CƠ THỂ NĂNG LƯỢNG BÊN TRONG

ECKHART TOLLE

Trích: Hp Nht Với Vũ Trụ - Oneness With All Life; Biên dịch: Lê Thị Ngọc Hà; NXB. Tổng Hợp Tp.HCM

☀️ Ta phải đi vào cơ thể để vượt thoát khỏi nó và nhận ra rằng mình không phải là cơ thể ấy.

☀️ Nếu ta đồng nhất mình với cái cơ thể hữu hình nhận thức thông qua giác quan, chắc chắn sẽ lão hóa, tiều tụy và chết đi, thì trước sau gì việc này cũng dẫn đến đau khổ. Không đồng nhất với cơ thể không có nghĩa là ta ruồng bỏ, chán ghét hoặc không quan tâm chăm sóc cơ thể. Nếu cơ thể khỏe mạnh, xinh đẹp hoặc tràn đầy sinh lực, ta mới có thể tận hưởng và trân quý những thuộc tính đó. Ta cũng có thể cải thiện tình trạng sức khỏe thể lý qua chế độ dinh dưỡng lành mạnh và tập thể dục đều đặn. Nếu ta không đồng nhất mình với cơ thể, khi sắc đẹp tàn phai, sức sống giảm sút hay cơ thể không còn khả năng hoạt động, điều này sẽ không ảnh hưởng đến cảm nhận về giá trị hay nhận dạng đích thực của ta. Quả thực, khi cơ thể bắt đầu suy yếu, chiều vô hình tướng, tức ánh sáng của ý thức, có thể dễ dàng tỏa sáng xuyên qua cái hình tướng đang dần phai mờ.

☀️ Bản ngã trỗi dậy khi cảm nhận về bản thể đích thực, vốn là ý thức không hình tướng, trở nên lẫn lộn với hình tướng. Đây là sự đồng nhất sai lầm, sự quên lãng bản thể tồn tại thật sự.

☀️ Mặc dù tự đồng nhất mình với cơ thể là một trong những dạng căn bản nhất của bản ngã, nhưng điều rất may là ta có thể dễ dàng thoát khỏi thói quen tự đồng nhất này. Điều này được thực hiện không phải bằng cách tự thuyết phục rằng ta không là hình hài vật chất này, mà bằng cách chuyển sự chú ý từ hình dáng bên ngoài, từ cách ta nghĩ về cơ thể mình — như đẹp, xấu, mạnh, yếu, béo, gầy – sang trạng thái cảm nhận được sức sống ẩn bên trong đó. Dù cho ngoại hình của bạn có như thế nào đi nữa, vượt lên trên cái vẻ bề ngoài đó là sự hiện hữu của một trường năng lượng đầy sức sống mãnh liệt.

☀️ Hãy chú ý hít thở hai, ba hơi. Bạn có thể nhận ra sức sống tinh tế đang tràn ngập bên trong cơ thể không. Lướt qua từng bộ phận trong cơ thể. Cảm nhận bàn tay, cánh tay, bàn chân và cẳng chân. Bạn có thể cảm nhận bụng, ngực, cổ và đầu của mình không? Thế còn môi thì sao? Bên trong những bộ phận ấy có sức sống không? Sau đó, một lần nữa, hãy ý thức về toàn bộ cơ thể. Có thể lúc đầu bạn muốn nhắm mắt lại trong bài luyện tập này, cho đến khi bạn cảm nhận được cơ thể của mình, hãy mở mắt ra, nhìn quanh và tiếp tục cảm nhận. Có thể bạn thấy không cần phải nhắm mắt nữa, hoặc bạn đã cảm nhận được “cơ thể năng lượng ở bên trong” khi đọc đến đây.

☀️ “Cơ thể năng lượng ở bên trong” không có đặc mà rất thông thoáng. Đó không phải hình hài vật chất, mà là lực sống truyền sinh khí cho hình hài vật chất kia. Đó chính là trí tuệ đã tạo ra và duy trì sự sống cho cơ thể, đồng thời phối hợp hàng trăm chức năng khác nhau, cực kỳ phức tạp, phi thường mà đầu óc con người chỉ có thể hiểu được một phần rất nhỏ. Cơ thể năng lượng bên trong là “sự sống” mà chưa nhà khoa học nào có thể tìm ra.

☀️ Nếu bạn chưa quen cảm nhận “cơ thể năng lượng ở bên trong” thì bạn hãy thử nhắm mắt lại một lúc và tìm hiểu xem có sự sống trong bàn tay bạn không. Đừng đặt câu hỏi này cho lý trí, vì nó sẽ bảo “Tôi chẳng cảm nhận được gì cả”. Cũng có thể lý trí sẽ nói “Thôi, hãy nghĩ về điều gì đó thú vị hơn đi”. Nên thay vì hỏi lý trí, bạn hãy trực tiếp chú tâm vào hai bàn tay bạn. Bạn hãy cảm nhận cảm giác sống động rất vi tế đang có trong đôi bàn tay. Bạn chỉ cần chú ý vào đó. Ban đầu có lẽ bạn sẽ có cảm giác chộn rộn, sau đó là cảm giác tràn trề năng lượng. Nếu bạn tiếp tục chú ý đến hai bàn tay thêm một lúc nữa, bạn sẽ cảm nhận được sự gia tăng cường độ cảm giác sống động. Nhiều người có thể không cần nhắm mắt lại, họ vừa đọc những dòng chữ này vừa cảm nhận được năng lượng trong lòng bàn tay. Sau đó bạn sẽ chú ý đến hai bàn chân, hãy duy trì sự chú ý vào đó trong vài phút và bắt đấu cảm nhận bàn tay, bàn chân cùng một lúc. Tiếp theo là tập cảm nhận các phần khác trong cơ thể – cẳng chân, cánh tay, bụng, ngực. . . – cho đến khi bạn cảm nhận được “cơ thể năng lượng ở bên trong” như là một nguồn sống lan tràn khắp cơ thể.

☀️ Những gì tôi gọi là “cơ thể năng lượng ở bên trong” thực chất không còn là cơ thể vật chất nữa mà đó là năng lượng của sự sống, là chiếc cầu nối giữa thế giới hữu hình và vô hình. Hãy tạo cho mình thói quen để ý và cảm nhận “cơ thể năng lượng ở bên trong”, sau một thời gian, bạn sẽ không cần nhắm mắt mà vẫn cảm nhận được. Ví dụ, hãy thử xem mình có thể vừa nghe một người nào đó nói chuyện, vừa cảm nhận được “cơ thể bên trong” không. Điều này nghe có vẻ như rất nghịch lý: Khi bạn kết nối với “cơ thể năng lượng ở bên trong” thường xuyên hơn, bạn sẽ không còn khuynh hướng muốn tự đồng nhất mình với cơ thể vật chất bên ngoài, cũng không đồng nhất với tâm trí nữa. Tức là bạn không còn tự đồng nhất mình với hình tướng mà chuyển sang trạng thái không hình tướng, hay ta có thể gọi đó là thực thể nội tâm. Đó là nhân dáng nguyên thủy của bạn. Nhận thức về “cơ thể năng lượng ở bên trong” không những sẽ giúp bạn an trú trong phút giây Hiện tại, mà nó còn là cánh cửa giúp bạn bước ra khỏi sự tù đày, giam hãm của bản ngã. Ý thức về cơ thể năng lượng cũng giúp làm mạnh thêm hệ thống miễn dịch và khả năng tự chữa lành của cơ thể.

☀️ Trong đời sống hàng ngày, hãy vận dụng nhận thức về “cơ thể năng lượng ở bên trong” để tạo ra càng nhiều không gian càng tốt. Khi bạn chờ đợi, lắng nghe ai đó, hay khi bạn dừng lại để ngắm nhìn bầu trời, cây cối, người bạn đời hay con cái, hãy đồng thời cảm nhận sức sống ở bên trong. Điều này có nghĩa một phần sự chú ý hay ý thức của bạn giữ nguyên ở dạng không hình tướng, và phần còn lại thì hiện hữu với thế giới hình tướng bên ngoài. Bất cứ khi nào bạn “trú ngụ” trong cơ thể theo cách này, cơ thể đóng vai trò như chiếc neo để bạn hiện diện ngay Bây giờ. Cơ thể ngăn không cho bạn đánh mất bản thân trong dòng suy nghĩ miên man, cảm xúc hoặc hoàn cảnh bên ngoài.

☀️ Cơ thể hữu hình là cánh cửa để ta đi vào không gian nội tâm. Mặc dù không gian nội tâm không có hình tướng nhưng vẫn có sức sống mãnh liệt. Không gian trống rỗng ấy ngập tràn sức sống, là nơi để Cội nguồn, Thượng để tuôn trào qua đó.

Bài viết này đã đóng bình luận.


Bài viết khác của tác giả

  1. Ý NGHĨA CỦA SỰ VÂNG PHỤC(PHẦN 1)
  2. PHÁ VỠ THÁI ĐỘ TỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỐI KHỔ ĐAU
  3. VƯỢT QUA KHUÔN KHỔ TƯ DUY

Bài viết mới

  1. KIÊN TRÌ ĐẾN LÚC THÀNH CÔNG
  2. BẢN TÁNH TỐI HẬU CỦA TÂM
  3. BA CON ĐƯỜNG