ĐỐI MẶT VỚI TỨC GIẬN: CHUYỂN HÓA SỢ HÃI VÀ THÙ GHÉT

VENERABLE THUBTEN CHODRON

Nguồn: Lòng rộng mở, tâm trong sáng - Sự thực hành Phật giáo trong cuộc sống hàng ngày; Người dịch: Ban dịch thuật Thiện Tri Thức; NXB Thiện Tri Thức, 2009

 

Khi thình lình một cái gì trái ý bất ngờ, chúng ta nổi giận, sự tức giận trào lên trong đầu và thân thể chúng ta. Chúng ta nói ra tất cả cái gì đi qua trong đầu, dù chúng ta biết điều đó không đúng.

Khi nổi giận hay cảm thấy bị thương tổn, người ta thường có cảm giác là nạn nhân của những ác ý của người khác. Người ta tự thấy mình như một người vô tội bị tấn công một cách bất công. Người ta bị thương tổn hay nổi giận bởi vì người ta nghĩ những người khác là sai hay họ công kích chúng ta. Tức giận, như vết thương, từ chối chấp nhận cái đã xảy ra.

Nhiều người có một “cảm thức nạn nhân”. Nói chung, họ cảm thấy bất lực, bị lợi dụng hay sống trong sợ hãi. Vậy thì, chúng ta càng hiểu sự vận hành của tâm thức và luật nhân quả trong dòng tương tục tâm thức của chúng ta, chúng ta càng hiểu rằng những diễn dịch hiện tại cũng như những hành động quá khứ cứ đóng một vai trò quyết định trong cách chúng ta sống như thế nào. Có thể nói chúng ta chịu trách nhiệm về cái gì xảy đến cho chúng ta. Biết như vậy chúng ta nhận những trách nhiệm của mình và cải thiện tình huống của chúng ta.

Để hiểu rõ hơn những tình huống khó chịu và làm bình lặng sự giận dữ mà những tình huống đó gây ra nơi chúng ta, người ta có thể tự đặt câu hỏi then chốt. Chẳng hạn, khi khảo sát sự diễn dịch của chúng ta về những sự vật, chúng ta có thể tự hỏi: “Nhận thức của tôi về tình huống đó đủ sáng tỏ chưa? Tức giận có phải là một phản ứng thích hợp?” Xem xét luật nhân quả, chúng ta có thể tự hỏi: “Tại sao điều đó xảy đến với tôi? Có phải tôi thường thấy mình trong cùng một loại tình huống? Nếu có, thì tại sao?” Chúng ta hãy nhìn kỹ hơn sự việc này.

a) Nhìn lại những diễn dịch của chúng ta

Chúng ta có nhận thức tình huống với sự sáng tỏ? Cơn giận nổi lên nơi chúng ta như thế nào? Khi người ta nói những lỗi lầm của chúng ta, lập tức chúng ta thấy mình bị công kích. Những lời ấy làm chúng ta bị thương tổn, và chúng ta chỉ thấy nỗi đau tiềm ẩn trong những lời nói đó.

Nếu như vậy, người ta có thể định vị được sự đau đớn nào trong những chữ. Một câu nào đó, “Anh chẳng làm được gì!” Đâu là cảm giác khó chịu? Đâu là sự đau? trong “anh” ư? trong “chẳng làm” ư? trong “được gì” ư? Câu nói tạo thành những sóng âm thanh. Đâu là cảm giác khó chịu trong những sóng âm thanh vang trong không khí? Nếu câu nói đó bằng tiếng Do Thái mà bạn không hiểu, bạn có cảm thấy thương tổn không?

Không phải chỉ bởi vì tai chúng ta bắt được những âm vang của một giọng nói, mà còn bởi vì chúng ta hiểu nghĩa những lời nói đó. Tuy nhiên ý nghĩa của chúng không có sự nặng nề trong bản thân chúng, vì nếu chúng được gửi đến một người chúng ta không ưa, chúng ta không thấy chúng là khó chịu.

Sự đau đớn khó chịu mà chúng ta cảm nhận đến từ điều mà chúng ta nghĩ: “Chính tôi mà người ta đang nói đến! Là tôi! Sao họ dám nói tôi như vậy?” Chúng ta càng nghĩ lại cái gì đã xảy ra, cái “tôi” càng chiếm phần quan trọng. Chúng ta nhìn những sự vật từ quan điểm của chúng ta phía của tôi tin rằng tất cả đúng là như vậy và chúng ta hoàn toàn khách quan.

Mỗi tình huống có thể được xem theo nhiều viễn cảnh. Hình dáng một cái tách khác nhau tùy theo nhìn từ trên cao hay nhìn mặt bên. Sẽ khó chứng minh rằng chỉ có những cái nhìn của tâm thức quy ngã của chúng ta là đúng. Nhìn sự vật và sự việc như vậy làm cơn giận đổ xuống.

Một cách khác làm dịu cơn tức giận là nhớ lại rằng có lẽ một cái gì khác thúc đẩy người nói chuyện với chúng ta nói với chúng ta những điều nặng nề. Có lẽ anh ta đang gặp những rắc rối trong cuộc sống, và chính vì gặp bạn mà anh ta trút cơn giận qua. Cơn giận này không nhằm chống lại bạn, không có gì để tự cho sự việc ấy là mình hay để nổi nóng.

Tức giận có phải là một phản ứng thích hợp không? Người ta đã mắng chúng ta cũng như chúng ta, y muốn được hạnh phúc và không muốn khổ đau. Phương pháp của anh ta có vẻ kỳ quặc, nhưng ý muốn của anh ta giống y như của chúng ta: biết được hạnh phúc. Với một viễn cảnh rất lớn là tự quên mình một tí, dù chỉ một phút, chúng ta sẽ thấy đó là một con người bất hạnh, buồn bã và giận dữ. Chúng ta biết người ấy cũng đang cảm thấy khổ đau. Vậy thì tại sao ghét anh ta? Hơn nữa, anh ta phải khơi dậy cho bạn lòng bi.

Còn nếu chúng ta đã làm một điều sai và người ta làm chúng ta lưu ý, tại sao nổi nóng? Nếu người ta nói chúng ta có một cái mũi trên mặt, điều này không làm cho chúng ta bất bình, vì đó là sự thật. Cũng thế nếu có ai chỉ ra một lỗi lầm chúng ta đã làm, anh ta nói thật. Chúng ta đã sai lầm và chúng ta cần xin lỗi anh ta. Anh ta chỉ cho chúng ta làm sao để tự cải thiện. Ngược lại, nếu anh chỉ lỗi mà sai, có gì để nóng. Nếu có ai nói chúng ta có những cái sừng trên đầu, điều đó chẳng liên quan gì đến chúng ta cả, phải thế không?

Chúng ta có khuynh hướng mất bình tĩnh khi một hoàn cảnh bị phê bình khó chịu xảy ra. Nhưng ích gì lao mình vào một trạng thái như vậy? Nếu có thể thay đổi tình huống, phải lập tức làm điều gì có thể. Vô ích khi nổi nóng. Một cái thấy về những sự việc như vậy là rất quý giá khi người ta chạm mặt với sự bất công xã hội. Bấy giờ người ta có thể làm điều gì đó, hơn là tức giận, người ta có thể hoạt động một cách an bình để cải thiện xã hội.

Ngược lại, nếu hoàn cảnh không thể thay đổi, tức giận cũng hoàn toàn vô ích. Tức giận với cái gì không thể sửa chữa được chỉ làm tăng thêm bất hạnh. Lo lắng hay sợ hãi cái gì không tránh được chỉ làm cho chúng ta bất động.

Đại hiền triết Ấn Độ Shantideva đã nói trong Bước về Giác Ngộ, sự hướng dẫn cho thực hành của những Bồ Tát :

Nếu có một phương cách,

Tại sao lại buồn rầu?

Nếu không có phương cách gì,

Ích lợi gì khi buồn rầu?

b) Xem xét nhân quả

Luật nhân quả là một tư tưởng trung tâm của Phật giáo. Ý tưởng chính yếu là những hành động của chúng ta sản sinh ra những kết quả. Người ta không thể biết được những quả của một hành động, cũng như phải có thời gian để một hạt trở thành một cái cây.

Khi bắt đầu hiểu luật nhân quả, người ta nhận thấy rằng những hoàn cảnh chúng ta gặp trong đời không đến một cách tình cờ. Chúng có thành từ những hành động chúng ta đã tích tập trong quá khứ. Cũng như dụng cụ boomerang của thổ dân Úc, luôn luôn rơi trở lại với người phóng nó ra, chúng ta được đối xử như chúng ta đã đối xử với những người khác. Sự giải thích Phật giáo về nguyên lý nhân quả tương tự với tư tưởng Thiên Chúa giáo, theo đó người ta luôn luôn gặt cái người ta đã gieo.

Một khảo sát về cách cư xử của chúng ta đối với những người khác sẽ chỉ cho chúng ta thấy chúng ta không luôn luôn là gương mẫu. Chúng ta đã bẻ gãy những tình bạn, nhục mạ những người, lạm dụng họ, bàn chuyện phím về họ và lấy tài sản của họ. Vậy thì có gì ngạc nhiên khi họ cũng làm điều ‘sai trái’ ấy với chúng ta? Có lẽ chúng ta không làm gì xấu mới đây đối với người làm hại ta, nhưng chúng ta đã làm thương tổn những người khác trong quá khứ. Khi những trái quả của hành động đã chín, không ích gì để nổi giận hay thương thân trách phận, bởi vì chính năng lực của chúng ta đã đặt chúng ta vào tình huống này.

Như Shantideva đã nói:

Tại sao ngày xưa ngươi đã làm những hành động

Để xứng đáng chịu những người khác hành hạ?

Bởi vì tất cả những khổ đau này do từ những hành động,

Tại sao tôi tức giận với những (kẻ thù) này?

Điều đó không có nghĩa là người ta tự hành hạ mình và tự tạo ra đủ loại trách móc, mà là người ta nhận biết vai trò của mình khi học từ đó một điều gì. Nếu chúng ta không thích những hậu quả mà chúng ta đang sống bây giờ, chúng ta sẽ mạnh mẽ quyết định không tạo ra những nguyên nhân làm xảy ra cùng một loại hoàn cảnh như thế này trong tương lai nữa. Điều đó khiến chúng ta chăm chú không làm hại những người khác. Lần tới khi nào chúng ta mất sự bình tĩnh, chúng ta sẽ nghĩ về điều này mạnh mẽ. Vậy thì chính sự thông hiểu tình huống thúc đẩy chúng ta quyết định cải thiện cuộc đời mình. Làm như vậy chúng ta chuyển hóa hoàn cảnh, từ rắc rối thành tích cực tốt đẹp.

Chúng ta có thường thấy mình trong cùng một loại tình huống như vậy? Nếu có, tại sao? Chẳng hạn chúng ta hãy xem chúng ta có thói quen ít chú ý đến những người khác, và như vậy chính chúng ta bắt buộc họ sửa chữa những sai lầm của chúng ta. Trong trường hợp này, người khác thật ra là khá tốt để phát hiện cho chúng ta sự thiếu chú ý của mình và cho chúng ta cơ hội để cải thiện. Dù họ có cao giọng để làm điều đó thì có gì quan trọng. Cái đáng kể đó là trở nên ý thức hơn về ảnh hưởng của những hành vi của chúng ta đối với những người khác, và nhờ họ mà phát triển được ý thức này.

Chúng ta cũng hãy xem nếu chúng ta có thói quen cảm thấy bị thương tổn hay bị tấn công khi đối diện với những phê bình. Đôi khi chúng ta quá nhạy cảm, sẵn sàng cảm thấy bị công kích. Nếu có người hành động đối với chúng ta theo cách làm chúng ta phật ý, chúng ta cường điệu sự quan trọng của nó lên đến độ thành cái gì không thể tha thứ được. Và chúng ta giữ mối thù hận này hàng nhiều năm. Khá nhiều cãi vã trong gia đình đã bắt đầu như vậy!

Nếu chúng ta tiếp tục có ác cảm với người khác, điều đó chẳng làm nó thương tổn thậm chí nó quên biến cố đó từ lâu rồi mà chỉ làm chúng ta khốn khổ nhiều năm. Người khác chỉ nói nặng lời với ta có một lần, nhưng chúng ta không ngừng hồi tưởng lại, và chúng ta khổ nhiều lần. Trong sự lợi ích cho chính mình và để hỗ trợ cho sự hòa hợp chung, tốt hơn hết là ít nhạy cảm về cái tôi quá sức, và để cho những sự kiện đi qua.

c) Kích động hay thụ động?

Có phải cứ để cho những người khác đẩy chúng ta đến cùng đường? Có phải để cho người nào đó tự hại chính nó và làm hại những người khác, vì để ngăn nó thì phải cao giọng hay chống đối lại nó? Không. Nhẫn nhục không có nghĩa là ở yên bất động. Người nhẫn nhục có một tâm hồn thanh tĩnh, và những hành động phát ra từ một tâm thức như vậy có thể là đầy sức mạnh hay dịu dàng.

Chúng ta bắt đầu bằng giải thoát tâm thức chúng ta khỏi sự tức giận. Khi người ta thấy mình đang nhìn tình huống qua viễn cảnh chật hẹp của cái “tôi”, người ta dừng lại để có một viễn cảnh rộng lớn hơn. Bấy giờ người ta nghĩ đến tình huống như nó xuất hiện cho người kia. Rồi người ta nhìn xem trong mức độ nào những hành động hiện tại và quá khứ kéo chúng ta vào tình huống đó.

Một khi sự tức giận đã bình lặng, có chỗ cho lòng bi và nhẫn nhục. Một tâm thức trong sáng, thoát khỏi xáo động của tức giận, có thể khảo sát một cách hiện thực những phương cách hành động và chọn lựa khác thích hợp nhất cho ích lợi của tất cả.

Để truyền thông hữu hiệu, đôi khi cần nói với sức mạnh. Biết nói với một nghị lực mà vẫn hoàn toàn giữ một thái độ bi mẫn trong một hoàn cảnh đòi hỏi như vậy là một phẩm tính lớn. Điều này khác với la lối, khi mà tốt nhất là giữ im lặng, xin lỗi hay giải thích quan điểm của mình với sự tôn trọng. Động cơ là trạng thái tâm thức bên trong, không thể bị lầm lẫn với những hoạt động thân thể và lời nói để truyền thông.

Luôn luôn cần tránh những hành vi bạo lực. Nếu để ngăn cản người nào tự làm hại mình hay làm hại người khác, giải pháp duy nhất là chống lại anh ta, bấy giờ phải thử dừng anh ta lại bằng cách biểu lộ lòng bi cho người làm thương tổn cũng như người bị thương tổn. Thế nên quan trọng là có tâm thức bình an trước khi hành động. Nếu người ta hành động dưới ảnh hưởng của tức giận, người ta sẽ dùng sức mạnh thân thể và lời nói một cách vô ích, thậm chí đi quá xa.

Để thông tin, đôi khi cần nói một cách cương quyết để nói điều đối với chúng ta có vẻ như làm tổn hại hoặc ích lợi. Điều đó có thể làm mà không có tức giận. Nhưng nếu người khác có ác ý, nếu anh ta nổi giận và chúng ta cũng thế, thì ai có lý và ai sai lầm? Sự tức giận làm hư hỏng những lời nói và những hành vi của chúng ta. Một tâm thức bình an có thể đối mặt với tình huống một cách từ bi.

 

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. CUỘC ĐỜI CỦA ĐỨC PHẬT VÀ SỰ LAN TỎA CỦA PHẬT GIÁO
  2. LÒNG RỘNG MỞ TÂM TRONG SÁNG
  3. LÀM GƯƠNG CHO CON

Bài viết mới

  1. VƯỢT LÊN CHÍNH MÌNH
  2. THỰC HÀNH TRONG ĐỜI SỐNG THƯỜNG NHẬT
  3. CHINH PHỤC MỤC TIÊU