng ta thật lòng yêu thương trên trái đất này, những người đã lựa chọn những lợi ích lâu dài hơn cho “phòng thí nghiệm trái đất” này, sự tiến bộ của họ diễn ra ngay trước mắt chúng ta và chúng ta bị bỏ lại phía sau, không cách nào theo kịp. Sự trừng phạt vĩnh cửu của chúng ta là nhận thức được về tình yêu đáng trân quý, và những người mà chúng ta yêu thương bước lên trước trong tiến trình vĩnh cửu của họ. Tuy chúng ta không thể nói, tiếp xúc, hôn, thể hiện cảm xúc… nhưng lúc nào cũng nhận thức được sự tồn tại của họ, dù họ không hề biết đến sự tồn tại của chúng ta.

Theo những gì tôi đã đọc, suy ngẫm và nghiên cứu về hành vi và số phận của con người, tôi ngày một tin tưởng sâu sắc rằng số phận của chúng ta là trưởng thành, thành công, thịnh vượng và tìm kiếm hạnh phúc khi chúng ta còn sống trên đời. Ở một đất nước ngập tràn cơ hội, việc tìm được trong đời người sự giác ngộ về điều tốt đẹp nhất trong những điều đang tồn tại, bao gồm cả sự thịnh vượng cá nhân, là điều nằm trong tầm tay. Trái ngược với giáo điều của một số tôn giáo, giàu có không phải là quỷ dữ – nghèo đói mới là ác quỷ. Vì nghèo đói (trừ một số ngoại lệ cực đoan) đè nén cá nhân, hoặc nhóm các cá nhân tài năng. Họ quyết định để những người phát hiện ra họ và sử dụng tài năng của họ lo liệu cho họ. Tôi biết rằng người ta nói về những người có sức mạnh thiêng liêng như thế này: “những kẻ nhu mì sẽ thừa hưởng trái đất”, nhưng những nơi thực hiện điều này cũng nói rằng để “nhu mì” thì đồng thời, bạn phải nghèo. Điều đó hoàn toàn điên rồ… đó là một kiểu dạng hợp lý hoá thô kệch được những kẻ lười nhác và vô dụng sử dụng để biện minh cho sự trì trệ một cách tự nguyện của mình. Và khi nói lười nhác và vô dụng, tôi bao hàm cả những người đầu hàng khi đối mặt với khó khăn – dù cho có là những khó khăn khủng khiếp; những người tạo ra được ít thành quả nhưng vẫn hoàn toàn gắn bó với lý tưởng, khuynh hướng, hay nghề nghiệp nào đó – tôi dứt khoát xếp họ vào những người thậm chí không bao giờ cố gắng để cải thiện tình trạng cuộc sống của mình. Hãy hình dung Washington quyết định không cố gắng vì vượt sông Delaware có vẻ không phải là một ý tưởng hay. Hãy hình dung Lincoln bỏ cuộc vì bị làm bẽ mặt khi là lính, thất bại khi kinh doanh hoặc bị các đối thủ đánh bại hoàn toàn trong các cuộc thăm dò dư luận. Hãy hình dung John Kennedy quyết định không lên mặt trăng – để biến Mĩ thành người đi tiên phong, trong mắt cả người dân Mĩ lẫn phần còn lại của thế giới. Và hãy hình dung một thế giới không có sự cống hiến của những con người ấy, cùng những người vĩ đại khác, những người vượt qua nghịch cảnh bằng tài năng, khát vọng và lòng quyết tâm tuyệt đối nhằm để lại một thế giới tốt đẹp hơn.

Trong trường hợp tôi chưa nói được rõ ý kiến của mình, ngay tại đây, ngay lúc này, hãy biết rằng Chúa trời, hay bất cứ thế lực nào đứng đằng sau sự tồn tại của chúng ta, đều không muốn chúng ta thất bại, hay ngập trong nghèo đói, thương hại bản thân, tự đày đoạ, hay trở nên tầm thường trong bất cứ dạng nào. Đó không phải là kế hoạch vĩ đại dành cho con người. Con người được ban cho những nguyên liệu cần thiết để tiến bộ, như trí tưởng tượng, các ý tưởng, cảm hứng và năng lực trí tuệ chưa được khai thác… và năng lực đó không có giới hạn. Giới hạn duy nhất đặt ra cho những khả năng của chúng ta là sự bất lực trong việc nhận ra bản chất vô hạn của mình. Cần phải có nỗ lực để nhận biết được những khả năng vô biên và đáng kinh ngạc của chúng ta. Cần phải có nỗ lực để trở nên hăng say với một lý tưởng, hay một công việc. Cần phải có nỗ lực để tiếp tục khi kết quả của chúng ta – cũng như của bạn bè chúng ta – bảo ta đừng cố gắng nữa. Cần phải có nỗ lực để cảm nhận đúng về những điều xảy ra – niềm vui cũng như nỗi buồn trong đời. Và cũng cần phải có nỗ lực để học yêu bản thân hơn tất thảy, nhất là khi chúng ta nhận thức quá tỉnh táo về những thất bại, tâm lý ngần ngại và bi kịch của bản thân. Tuy nhiên, thất bại thì không cần phải nỗ lực. Nó chẳng đòi hỏi gì nhiều ngoài thái độ huỷ hoại từ từ đối với hiện tại, tương lai và chính bản thân chúng ta.

Trớ trêu thay, một trong số ít những điều ở cuộc đời này mà chúng ta có toàn quyền kiểm soát chính là thái độ của chúng ta, tuy thế, hầu hết chúng ta sống cả đời và hành xử như thể chúng ta không hề có chút quyền kiểm soát nào hết. Bằng thái độ của mình, chúng ta quyết định đọc, hay không đọc. Bằng thái độ của mình, chúng ta quyết định cố gắng hay từ bỏ. Bằng thái độ của mình, chúng ta quy trách nhiệm cho bản thân khi thất bại, hay ngu ngốc đổ lỗi cho người khác. Thái độ của chúng ta quyết định liệu ta yêu hay ghét, nói thật hay nói dối, hành động hay trì hoãn, tiến bộ hay thụt lùi, và bằng thái độ của mình, chúng ta, và chỉ chúng ta thôi, thực sự quyết định thành công hay thất bại.

Thật độc đáo vô cùng khi Chúa trời, người đã tạo ra vũ trụ phức tạp và bao la này, lại tạo ra loài người và trao cho nhân loại ấy quyền tự do lựa chọn thành công hay thất bại cho chính mình.

Vị Chúa trời kỳ lạ nhưng toàn tri này đã ban cho chúng ta một tinh cầu cân bằng một cách tinh tế gọi là trái đất, và Người đặt loài người có trí tuệ ở đó, những người sẽ phát triển nó hoặc huỷ hoại nó. Thật kỳ diệu xiết bao khi Chúa trời lại để cả hai dự án ấy – trái đất và nhân loại – dở dang! Qua các con sông và con suối, Người không dựng cây cầu nào; Người để lại những bức tranh chưa được vẽ, những bài hát chưa được cất thành lời, những cuốn sách chưa viết, và những khoảng trống chưa được khám phá. Để đạt được những điều ấy, Chúa trời tạo ra một nhân loại chưa hoàn thiện, con người ấy, trong trái tim và trí óc mình, có khả năng làm tất cả những điều trên và phụ thuộc nhiều hơn vào lựa chọn của chính anh ta. Thái độ quyết định lựa chọn, và lựa chọn quyết định kết quả. Tất cả những gì chúng ta đang là, và tất cả những gì chúng ta có thể trở thành quả thật hoàn toàn phụ thuộc vào chúng ta.

Ngay giây phút này, khi bạn đang đọc những dòng chữ này, thái độ của bạn đã quyết định bạn là ai. Lòng nhiệt tình, sự mãnh liệt, niềm tin vào bản thân, sự kiên nhẫn với bản thân và với người khác, sự hào hứng trẻ thơ về tương lai vô hạn của bạn là kết quả của một từ duy nhất ấy – thái độ. Công việc của Chúa đã xong rồi, nhưng công cuộc tạo ra tương lai tốt đẹp hơn cho bạn chỉ mới bắt đầu. Vì miễn là bạn còn hít thở, bạn vẫn còn cơ hội hoàn thành công việc ấy, và trong khi làm việc đó, hoàn thành công việc trên trái đất, cho trái đất và cho bản thân bạn mà Chúa đang để dở dang. Trong những chu kỳ và mùa của cuộc sống, thái độ là tất cả!

—–????—–

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. ĐƯỜNG ĐẾN SỰ THÔNG THÁI
  2. BA LĨNH VỰC CỦA SỰ PHÁT TRIỂN CÁ NHÂN
  3. THU HÚT THÀNH CÔNG, CHỨ KHÔNG THEO ĐUỔI THÀNH CÔNG

Bài viết mới

  1. SỰ KHIÊM TỐN THUYẾT PHỤC
  2. TU TẬP THIỀN BẰNG CÁCH QUÁN TÂM TRONG TĨNH LẶNG
  3. TRAO MỘT LỜI KHEN