ĐẶNG HOÀNG AN: SAO PHẢI XẤU HỔ VỚI KHIẾM KHUYẾT CỦA BẢN THÂN?

SƯU TẦM

Trích: báo Vnexpress - 17/9/2020

Đặng Hoàng An đẩy xe lăn lên bục giảng, nhịp thở hơi nhanh vì bồi hồi bởi kể từ khi mất đôi chân, thi thoảng anh mới trở lại vị trí quen thuộc này.

Khi cầm micro trên tay, chàng thạc sĩ 29 tuổi trở nên hoạt bát hơn như thể người nghệ sĩ được trở lại với ánh đèn sân khấu và khán giả. Anh say sưa chia sẻ với tân sinh viên khoa Tâm lý học, trường ĐH Sư phạm TP. HCM nhân dịp khai giảng.

“Hôm nay, thầy vượt qua mặc cảm hình thể, tự tin xuất hiện và phát biểu trơn tru như thế này đều nhờ học và hành nghề Tâm lý học. Trải qua tất cả, thầy nhận ra khiếm khuyết chỉ là sự bất tiện trong di chuyển chứ ko phải bất hạnh. Thầy hy vọng các bạn không ngừng nuôi dưỡng cho mình ước mơ hoài bão ở khoa ta”, Đặng Hoàng An kết thúc bài phát biểu của mình.

Dù không còn là giảng viên của trường, nhưng từ năm 2018 đến nay, cứ mỗi mùa khai giảng, An lại được mời từ quê ở Long An lên Sài Gòn chia sẻ với các sinh viên. Mất hơn một giờ đồng hồ để vượt quãng đường đến trường không quá dài. Nhưng sau tai nạn, để có thể bước ra thế giới bên ngoài và đứng trước học trò là cả một hành trình đằng đẵng và là cuộc chiến dai dẳng trong lòng Đặng Hoàng An.

Bốn năm trước, chàng trai này từng là niềm tự hào của gia đình nông dân có hai con ở Cần Đước, Long An. Anh tốt nghiệp khoa Tâm lý học, trường ĐH Sư phạm TP HCM, sau đó học lên thạc sĩ, rồi trở thành giảng viên. Năng động, hoạt ngôn, anh thạc sĩ trẻ kiêm nhiệm thêm vai trò Bí thư Đoàn khoa. Ngoài ra, anh còn là giảng viên thỉnh giảng của hai trường cao đẳng khác ở Sài Gòn.

“Tôi như đang ở thiên đường, với nhiệt huyết, sức trẻ và con đường sự nghiệp rộng mở”, chàng trai cao 1,8 mét nói.

Thạc sĩ Đặng Hoàng An khi còn chưa khiếm khuyết đôi chân. Anh cao 1,8 mét, nặng hơn 70kg. “An nhiệt tình, say mê công tác tình nguyện và luôn có trái tim biết hy sinh”, PGS.TS Nguyễn Thị Tứ, trưởng khoa Tâm lý học, ĐH Sư phạm TP.HCM nhận xét. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Nhưng mọi thứ đột ngột khép lại vào giữa năm 2016. An bị tụt canxi máu và ngã từ tầng hai xuống. Đôi chân đau đớn, không thể đi lại. Hai tháng liền, chàng trai trẻ phải ở trong phòng cùng với những bệnh nhân thập tử nhất sinh. “Có bệnh nhân khỏe khoắn, đi lại tốt hơn tôi nhưng trong đêm lên cơn co giật, cắn lưỡi và không qua khỏi. Tôi sợ mình sẽ có ngày cũng giống như người đó”, anh kể.

Anh bị bác sĩ “trả về” vì đôi chân không còn khả năng phục hồi. Nhưng mặc cho bố và cô ruột đã thu dọn hết hành lý, An vẫn bám thành giường không chịu rời viện. Anh sợ không được bác sĩ theo dõi, rồi một ngày mình cũng chết bất thình lình. “Đến khi ba nó động viên về uống thuốc bắc, thuốc nam sẽ khỏi bệnh nó mới đồng ý”, bà Khấu Thị Điệp, 50 tuổi, mẹ An nhớ lại.

Đặng Hoàng An kể lại, hôm đó được cha ẵm lên xe, anh ngước mắt lên không trung. Trời tháng 6 mây đen vần vũ, gió rít từng cơn, những hạt mưa tuôn xuống ướt đẫm, anh rời bệnh viện như một cái xác không hồn. “Đời mình rồi cũng trượt dài như những giọt nước này thôi”, An thầm nghĩ rồi buông xuôi.

Về quê, chiếc xe lăn các thầy cô khoa Tâm lý mua cho, An bỏ ở góc nhà, nhất định không ngồi lên. Ông Đặng Văn Thành, 52 tuổi, cõng con trai đi khắp miền đông đất đỏ đến miền tây nam bộ chữa bệnh nhưng không có chuyển biến gì. Sau một năm không đứng lớp, anh thạc sĩ phải lên Sài Gòn để nhận quyết định nghỉ việc. Điều này càng khiến anh tuyệt vọng. Lúc tiễn anh về, đồng nghiệp trong khoa đều khóc, nhưng đôi mắt An khô khốc.

Về quê, mỗi sáng mở mắt ra đã có người hỏi thăm, động viên “rồi sẽ khỏe lại”, An chán nản, ngột ngạt. Anh hiểu người khác định nói gì với một bệnh nhân “không nhìn thấy tương lai”. “Đấy là cái khổ của người có chuyên môn Tâm lý. Tôi đọc được tất cả những điều người khác định nói nên cảm giác như bị ép ăn một món ăn mà mình không thích mỗi ngày”, anh kể. An nhốt mình trong phòng, hầu như không giao tiếp với ai, không lên mạng hay nghe điện thoại thăm hỏi.

Đêm xuống, những cơn đau ập đến khiến người An cong như con tôm luộc. Anh tự cho tay hoặc nhồi chăn vào miệng và khóc thật khẽ. Bệnh tình mỗi lúc một nặng, giảng viên trẻ hôm nào giờ chỉ nằm một chỗ. Hàng ngày, vợ chồng ông Thành thay nhau nhai cơm đút cho con. Sự nghiệp đột ngột chấm dứt, sức khỏe không thể lấy lại, ba mẹ hay cãi vã vì mình… tất cả như tảng đá đè nặng khiến An không còn sức chống đỡ. Anh quyết định tuyệt thực.

Ông Thành bảo với con: “Con chó đói còn biết tìm cái mà ăn, mày có còn là người không mà cơm đút không ăn hả?”. Rồi ông bà tách miệng con đổ thuốc, đút cơm nhai. An nuốt như một cái máy để chiều lòng cha mẹ.

Cuộc sống trôi đi trong u uất cho đến cuối năm 2017. Khi ba mẹ đang giúp anh gội đầu, cơn co giật kéo đến. Anh cắn phải lưỡi, ngừng thở mất mấy phút. Lúc mở mắt ra, An thấy cha đang quỳ sụp bên mình, còn mẹ đẫm nước mắt.

“Tôi bảo con chỉ cần mỗi tối đi làm về, thấy nó ở cửa đợi, dù phải nuôi con cả đời cũng được”, bà Điệp nhớ lại. Phút đó, An xấu hổ với ba mẹ. Khát khao sống trỗi lên mạnh mẽ. “Tôi hứa với má sẽ không làm bà rơi nước mắt nữa”, anh kể.

Thạc sĩ Đặng Hoàng An làm diễn giả tại buổi truyền động lực sống cho học sinh THCS và THPT Hoa Sen, TP HCM năm 2019. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Sau hôm đó, anh nhờ cha bế lên chiếc xe lăn bỏ xó hơn một năm qua. Ông Thành đẩy con ra trước hiên nhà. Lần đầu tiên sau hai năm, An nghe lại tiếng gà mẹ dẫn đàn con đi kiếm ăn, nghe tiếng chim hót, thấy vệt nắng hắt qua khuôn mặt gầy xạm của mình. Anh mỉm cười, nhờ ba chụp một tấm hình đang ngồi trên xe gửi cho một người thầy.

Thầy của An nhắn lại: “Như thế mới đúng là ‘dân tâm lý’ chứ. Nhanh khoẻ lên khoa làm lại. Mọi người đang đợi An và nhiều việc cần An”. “Ừ nhỉ, mình là ‘dân tâm lý’ – làm việc với con người thì phải thích nghi tốt với mọi hoàn cảnh, mới giúp được chính mình và người khác. Tại sao lâu nay mình quên mất điều ấy”, anh ngộ ra.

An bắt đầu lên mạng xã hội xem các chương trình truyền cảm hứng sống, đọc tự truyện của ca sĩ Wanbi Tuấn Anh, sách về Nguyễn Thế Vinh – người bị cưa cụt tay phải nhưng vẫn hòa tấu guitar và thổi harmonica.

Đọc hết chồng sách, An bắt đầu tự tham vấn cho mình: “Nhiều người còn bị nặng hơn nhưng họ vẫn sống tốt đấy thôi”, “Sao phải xấu hổ với khiếm khuyết của bản thân?”, “Mình có cha mẹ, đồng nghiệp, sinh viên, bạn bè bên cạnh, sao phải nản lòng?”…

Nhận ra sai lầm lâu nay, anh tập ngồi dậy. Ngày đầu tiên chỉ vài phút, nhưng An thấy bố mẹ thức đến hai giờ sáng vì vui mừng. Anh tập xúc cơm ăn, tập tắm rửa, gội đầu… Ban đầu, cơm vương vãi, nước gội đầu tung tóe, nhưng sau vài tháng, chàng trai đã có thể tự làm khá thành thạo. Con gà ngoài sân, anh vung thóc cho nhặt, cây trong vườn, An thay ba mẹ tưới nước.

Anh nhờ cha phủi bụi chục thùng sách chuyên ngành. Hàng ngày, An đọc, viết lách để vừa ôn lại kiến thức, vừa rèn tư duy cho trí não hoạt động. Mỗi lần bạn bè, đồng nghiệp đến thăm, thay vì im lặng, anh nhờ họ mua sách giúp mình. Anh cũng dần bớt lệ thuộc vào thuốc giảm đau.

Anh An tự lên mạng xã hội học cách nuôi nấm bào ngư, nhờ sự phụ giúp của ba mẹ và nỗ lực của mình, 6 tháng trồng nấm đã giúp An có thêm sự tự tin vào bản thân. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Thấy An kết nối trở lại, các đồng nghiệp trong khoa gửi đề tài khoa học, các câu hỏi của sinh viên “nhờ” anh tư vấn. Dần dần, thạc sĩ Đặng Hoàng An được mời làm diễn giả truyền động lực sống cho một số trường tại TP HCM.

Từ năm 2019 đến nay, anh là cộng tác viên – chuyên gia tư vấn cho đài Phát thanh truyền hình Vĩnh Long. Chị Đỗ Thị Thu Nga, Biên tập viên chương trình “Ống kính học đường” cho biết: “Có những phụ huynh, học sinh muốn tư vấn nhưng ngoài giờ chương trình phát sóng, An vẫn nhiệt tình hỗ trợ. Thay vì cách gọi thông thường là “thính giả”, cậu ấy gọi phụ huynh là “anh ơi, chị ơi”, gọi các bạn học sinh là “em ơi, con ơi”, gần gũi nên thính giả rất quý An”.

Ngoài công việc chuyên ngành, tháng 6 năm ngoái, Đặng Hoàng An trồng 2.000 phôi nấm bào ngư. Nhưng vì dịch bệnh nên đầu năm nay anh phải tạm dừng. Nửa năm làm nông dân, An chỉ thu lại được vốn, còn một chút sản phẩm anh biếu người thân và cúng dường cho nhà chùa. “Nhưng cái tôi có được là thấy mình dù khiếm khuyết vận động nhưng trí óc và con tim vẫn tròn đầy, vẫn làm được việc phù hợp với mình. Quan trọng hơn, tôi muốn cha mẹ vui lòng”, anh nói.

PGS.TS. Nguyễn Thị Tứ, trưởng khoa Tâm lý học, ĐH Sư phạm TP HCM cho rằng may mắn của những người nghiên cứu về tâm lý học là biết cách tạo động lực cho chính mình và suy nghĩ lạc quan dù rơi vào biến cố. Tuy nhiên, theo cô Tứ, điều giúp Đặng Hoàng An vượt qua nghịch cảnh là sự đồng hành của gia đình, đồng nghiệp, bạn bè và quan trọng nhất là nghị lực của chính anh.

“Trước đây, tôi luôn tự hào vì có một học trò, một đồng nghiệp sáng dạ, hăng hái và trái tim nhân hậu như em ấy. Còn bây giờ, tôi càng tự hào vì nghị lực của An. Em ấy đã sống một cuộc sống mới còn ý nghĩa hơn cả trước đây”, PGS.TS Tứ chia sẻ.

Trời tháng 9 nhá nhem tối, bà Điệp mặc bộ đồ công nhân từ xưởng về nhà. Như mọi ngày, người mẹ vội lao vào phòng tìm con, nhưng Đặng Hoàng An đang vùi đầu vào cuốn sách chuyên ngành vừa mua, không nhìn thấy mẹ đứng sau. “Nó giữ lời hứa, không còn làm tui phải rơi nước mắt nữa”, bà Điệp mỉm cười, nói.

Phạm Nga

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. NGHỊ LỰC

Bài viết khác của tác giả

  1. BẠN
  2. NỮ GIÁO SƯ ĐÓNG GÓP 1 TỶ USD ĐỂ SINH VIÊN Y KHOA ĐƯỢC HỌC MIỄN PHÍ
  3. CHỈ CÓ TÌNH YÊU THƯƠNG MỚI GIẢI ĐƯỢC OÁN THÙ

Bài viết mới

  1. BA CON ĐƯỜNG
  2. DŨNG CẢM – SỨC MẠNH CỦA TRÁI TIM
  3. HÃY BIẾT CHÍNH NGƯƠI