Jean Greaves
TRAVIS BRADBERRY
THÔNG MINH CẢM XÚC THẾ KỶ 21 (EQ 2.0) (IN NĂM 2014)
—🌼🌸🌼—
10. Dừng lại và tự hỏi tại sao mình làm những việc này.
Các cảm xúc đến khi chúng phải đến, chứ không đến vào lúc mà bạn bảo chúng đến. Khả năng tự nhận thức của bạn sẽ tăng nhanh chóng khi bạn bắt đầu tìm hiểu nguồn cơn của những cảm xúc trong bạn. Hãy tập thói quen dừng lại, và tự hỏi tại sao những cảm xúc kỳ lạ này lại trỗi dậy mạnh mẽ đến vậy, và điều gì khiến mình hành động bất thường như thế. Cảm xúc đóng vai trò rất quan trọng – chúng khiến bạn làm nhiều việc mà bạn không thể hiểu nổi tại sao nếu không dành thời gian để tìm hiểu.
Thường thì việc này không khó, nhưng nếu bạn bỏ mặc nó thì khi ngày tháng trôi qua, bạn không có nhiều thời gian để suy ngẫm tại sao mình lại làm những việc đó. Chỉ cần luyện tập một chút, bạn có thể theo dấu cảm xúc để biết được nguồn cơn của chúng và mục đích của chúng là gì. Điều đáng ngạc nhiên về phương pháp này là chỉ cần bạn chú ý đến những cảm xúc của mình và đặt ra những câu hỏi phù hợp cũng đủ giúp bạn tiến bộ. – Bạn có nhớ lần đầu tiên mình phản ứng như thế là khi nào và với ai hay không? – Lần đó và lần này có gì tương đồng? – Có phải bất cứ ai cũng có thể khơi dậy phản ứng đó trong bạn hay chỉ những người nhất định nào đó mà thôi? Bạn càng hiểu rõ lý do tại sao bạn làm những việc đang làm, bạn càng sẵn sàng ngăn không cho cảm xúc lấn lướt.
11. Xem xét lại các giá trị bản thân
Cuộc sống như chồng đĩa quay không ngừng trên đầu bạn. Bạn phải vật lộn với những dự án ở công ty, họp hành liên miên, hóa đơn chưa thanh toán, những việc linh tinh, email, điện thoại, tin nhắn, việc nhà, cơm nước, thời gian dành cho gia đình và bè bạn – và còn nhiều nhiều nữa. Chúng buộc bạn phải tập trung và chăm chú hết mức để giữ sao cho mớ đĩa ấy không rơi xuống đất bể nát.
Duy trì trạng thái thăng bằng này khiến bạn quan tâm đến những việc hướng ngoại thay vì hướng nội vào bản thân Khi bạn quay mòng mòng với danh sách “những việc cần làm” mỗi ngày, bạn rất dễ mất ý thức điều gì thật sự quan trọng đối với mình – đó là những giá trị cốt lõi và niềm tin. Trước khi kịp nhận ra, bạn thấy mình nói và làm những việc mà trong thâm tâm, bạn không muốn và không tin như vậy. Đó có thể là việc bạn lớn tiếng quát tháo một đồng nghiệp phạm lỗi, trong khi bình thường bạn thấy kiểu hành xử đó không thể chấp nhận được. Nếu việc mắng nhiếc đồng nghiệp đi ngược lại niềm tin trong cuộc sống mà bạn theo đuổi, thì việc bắt gặp mình (hoặc bị bắt gặp) đang làm việc đó sẽ khiến bạn cảm thấy không thoải mái hoặc thậm chí bất mãn.
Bí quyết ở đây là dành thời gian xem xét lại bản thân và viết ra những niềm tin cũng như giá trị cốt lõi mà bạn xem trọng. Hãy tự hỏi mình muốn sống theo giá trị nào? Hãy lấy một tờ giấy chia làm hai cột. Cột bên trái bạn liệt kê những giá trị và niềm tin cốt lõi của mình, cột bên phải dành để ghi tất cả những gì bạn đã nói hoặc làm gần đây mà bạn không cảm thấy tự hào. Cách bạn thể hiện có đi đôi với những giá trị bạn đặt ra hay không? Nếu không, hãy cân nhắc những cách nói hoặc làm khác để bạn cảm thấy tự hào về bản thân, hoặc chí ít cũng cảm thấy dễ chịu hơn.
Lặp lại bài tập này mỗi ngày hoặc mỗi tháng sẽ có tác dụng thúc đẩy lớn lao khả năng tự nhận thức của bạn. Chẳng bao lâu bạn sẽ thấy mình nhớ về danh sách trên trước khi hành động, và điều này sẽ tạo nền tảng cho những lựa chọn đúng dẫn của bạn.
12. Nhìn lại chính mình
Nhìn chung, tự nhận thức là một quá trình nội tại, nhưng trong một vài trường hợp các yếu tố bên ngoài sẽ giải thích những gì bạn cần biết để hiểu thêm sự việc diễn ra bên trong. Một điều chắc chắn là vẻ bề ngoài sẽ phản ánh những gì nội tâm bạn cảm nhận. Cử chỉ, nét mặt, tư thế, cách cư xử, quần áo, thậm chí tóc tai của bạn, tất cả đều nói lên nét chính trong tâm trạng của bạn.
Cách phục sức càng thể hiện bạn rõ hơn – trang phục của bạn mang đến một thông điệp cụ thể và rõ ràng về cảm xúc. Chẳng hạn, mặc chiếc quần thể thao cũ mèm cùng cái áo thun nhàu nhĩ, tóc tại bù xù mỗi ngày tức là bạn tuyên bố với cả thế giới rằng bạn là kẻ bỏ cuộc; ngược lại, nếu bạn chưng diện mọi lúc mọi nơi và không tuần nào không đi cắt tỉa tóc sẽ khiến người khác cho rằng bạn đang làm quá. Kiểu cách nói rất lên nhiều thứ về tâm trạng, nhưng thông điệp của nó thường bị bóp méo. Nếu bạn tiếp xúc với ai đó lần đầu tiên và không biết người ta sẽ đối xử với bạn ra sao, thì cũng như nhiều người khác, bạn sẽ có khuynh hướng giữ kẽ và hơi tách biệt một chút hoặc trở nên nồng nhiệt thái quá.
Khi bạn thấy mình rơi vào tình huống tương tự, điều quan trọng nhất là hãy chú ý đến tâm trạng của mình và xem xét những ảnh hưởng của nó đối với cách cư xử của bạn. Liệu vẻ bề ngoài bạn đang thể hiện ấy có phải là dáng vẻ mà bạn chọn, do tâm trạng của bạn tạo ra hoặc do khuynh hướng tự nhiên của bạn? Chắc chắn, dáng vẻ đó phản ánh những gì bạn cảm nhận, và hiểu được nó hay không tùy vào bạn. Dành chút thời gian nhìn lại chính mình sẽ giúp bạn hiểu tâm trạng mình trước khi nó ảnh hưởng đến toàn bộ thời gian còn lại trong ngày của bạn.
13. Nhận diện cảm xúc của mình qua sách vở, phim ảnh và âm nhạc.
Nếu cảm thấy khó khăn trong việc xác định những cung bậc cảm xúc và khuynh hướng của mình, bạn có thể khám phá ra chúng qua những bộ phim, những bản nhạc và những quyển sách mà bạn tìm thấy mình trong đó. Khi lời ca và âm điệu của một bản nhạc cứ vang vọng trong bạn, chúng nói lên rất nhiều về cách bạn cảm nhận, và khi một nhân vật trong phim hay trong cuốn tiểu thuyết bạn đọc cứ ám ảnh mãi trong đầu, thì rất có khả năng những đặc điểm nổi bật trong suy nghĩ và tình cảm nhân vật có nhiều điểm chung với bạn. Chú ý đến những khoảnh khắc ngắn ngủi đó sẽ cho bạn biết rất nhiều về bản thân mình. Nó còn là phương tiện tuyệt vời để bày tỏ cảm xúc của bạn với người khác.
Tìm thấy những xúc cảm của mình thông qua sự biểu đạt của các nghệ sĩ cho phép bạn hiểu hơn về mình và khám phá ra những cảm xúc bạn khó diễn tả. Đôi khi bạn không biết dùng từ nào để diễn tả những cảm xúc trong lòng, rồi bỗng nhiên bạn thấy nó ngay trước mắt. Nghe nhạc, đọc tiểu thuyết và xem phim thậm chí ngắm những tác phẩm hội họa có thể là cánh cửa mở ra thế giới tình cảm sâu thẳm trong bạn. Lần sau khi những loại hình nghệ thuật này thu hút sự chú ý của bạn, hãy để ý kỹ hơn – biết đâu bạn sẽ tìm ra một điều gì đấy.
14. Tìm kiếm thông tin phản hồi
Mọi thứ bạn nhìn thấy – kể cả bản thân mình – đều phải đi qua nhãn quan của bạn. Vấn đề ở chỗ, thấu kính trong mắt hạn bị những trải nghiệm, niềm tin và chắc chắn cả tâm trạng của bạn nữa làm mờ đi. Những thấu kính ấy không cho bạn cái nhìn thật sự khách quan về chính mình, bằng chính đôi mắt của mình. Thông thường có sự khác biệt rất lớn giữa cách bạn nhìn nhận bản thân mình so với cách người khác nhìn nhận về bạn. Chính sự cách biệt to lớn giữa cách bạn nhìn nhận mình và cách những người khác nhìn bạn sẽ mang lại những bài học phong phú giúp bạn rèn giũa khả năng tự nhận thức.
TỰ NHẬN THỨC LÀ QUÁ TRÌNH TÌM HIỂU BẢN THÂN TỪ TRONG RA NGOÀI VÀ TỪ NGOÀI VÀO TRONG.
Tự nhận thức là quá trình tìm hiểu bản thân từ trong ra ngoài và từ ngoài vào trong. Cách duy nhất để có cái nhìn thứ hai, vốn khó thấy hơn, chính là tiếp thu một cách cởi mở những thông tin phản hồi từ người khác, có thể là bạn bè, đồng nghiệp, cố vấn, người quản lý và gia đình. Khi đề nghị người khác phản hồi, hãy nhớ hỏi họ nhận xét đó dành cho trường hợp và ví dụ cụ thể nào, và khi thu thập những câu trả lời, hãy tìm ra điểm tương đồng trong những thông tin đó. Quan điểm của người khác có thể khiến bạn hiểu được người khác cảm nhận về bạn như thế nào. Kết hợp nhiều góc nhìn khác nhau sẽ cho bạn bức tranh toàn cảnh, bao gồm cảm xúc và phản ứng của bạn ảnh hưởng đến người khác ra sao. Đem hết can đảm nhìn thẳng vào những điều người khác nói, tức là bạn đã đạt đến khả năng tự nhận thức mà ít người làm được.
15. Tìm hiểu bản thân trong những lúc căng thẳng
Các tác nhân gây căng thẳng trong cuộc sống của bạn không ngừng tăng thêm. Cứ mỗi khi khả năng chịu đựng căng thẳng của bạn tăng thêm một chút, thì bạn – hoặc những người quanh bạn – tiếp tục dồn ép cho đến khi khả năng chịu đựng của bạn tăng thêm chút nữa. Mọi phương tiện kỹ thuật cao giúp giải tỏa căng thẳng cũng không giúp được gì nhiều. Nếu có đi nữa dường như chúng chỉ khiến cuộc sống của bạn hối hận hơn mà thôi. Nếu bạn cũng giống đa số những người khác, bạn chắc hẳn sẽ nhận ra một số dấu hiệu xuất hiện khi những căng thẳng vẫn chưa rõ ràng lắm. Câu hỏi đặt ra là: bạn có lưu tâm đến những dấu hiệu cảnh báo đó không?
Học cách nhận ra những dấu hiệu đầu tiên của sự căng thẳng sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều. Đầu óc và cơ thể con người – ít nhất là khi chịu áp lực – luôn có cách lên tiếng của riêng chúng. Bằng những phản ứng cảm xúc và sinh lý học, chúng cho bạn biết đã đến lúc phải sống chậm lại và nghỉ ngơi. Ví dụ, đau bao tử có thể là dấu hiệu cho thấy sự căng thẳng thần kinh và lo lắng quá sức chịu đựng của cơ thể. Chứng khó tiêu và mệt mỏi đi kèm là cách cơ thể cho biết nó cần được nghỉ ngơi. Đối với bạn sự căng thẳng cao độ và những lo âu triền miên có thể gây nên những cơn đau bao tử, trong khi với người khác những dấu hiệu về mặt thể chất lại có thể là đầu đau như búa bổ, viêm loét miệng hoặc mỏi lưng. Khả năng tự nhận thức khi bản thân gặp áp lực có thể xem như cái tai thứ ba để bạn nghe cơ thể mình kêu cứu. Cơ thể sẽ lên tiếng khi bạn ép nó làm việc quá mức. Hãy dành thờ gian để nhận ra những dấu hiệu này và tái tạo năng lượng cảm xúc trước khi sự căng thẳng triển miên gây ra những tổn thương không thể phục hồi trong cơ thể bạn.
—🌼🌸🌼—