ĐIỆU VŨ PHI THƯỜNG

NGUYỄN TƯỜNG BÁCH

Trích: Đường Xa Nắng Mới; NXB. Hội Nhà Văn, 2012

 

Từ châu Á đi mãi về phía Tây người ta sẽ đến một vùng đất dường như làm cầu nối giữa hai châu lục Âu – Á. Đó là một vùng đất mênh mông có núi, có biển, có rừng, có sa mạc. Đó là nước Thổ Nhĩ Kỳ.

Ở một vị trí nối liền hai châu lục, Thổ Nhĩ Kỳ có một lịch sử đầy biến động vì tất cả mọi đế quốc trong lịch sử loài người phải đi qua đây để chinh phục các nước khác. Từ Hy Lạp với Alexander Đại đế hay từ La Mã với Julius Caesar hay từ Mông Cổ với Thành Cát Tư Hãn, vó ngựa của các đoàn quân viễn chinh đều dẫm chân trên các con đường xuyên lục địa Âu – Á nằm trên chiếc cầu mênh mông này.

Thổ Nhĩ Kỳ lại còn có một thành phố Istanbul nằm trên eo biển Bosporus giữa Marmara Sea và Black Sea (Hắc Hải). Istanbul là thành phố duy nhất trên thế giới nằm trên hai châu lục Âu – Á. Hai chiếc cầu bắc ngang eo biển Bosporus nối hai bên của thành phố 14 triệu dân này cũng chính là hai chiếc cầu nối châu Âu và châu Á, chúng dường như là biểu tượng cụ thể vị trí của cả nước Thổ Nhĩ Kỳ.

Con đường viễn chinh Âu – Á của lính chiến thời cổ đại thực ra cũng là con đường của khách thương đường dài mà đời sau gọi là Con đường tơ lụa. Con đường tơ lụa bắt đầu từ Trung Quốc và chạy mãi đến La Mã, tức là Roma của xứ Ý ngày nay. Đó là con đường chuyên chở lính chiến và vũ khí với xe với ngựa. Nó cũng là con đường chuyên chở ngọc ngà, gấm lụa với từng đoàn lạc đà hàng trăm con. Nhưng cũng trên con đường đó có một loại người đặc biệt, họ đi từ Đông sang Tây cũng có, mà rong ruổi ngược lại cũng có. Đó là những tu sĩ, nhà thám hiểm, khách hành hương. Huyền Trang của Trung Quốc hay Marco Polo (1254-1324) của Ý là những người như thế.

Huyền Trang hay Cưu-ma-la-thập là những nhân vật lịch sử quá nổi tiếng. Ngoài ông, còn có những vị khác, bí ẩn hơn, ít người biết đến. Ngày nọ, tôi đến Konya, một tỉnh lẻ của phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Nơi đây, trong năm 1273 có một thánh nhân được mai táng trọng thể. Tên ông là Mevlana, sinh năm 1207.

Lăng mộ của Mevlana được xây dựng trong một nơi mà ngày nay đã trở thành viện Bảo tàng của thành phố. Trong tháng 12 mỗi năm, tín đồ Hồi giáo tụ tập về đây để nhớ đến ông, một người mà người ta tin là đã “giác ngộ”.

Mevlana là người Ba Tư, quê hương ông ngày nay thuộc nước Iran, nhưng ông sinh tại Afghanistan. Thời đại của ông là thời kỳ mà quân Mông Cổ của Thành Cát Tư Hãn tung hoành suốt cả các nước Trung Á. Một ngày nào đó trong thế kỷ thứ XIII, Mevlana theo cha bỏ nước trốn đi về phía Tây. Cha ông là một nhà thần bí, tương truyền người cha đã tiên đoán trước biến cố ly hương. Hai cha con theo Con đường tơ lụa, đi cả ngàn cây số đến Konya. Tại Konya, Mevlana gặp một con người kỳ lạ tên gọi là Fariduddin Attar (1136-1220), một đạo sĩ thần bí Hồi giáo và cũng là một nhà thơ. Gặp người đó, như bừng tỉnh từ một cơn mơ dài, ông tu học theo phái Suffism, một giáo phái của đạo Hồi. Suffism được phương Tây gọi là giáo phái “thần bí”, có rất nhiều tương đồng với một số hướng tu tập của Ấn Độ và Tây Tạng. Ít người biết Hồi giáo cũng có những phép tu thần bí, trong đó hành giả thực tập thân tâm để tiến tới sự “hợp nhất” với Thượng Đế.

Nếu mi thay từ “Thượng Đế” bằng “Sự Sống” hay “Chân Tâm” hay “Đạo” thì tất cả tôn giáo đều đồng qui. Cớ sao phải lụy vào ngôn từ?

Mevlana để lại cho người đời sau một phương pháp dạy hành giả tiếp cận và hòa nhập với Thượng Đế. Đó là vũ điệu Derwish. Tôi may mắn được chứng kiến vũ điệu này tại một nơi không xa lăng mộ của Mevlana. Đó không hề là một điệu vũ như ta thường nghĩ, mà chính là nghi thức đảnh lễ thể tính cao nhất, tối hậu của vũ trụ.

Vũ điệu Derwish đã bị cấm thực hành từ thời của Atatürk, người thiết lập nền chính trị hiện đại của Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1924. Chính phủ của ông liệt các nghi thức tôn giáo thần bí vào loại phải cấm trong nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại. Thế nên điệu vũ Derwish không còn được hành trì, chỉ được xem như trò biểu diễn cho du khách, xem như một nét văn hóa có tính chất lịch sử. Những vũ công Derwish được chấp nhận như thành viên của những câu lạc bộ chuyên tập luyện điệu vũ này, họ không được xem là tu sĩ.

Thế nhưng vũ điệu Derwish đã truyền xa tiếng tăm của mình. Tại một nước Bắc Phi, Tunisia, tôi đã từng được chứng kiến điệu Derwish nhiều năm về trước. Lần đó là một thiếu niên chừng 16 tuổi biểu diễn điệu Derwish. Dù hồi đó chưa biết nhiều về tính chất thiêng liêng của Derwish, tôi đã kinh ngạc về khuôn mặt vô cùng thánh thiện và ngời sáng của thiếu niên này trong buổi trình diễn. Cậu như được chiếu sáng bởi một ánh sáng siêu nhiên. Tôi vẫn nhớ đến khuôn mặt cậu nên tìm đọc thêm về Derwish và biết đây không phải là một vũ điệu tầm thường mua vui cho khách du lịch mà là một nghi lễ thiêng liêng trong tôn giáo mà tiếng Thổ Nhĩ Kỳ gọi là Sema. Vì vậy khi đến Konya, quê hương của Derwish, tôi không bỏ lỡ dịp may.

Trong phòng diễn khách đã ngồi chật. Lác đác tôi nghe xung quanh tiếng Đức và tiếng Pháp. Sàn gỗ hình tròn, trên sàn đối diện với bục ra vào là một miếng lông màu đỏ, tượng trưng cho Thượng Đế. Trên miếng lông là một chiếc mũ chóp tròn. Một nhóm khoảng 10 người đàn ông trân trọng đi vào, mặc áo choàng đen. Họ nghiêm trang cúi lạy Thượng Đế và ngồi xuống trên sàn. Một người đứng ra tụng bài tán thán, giọng tụng rất thanh thoát và đi sâu vào lòng. Tụng xong ông trở về chỗ ngồi, nơi có hai chiếc trống nhỏ và bắt đầu gõ trống. Thượng Đế trong quan niệm Suffism là vô hình vô tướng. Tấm lông đỏ chỉ là biểu tượng.

Bỗng một tiếng “cóc” vang lên. Đó là dấu hiệu khi thể tính vô tướng đã biến hiện thành thế giới hiện tượng, là “lệnh” của Thượng Đế cho vũ trụ ra đời. Cái trùng trùng duyên khởi này được Suffism gọi là tiếng gõ Küdüm. Sau đó trong phòng ngân lên một tiếng sáo, đó là “hơi thở” của Thượng Đế, cho Sự Sống được thổi vào trong muôn vật.

Sáu người từ chỗ ngồi đứng dậy đi vào đứng hai bên tấm lông đỏ, họ cúi đầu đảnh lễ lẫn nhau, đầy tỉnh giác và tương kính. Giai đoạn thứ tư này của nghi lễ biểu diễn cho sự kiện tâm cá thể đảnh lễ tâm toàn thể, thể hiện tâm đang ngắm nhìn tâm. Trong phần thứ năm các vũ công cởi áo choàng đen để xuống sàn, để lộ áo quần trắng toát bên trong. Đây là động tác biểu diễn sự từ bỏ cái tôi cá thể và sự tái sinh trong “thực tại”.

Hai tay họ khoanh trước ngực, biểu hiện của số 1, đó là động tác nói lên tính nhất thể của Thượng Đế. Ngay lúc này vũ điệu bắt đầu, họ biểu diễn bốn cuộc đảnh lễ bằng cách quay tròn thân mình và di chuyển cũng theo vòng tròn, ngược chiều kim đồng hồ.

Trong một thời kỳ của thế kỷ thứ XIII, lúc người ta chưa biết đến nguyên tử và sự vận hành của các hạt hạ nguyên tử, Mevlana đã biết đến tính chất quay tròn vốn là tính chung nhất của sự vận hành trong vũ trụ, từ “cái nhỏ nhiệm nhất đến những tinh cầu xa xôi”. Ông triển khai điệu vũ quay tròn này xem như phương tiện để hợp nhất với vũ trụ, với Thượng Đế trong dạng thuần khiết nhất của nó

Vũ điệu Derwish

Các vũ công, đúng hơn là các hành giả Sema, xoay tròn quanh người, lướt nhẹ trên sàn gỗ, mắt nhắm nghiền. Bàn tay mặt của họ chỉ lên trời, bàn tay trái chỉ xuống đất, con người đang ở trong một trạng thái nối liền và hợp nhất giữa trời và đất. Khuôn mặt của họ đầy sự tỉnh giác, họ thực hành bốn đợt đảnh lễ: Chứng nghiệm Thượng Đế và thế giới hiện tượng xuất phát từ Ngài, Quán sát trật tự xuất phát từ Thượng Đế và sự huyền diệu, Chuyển hóa tâm thức thông thường thành một lòng thương yêu vô tận và cuối cùng, con người cá thể chấm dứt sự hợp nhất, vui lòng trở về với đời sống bình thường và sứ mạng riêng của mình trong thế giới hiện tượng.

Các hành giả chấm dứt buổi lễ trong sự yên lặng tuyệt đối của chính mình và khán giả. Cuối cùng thính phòng vang lên lời cầu nguyện cho các vị thánh nhân xưa nay và cho toàn thể loài người.

Suốt buổi lễ Sema, tôi ngạc nhiên thấy mình dường như ở trong dạng sơ định của thiền. Một tâm thức trong suốt đang ghi nhận mọi sự xảy ra, kể cả thân mình đang bất động. Tôi không hiểu lời kinh tán thán bằng ngôn ngữ địa phương, tôi cũng không có ai để hỏi, nhưng như vậy có lẽ tốt hơn vì tôi khỏi phải rơi vào trí năng và tâm phân biệt. Tuyệt diệu thay, không những các hành giả Sema trân trọng và tỉnh giác mà toàn thể tâm ý người nghe cũng đọng lại trong sự chú tâm cao độ.

Mọi hành trì tôn giáo đều là phương pháp để đến với sự nhất tâm, dù đó là thiền định, tụng niệm, trì chú hay trong trường hợp này là sự vận động của thân với tâm tỉnh giác cao độ. Từ tình trạng nhất tâm hành giả sẽ đến tình trạng vô tâm, đó là sự vắng bóng tính chất cá thể. Khi cá thể vắng bóng thì hai trạng thái có thể xảy ra. Một dạng là sự đờ đẫn, tê liệt của tâm, dạng của hạng đồng cốt. Một dạng là cái biết bao trùm và lòng thương yêu hiện hữu. Hai dạng này cách nhau chỉ một sợi tơ nhưng khác nhau như ngày và đêm.

Suffism là giáo phái “thần bí” của Hồi giáo cũng như Thiên Chúa giáo cũng có truyền thống thiền định với các khía cạnh thần bí của họ. “Thần bí” là ngôn từ của kẻ đứng ngoài gọi những người trong cuộc. Vì đứng ngoài nên họ thấy bên trong là bí hiểm, ẩn tàng. Đối với những ai ở bên trong thì những gì họ chứng nghiệm hoàn toàn sáng sủa, nó chính là ánh sáng của tri kiến. Và kẻ đứng ngoài mới là người bị vô minh chi phối. Vì lẽ đó mà Phật được gọi là bậc “giác ngộ”, cũng vì lẽ đó mà Mevlana mới được quần chúng tôn thờ.

Hầu như tôn giáo nào cũng có điểm chung là phần giáo lý, tính thể của nó rất thâm sâu, có khả năng đưa con người đến Sự thật tuyệt đối, đến giác ngộ và giải thoát. Nhưng cũng vì thế mà phần tinh túy này quá khó hiểu, khó tin đối với quảng đại quần chúng. Và khi nó đến với số đông con người thì tôn giáo nào cũng đã xơ cứng và giáo điều. Hơn thế nữa khi con người chỉ hiểu tôn giáo một cách xơ cứng thì nó lại trở thành nguy cơ của tín điều và đó là nguyên nhân của nhiều xung đột trong xã hội. Lịch sử nhân loại đã chứng minh tình trạng này của Thiên Chúa giáo, Hồi giáo và của cả Phật giáo.

Thế nhưng, dù số đông quần chúng không thể đến với phần tinh túy kỳ diệu của tôn giáo, họ vẫn biết được ai là người đã đi được con đường vô ngã, đã bỏ được tính cá thể, đã hòa nhập với Thượng Đế, mặc dù họ không bao giờ biết được Thượng Đế là gì. Đó chính là lý do mà cứ mỗi tháng 12 trong năm, dòng người vẫn đổ về Konya để chiêm bái Mevlana. Đó cũng chính là lý do mà Sema, vũ điệu Derwish vẫn còn thu hút lòng thành kính của khán giả.

Gặp Mevlana người ta không thể không nhớ đến Rabindranath Tagore, nhà thơ lớn của Ấn Độ thế kỷ XX. Mevlana cũng vốn là nhà thơ, tất cả mọi lời kinh tán thán trong buổi lễ Sema đều là thơ của ông. Thơ của Mevlana toát lên lòng yêu thương, yêu thương Thượng Đế, yêu thương sứ mạng của Ngài giao cho trong thế giới.

Bảy trăm năm sau Mevlana, đáng kinh ngạc thay, phép hành lễ Sema như được Tagore miêu tả lại. Tôi không thể không nhớ đến lời thơ của Tagore khi hồi tưởng buổi đảnh lễ Sema. Tiếng sáo, “hơi thở” của Thượng Đế hầu như được Tagore diễn tả:

“Ngài mang ống sáo bằng sậy cỏn con này qua đồi qua lũng, và thổi vào đó bao nhạc điệu mãi mãi tươi xanh”.

Hành giả Sema cởi bỏ chiếc áo tự ngã màu đen trước khi đảnh lễ và thể nhập với Thượng Đế. Động tác này được Tagore chuyển thành lời thơ:

“Bài ca của con đã cởi bỏ đồ trang sức. Bài ca hết hãnh diện về quần áo và vật trang trí. Vàng ngọc sẽ ngăn sự hợp nhất của Ngài và con; nó sẽ chia lìa Ngài và con; tiếng thì thầm của Ngài sẽ chìm mất trong tiếng leng keng của nó”.

Hành giả Sema đảnh lễ Thượng Đế bằng điệu vũ và âm nhạc thì Tagore viết:

“Khi Ngài khiến con ca hát, dường như tâm con muốn tan vỡ vì lòng hãnh diện; con nhìn khuôn mặt Ngài và nước mắt trào dâng.”

Thượng Đế thực ra hiện diện khắp nơi. Cuối cùng, hành giả trở về với cuộc sống bình thường, nơi đó chính là trú xứ của Ngài:

“Đừng tụng niệm cũng đừng lần tràng hạt! Ngươi cầu khẩn ai đây trong xó xỉnh tối tăm cô độc này của ngôi đền kín mít? Hãy mở mắt to ra, Thượng Đế đâu nằm trước mắt ngươi. Ngài ở nơi mà người nông phu đang cày miếng đất khô cằn, nơi người thợ làm đường đang đập đá. Ngài ở với họ trong ánh nắng và trong cơn mưa, áo của Ngài bị phủ đầy bụi. Hãy cởi bộ áo lễ của ngươi ra và hãy xuống cùng với Ngài dưới đất đầy bụi bặm!”.

Chỉ những ai vô minh mới đi tìm Thượng Đế một nơi nào khác. Tagore có những lời thơ như:

“Hỡi kẻ ăn xin, hãy đến xin ăn tại cửa nhà mình.”

Trong đoạn cuối, hành giả Sema trở về với cuộc sống thế gian. Hãy làm hết trách nhiệm và sứ mạng của mình trong đời, đó là niềm vui của Thượng Đế. Tagore minh họa:

“Con đã nhận lời mời tham dự lễ hội của thế giới này, và có thế mà đời con được ban phước. Mắt con đã biết nhìn và tai con đã biết nghe. Phần việc của con trong lễ hội này là chơi nhạc cụ của mình và con đã làm tất cả khả năng”.

Lời thơ tán thán qua giọng tụng thanh thoát của hành giả Sema đối với tôi tưởng chừng như chỉ là thanh âm thuần túy bỗng nhiên được một nhà thơ sống sau đó bảy thế kỷ giảng giải.

Những dòng thơ tôn quý nói trên nằm trong tập Gitanjali (Bài ca dâng hiến) của Tagore được truyền tụng khắp thế giới, đưa ông đến giải Nobel Văn chương năm 1951. Nhà thơ lớn đó chắc không bao giờ biết đến một kẻ hậu sinh dùng thơ của mình để hiểu một nhà thơ khác và ngộ một lễ nghi tôn giáo khác. Tính thể đích thực của mọi tôn giáo cũng như mọi tinh túy của nghi lễ thực ra rất gần nhau.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. THEO BƯỚC LIÊN HOA SINH
  2. MẶT TRỜI KHÔNG LẶN

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP