CHUYỂN HÓA TÂM THỨC, LỜI KHUYẾN TU TỪ NGƯỜI BẠN LÀNH

SANGYE NYENPA RINPOCHE

TÁM ĐOẠN THI KỆ CHUYỂN HÓA TÂM THỨC TINH HOA ĐƯỜNG ĐẠO - SANGYE NYENPA RINPOCHE Thoại Uyên dịch – NXB Lao Động 2023 Ảnh: Internet

—o0o—
“TÔN SƯ DRUBWANG SANGYE NYENPA RINPOCHE ĐỜI THỨ 10
Tôn sư Drubwang Sangye Nyenpa Rinpoche đời thứ 10 là một trong những vị Đạo sư mang tầm ảnh hưởng bậc nhất của truyền thừa Karma Kagyu trong Phật giáo Tạng truyền, với phương pháp thuyết giảng tự nhiên, sâu sắc, thẳng thắn và lay động lòng người. Ngài tái sinh tại Bhutan năm 1964 và được tuyên nhận là hóa thân chuyển thế thứ 10 của vị yogi nổi tiếng Sangye Nyenpa Tashi Paljor. Ngài học đạo dưới sự dẫn dắt của các bậc thầy tâm linh lỗi lạc như đức Pháp Chủ Karmapa đời thứ 16, đức Dilgo Khyentse Rinpoche và những bậc thầy khác. Trú xứ hiện nay của Ngài là Tu viện Benchen Phuntsok Dargyeling tại Kathmandu, Nepal.”
—o0o—
Đoạn kệ thứ sáu:
༄། །གང་ལ་བདག་གིས་ཕན་བཏགས་པའི། །
རེ་བ་ཆེ་བ་གང་ཞིག་གིས། །
ཤིན་ཏུ་མི་རིགས་གནོད་བྱེད་ནའང་། །
བཤེས་གཉེན་དམ་པར་བལྟ་བར་ཤོག །
Như người con giúp đỡ
Hay kỳ vọng thật nhiều
Bỗng ác tâm hại con
Nguyện xem họ là thầy.
Đây là một điều không dễ thực hiện; chúng ta thậm chí còn chẳng thể xem họ là bạn mình, huống gì là “bậc Tôn sư”. Bạn hữu là người mà chúng ta cảm thấy thoải mái khi ở bên, nói những lời dễ thương, giúp đỡ tận tình, thậm chí chúng ta có làm gì sai đi nữa, họ vẫn nói rằng: “Bạn làm đúng rồi”. Chúng ta cảm thấy rất vui vẻ và gọi họ là bạn, nhưng thật ra vậy là chưa chân thật với nhau. Khi chúng ta làm đúng, họ nghĩ việc đó là sai, điều này không gây nên vấn đề gì cả. Nhưng rất nguy hiểm khi bạn đang làm sai mà họ nói bạn làm đúng rồi. Quan điểm của tôi là vậy. Tôi thấy không vấn đề gì khi tôi đang làm đúng mà ai đó lại nói tôi sai. Tất nhiên có lúc chúng ta sẽ bị tổn thương, vì chúng ta chưa trở thành một vị Phật hay một bậc giác ngộ, vẫn còn trên con đường đến bờ giác, vẫn đầy cảm xúc và sự vô minh. Thậm chí chúng ta vẫn còn đang đấu tranh với chính mình, vẫn cố nhớ lời thầy dạy, vẫn buộc bản thân phải hiểu và nhớ. Giáo lý Kadampa dạy rằng nếu những vị Thầy chỉ ra cho chúng ta thấy những lỗi lầm và sai trái của bản thân, nên thậm chí bạn có cúng dường cho họ, họ vẫn sẽ nói những lời làm bạn đau lòng, tấn công cảm xúc của bạn. Đây chính là bậc Tôn sư tối cao, vị Đạo sư vĩ đại của bạn. Đây là sự thật.
Giáo huấn là gì? Quả là một câu hỏi hay, bạn có thấy vậy không? Chúng ta lặp đi lặp lại những giáo huấn, lời dạy và lời khuyên, hoặc khi chúng ta có cơ hội gặp gỡ những vị Đạo sư, câu hỏi đầu tiên là: “Thưa Thầy, con làm điều này, điều kia, vậy có đúng không ạ, xin Thầy từ bi ban cho con giáo huấn hay lời khuyên”. Mong muốn của bạn chỉ là nhận được những giáo huấn đơn giản. Nếu bạn nhận được những giáo huấn khó, tôi đảm bảo rằng bạn sẽ đi tìm một vị Đạo sự khác. Trên thế giới có hàng trăm hàng ngàn vị Đạo sư. Giống như việc bạn đến trung tâm thương mại, đi vào khu mà chúng ta cảm thấy không quá đắt và có chất lượng tốt, đúng không? Nếu như ở chợ thì bạn không cần phải trả nhiều tiền cho những sản phẩm không có thương hiệu; chất lượng tạm được là bạn có thể dùng. Bạn tìm Đạo sư của mình cũng giống vậy. Tất nhiên, bạn nên có nhiều vị Đạo sư chỉ dẫn cho mình. Tôi nói thật đấy. Càng nhận được nhiều giáo huấn, bạn càng tiếp cận được nhiều vị Đạo sư, và khi nhận được nhiều lời khuyên, bạn sẽ chọn được điều thích hợp nhất với mình. Nếu bạn chỉ nương tựa vào duy nhất một vị Đạo sư, bạn buộc phải làm vậy khi chưa sẵn sàng; cho dù bạn không muốn thực hành, bạn cũng không có sự lựa chọn. Vì thế, bạn có thể tiếp cận với nhiều vị Đạo sư, nhưng đừng quên phải hiểu rõ giáo lý mình được nhận và mình đang mong mỏi điều gì. Giáo lý nào làm tổn thương cảm xúc của bạn là giáo lý tốt nhất. Giáo lý mà không làm tổn thương bạn, ngược lại còn làm bạn dễ chịu, thì là giáo lý bình thường đối với bạn. Những vị Thầy Kadampa dạy rằng vị Đạo sư tối cao chính là vị buộc tội bạn trước đám đông, chỉ ra lỗi lầm của bạn, làm bạn đau lòng. Giáo huấn cao nhất chính là giáo huấn làm tổn thương cảm xúc của bạn.
Giáo huấn mà chúng ta tìm kiếm là giáo huấn làm chúng ta thấy thoải mái, vui vẻ. Chúng ta nghĩ đó là giáo huấn tốt nhất rồi. Tuy nhiên, chúng ta chẳng thay đổi được gì. Những vị Đạo sư Kadampa dạy rằng giáo huấn tốt nhất là giáo huấn sắc bén, cứng chắc, đi thẳng vào những cảm xúc và gây khó khăn cho bản ngã của chính bạn, làm cho bạn cảm thấy bản thân không muốn giữ bản ngã này nữa. Khi cảm thấy việc sở hữu bản ngã này tồi tệ ra sao, chúng ta sẽ dễ dàng thay đổi. Vị Thầy nào trao truyền giáo huấn tốt nhất chính là bậc Tôn sư của bạn. Trong thời đại mạt pháp này, tôi đoán nếu có vị Đạo sư nào chỉ trích bạn trước nhiều người, bạn sẽ rời khỏi đó và không bao giờ gặp lại vị Đạo sư ấy, sau đó bạn có thể nói: “Đó là một vị Đạo sư bất thiện, đã làm điều này điều kia …”. Trong quá khứ, rất nhiều đệ tử đến gặp các vị Đạo sư để được chỉ ra những lỗi lầm và sai trái của họ, bởi vì họ cảm thấy đó là sự nối kết chân thật và là sự gia trì; đối với họ đó là những điều rất phi thường. Vì thế mà có sự khác biệt thế hệ: Có thế hệ đã thọ được và thực hành miên mật những giáo huấn, cũng có thể họ không làm được vậy. Chúng ta sử dụng sự khác biệt thế hệ làm cái cớ cho mình.
Gần đây có một giáo lý được gọi là “giáo lý hiện đại”. Đối với tôi, không hề có giáo lý hiện đại, bởi vì tâm mê lầm làm cho tâm bạn bất định, rồi bạn gọi đó là giáo lý hiện đại. Tôi cảm thấy rằng điều ấy hiện đại là bởi vì nó làm cho bạn vui vẻ, hạnh phúc. Nhưng chúng ta cần hơn vậy – chúng ta cần những giáo lý làm cho bản thân muốn khóc, cảm thấy buồn, tổn thương. Giáo lý hiện đại là phải như vậy. Thời đại chúng ta sống, mọi người gặp quá nhiều vấn đề, vì thế đây là lúc chúng ta nên khóc thay vì cười. Về mặt xã hội, cá nhân, kinh tế, triết học nói chung và nói riêng, chúng ta có thể thấy được vấn đề khắp mọi nơi. Đó là điều chúng ta đang gặp phải. Vì thế, chúng ta phải trân quý mỗi từ nhận được từ các vị Đạo sư.
Tôi từng nói, không có ai hoàn hảo trước khi thành tựu Toàn giác. Chúng ta không được biện minh cho mình — cả tôi và bạn. Khi tôi tạo ra những lỗi lầm và bạn tạo ra những lỗi lầm, chúng ta không được đổ lỗi cho nhau. Bằng sự chia sẻ những lời khai thị trân quý, chúng ta có thể giúp đỡ lẫn nhau thay vì làm nhau vui lòng khi có nhân duyên gặp gỡ. Dĩ nhiên là tôi có thể làm bạn vui lòng và thoải mái trong một hoặc hai tiếng, có thể trong một ngày, nhưng khi quay về nhà, bạn lại phải đối mặt với những vấn đề do tập khí, thói quen của bạn. Nên chúng ta cần phải chân thật với nhau. Chân thật rất quan trọng và là một trong các giới luật của đạo Phật, trong Phật giáo Nguyên thủy, Phật giáo Đại thừa và cả Kim cang thừa. Bạn phải chân thật với chính mình và với những người khác. Nếu với bản thân còn không chân thật, làm sao chân thật với người khác được.
“Bậc Tôn sư” là một chủ đề thú vị. Có nhiều lầm lẫn trong hệ thống “guru” (bậc thầy) và có nhiều quan điểm khác nhau khi nhắc đến điều này. Trong Kim cang thừa, đây là một sự kết nối đặc biệt. Một khi bạn có sự kết nối với guru” của mình, hay “Đạo sư kim cang”, sự kết nối đó sẽ kéo dài đến khi bạn thành tựu Toàn giác. Giáo lý Mật điển cao cấp dạy rằng nếu bạn giữ sự kết nối đó bền vững sâu sắc thì vị Đạo sư kim cang và học trò sẽ giác ngộ cùng với nhau. Đây là điều mà tôi mong đợi. Không có ai nói với tôi rằng “Con muốn giác ngộ cùng với Thầy” mà chỉ nói rằng “Con muốn đi theo Thầy”. Nhưng theo đến đâu? Đến khi thành tựu Toàn giác? Trong tiếng Phạn, “guru” có ý nghĩa hơn một người Thầy. Thầy là người dạy cho bạn; nếu chúng ta học điều gì đó từ một người, người ấy sẽ trở thành Thầy và có sự kết nối với bạn. Một vị “guru” còn hơn vậy. Đây là “người trao truyền những điều thậm thâm, như truyền quán đảnh gia lực, giáo lý sơ khởi và các giáo lý khác”. Khi tôi nói “thậm thâm” có nghĩa là tôi đang nói đến các bài giảng sâu sắc, vi diệu, dẫn chúng ta thẳng đến giác ngộ. Giáo lý trong Kinh thừa cần thời gian dài và gián tiếp dẫn chúng ta tiến đến giác ngộ, trong khi giáo lý Mật điểm cao cấp của Kim cang thừa, nếu được thực hành miên mật, sẽ trao cho chúng ta sức mạnh và khả năng trực tiếp tiến đến giác ngộ. Vì thế, những vị guru đặc biệt dạy về giáo lý Kim cang thừa có phẩm tính và trí tuệ giống đức Phật, nhưng do các vị ấy gần gũi với chúng ta hơn nên họ dạy ta giáo lý, và đặc biệt là họ vô cùng thấu hiểu, quan tâm chúng ta.
Có sự kết nối với một vị guru rất quan trọng. Tôi sẽ chia sẻ với bạn một vài kiến thức tổng quát về Kim cang thừa, bởi vì hiện nay có nhiều người tham gia nghe giảng về các giáo lý sơ khởi, các lễ cầu nguyện và những hoạt động khác nhưng có lúc vẫn thực hành sai do thiếu kiến thức về nó. Theo giáo lý Mật điển sơ khởi, điều đầu tiên cần phải hiểu là về vị “Đạo sư Kim cang”, tiếng Tạng gọi là “Dorje Lopon” (rdo rje slo spon). Đó là người trao truyền cho chúng ta giáo lý sơ khởi và giáo lý Mật điển cao cấp, vì thế mối liên kết giữa vị Đạo sư Kim cang và đệ tử được gọi là “sự nối kết kim cang”. “Kim cang” có nghĩa là “không thể nào hủy hoại”. Nếu ai đó phá vỡ liên kết này, có thể cả vị Đạo sư và đệ tử đều sẽ đi một con đường… Không cần phải nói thì các bạn đều hiểu cả, và đây là con đường không thể quay lại. Sự phá vỡ giới nguyện (cam kết Kim cang thừa) đến từ mối quan hệ không ổn định; sự không kiên định này đến từ bản ngã và sự vô minh của bạn. Vì thế việc trở thành một hành giả Kim cang thừa cần có sự suy nghĩ cẩn trọng và sự nghiêm túc. Đừng lựa chọn sai lầm, bởi nếu chọn sai, bạn sẽ gây nên hậu quả nghiêm trọng, rất nguy hiểm; vì vậy việc có một tri kiến thanh tịnh là rất quan trọng.
Để phát triển tri kiến thanh tịnh về vị guru của mình, bạn cần phải phát triển sự thực hành đúng đắn của mình, nghĩa là bạn nên trau dồi bản thân thông qua việc thấu hiểu Phật pháp để không phạm phải các lỗi lầm. Còn nếu không, vị Thầy sai lầm, người truyền giảng sai lầm, sẽ dẫn bạn lầm đường lạc lối. Đó là lý do sự tham học và thấu hiểu lại quan trọng đến vậy. Bạn thấu hiểu càng nhiều, bạn sẽ thấy càng thoải mái khi chọn điều đúng đắn, từ bỏ điều sai lầm và không cần phải phụ thuộc vào lời khuyên của ai. Với trí tuệ mở mang, nếu có phạm phải sai lầm, bạn vẫn biết cách phục hồi và áp dụng các phương pháp hóa giải. Bạn cần phải cẩn trọng khi nói về vị guru, vị Kim cang Đạo sư của mình. Trong Kinh thừa, tìm một vị Đạo sư có thể dễ hơn, và không có nhiều giới nguyện hoặc vấn đề về việc phá vỡ giới nguyện. Sự sâu sắc trong nối kết của Kim cang thừa thì nghiêm cẩn hơn, đặc biệt là Mật thừa cao cấp: Cần phải cẩn trọng vì nó không đơn giản như chúng ta nghĩ hay mong đợi.
Vì thế, đoạn kệ này dạy chúng ta rằng “bậc Tôn sư” là người làm cho chúng ta cảm thấy phải xem lại bản thân, vì cảm xúc là điều chúng ta cần để đoạn diệt bản ngã của chính mình. Do vậy, đây là thử thách lớn lao cho chúng ta, như một bài kiểm tra vậy. Chúng ta cần những tình huống như vậy để soi xét chính mình, và người tạo ra cho bạn những cảm xúc như vậy chính là một bậc Tôn sư.

 

Bình luận


Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP