GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ KHÔNG NGỪNG CẢI THIỆN
Trích: TƯ DUY HÌNH ẢNH
Tác giả: WILLEMIEN BRAND
Việt dịch: Lê Đỗ Duy Quỳnh
NXB Hồng Đức, 2020
Ảnh: Nguồn Internet

—🌼🌸🌼—
Thế giới ngày nay đang thay đổi nhanh chóng. Những đột phá công nghệ như trí thông minh nhân tạo đến sự phát triển kinh tế, chính trị và pháp luật khiến cho môi trường kinh doanh của bạn không thể giậm chân tại chỗ.
Đài phát thanh phải mất 38 năm để lượng khán giả chạm mốc 50 triệu người. Năm 2016, trò chơi Pokemon Go có đến 7 triệu người dùng chỉ trong 1 tuần. Trong thế giới phát triển nhanh chóng ngày này, kỹ năng giải quyết vấn đề đóng vai trò quan trọng hơn cả, khi cả các tổ chức lẫn mọi người phải thích nghi để sinh tồn.
🌸 THIẾT LẬP BỐI CẢNH
🌼 Ai là người thường tham gia giải quyết vấn đề?
Mọi người đều phải giải quyết những vấn đề trong cuộc sống thường ngày của mình, bạn cũng không ngoại lệ! Tuy nhiên, nhiều khả năng bạn thậm chí không nhận thức được điều đó vì nó là việc hiển nhiên trong đời sống cá nhân lẫn công việc thường nhật.
Việc giải quyết vấn đề diễn ra ở tất cả bộ phận trong tổ chức, từ việc ra quyết định trong tổ chức đến việc vận hành của ban quản lý. Thường thì các vấn đề xảy ra thường tình do các bộ phận cấp thấp trong tổ chức chịu trách nhiệm giải quyết. Còn vấn đề phức tạp hoặc đặc biệt hơn thì được ban quản lý giải quyết bằng cách thành lập một nhóm thực hiện nhiệm vụ ngay hoặc nhóm kiểm soát tiến độ dự án.
Các nhóm giải quyết vấn đề giỏi thường hội tụ đủ năng lực thích hợp để đương đầu với thử thách.
🌼 Giải quyết vấn đề diễn ra KHI NÀO và ở đâu?
Giải quyết vấn đề không chỉ là một kỹ năng mà còn là lối tư duy của bạn khi không ngừng thách thức những tình huống hiện tại của mình với thể chủ động. Vì vậy, giải quyết vấn đề không chỉ để đối phó với những thách thức ngoài mong đợi, mà còn để nhận biết đâu là những điều có thể cải thiện trong quá trình vận hành doanh nghiệp hiện nay. Quá trình này thường được gọi là không ngừng cải thiện.
Trong thực tế, giải quyết vấn đề và không ngừng cải thiện là hai nhiệm vụ chính của các nhóm chịu trách nhiệm giải quyết các sự cố của quá trình vận hành và cải thiện hiệu suất. Các nhóm này thường làm việc theo phương pháp không ngừng cải thiện như Quản trị tinh gọn (Lean Management) để tối đa hóa giá trị khách hàng đồng thời giảm thiểu phí tổn. Tuy nhiên các nhóm thương mại và các bộ phận hỗ trợ khác trong tổ chức cũng có thể áp dụng phương pháp này.
🌼 ĐIỀU GÌ xảy ra khi bạn giải quyết vấn đề?
Giải quyết vấn đề thường bắt đầu bằng việc nhận diện vấn đề. Điều này được thể hiện qua phát biểu về vấn đề như: Làm thế nào chúng ta có thể giảm mức độ thiệt hại của công ty xuống 50% vào năm 2020? Bên cạnh đó, việc xác định những bên liên quan, điều kiện để thành công và các hướng giải quyết cũng quan trọng không kém.
Bước thứ hai là nghiên cứu nguồn cơn (nguyên nhân gốc rễ) của vấn đề.
Bước thứ ba là tạo ra một loạt giải pháp khả thi (giả thuyết) rồi mới ra quyết định.
Bước cuối cùng là thử nghiệm và triển khai giải pháp, theo dõi và không ngừng cải thiện.
—🌼🌸🌼—