BÀI SÁT HẠCH CAM GO CỦA CUỘC ĐỜI

DAVID J. POLLAY

Trích: BÀI HỌC DIỆU KỲ TỪ CHIẾC XE RÁC; Thanh Thảo dịch; NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, FIRST NEWS.

“Tất cả chúng ta đều mang trong mình sức mạnh tối thượng, sự thông thái tuyệt đỉnh và niềm hân hoan mãnh liệt – những điều không thể bị ngăn trở và hủy diệt.”

– HUSTON SMITH

Khi không hành xử như xe rác, bạn cảm thấy thoải mái hơn và góp phần cải thiện cách ứng xử giữa người với người. Khi bạn cam kết hướng đến những điều tốt đẹp, lẽ phải và công bằng, thế giới này cũng nhờ đó mà trở nên tốt đẹp hơn. Có thể nói, cam kết nói không với xe rác tiếp thêm cho bạn sức mạnh để vượt qua những thử thách của cuộc sống.

Nhưng điều gì xảy ra khi thử thách ấy khó khăn hơn bạn tưởng?

Liệu quyết tâm không để mình bị cảm xúc tiêu cực của người khác ảnh hưởng có còn đứng vững khi bạn phải đương đầu với những biến cố khắc nghiệt nhất của cuộc sống? Khi bệnh tật, tổn thương và cái chết phủ bóng lên cuộc sống của bạn, bạn có còn tuân theo các cam kết nói không với xe rác không? Liệu những sự kiện trong đời bạn, và hậu quả của các sự kiện đó, có khiến cam kết của bạn trở nên ít quan trọng hơn? Và liệu thái độ sống đó có còn hữu ích cho bạn và những người khác trong giai đoạn khó khăn?

Những câu hỏi trên không dễ trả lời nhưng lại rất quan trọng. Không ai chạy trốn được nghịch cảnh. Và khi nghịch cảnh tìm đến bạn, bạn không thể chỉ mỉm cười, phất tay và đi qua nó.

Đối mặt với bệnh tật và cái chết

Mỗi ngày, hàng triệu người đang phải đương đầu với bệnh tật, tổn thương tinh thần và cái chết. Nhiều gia đình đang phải chịu đựng những mất mát to lớn hơn những gì chúng ta có thể tưởng tượng và có những nỗi đau tưởng chừng quá sức chịu đựng. Đối với nhiều người, không có cách nào để hoàn toàn vượt qua mất mát, vì vậy họ chỉ có thể học cách sống chung với nó. Elisabeth Kübler-Ross và David Kessler, hai tác giả của quyển On Grief and Grieving (tạm dịch: Thấu hiểu nỗi đau) cho biết: “Sau khi vừa trải qua mất mát to lớn, cuộc sống của chúng ta bị bao trùm bởi những cảm giác mà ta luôn muốn tránh né. Nỗi buồn, cơn giận và những tổn thương cảm xúc thường xuyên ngự trị với mức độ sâu sắc mà chúng ta chưa bao giờ cảm nhận”.

Tôi vô cùng thương cảm cho những ai từng trải qua nỗi đau mất người thân. Tôi từng cho rằng miễn là tôi còn được sống bên cạnh người thân yêu, thì không có chuyện gì trên đời là quá tồi tệ. Nhưng lỡ một ngày nào đó, ta không còn họ ở bên thì sao? Hoặc điều gì xảy ra nếu người thân của chúng ta mắc bệnh hiểm nghèo?

Những trái tim can đảm

Trong những năm qua, tôi có cơ hội được biết nhiều con người dũng cảm đang phải gánh chịu nhiều nỗi đau. Họ có mọi lý do để suy sụp tinh thần và không có gì khó hiểu khi cảm xúc ban đầu của họ không hề tích cực. Họ phải trải qua tất cả cảm xúc mà một người phải trải qua sau sự ra đi của một người thân hoặc khi nghe tin mình mắc bệnh nan y. Nhưng cuối cùng, họ đã lấy lại quyền làm chủ cuộc đời mình, học cách vượt qua nỗi đau và tìm thấy con đường trở về với bình yên và hạnh phúc. Câu chuyện của họ chứng tỏ sức mạnh của cam kết nói không với xe rác.

Bây giờ, mời bạn lắng nghe một câu chuyện như thế.

Hướng dẫn hành động

Hãy tưởng tượng mất mát mà một ngày nào đó bạn sẽ phải đối diện. Bạn bè hoặc người thân của bạn ngã bệnh hoặc qua đời, hoặc chính bạn là người bị bệnh. Cũng có thể bạn đã và đang trải qua bi kịch đó.

Sau đó, hãy viết ra hai cách mà cam kết nói không với “xe rác” có thể giúp bạn vượt qua giai đoạn khó khăn ấy.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. BỎ QUA XE RÁC ĐỂ CHÀO ĐÓN CƠ HỘI MỚI
  2. THA THỨ LÀ ĐIỀU NÊN LÀM
  3. VÒNG TRÒN NĂNG LƯỢNG RÁC RƯỞI

Bài viết mới

  1. XA RỜI THỊ PHI PHIỀN NÃO
  2. BA LOẠI HÀNH ĐỘNG
  3. TÂM THỨC HOÀN TOÀN TỰ DO, KHÔNG PHÂN MẢNH LÀ MỘT TRẠNG THÁI CÓ TRẬT TỰ