SHAKTI GAWAIN
Nhiều người có trực giác phát triển rất mạnh. Một số có kết nối sâu sắc với trực giác của mình, nhưng trong cuộc sống, họ sợ phải hành động theo trực giác. Thông thường, những người này chỉ nghe theo gợi ý trực giác trong một lĩnh vực cụ thể, chứ không phải trong toàn bộ cuộc sống. Nhiều nghệ sĩ, nhạc sĩ, nghệ sĩ biểu diễn và những người có cảm thức sáng tạo cao khác thuộc loại này. Họ tin tưởng mạnh mẽ và hành động tự nhiên theo trực giác trong những giới hạn nghệ thuật nhất định. Do đó, họ cực kỳ sáng tạo và thường rất năng suất, nhưng họ không có cùng mức độ tự tin vào bản thân và thái độ sẵn lòng nghe theo trực giác trong các lĩnh vực khác của cuộc sống, đặc biệt là trong các mối quan hệ và trong vấn đề kinh doanh, tiền bạc. Vì vậy, chúng ta có trường hợp kinh điển của kiểu người nghệ sĩ hỗn loạn và mất cân bằng về mặt cảm xúc, không có năng lực, thậm chí bị lợi dụng về mặt tài chính.
Minh chứng điển hình cho vấn đề này có thể thấy trong bộ phim Lady Sings the Blue (Quý bà hát nhạc Blues), dựa trên câu chuyện cuộc đời của đại danh ca Billie Holiday. Trong một cảnh, cô đang di chuyển theo đoàn trong tour lưu diễn khắp đất nước. Cô cảm thấy kiệt sức, mệt mỏi và khao khát được về nhà để gặp chồng và nghỉ ngơi. Cô quyết định hủy chuyến lưu diễn và làm theo lời trái tim. Tuy nhiên, quản lý của cô đã thành công trong việc thuyết phục cô rằng hành động này sẽ hủy hoại sự nghiệp của cô, và cô phải tiếp tục chuyến đi. Chẳng bao lâu sau, cô bắt đầu sa ngã vào ma túy. Từ thời điểm ấy, cuộc đời cô xuống dốc và là một quãng bi kịch.
Đương nhiên, một biến cố như vậy sẽ không hủy hoại cả một đời, nhưng bộ phim đã minh họa cách nhiều nghệ sĩ giao quyền làm chủ đời mình cho những ảnh hưởng xung quanh, và gánh chịu hậu quả là xung đột nội tâm, đau đớn và mất đi sức mạnh. Để đạt được cân bằng, những người này phải học cách tin vào trực giác, và khẳng định bản thân trong các mặt đời sống.
Nhiều nhà ngoại cảm cũng trải qua chuyện này. Họ rất cởi mở, dễ tiếp thu, đầy trực cảm và không cô lập những phẩm chất này như nhiều người đang làm. Họ thậm chí có thể để cho trực giác tự do làm chủ trong công việc hay trong những điều kiện nhất định. Họ không hoàn toàn tin tưởng và ủng hộ trực giác trong từng khoảnh khắc cuộc sống, đặc biệt là trong phương diện các mối quan hệ cá nhân. Họ có thể quá mở lòng với năng lượng của người khác và thường không biết cách giữ kết nối với cảm xúc và nhu cầu cá nhân, cách khẳng định bản thân và cách thiết lập giới hạn. Từ kinh nghiệm của tôi, những người rất nhạy cảm này thường gặp vấn đề với cơ thể – có thể là vấn đề về cân nặng hoặc bệnh mãn tính. Những vấn đề này được chữa lành khi họ học cách cân bằng giữa bản chất tiếp thu, thiên về trực giác (năng lượng nữ tính) với ý thức sẵn sàng hành động theo cảm xúc và khẳng định bản thân trong các mối quan hệ cá nhân (năng lượng nam tính).
Nhiều người truy tầm cảm thức tâm linh dành nhiều thời gian để thiền và trở nên rất nhạy cảm, hòa hợp với năng lượng trong mình, nhưng họ cũng gặp vấn đề về trạng thái mất cân bằng. Họ có trong đầu hình ảnh rõ ràng rằng “tâm linh” phải như thế nào – yêu thương, cởi mở và hướng tâm. Họ muốn thực hiện mô hình này mọi lúc và thường dè dặt trong việc hành động tự nhiên hoặc bày tỏ cảm xúc trung thực, vì sợ những gì họ thể hiện ra có thể trở thành khắc nghiệt, thô lỗ, tức giận, ích kỷ hoặc không yêu thương.
Vì là con người, khi ta mạo hiểm bộc lộ bản thân tự do và thành thật hơn, một số phương thức thể hiện của ta sẽ không còn trau chuốt nữa, trở nên méo mó, dại dột và thiếu suy nghĩ. Khi ta học cách hành động theo cảm xúc bên trong, tất cả những cách thức mà ta ngăn chặn bản thân trong quá khứ đều bị xóa bỏ, và trong quá trình đó, rất nhiều “thứ” cũ xuất hiện và được giải phóng. Nhiều niềm tin và mô hình cảm xúc cũ được đưa ra ánh sáng và chữa lành. Trong quá trình này, ta phải sẵn sàng đối mặt và biểu lộ mặt vô thức của mình. Nếu giả vờ có “tinh thần cùng nhau” nhiều hơn so với thực chất, ta sẽ bỏ lỡ cơ hội tự chữa lành. Khi đó, ta thường rất dễ bị tổn thương và mất kiểm soát. Ta không nên quá lo lắng về cách ta thể hiện bản thân, cách ta nhìn người khác, hoặc liệu ta có đang làm điều đúng đắn hay không. Ta chỉ cần là chính mình như bây giờ, hết sức có thể, chấp nhận sự pha trộn giữa nhận thức tỉnh thức và giới hạn của con người như chính ta lúc này.
Để trở thành kênh dẫn sáng tạo, bạn chỉ cần sống thật, chỉ cần luôn là chính mình. Bạn càng chân chính, thành thật và tự nhiên, lực sáng tạo càng có thể lưu chuyển tự do qua bạn. Khi điều đó xảy ra, lực sáng tạo gột tẩy tàn dư của những ứ tắc cũ. Những gì xuất hiện đôi khi không dễ chịu hay không thoải mái, nhưng năng lượng lưu chuyển qua bạn thật vĩ đại! Càng thực hành nhiều, bạn sẽ càng trở nên thông suốt hơn và càng thấy tràn đầy sức sống.
Nhưng cũng hãy nhớ, một số hình mẫu tâm linh có thể phản chiếu những “ý niệm tốt” của ta nhiều hơn là tiết lộ hình ảnh chính xác về sự tỉnh thức. Hình ảnh nhiều người thấy là mong muốn được êm dịu, tích cực và yêu thương mọi lúc thật sự là biểu hiện cho nhu cầu cảm thấy có kiểm soát, tốt đẹp và đúng đắn. Vũ trụ có nhiều màu sắc, trạng thái, tốc độ, phong cách và có chiều hướng; hơn nữa, tất cả đều liên tục thay đổi. Chỉ cần từ bỏ phần nào việc kiểm soát và mạo hiểm hòa mình vào dòng chảy này, ta sẽ được trải nghiệm trạng thái cực độ khi trở thành kênh dẫn thật sự.
Thực hành
- Viết ra tất cả những lý do giải thích vì sao bạn không tin tưởng và làm theo trực giác. Trong danh sách này, bạn cũng kể đến bất kỳ nỗi sợ hãi nào về những gì có thể xảy ra nếu bạn tin vào trực giác và hành động theo đó mọi lúc.
- Xem lại Bài thiền ở cuối chương ba.
- Ít nhất hai lần một ngày (hay thường xuyên hơn nếu bạn nhớ), dành một phút để thư giãn, nhắm mắt lại và “kiểm tra” linh cảm trong lòng, để xem bạn có đang làm những gì bạn cảm thấy đúng không, hoặc có bất cứ điều gì bạn cần phải nhận thức không.
- Trong một ngày hoặc một tuần, giả sử trực cảm của bạn về mọi thứ luôn đúng 100% và hành động như thể đúng là như vậy.