CÁC CĂN THANH TỊNH, TRONG SÁNG

NI SƯ AYYA KHEMA

Trích: Hãy Đến Để Thấy – Phật Giáo, Con Đường Đưa Đến Hạnh Phúc; Nguyên tác Anh ngữ: Come And See For Yourself, The Buddhist Path To Happiness; Chuyển ngữ: Nguyễn Văn Phú, Nghiêm Xuân Cường, Lý Thu Linh; NXB. Thời đại, 2010

Hai loại thiền tập được nói đến ở đây một cách tóm tắt nhất: thiền chỉ (thanh tịnh các căn) và thiền tuệ (sự hiểu biết rõ ràng). Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể, nói chung, coi đó là ‘tâm trong sáng’. Thực thế, khi tham thiền chúng ta phải gạt bỏ mọi ái dục trong thời gian đó. Ta không thể ăn, uống, nằm, hay tìm kiếm những xúc chạm giác quan khác khi đang tọa thiền; ta chỉ có thể làm một trong hai việc. Nếu chúng ta có thể khiến các căn lắng dịu, ta sẽ có thể đạt được thiền định sâu xa. Lúc đó, ta sẽ biết thanh tịnh nghĩa là gì, và đối với chúng ta, không có gì quan trọng hơn là thiết lập sự thanh tịnh nội tâm. Qua chứng nghiệm của tâm hoàn toàn thanh tịnh, ta cũng có thể nhận ra rằng những xúc chạm giác quan – thấy, nghe, nếm, ngửi, xúc chạm, và ý (trong Phật giáo, ý là giác quan thứ sáu) – luôn bị tâm chi phối. Mắt chỉ có thể nhìn màu sắc, và hình dáng, tai chỉ có thể nghe âm thanh, và tất cả những hoạt động này được diễn ra trong tâm. Tùy theo sự diễn giải của tâm, mà phản ứng sẽ theo sau. Vì thế để thanh tịnh các căn, bước đầu tiên trong thiền tập là ngưng suy tưởng. Mỗi ý nghĩ đều kéo theo một cảm xúc, rồi một nhận thức, và một tư tưởng mới lại xuất hiện: một vòng quay không dừng dứt mà thanh tịnh và an bình không thể có mặt. Nhưng với sự chú tâm và thiền định thực sự, chúng ta sẽ không còn chạy ra ngoài, đuổi theo các giác quan, chấm dứt cảm xúc theo mọi thứ xảy ra trong tâm, chúng ta sẽ kinh nghiệm được thế nào là sự bình an nội tâm. Một khi đã cảm nhận được sự thanh tịnh này, ta sẽ biết là không có gì quan trọng hơn để chúng ta theo đuổi. Đã thực hành qua thiền quán phương cách thiết lập tâm bình an, ta cũng có thể duy trì một ít cảm xúc này trong cuộc sống hằng ngày, và lúc đó ta sẽ biết điều gì là quan trọng, để chấm dứt tìm kiếm sự thỏa mãn trong những hoạt động thế tục.

Đến “với sự thấy biết rõ ràng”. Vì phần đông chúng ta đều tự cho mình là thông minh, ta cho là sự hiểu biết của mình sáng suốt, rõ ràng. Tiếc thay, điều đó hoàn toàn sai lầm. Những xét đoán của ta đối với thế giới quanh mình đều bị uế nhiễm bởi những ảo tưởng về ngã, bởi lòng tin rằng chúng ta khác với mọi người, rằng ta là một “cái ngã” đặc biệt. Bị giới hạn bởi các ảo tưởng này, sự thông minh của ta chỉ hoạt động ở tầng thức thế tục, nhưng nếu ta đoạn diệt được các ảo tưởng này, ta có thể hoạt động trên một tầng thức vượt trội hơn những cái tầm thường và đạt được chân lý tuyệt đối. Chúng ta chỉ có thể đạt được sự hiểu biết rõ ràng khi tâm ta hoàn toàn được thanh tịnh, khi các luồng tư tưởng, các ngọn sóng cảm xúc đã lắng đọng. Khi nhìn ra mặt biển sóng gió, ta chỉ nhìn thấy các làn sóng, và cái thấy của ta không thể đi sâu hơn bề mặt đó, cũng thế khi ta nhìn vào nội tâm của mình. Nhưng một khi ta đã tìm được sự thanh tịnh thật sự qua thiền tập, ta sẽ khám phá ra rằng tất cả vũ trụ đều nằm trong ta. Chúng ta là một vi mô trong cái vĩ mô; tất cả những gì ta cần biết, đều nằm ở trong ta. Như đức Phật đã thuyết, “Cả vũ trụ này, hỡi các tỳ kheo, đều nằm trong thân và tâm này.” Sự hiểu biết rõ ràng có nghĩa là nhận thức được những đặc tính vũ trụ trong ta: vô thường, bất như ý (thí dụ, không đầy đủ và không thỏa mãn), và ‘vô ngã’ (thiếu một bản thể cố hữu). Chỉ khi tâm đã hoàn toàn lắng đọng, tự tại, không còn ham muốn hay tìm kiếm điều gì, thì những điều này mới hiện ra rõ ràng trong tâm, đó là sự giác ngộ nội tâm. Nó được gọi là tri kiến – quá hiển nhiên, không cần giải thích thêm – là cái thấy ở bên trong.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. ĐIỀU PHỤC TÂM
  2. BỐN HỶ LẠC – VÔ NGÃ VÔ ƯU
  3. TỪ BI QUÁN

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ