CHỮA LÀNH TỔN THƯƠNG VÀ CHUYỂN HÓA MẶT NẠ

LISE BOURBEAU

Trích: Nhận Diện 5 Tổn Thương; Người dịch: Quế Chi; NXB. Dân Trí; Công ty XB Thiện Tri Thức, 2023

Giai đoạn đầu tiên của quá trình chữa lành một tổn thương là nhận diện và CHẤP NHẬN tổn thương đó, mà không nhất thiết phải đồng tình với sự tồn tại của nó. Chấp nhận có nghĩa là nhìn nhận nó, quan sát nó trong khi ý thức rằng làm người thì không ai không có những chuyện gì đó cần phải chữa lành. Vì bạn vẫn còn thiếu sót gì đó không có nghĩa bạn là một người xấu. 

Có khả năng tự tạo ra cho mình một mặt nạ để không phải khổ đau thật ra là một hành động anh hùng, một hành trình yêu thương để trở về với bản thân. Mặt nạ này giúp bạn tồn tại và thích nghi với môi trường quen thuộc mà chính bạn đã lựa chọn trước khi đầu thai. 

Lý do thực sự để chúng ta sinh ra trong một gia đình nào đó hoặc để chúng ta thu hút về phía những người cũng có tổn thương như mình, đó là ban đầu chúng ta không cảm thấy mình quá tệ khi nhận ra người ta chẳng qua cũng như mình vậy. Sau một thời gian, chúng ta bắt đầu cảm thấy những lỗi lầm của người khác, chúng ta không chấp nhận họ như họ vốn thế. Do đó chúng ta tìm cách thay đổi họ, mà không nhận ra rằng những gì mà ta không chấp nhận ở người khác cũng là một phần trong con người ta mà ta không muốn nhận ra, vì sợ phải thay đổi. Chúng ta tin rằng chúng ta phải thay đổi khi, trên thực tế, chúng ta phải chữa lành. Đó là lý do tại sao việc biết tổn thương của mình lại có ích đến thế, bởi vì biết tổn thương của mình là gì thì chúng ta mới cho phép bản thân được chữa lành chứ không phải muốn thay đổi bản thân. 

Hơn nữa, xin nhớ là mỗi một tổn thương trong số này đều là do tích tụ những trải nghiệm qua nhiều kiếp trước và do đó hoàn toàn là bình thường khi chúng ta gặp khó khăn trong chuyện đối mặt với nó ở kiếp này một lần nữa. Những kiếp trước không thành công, thì sao trong một kiếp này lại có thể mong đợi nói đơn giản “Tôi muốn chữa lành” là chữa lành được. Ngược lại, ý chí và quyết định chữa lành tổn thương chính là bước đầu tiên tiến tới sự trắc ẩn, kiên nhẫn và vị tha với chính mình. 

Những phẩm chất này chính là món quà mà hành trình chữa lành sẽ đem đến cho bạn. Tôi chắc chắn là trong khi đọc những chương trước, bạn đã phát hiện ra tổn thương của những người xung quanh. Có thể điều này giúp bạn thấu hiểu hành vi của họ tốt hơn, và do đó, có lòng vị tha hơn với họ. 

Như tôi đã nói từ trước, quan trọng là đừng gắn mác bản thân bằng những từ được dùng để xác định các tổn thương hoặc các mặt nạ ngụy trang này. Ví dụ, có thể bạn đã từng bị phủ nhận hoặc bạn cảm thấy bị phản bội, bị bỏ rơi, bị lăng nhục hoặc coi đó là một sự bất công. Ai đó có thể bất công với bạn và điều đó có thể khiến bạn cảm thấy mình bị phủ nhận, bị làm nhục, bị phản bội hay bị bỏ rơi. Như bạn có thể thấy, trải nghiệm đó không quan trọng mà quan trọng là thái độ của bạn đối với nó. Đây là lý do tại sao việc nhận thức rõ hơn tổn thương của bạn, đối chiếu mình với những đặc điểm cơ thể trước khi đối chiếu mình với đặc điểm hành vi lại quan trọng đến vậy. Cơ thể bạn không bao giờ nói dối bạn. Nó phản ánh những gì đang diễn ra trên bình diện cảm xúc và tinh thần. Tôi gợi ý bạn nên đọc lại nhiều lần miêu tả cơ thể của mỗi tổn thương để hiểu rõ hơn sự khác biệt giữa các kiểu. 

Tôi biết càng ngày càng có nhiều người dựa vào phẫu thuật thẩm mỹ để chỉnh sửa một số thứ trên cơ thể họ. Theo tôi, họ đang tự lừa mình vì việc người ta không nhìn thấy nữa những đặc điểm của một tổn thương nào đó trên cơ thể mình không có nghĩa là nó được chữa lành. Nhiều người từng phẫu thuật thẩm mỹ đã phải công nhận là họ rất thất vọng khi sau hai hoặc ba năm những đặc điểm cơ thể mà họ muốn che lấp hoặc giấu kín đi đã tái xuất hiện. Đây chính là lý do mà các bác sĩ chuyên về phẫu thuật thẩm mỹ không bao giờ đảm bảo hiệu quả phẫu thuật kéo dài suốt đời. Ngược lại, nếu, vì tình yêu thương bản thân, bạn quyết định chịu trách nhiệm cho cơ thể mình bằng cuộc phẫu thuật thẩm mỹ, trong khi vẫn ý thức được tổn thương của mình và đang cố gắng chữa lành về tinh thần, cảm xúc và tâm lý, thì rất có khả năng chính cuộc phẫu thuật này sẽ có lợi cho bạn và cơ thể bạn sẽ tiếp nhận kết quả phẫu thuật tốt hơn. 

Một số người tự lừa dối mình về phương diện thế chất nhưng còn một số lượng nhiều người hơn lại giăng bẫy với hành vi, tức là ở thái độ bên trong của họ. Điều này thường xuất hiện trong buổi hội thảo Năm tổn thương của linh hồn trong đó tôi đã giải thích chi tiết những tổn thương này. Một số người tham dự hoàn toàn thấy mình ứng với miêu tả về hành vi của kiểu tổn thương này, trong khi cơ thể họ lại biểu hiện hoàn toàn khác. 

Tôi nhớ là, trong số những người đó có trường hợp một người thanh niên tầm ba mươi tuổi đã nói với tôi là anh ta từng bị phủ nhận kể từ khi còn là một cậu nhóc. Cậu đã đau khổ với chuyện không có mối quan hệ ổn định. Theo cậu, nguyên nhân là vì nhiều lần cậu bị chối từ, phủ nhận. Thế nhưng cơ thể cậu không thể hiện chút nào dấu hiệu phủ nhận. Lát sau, tôi nói với cậu: “Cậu có chắc là cậu đã chịu tổn thương phủ nhận mà không phải tổn thương bất công chứ?” Sau đó, tôi giải thích với cậu rằng cơ thể của cậu thể hiện nhiều dấu hiệu của tổn thương bất công. Cậu rất ngạc nhiên. Tôi gợi ý cậu nên dành thời gian để suy nghĩ kỹ hơn về điều này. Tuần tiếp theo gặp lại, cậu rất hào hứng chia sẻ với tôi rằng cậu ta đã hiểu thông nhiều thứ trong tuần vừa qua. Cậu trông rất ổn và cuối cùng cũng kết nối được với tổn thương bất công của mình. 

Chuyện này chẳng có gì bất ngờ vì cái tôi làm mọi cách để chúng ta không nhìn thấy tổn thương của mình. Nó tin rằng khi chạm vào những tổn thương ấy, chúng ta sẽ không thể chịu đựng được nỗi đau mà tổn thương ấy gây ra. Ngay từ đầu, chính cái tôi đã thuyết phục chúng ta tạo ra những mặt nạ này để tránh cho chúng ta khỏi khổ đau. 

Cái tôi luôn tin là nó đã chọn con đường dễ dàng hơn nhưng thật ra nó đang phức tạp hóa cuộc sống này. Khi trí tuệ chỉ đạo cuộc sống của chúng ta, ban đầu thì có vẻ hơi khó khăn vì cần một số nỗ lực nhất định nhưng trên thực tế trí tuệ đang đơn giản hóa cuộc sống đi rất nhiều. 

Càng lần lữa chữa lành tổn thương, tổn thương càng trở nên nghiêm trọng. Mỗi lần chúng ta gặp một chuyện đánh thức và chạm vào một tổn thương nào đó, là một lần chúng ta đã bồi thêm một lớp tổn thương lên đó. Giống như thể một vết thương đang mở miệng. Càng mở, chúng ta càng sợ chạm vào nó. Từ đó hình thành một cái vòng luẩn quẩn. Điều này thậm chí còn có thể dẫn đến một dạng ám ảnh, tức là tin rằng cả thế giới đều chống lại chúng ta. Ví dụ, người rất cứng nhắc sẽ nhìn ra sự bất công khắp nơi và sẽ trở thành một người quá cầu toàn. Người chạy trốn, về phần mình, sẽ cảm thấy bị tất cả mọi người phủ nhận và tin rằng không ai còn yêu mình nữa… 

Lợi ích của việc nhận ra tổn thương là chúng ta cuối cùng cũng nhìn vào đúng chỗ. Trước đó, chúng ta hành xử như một người đến gặp bác sĩ gan để chữa gan trong khi trên thực tế, trái tim ta mới là nơi có vấn đề. Tình huống này có thể kéo dài trong nhiều năm, như người thanh niên đã cố gắng tìm ra giải pháp cho tổn thương phủ nhận mà anh tưởng mình đang bị, mà không hề chữa lành được chút nào. Sau khi kết nối được những gì thực sự gây đau khổ cho mình, anh ta đã có thể vạch ra con đường đúng đắn chữa lành tổn thương của mình. 

Xin được nói cho thật rõ là có một sự khác biệt giữa việc mang mặt nạ phụ thuộc với việc phụ thuộc về mặt cảm xúc. Không chỉ người bị tổn thương vì bị bỏ rơi, mang mặt nạ phụ thuộc, mới bị thiếu thốn tình cảm. Mọi người, dù có tổn thương nào thì cũng đều có thể phụ thuộc về mặt tình cảm. Tại sao? Vì chúng ta đều trở nên phụ thuộc về tình cảm khi chúng ta bị thiếu tình cảm và chúng ta bị thiếu tình cảm khi chúng ta chưa đủ yêu bản thân, Chúng ta do đó tìm kiếm tình yêu từ người khác để thuyết phục mình là chúng ta đáng yêu… Mỗi mặt nạ tồn tại đều là để cho chúng ta thấy chính ta đã ngăn cản bản thân trở thành chính mình vì chúng ta chưa đủ yêu bản thân. Thật ra, hãy nhớ là mọi hành vi liên quan đến mỗi mặt nạ đều là biểu hiện của các phản ứng và không có hành vi nào xuất phát từ tình yêu bản thân cả.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. GIẢM THIỂU SỰ TÁC ĐỘNG CỦA BẢN NGÃ VÀ NHỮNG TỔN THƯƠNG
  2. VÍ DỤ VỀ TỔN THƯƠNG BẤT CÔNG ĐƯỢC KÍCH HOẠT
  3. BỊ BỎ RƠI

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP