BA LA MẬT THỨ HAI: ĐẠO ĐỨC HAY HÀNH VI ĐÚNG ĐẮN

RINGU TULKU

Trích: Con Đường Dẫn Đến Phật Quả - Những Giáo lý về Pháp Bảo của sự Giải thoát của Gampopa; Bản dịch Việt ngữ của Thanh Liên; Shambhala, Boston – London - 2003.

Tuân giữ quy luật đạo đức, có một cách sống đúng đắn, có nghĩa là cố gắng không làm điều tiêu cực và hành động theo một cách thế tích cực. Phát triển một cách sống tốt đẹp cho ta và có thể giúp đỡ người khác là căn bản của những đức hạnh khác, là nền tảng cho sự phát triển tâm linh theo sau. Không có giới luật và hành vi đúng đắn, ta sẽ không thể đi thật xa. Nếu ta không tự chế việc vi phạm các ác hạnh và không sống theo một cách thế tích cực, cuộc đời ta sẽ không dễ chịu, không vừa ý mà trái lại, nó sẽ phiền não, rối loạn, và căng thẳng. Ta sẽ thiếu những điều kiện cần thiết cho việc phát triển tâm linh và củng cố thiền định của ta.

Gampopa phân biệt ba phương diện của hành vi đúng đắn:

1. Các hành động ta phải tự chế. Đây là đạo đức của việc tránh không làm, của việc tuân giữ, những hạn chế tương ứng với các giới luật của Luật tạng và với các giới nguyện Pratimoksha (Biệt giải thoát). Chúng tập hợp những cấp độ khác nhau như năm giới của đệ tử tại gia (upasaka và upasika), các giới của Sa di (shramanera) và Cụ túc giới của tăng và ni (Tỳ kheo và Tỳ kheo ni). Theo quan điểm của Luật tạng, giới luật được tập trung vào các hành động được thực hiện bằng thân và ngữ (lời nói). Các quy luật thì vô cùng chính xác đối với những gì ta có thể làm hay không thể làm, những gì ta có thể nói và không thể nói. Những giới nguyện ngăn ngừa để ta không đi theo một hướng sai lạc.

2. Các thiện hạnh có lợi cho việc phát triển Bồ đề tâm, đó là lòng bi mẫn và trí tuệ của ta. Trong tiếng Tây Tạng, điều này được gọi là “giới luật cho phép ta đạt được những điều tốt lành và tích cực. Sự tích tập các thiện hạnh này bao gồm việc nghiên cứu, thiền định, hoan hỉ trước công đức của người khác, khuyến khích họ thực hiện các thiện hạnh, cúng dường, thực hành sáu Ba la mật, v.v… – tóm lại, tất cả những gì sẽ làm phát triển thực hành của ta như các Bồ Tát. Các giới luật ở cấp độ này chủ yếu nhắm tới trạng thái tâm mà với nó một hành động được hoàn thành, ý hướng cùng động lực căn bản. Vì thế những gì có thể làm và không thể làm không được liệt kê rõ ràng. Như thế ở cấp độ này, một hành động bề ngoài có vẻ xấu xa, trong thực tế có thể được thúc đẩy bởi một ý hướng vị tha và sẽ được xác định là tốt, trong khi nó bị lên án ở cấp độ của Luật tạng. Trái lại, một thiện hạnh thật hiển nhiên có thể là đạo đức giả và trong thực tế bị thúc đẩy bởi những ý hướng xấu và sẽ bị coi là ác hạnh ở cấp độ này của hành vi.

3. Làm việc vì lợi ích của chúng sinh, về điều này có mười ba loại: (1) giúp những người thực hiện các hoạt động ích lợi, (2) làm giảm bớt đau khổ của tất cả chúng sinh, (3) dạy dỗ những người dốt nát, (4) biết ơn và đền đáp những ơn huệ ta đã nhận, (5) che chở những người sợ hãi, (6) làm nguôi dịu nỗi đau của người đau khổ, (7) bố thí cho người túng quẫn những gì họ thiếu, (8) hoan hỉ trước các thiện hạnh, (9) thành tựu một cách đúng đắn thực hành tâm linh của ta, (10) giúp người khác phát triển tiềm năng và tìm được sự mãn nguyện, (11) tiệt trừ những gì cần tiệt trừ, (12) khiến cho người khác tôn trọng các tài năng của ta, và (13) thúc đẩy người khác khao khát những điều tốt lành và lợi lạc. Mười ba điểm này thường được phân loại thêm thành bốn nhóm. Nhóm thứ nhất bao gồm các hoạt động đưa bố thí Ba la mật vào thực hành. Việc bố thí sự hỗ trợ vật chất, sự che chở, hay các giáo lý là cách thứ nhất để giúp đỡ mọi người. Nhóm thứ hai bao gồm lời khuyên dạy lợi lạc và những giảng dạy rõ ràng, có thể lãnh hội được, nó thu hút mọi người theo chiều hướng đúng đắn, hướng tới Giáo Pháp. Điểm thứ ba nhấn mạnh sự cần thiết của việc thực hành những gì ta giảng dạy. Mọi sự ta nói hay giảng là vô ích và thậm chí có thể có hại nếu không có sự nối kết giữa những nguyên lý và thực hành của ta. Cuối cùng, điểm cuối cùng nhấn mạnh vào sự cần thiết, dù ta ở cấp độ nào, của việc đặt mình ở bình diện của người mà ta đang giúp đỡ. Ta phải cho họ những gì họ cần, tới độ không có sự mâu thuẫn với những giới nguyện của ta.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. SỰ HIỂU BIẾT VỀ NGHIỆP

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ