CỨU CẤP TRÊN PHI CƠ

SYLVIA BOORSTEIN

Trích: Đơn Giản Hơn Ta Nghĩ– Sylvia Boorstein; Nguyễn Duy Nhiên dịch; NXB. Phương đông, 2017.

Sylvia Boorstein (sinh năm 1936) vừa là một bác sĩ tâm lý học và cũng vừa là một vị giáo thọ Phật giáo.
Bà là một trong những vị giáo thọ, cùng với Jack Kornfield sáng lập ra Trung tâm Thiền tập Spirit Rock ở tiểu bang California, Hoa Kỳ.

Bà có một lối dạy rất thực tiễn và cụ thể, với quan niệm rằng cuộc sống hằng ngày chính là thiền tập của chúng ta

——-***——-

I- SỰ SAI LẦM
Tôi ngồi yên trên ghế của mình, buộc dây an toàn xong, trong khi những hành khách cuối cùng bước lên phi cơ từ Boston đi San Francisco. Bỗng có giọng nói cáu kỉnh của một bà mẹ gây sự chú ý cho tôi. Tôi ngước nhìn lên và thấy gương mặt bà ta đỏ bừng và căng thẳng. Đứa con trai nhỏ mặt tái mét và sợ sệt. Bà ta loay hoay với mấy chiếc giỏ xách tay, đẩy đứa bé đi tới trước đến chỗ ngồi của bà, mắng nhiếc nó trong từng bước một. Tôi nhíu mặt và nhìn sang chỗ khác, tôi có những ý nghĩ không tốt về bà ta.

Chuyến bay dài sáu giờ đồng hồ. Hai mẹ con ngồi phía sau tôi cách chừng vài dãy ghế, đều đặn, tôi có thể nghe tiếng gay gắt của bà. Mỗi lần nghe tiếng bà là tôi cảm thấy bực mình. Tôi ước gì mình đã đi trên một chuyến bay khác. Tôi cảm thấy khó chịu vì bà ta đã làm hỏng cái hy vọng rằng đây sẽ là một dịp cho tôi nghỉ ngơi. Tôi lo lắng cho đứa bé trai, và tưởng tượng ra những hình ảnh đen tối cho tương lai và cuộc đời của nó. Tôi nghĩ rồi sẽ có một ngày nào đó, những hành động của người đàn bà này sẽ trở lại ám ảnh bà ta. Tôi ngồi yên trong ghế, suy nghĩ đủ hết tất cả mọi chuyện, trừ việc giúp đỡ họ.

Trong lúc đó, tôi không có một giải pháp can thiệp nào hết. Có lẽ tôi quá bực mình, tôi nghĩ tôi sẽ lại thốt ra những lời bất nhã. Tôi tự hỏi: “Mình biết nói gì để có thể giúp được cho họ?”.

Phi cơ đáp xuống, người đàn bà và đứa con trai mất dạng vào trong đám đông. Khi ấy, có lẽ vì cơn lũ lụt phê phán đã từng, tôi biết được việc gì mình đã có thể làm. Tôi đã có thể dừng lại bên chỗ dãy ghế của bà ta, mỉm cười và nói: “Đi xa với một đứa bé như thế này chắc chắn là cực lắm, phải không? Tôi cũng có lần đã đi như vậy, lâu lắm rồi, và tôi vẫn còn nhớ mãi. Bà đi như thế này lâu chưa? Bà có phải chờ đợi ở phi trường lâu không? Bà đi về đâu? Có ai ra đón không?…”. Dĩ nhiên là tôi không cần phải hỏi tất cả những câu ấy. Chừng một hoặc hai câu cũng đủ tỏ cho bà ta biết rằng tôi thấy được nỗi cực nhọc của bà và lưu tâm đến. Việc đó chắc chắn sẽ giúp được phần nào.

Nào ai biết được việc gì đã có thể xảy ra nếu tôi và bà nói chuyện với nhau? Có lẽ tôi đã có thể nói cho bà ta nghe một vài điều hữu ích về vấn đề nuôi dạy con. Có lẽ tôi đã có thể khiến cho bà cố gắng thay đổi một phần nào. Có lẽ cuộc đời của đứa bé trai ấy sẽ được thay đổi.

Những việc đáng lẽ tôi phải làm trở nên rất rõ ràng sau đó, khi nó đã là quá trễ. Tôi cảm thấy hối hận. Nhà Phật có dạy rằng hành động này sẽ “làm điều kiện” cho hành động khác, và sự “không hành động” của tôi đã làm điều kiện cho một quyết định là sẽ hành động tốt hơn về sau.

II- SỬA SAI
Năm năm sau, một lần nữa, tôi ngồi yên trong ghế trên chuyến bay United 33, từ Boston đến San Francisco. Tôi hy vọng sẽ có được sáu giờ rảnh rang để viết lách, chỉ vì còn vài tuần nữa là đến kỳ hạn cho bản thảo của quyển sách này. Người đàn bà ngồi cạnh tôi có vẻ bất an, bồn chồn trong ghế ngồi, háo hức muốn nói chuyện. Bà kể tôi nghe, gần đây bà bị té và đầu xương cụt của bà bị bầm tím, bây giờ mỗi khi ngồi nó đau đớn lắm. Bà giải thích là bà hơi lo và không vui, vì chuyến bay này khá dài mà lại không được phép hút thuốc.

Tôi bỏ một thời gian để nói chuyện, hy vọng rồi bà ta sẽ ổn định xuống để tôi có thể trở lại viết lách mà không tỏ ra mất lịch sự. Tôi lào xào sắp xếp lại mớ giấy tờ của mình, cố ý cho bà thấy là tôi muốn được yên để làm việc. Mỗi lần chúng tôi kết thúc một chủ đề và tôi bắt đầu quay sang chỗ khác, bà ta lại bắt đầu một đề tài mới.

Giờ ăn trưa đến và qua đi. Tôi hy vọng là dịp nói chuyện trong giờ ăn sẽ cho phép tôi được yên sau đó, để có thể nghiêm chỉnh tiếp tục việc viết lách của mình. Nhưng việc ấy đã không xảy ra. Chuyến bay càng kéo dài, bà ta càng trở nên bất an. Lưng của bà đau và bà thèm thuốc lá.

Thật ra chính là bà, chứ không phải tôi, đã đánh thức tôi dậy trước khi tôi phạm lỗi một lần nữa. Chúng tôi kể cho nhau nghe về việc làm của mình, và bà thắc mắc, hỏi một chuỗi câu hỏi về công việc của một người đi hướng dẫn thiền tập. Tôi dạy cho những ai? Những gì tôi dạy có ích lợi cho những người bị căng thẳng không? Nó có khó không? Nếu bà muốn học thì sao? Bà hăm hở nhờ tôi ghi tên những quyển sách bà có thể đọc, những cuộn băng bà có thể mua, nhưng nơi bà có thể tìm đến học…

Cuối cùng, tôi hiểu. Tôi nói: “Bà có muốn tôi chỉ cho bà phương pháp thiền tập ngay bây giờ không? Nó có thể sẽ làm bà cảm thấy dễ chịu hơn”.

Bà đáp: “Vâng, tôi muốn chứ. Tôi rất muốn”.

Tôi bỏ viết xuống. Tôi giảng cho bà nghe vài lời hướng dẫn về thiền tập. Bà ta ngồi yên trong một thời gian. Và sau đó chúng tôi bàn về kinh nghiệm của bà.

Bà nói bà cảm thấy được thoải mái hơn. Tôi giải thích, cảm giác thoải mái hơn một chút sẽ làm cho bà cảm thấy thoải mái hơn thật nhiều, bởi vì bây giờ bà có thể tin chắc là mình có khả năng vượt qua được chuyến bay này. Chúng tôi nói về việc quan tâm của ta có thể nắm lấy một sự khó chịu nho nhỏ thôi và thổi phồng nó lên thật to.

Tôi bắt đầu nhận ra là mình đang có những giờ phút rất vui. Tôi chợt thấy, thật là rất buồn cười khi ta bận rộn viết về niềm vui của những hành động vị tha và từ ái, về việc đem tình thương ra ban rải mỗi khi có dịp, trong khi ta lại cố chối bỏ một người đang khổ đau ngồi ngay sát bên ta. Trong nửa giờ cuối của chuyến bay bà ta ngủ say, và tôi đã viết một bài thật hay.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. BỚT SỢ HÃI
  2. BÁC THỢ SỬA MÁY MAY: QUÊN ĐI CÂU CHUYỆN CỦA MÌNH
  3. CHÁNH NIỆM: BA TÔI VÀ CUỐN PHIM CUỐI

Bài viết mới

  1. KHỔ ĐAU VÀ HẠNH PHÚC CHỈ LÀ CẢM NHẬN CHỦ QUAN
  2. VƯỢT QUA SỢ HÃI
  3. TÍNH NÔN NÓNG