GS. TSKH. TRẦN NGỌC THÊM
Trích: Hệ Giá Trị Việt Nam Từ Truyền Thống Đến Hiện Đại; NXB. Tổng hợp Tp. HCM, 2021
4.1.2. Giá trị Việt Nam truyền thống qua con mắt người nước ngoài
2.1.2.1. Trong số các tác phẩm của người phương Tây có bàn về các giá trị văn hóa tinh thần của người Việt Nam truyền thống, đáng chú ý là cuốn sách “Để quốc An Nam” (L’empire d’Annam) của Charles Gosselin xuất bản ở Paris năm 1904. Cuốn sách trình bày một cách trung thực, khách quan bức tranh về xã hội Việt Nam truyền thống. Sách được Trần Trọng Kim đánh giá cao và chọn làm một trong những tài liệu tham khảo chính khi viết cuốn “Việt Nam sử lược”. Chương 1 cuốn sách này bàn về “Đời sống trong xã hội An Nam xưa” đã được Nguyễn Thừa Hỷ dịch và in làm phụ lục trong cuốn “Văn hóa Việt Nam truyền thống: một góc nhìn” xuất bản năm 2012 của ông.
Theo Ch. Gosselin, “có điều đặc biệt rất đáng chú ý là, trong số những dân tộc chấp nhận nền văn minh Trung Quốc, chỉ riêng nhánh Giao Chỉ, tức những người An Nam hiện nay, đã biết cách không để mình bị Trung Hoa thôn tính, sáp nhập… Sự ngưỡng mộ mà tất cả mọi người, từ vua chúa cho đến dân chúng biểu hiện một cách thông minh đối với những nền văn minh đến từ nước Trung Hoa không bao giờ kèm theo về phía những người An Nam một sự sao chép nô lệ những phong tục… Vì những lẽ đó, chúng ta có quyền nghĩ rằng dân tộc An Nam trong hình thức hiện nay… đã bảo lưu được những dấu vết của một trạng thái cổ xưa đã mất đi từ lâu và đã bị nước Trung Hoa ngày nay quên lãng” (1).
2.1.2.2. Một cuốn sách đáng chú ý khác xuất bản trong cùng năm 1904 ở Paris chuyên bàn về các giá trị văn hóa tinh thần của người Việt Nam truyền thống là cuốn “Tâm lý dân tộc An Nam” (Psychologie du peuple annamite) của Paul Giran, một viên chức người Pháp làm tham biện Đông Dương. Sách dày 200 trang, chia làm hai phần. Phần đầu bàn về các vấn đề chủng tộc, môi trường sống, đời sống tinh thần của người An Nam dưới tiêu đề chung là “Đặc điểm xã hội” (từ trang 21 đến trang 94). Phần hai bàn về quá trình phát triển lịch sử, sự phát triển trí tuệ, sự phát triển chính trị và xã hội đưới tiêu đề chung là “Quá trình phát triển của dân tộc An Nam” (từ trang 95 đến trang 194).
Trải trong 200 trang sách, tác giả nêu lên nhiều đặc điểm tâm lý và tính cách của người An Nam, cả ưu điểm lẫn hạn chế: hiền lành, chăm chỉ, cần mẫn, thích đạm bạc, hiếu học, thông minh, cẩn trọng, rất can đảm, điềm tĩnh; muốn mọi thứ đồng đều, có đầu óc bầy đàn, kiểu suy nghĩ “tập quần”; hay bắt chước, bảo thủ, thiếu tầm nhìn xa, thiếu quyết đoán, thích chức quyền…
Tác giả cho rằng nguồn gốc chủng tộc và môi trường là hai yếu tố chủ yếu gây nên những ưu điểm và hạn chế này. Trong phần kết luận, tác giả viết: “Ta [người Pháp] cần tôn trọng sự toàn vẹn về tổ chức xã hội của họ [người An Nam], đồng thời ta cũng không nên động chạm đến tín ngưỡng, hệ thống pháp luật, tổ chức hành chính cũng như tập tục của họ. Hệ thống ấy hoạt động tốt và sẽ còn hoạt động tốt, dân tộc họ đã quen với hệ thống ấy, thậm chí là quen với những chỗ chưa hoàn hảo của nó nữa” (2).
2.1.2.3. Năm 1912, Ch. Martin Saint Léon, một sĩ quan cấp trung úy trong quân đội Pháp, xuất bản ở Hà Nội cuốn “Chân dung và tính cách người An Nam” (Portraits & Caractères Annamites). Tuy chỉ dày 59 trang và là tác phẩm của một sĩ quan quân đội, nhưng đây là một cuốn sách khá thú vị.
Sách chia làm ba phần. Sau phần I trình bày những cơ sở lý luận, phần II giới thiệu chân dung và tính cách (theo kiểu nghiên cứu trường hợp) của một người lính khố đỏ, một thầy thông (ngôn), một đứa trẻ mà sau trở thành viên quan lại, một người nông dân. Bốn chân dung này phản ánh một số nét tính cách của người An Nam, trong đó chân dung người lính khố đỏ và chân dung đứa trẻ – viên quan là hai chân dung rất ấn tượng.
Phần III trình bày sự phân tích và kinh nghiệm cùng những tư tưởng khái quát, trong đó chứa đựng khá nhiều nhận xét và phân tích sắc sảo về tính cách của người An Nam, về những sai lầm chủ quan và thiếu hiểu biết về phong tục tập quán của người Pháp trong ứng xử với người An Nam3.
2.1.2.4. Năm 1954, hai tác giả Pierre Huard và Maurise Durand ở Trường Viễn Đông bác cổ xuất bản tại Hà Nội cuốn “Hiểu biết về Việt Nam” (Connaissance du Viêt-Nam). Trong đó, ở chương VIII mục II (Cấu trúc tư duy của người Việt cổ truyền – Một vài khía cạnh của cấu trúc tinh thần), các tác giả nêu lên một số điểm khác biệt giữa tư duy người Việt cổ truyền và tư duy phương Tây.
Chẳng hạn, trong khi người Việt Nam cũng như toàn bộ vùng Đông Á sống trong bầu không khí tuân phục thiên nhiên, thì ở phương Tây, con người “đạt đến một tính độc lập có khả năng hiểu biết khoa học, có sức mạnh kỹ thuật và có những quan niệm chính trị tự do”. Trong khi người phương Tây sống trong một thế giới với mọi thứ đều diễn ra chính xác thì người Việt Nam thiếu mọi công cụ chính xác hóa, lẫn lộn lịch sử với huyền thoại”4.
2.1.2.5. Vào năm 1981, Claude Gérald Palazzoli, một luật gia người Ý, đã xuất bản cuốn “Việt Nam giữa hai huyền thoại” (Le Vietnam entre deux mythes) dày 190 trang, trong đó ghi lại những cảm tưởng và nhận xét của mình về đất nước, con người Việt Nam sau hai năm làm việc tại đây. Claude Palazzoli miêu tả tình thế của Việt Nam vào thời điểm lúc bấy giờ bằng hình ảnh “Việt Nam giữa hai huyền thoại”: Một mặt, đó là “huyền thoại về một dân tộc nhỏ bé, dũng cảm và đầy tự hào, một dân tộc khôn ngoan, hiệu quả và cần cù, một dân tộc mà sự bền bỉ kiên cường của nó cùng với sự không cân xứng về mặt phương tiện sử dụng so với phía bên kia làm cho cuộc chiến càng được ủng hộ”. Mặt khác, ba chiến dịch truyền thông về việc Việt Nam giam giữ người, gây ra nạn di tản và đưa quân vào Campuchia đã tạo nên một “phản huyền thoại; “một sự đảo lộn phũ phàng” trong con mắt của thế giới.
Trong bối cảnh đó, chủ định của tác giả là đưa ra hình ảnh chân thật về Việt Nam như nó có, “một đất nước Việt Nam dễ mến và tuyệt vọng, hay nổi cáu và ngoan cố về một số niềm tin không thể phá vỡ, nhưng cũng là một đất nước Việt Nam quanh co, tinh tế, cởi mở với đối thoại và đang mời gọi những nền văn hóa khác, những chọn lựa khác mặc dù bị cấm vận dữ dội. Tóm lại, một đất nước Việt Nam nhân văn vô tận, hấp dẫn và nhạy cảm”5.
Chú thích
1. Gosselin Ch.: Đời sống trong xã hội An Nam xưa (Chương 1 cuốn sách “L’empire d’Annam”, Paris, Perrier et Cie, Libraires-Éditeurs, 1904; Nguyễn Thừa Hỷ dịch), in trong: Nguyễn Thừa Hỷ: Văn hóa Việt Nam truyền thống: một góc nhìn, Nxb. Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2012, tr.524-525.
2. Giran Paul: Psychologie du peuple annamile. Le caraclère national. L’evolution historique, intellectuelle, sociale et politique, Paris: Ernesst Leroux, Editeur, 1904, tr.195-196.
3. Xem Martin Saint Léon Ch. Portraits ở Caractères Annamites (Chân dung và tính cách người An Nam), Hanoi: Imprimerte – G. Taupin & Cie-Librairie, 1912.
4. Huard F. & Durand M.: Hiểu biết về Việt Nam (người dịch: Đỗ Trọng Quang), Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993 (nguyên tác: Huard P., Durant M.: Connaissance du Vietnam, Hanoi: EFEO, 1954), tr.133-136.
5. Palazzoli Claude: Le Vietnam entre deux mythes (Việt Nam giữa hai huyền thoại), Paris: Economica, 1981, tr.IV-VII.