[ĐỌC SÁCH]: BẢY QUY LUẬT TINH THẦN CỦA THÀNH CÔNG

Đôi nét về tác giả

Deepak Chopra, sinh ngày 22 tháng 10 năm 1946, tại thủ đô New Delhi, Ấn Độ. Sau khi tốt nghiệp Viện Khoa học Y khoa Toàn quốc Ấn Độ năm 1969, Chopra di cư sang Mỹ năm 1970 làm bác sĩ thực tập nội trú tại một bệnh viện ở New Jersey, rồi thực tập nhiều năm tại phòng khám Lahey Clinic, thị trấn Burlington, bang Massachusetts, và tại Đại học Virginia Hospital. Tài năng của ông được công nhận rộng khắp trong ngành y học nội khoa và nội tiết.

Bên cạnh đó, Chopra cũng là nhà văn chuyên viết về tâm linh và y khoa tâm-thể. Ông là tác giả của nhiều tác phẩm bán rất chạy và được tạp chí Time bình chọn là một trong một trăm nhân vật của thế kỷ hai mươi.

— ??? —

Tác phẩm Bảy Quy luật Tinh thần của Thành công hay còn được gọi là Bảy Quy luật Tinh thần của Cuộc sống, được ông viết và xuất bản lần đầu vào năm 1994, đề cập đến những quy luật mà tự nhiên dùng để làm hiển lộ mọi thứ tồn tại ở dạng vật chất. Thành công, theo định nghĩa của số đông, thường liên quan đến khía cạnh vật chất chẳng hạn như danh tiếng hay sự giàu có, và thường người ta cho rằng thành công là một quá trình đòi hỏi sự lao lực và để thành công thì phải đánh đổi những thứ khác. Tuy nhiên trong tác phẩm này, tác giả đề cập thành công có thể được xem như là niềm hạnh phúc không ngừng được tăng lên, là sự thảnh thơi an lạc trong tâm hồn, và là khả năng hiện thực hóa những khát vọng của bản thân mà không cần quá nhiều cố gắng.

Mỗi quy luật trong sách được trình bày bằng cách giải thích ý nghĩa và tiếp theo sau là những chỉ dẫn cụ thể cách thức để áp dụng quy luật vào trong đời sống hàng ngày.

  1. Bắt đầu với Quy luật Tiềm năng Thuần khiết, là nền tảng cơ bản khởi nguồn cho tính sáng tạo bất tận, vốn miễn nhiễm và tự do khỏi những tác động của các yếu tố bên ngoài, bao gồm các hoàn cảnh, tình huống, con người và sự vật. Chính trong trường tiềm năng thuần khiết mà bạn khám phá ra bản chất chân thực của mình và mọi vật, nhận ra tính bình đẳng và kết nối giữa bạn với mọi người và với thiên nhiên. Và điều này sẽ giúp bạn có được sự tự do, vượt thoát khỏi những trói buộc do ảo tưởng về một bản ngã không thực có gây nên. Để tiếp cận được trường tiềm năng thuần khiết đòi hỏi bạn phải có sự cam kết luyện tập hàng ngày: trải nghiệm sự im lặng, thực hành thiền và không-phán-xét. Dành thời gian hòa mình vào thiên nhiên cũng sẽ giúp bạn tiếp cận được những đặc tính của trường này: sáng tạo, tự do và hạnh phúc vô hạn.
  2. Thứ hai là Quy luật Cho hay còn được gọi là Quy luật Cho và Nhận, bởi vũ trụ vận động không ngừng thông qua sự trao đổi năng động. Chính sự trao đổi này giữ cho năng lượng của dòng chảy cuộc sống luôn được lưu thông. Hãy luôn mang tâm nguyện cho đi vào bất cứ khi nào và ở bất cứ nơi đâu mà bạn đến, với bất cứ ai mà bạn gặp. Càng cho đi, bạn sẽ càng nhận lại được nhiều bởi bạn sẽ giữ được sự giàu có của vũ trụ luôn vận động trong cuộc sống của mình. Điều quan trọng nhất cần ghi nhớ là nằm ở ngay nơi chủ ý đằng sau hành động cho đi và nhận lại. Nó phải luôn mang lại hạnh phúc cho cả người cho và người nhận, bởi hạnh phúc là nhân tố hỗ-trợ-cuộc-sống duy-trì-cuộc-sống, do vậy sẽ tạo ra sự gia tăng về giá trị. Thực hành cam kết gởi tặng món quà – có thể là lời khen ngợi, một bông hoa, sự lắng nghe những chia sẻ hay một lời cầu nguyện – ở bất cứ nơi nào bạn đến và đến bất cứ ai mà bạn gặp, cùng lòng biết ơn khi nhận được tất cả những món quà mà cuộc sống mang lại cho mình là cách mà bạn áp dụng quy luật này vào trong đời sống hàng ngày.
  3. Nghiệp quả là sự khẳng định vĩnh cửu tự do con người… Suy nghĩ, ngôn từ và hành vi của chúng ta là những sợi chỉ của tấm lưới mà chúng ta quăng quanh bản thân mình.” _Swami Vivekananda. Quy luật tinh thần thành công thứ ba là Quy luật Nghiệp quả. “Nghiệp quả” vừa là hành động vừa là hệ quả của hành động đó; nó là nguyên nhân, đồng thời là kết quả, bởi mọi hành động đều tạo ra sức mạnh quay lại với chúng ta trong trạng thái giống ban đầu. Có một điều thường hay được nghe là nhìn vào hoàn cảnh hiện tại của một người có thể biết được người ấy đã gieo trồng những gì trong quá khứ, và tương lai người ấy sẽ ra sao chính là nhìn vào những hành động mà người đó đang biểu hiện ở hiện tại. Như vậy, rõ ràng là nếu chúng ta muốn có được hạnh phúc trong đời mình thì cần phải học cách gieo mầm hạnh phúc.
  4. Thứ tư là Quy luật Nỗ lực Tối thiểu. Quy luật này dựa trên thực tế là trí tuệ tự nhiên thực hiện chức năng với sự thảnh thơi buông bỏ và không cần nhiều nỗ lực. Nếu quan sát thế giới tự nhiên trong trạng thái hoạt động, bạn sẽ thấy tình trạng nỗ lực tối thiểu rất phổ biến. Cỏ không cố mọc, nó mọc tự nhiên. Cá không cố bơi, chúng bơi tự nhiên. Hoa không cố nở, chúng nở tự nhiên. Chim không cố bay, chúng bay tự nhiên. Đây là bản chất tự nhiên của chúng. Mọi thứ trong tự nhiên được gắn kết với nhau nhờ năng lượng của tình yêu, một ví dụ là mặt trời ban trải ánh sáng một cách tự nhiên, bình đẳng và đầy yêu thương, cung cấp năng lượng giúp duy trì sự sống cho tất cả mọi loài không phân biệt có mặt trên trái đất này. Và cũng thế, khi bạn sống hòa hợp và không đối kháng với mọi thứ xung quanh, khi mọi suy nghĩ và hành động của bạn xuất phát từ tình yêu thương dành cho mọi đối tượng mà bạn tiếp xúc chính là bạn đang áp dụng quy luật này.
  5. Quy luật tinh thần thứ năm của thành công là Quy luật Mục đích và Khát vọng. Quy luật này dựa trên thực tế là năng lượng và thông tin tồn tại khắp nơi trong tự nhiên, trong cỏ cây hoa lá, các loài động vật hay cơ thể con người. Hệ thần kinh con người không chỉ có khả năng nhận thức được thông tin và năng lượng thuộc trường lượng tử của chính nó, mà bởi ý thức con người vô cùng linh hoạt thông qua hệ thần kinh tuyệt vời này, nên bạn còn có thể thay đổi một cách có ý thức năng lượng và nội dung thông tin giúp cơ thể bạn hiện hữu, và do đó sẽ ảnh hưởng đến năng lượng và nội dung thông tin của cơ thể được mở rộng của bạn – môi trường của bạn, thế giới của bạn – và làm cho mọi thứ trong đó đều hiển lộ. Sự thay đổi có ý thức này do hai phẩm chất gắn liền ý thức tạo ra: chú tâm và mục đích. Chú tâm tạo ra năng lượng, và mục đích kích thích sự chuyển hóa năng lượng và thông tin. Mục đích đặt nền móng cho dòng chảy nhẹ nhàng, tự nhiên, không va chạm của tiềm năng thuần khiết vốn tìm kiếm cách thức biểu đạt từ chỗ cái chưa hiển lộ cho đến chỗ cái hiển lộ. Điều duy nhất cần lưu ý là bạn hãy sử dụng mục đích của mình vì lợi ích của loài người.
  6. Kế tiếp là Quy luật Buông bỏ đề cập đến việc chúng ta cần thông hiểu một sự thật là tính chất vô thường của mọi thứ được hiển lộ. Ngay khi chúng ta chấp nhận tính chất vô thường của mọi hiện tượng, sự vật, tư tưởng, cảm xúc, v.v…, buông bỏ sự tham đắm vào kết quả của mọi việc chúng ta nghĩ và làm, đồng thời kết hợp mục đích hướng-về-một-điểm với sự buông bỏ, chúng ta sẽ có được điều mình khao khát. Bất cứ thứ gì bạn muốn đều có thể đạt được thông qua sự buông bỏ, bởi buông bỏ dựa trên niềm tin trọn vẹn vào sức mạnh của trường tiềm năng thuần khiết sẵn có nơi bạn và tất cả mọi người. Chấp nhận sự vô thường như một phần tất yếu cho những trải nghiệm của mình, cho phép bản thân cũng như mọi người xung quanh tham gia vào mọi việc với thái độ khách quan và không bị ràng buộc cứng nhắc bởi các ý kiến áp đặt, và mở lòng ra trước vô số lựa chọn để được tự do trải nghiệm tất thảy mọi niềm vui, phiêu lưu, bí ẩn và huyền bí của cuộc sống là những cách mà bạn thực hiện Quy luật Buông bỏ trong đời sống hàng ngày.
  7. Chúng ta đến với quy luật cuối cùng là Quy luật Dharma hay Mục đích Cuộc đời. Quy luật này nói rằng trường tiềm năng thuần khiết trong bản chất của nó là sự thánh thiêng, và cái thánh thiêng biểu hiện dưới hình dạng con người là để thực hiện mục đích. Có ba yếu tố cấu thành Quy luật Dharma: Mỗi người trong chúng ta tồn tại trên cõi đời này là để khám phá ra bản chất đích thực của mình; mỗi người có một tài năng đặc biệt và cách thức đặc biệt duy nhất để bộc lộ nó; và yếu tố cuối cùng là chúng ta cần dùng tài năng đặc biệt này vào việc phụng sự những người khác. Bằng việc trải nghiệm và sống sâu trong trường tiềm năng thuần khiết, kết hợp khả năng bộc lộ tài năng đặc biệt của mình với việc phụng sự người khác là bạn đã vận dụng tốt quy luật này, và điều này chắc chắn sẽ giúp bạn tiếp cận sự giàu có vô hạn và thường hằng.

???

Có một hệ quả tự nhiên để áp dụng những quy luật này trong cuộc sống thường nhật giúp bạn dễ dàng ghi nhớ chúng hơn. Quy luật Tiềm năng Thuần khiết được trải nghiệm qua sự tĩnh lặng, thực hành thiền, không-phán-xét, giao hòa với thiên nhiên, nhưng nó được khởi động nhờ Quy luật Cho. Nguyên tắc ở đây là học cách cho đi thứ bạn tìm kiếm. Đó là cách bạn khởi động Quy luật Tiềm năng Thuần khiết. Thông qua hành động của mình trong Quy luật Cho, bạn khởi động Quy luật Nghiệp quả. Bạn tạo ra nghiệp quả tốt sẽ khiến mọi thứ trong cuộc sống trở nên dễ dàng. Bạn nhận ra rằng mình không phải dành quá nhiều nỗ lực để đạt được khát vọng của mình, điều đó tất yếu giúp bạn nhận thức được Quy luật Nỗ lực Tối thiểu. Khi mọi thứ dễ dàng và giản đơn, những khát vọng của bạn sẽ luôn được thỏa mãn, bạn tự nhiên bắt đầu hiểu Quy luật Mục đích và Khát vọng. Thực hiện những khát vọng của mình mà không cần nhiều nỗ lực giúp bạn dễ dàng thực hiện Quy luật Buông bỏ.

Cuối cùng, khi bắt đầu hiểu tất cả những quy luật trên, bạn bắt đầu tập trung vào mục đích thực sự của cuộc đời mình, điều này đưa bạn đến với Quy luật Dharma. Bằng cách sử dụng quy luật này, bằng cách thể hiện tài năng đặc biệt duy nhất của mình để phụng sự người khác, bạn bắt đầu tạo ra bất cứ thứ gì và bất cứ khi nào bạn muốn. Bạn trở nên thảnh thơi, vui vẻ, và cuộc sống của bạn trở thành biểu hiện của tình yêu thương không giới hạn.

???

Với mong nguyện mang lại lợi ích dù chỉ cho một ai đó khi bắt tay vào viết bài tóm lược giới thiệu tác phẩm Bảy Quy luật Tinh thần của Thành công, tôi cũng đang tạo cơ hội cho mình học cách áp dụng Quy luật Cho để từ đây làm điểm khởi động cho những quy luật tinh thần còn lại được vận hành. Tôi có niềm tin mạnh mẽ vào việc thuận theo những quy luật tự nhiên này sẽ giúp khơi thông dòng chảy năng lượng tự nhiên luân chuyển qua mình và cho phép tôi bộc lộ khả năng sáng tạo vô tận của trường tiềm năng thuần khiết vào việc đem lại lợi ích cho người khác.

Xin được kết lại bằng trích đoạn cuối trong phần Tổng kết và Kết luận của tác phẩm, “Chúng ta dừng lại trong chốc lát để chào nhau, để gặp gỡ, để yêu thương và để chia sẻ. Đây là thời khắc quý giá, nhưng ngắn ngủi. Nó là sự thoáng qua xen vào sự vĩnh hằng. Nếu chúng ta chia sẻ sự quan tâm, thảnh thơi tự tại và yêu thương, chúng ta sẽ tạo ra sự giàu có và niềm vui cho nhau. Và như thế, khoảnh khắc này sẽ là đáng sống.”

ĐỒNG QUY

Bình luận


Bài viết mới

  1. PHẬT TỬ CÓ HIẾU THUẬN VỚI CHA MẸ KHÔNG ?
  2. LÒNG BIẾT ƠN – TRÍCH SÁCH TRÍ HUỆ, NHỮNG HIỂU BIẾT THAY ĐỔI CUỘC ĐỜI
  3. RÈN LUYỆN ĐỂ CÓ ĐƯỢC HẠNH PHÚC