KHỔ ĐAU VÀ HẠNH PHÚC CHỈ LÀ CẢM NHẬN CHỦ QUAN

HT. THÍCH THÁNH NGHIÊM

Trích: An Lạc Từ Tâm; NXB Phương  Đông

Người thực hành hạnh nguyện Bồ-tát thì trong tâm không còn bất cứ ý nghĩ chúng sinh nào được độ, cũng không tính xem bản thân mình có được báo đáp hay không, vì thế mà có được niềm an vui giải thoát. Tuy nhiên, trong mắt người đời như thế sẽ luôn khiến chúng sinh mãi bận rộn trong vất vả. Có thể thấy rằng, cảm nhận khổ đau hay hạnh phúc đều căn cứ vào đối tượng khác nhau mà áp dụng biện pháp khác nhau chứ không có bất cứ tiêu chuẩn tuyệt đối nào.

Thực ra, sự khác biệt giữa khổ đau và hạnh phúc chủ yếu là do cảm nhận chủ quan trong tâm chứ không phải do cảm nhận của bản thân hay sự việc nào từ bên ngoài quyết định. Ví như tôi sinh ra ở một nơi xa xôi hẻo lánh, nghèo nàn, lại gặp thời chiến tranh loạn lạc, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, nhưng vì môi trường sống là như thế nên tôi không cho đó là đau khổ, bây giờ nhớ lại mới nhận ra thời kỳ đó quả thật vất vả biết bao. Tuy nhiên, cho dù sống qua những ngày khổ hơn thế nữa tôi cũng có thể sống được, vì thế, chỉ cần có quan niệm chủ quan không so đo tính toán thì vất vả hay đau khổ nào có đáng kể gì.

Ta có thế lấy trạng thái tâm lý khi làm việc để ví dụ, nếu người làm việc có trách nhiệm và luôn xem đó là sứ mệnh bổn phận của mình, thì khi làm việc chắc chắn họ có thể chịu đựng được mọi khó khăn vất vả. Trái lại, nếu bạn luôn cho rằng mình bị giao công việc trái với điều mình mong muốn, cảm giác như bị đối đãi bất công thì kết quả ta như bị người đó dẫn dắt vào trong công việc nên cảm thấy bất mãn, không cam tâm tình nguyện, nhưng nếu không đối diện với nó cũng không được, thế nên ta cứ mãi sống trong nỗi lo sợ bất an và khổ đau triền miên.

Tuy nhiên nếu bạn suy nghĩ ngược lại thế này: “Nếu có thể làm được công việc này, tôi cũng muốn làm, đó là công việc tốt đấy chứ! Nói không chừng nhờ sự cố gắng thực sự của tôi mà có thể giúp mọi người được bình an, hạnh phúc, vất vả như vậy cũng đáng lắm chứ.” Nếu quả thật nghĩ được như thế thì khi bạn cố gắng làm việc, cho dù vất vả hơn bất cứ ai, công việc đó dù sớm đi tối về, vất vả chịu khổ, còn phải bị la mắng, bị trách móc đi nữa bạn cũng không cảm thấy mệt mỏi, không chán ghét. Bởi vì bạn có thể tha thứ được cho những người đã la mắng bạn, không muốn giúp bạn, có lẽ họ không biết được tầm quan trọng của công việc, nhưng bạn là người biết rõ hơn họ, cho nên bạn phải cho ra nhiều hơn và giúp đỡ họ nhiều hơn nữa. Với những người la mắng bạn, trách móc hay cảm ơn bạn hay không cũng chẳng can hệ gì, chỉ cần họ cảm thấy hạnh phúc vui vẻ là được rồi.

Từ đó có thể thấy rằng, hạnh phúc hay đau khổ trong lòng, nó mãi mãi chẳng phải đến từ điều kiện vật chất đầy đủ hay từ một thân thể khỏe mạnh. Có một số người mặc dù điều kiện vật chất rất khó khăn nghèo nàn, sức khỏe không tốt lắm, thế nhưng họ lại sống rất hạnh phúc vui vẻ; trái lại có một số người cuộc sống rất giàu có, thân thể khỏe mạnh, nhưng họ lại sống rất đau khổ.

Vì thế, trên thực tế đau khổ là một trạng thái và sự cảm nhận từ nội tâm, nếu trạng thái tâm lý của bạn là trạng thái tâm lý đau buồn khổ sở, thì cho dù sống trong hoàn cảnh nào chăng nữa bạn cũng cảm thấy đau khổ. Có một số người quan niệm rằng sau khi lên cõi trời thì con người sẽ không còn bất cứ nỗi khổ đau hay phiền muộn gì nữa. Thực ra, nếu nỗi phiền muộn trong lòng bạn quá nhiều, dù cho bạn ở thiên đường đi nữa cũng như đang sống trong địa ngục vậy; trái lại, nếu trong lòng bạn không có chút phiền muộn nào thì cho dù bạn đang ở địa ngục cũng như ở thiên đường mà thôi.

Nếu đau khổ và hạnh phúc đều là sự cảm nhận từ nội tâm, thế thì chúng ta cũng có thể thay đổi quan niệm từ trong sự cảm nhận đó. Ví như khi một người phụ nữ mang thai, cô ấy không biết khi sinh đứa bé này ra là trai hay gái? Tướng mạo của nó đẹp hay xấu? Thực ra, cảm nhận tốt hay xấu, trai hay gái về đứa con đều là thứ cảm nhận hết sức chủ quan, nếu cứ để cho sự suy đoán về đứa con làm chủ quả là chẳng công bằng tí nào. Thế nên ta có thể tự nhủ mình: “Dù sao thì trai hay gái, đẹp hay xấu cũng đều là con ta cả thôi.” Đợi đến khi con ra đời thì chẳng biết còn oán trách gì nữa đây.

Tương tự đối với công việc cũng vậy, mặc dù chúng ta đã cố gắng làm hết sức, nhưng kết quả thế nào đi nữa cũng không quan trọng. Nếu kết quả tốt thì tất nhiên điều đó tốt; nhưng nếu kết quả không tốt thì không nên buồn khổ hay khó chịu, vì bản thân mình đã cố gắng hết sức. Nếu như mãi mãi không thể nhìn thấy được ánh sáng của sự vật, dù xảy ra bất cứ việc gì, bạn cũng nên xem điều đó sẽ giúp ích cho bạn mà vui vẻ đón nhận nó mới có thể rời xa đau khổ và đạt được niềm hạnh phúc.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  2. LIỆU CÓ “ĐOÁN” ĐƯỢC “MỆNH” KHÔNG? – HT. THÁNH NGHIÊM
  3. THUẬN CẢNH, NGHỊCH CẢNH

Bài viết mới

  1. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ
  2. AI CŨNG CÓ THỂ HẠNH PHÚC NGAY TỪ GIÂY PHÚT NÀY
  3. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ