“THẦN DƯỢC” NÀO CHO CUỘC SỐNG CỦA CHÚNG TA?

Trích: 12 Quy Luật Cuộc Cuộc Đời
Tác giả: Jordan B.Peterson
Người dịch: Bùi Cẩm Tú
NXB Thế Giới
Ảnh nguồn internet

21/07/2025
43 lượt xem

—☀☀☀—

Nếu được hỏi chính mình một câu thật thẳng thắn thì chắc chắn chúng ta sẽ muốn bắt đầu bằng câu hỏi này: “Tại sao cuộc sống lại xấu xa, nặng nề và mệt mỏi đến thế?”

Chẳng phải là mọi lúc, mọi nơi, nhưng đấy là câu hỏi vẫn đeo đẳng mỗi chúng ta; có lúc nó như động cơ thôi thúc chúng ta sống, sống để tìm ra câu trả lời cuối cùng; có lúc nó như hòn đá tảng cản đường, như muốn lấy nốt đi của chúng ta chút ý chí cuối cùng, khiến chúng ta muốn hủy hoại cuộc sống của mình. Cứ thế cho đến tận cùng. “Mọi người đều hành động như thể nỗi đau của họ là có thật – để rồi sau cùng nó là thật. Nỗi đau quan trọng hơn cả những vấn đề vật chất.”

Có cách nào không, để mỗi chúng ta tìm thấy được ý nghĩa của cuộc sống và vượt qua được những xấu xa, nặng nề và mệt mỏi của nó mà sống một cuộc đời an vui? Rất nhiều người đi tìm câu trả lời, tìm trong triết học, tìm trong khoa học, tìm trong văn chương và nghệ thuật; và cho dù đã có rất nhiều câu trả lời được công bố bằng cách này hay cách khác, thì dường như điểm chung của chúng đều nằm ở kết luận rằng: Chúng ta mệt mỏi với cuộc sống là vì đã sống sai ở đâu đó; để tốt đẹp và thoải mái hơn, hãy biết tuân theo các quy luật!

Thế là các quy luật cứ lần lượt ra đời, khiến người ta tò mò lúc đầu, hứng thú lúc sau và nhiều khi thất vọng lúc cuối cùng. Nhưng, cho dù có chút băn khoăn hay e dè chăng nữa thì cũng chưa thấy có ai thờ ơ hay chối bỏ các quy luật bao giờ, chúng có sức hấp dẫn riêng, bởi chỉ ít chúng cũng giúp chúng ta yên lòng.

Và lần này cũng vậy, quyển sách 12 Quy luật cuộc đời của Jordan B. Peterson đem đến cho người đọc 12 nguyên lý mà tác giả cho là phép màu giữa cuộc sống đầy hỗn độn hiện nay; quyển sách nhanh chóng được đón nhận và được đánh giá rất cao.

“Hãy tìm nguồn cảm hứng để trở thành con tôm hùm chiến thắng, với trí tuệ thực tiễn đã đúc kết qua 350 triệu năm. Và hãy đứng thẳng thật hiên ngang.” Ngay ở quy luật đầu tiên, tác giả đã làm người đọc sửng sốt: Thế ra một sinh vật được xem là cấp thấp mà đã biết khẳng định bản thân mình để tìm chiến thắng, từ hàng triệu năm vẫn thế, thì cớ gì mà con người không làm được!

Việc hiểu được thế giới đã từng như thế nào, hiện nay đang ra sao và ngày mai có thay đổi gì hoàn toàn không phải là mục đích, mà chỉ là phương tiện; mục đích là biết phải ứng xử thế nào trước thế giới ấy. Các quy luật của Jordan Peterson sẽ dẫn dắt bạn đi trên con đường tìm ra các lựa chọn ứng xử phù hợp nhất.

Chúng ta muốn làm bạn với ai? Hẳn nhiên phải là những người lành mạnh và tốt đẹp. Nhưng đấy lại không phải là chuyện dễ dàng. “Một người tốt lành và lành mạnh là hình mẫu lý tưởng. Nó đòi hỏi bạn phải có sức mạnh và lòng can đảm để đứng gần bên một người như thế.”

Thất vọng về bản thân vì thua kém người khác ư? “Sự nghiệp của bạn chán ngắt và vô nghĩa, kỹ năng làm việc nhà thuộc hàng thứ cấp, khẩu vị thì tệ kinh khủng, còn cơ thể thì béo hơn bạn bè đồng trang lứa; và chẳng ai thèm đoái hoài đến những buổi tiệc của bạn. Ai thèm quan tâm bạn có phải thủ tướng Canada hay không, khi một người khác đã thành tổng thống Mỹ?”

Chẳng hề hấn gì! “Nếu bạn không thành công ở cách này, bạn có thể thử cách khác. Bạn có thể chọn ra thứ gì đó phù hợp hơn với tổ hợp các thế mạnh, điểm yếu và hoàn cảnh có một không hai của mình. Không những thế, nếu việc thay đổi trò chơi không hữu hiệu, bạn có thể sáng chế ra một trò khác.”

Và còn nữa. “Một đứa trẻ biết chú ý, thay vì lơ ngơ, có thể chơi đùa mà không than khóc, hài hước mà không làm phiền, cũng như rất đáng tin cậy – đứa trẻ đó sẽ luôn có bạn bè ở bất cứ nơi nào chúng đến. Các thầy cô của nó cũng sẽ yêu thích nó như cha mẹ vậy. Nếu nó tỏ ra lễ phép với người lớn, nó sẽ được họ săn sóc, cười đùa và vui vẻ chỉ bảo nó. Nó sẽ vươn mình từ một thế giới rất dễ trở nên lạnh nhạt, hiềm khích và thù địch.” Nếu bạn nuôi con mình với tâm thế đó thì bạn hoàn toàn có quyền hy vọng vào tương lai của đứa trẻ, và vào tương lai của chính bạn.

Hãy giữ cho căn nhà của mình ngăn nắp trước khi chỉ trích cả thế giới, và nên theo đuổi những gì có ý nghĩa chứ đừng nên theo đuổi lợi lạc. “Những thứ vị lợi chỉ có hiệu nghiệm trong khoảnh khắc. Nó nhất thời, bốc đồng và hạn chế. Trái lại, những điều có ý nghĩa là sự sắp xếp những thứ vị lợi đơn thuần vào bản giao hưởng của Hữu thể. Ý nghĩa là những lực thúc đẩy mạnh mẽ hơn cả lời ca được thể hiện trong “Khúc hoan ca” của Beethoven… khi mọi nhạc cụ đều chơi tròn vai, khi những giọng ca quy củ xếp trên tất cả những thứ ấy, và trải rộng đến toàn bộ hơi thở xúc cảm của con người, từ sự tuyệt vọng đến niềm hân hoan.”

Uyên bác trong từng câu viết, Jordan Peterson mời người đọc du hành trên trang sách, xuyên qua các câu chuyện của Kinh Thánh, chìm vào các tư tưởng triết học và dạo quanh các chi tiết của văn chương, để cùng truy vấn và tìm câu trả lời cho câu hỏi: Mỗi con người nên ứng xử như thế nào trước cuộc đời?

“… Rằng sự tự nguyện gánh vác trách nhiệm cũng giống hệt như quyết định sống một cuộc đời ý nghĩa. Nếu mỗi người chúng ta sống đúng đắn, thì chúng ta sẽ lớn mạnh cùng nhau.”

“Không có gì chắc chắn và bất biến. Thậm chí, Mặt trời cũng có những chu kỳ bất ổn của nó. Tương tự, không có gì tùy biến đến mức không thể cố định lại được. Mỗi cuộc cách mạng lại tạo ra một trật tự mới. Mỗi cái chết đồng thời cũng là một sự biến đổi.”

“Hãy hỏi, rồi bạn sẽ nhận được. Hãy gõ, rồi cửa sẽ mở. Nếu bạn hỏi như thể bạn muốn biết, và gõ cửa như thể bạn muốn bước vào, thì bạn có thể sẽ nhận được cơ hội để cải thiện cuộc đời mình từng chút một.”

“Thần dược” cho cuộc sống không phải là thứ chúng ta có thể mua được hay tìm được ở bên ngoài, mà là kết quả của một quá trình tự vấn có mục đích, có phương pháp, và hơn hết nó phải chuyển chở ý chí lãng mạn ở mức độ cao nhất: Sự lãng mạn cần thiết để vươn tới một cuộc sống đầy đủ trách nhiệm và có ý nghĩa, là sứ mệnh của sự tồn tại của chúng ta trên cõi đời này.

—☀☀☀—