AJAHN BRAHM
Trích: Ai Đổ Đống Rác Ở Đây, Thiền Sư Ajahn Brahm/ Hân Nhi dịch, NXB Hồng Đức, 2018
Sau khi mua đất xây dựng tu viện năm 1983, chúng tôi cháy túi và còn bị nợ. Trên mảnh đất không có công trình nào, thậm chí một cái láng cũng không. Trong vài tuần đầu tiên, chúng tôi không ngủ trên giường mà trên những cánh cửa cũ mua rẻ từ bãi phế thải; ở mỗi góc, chúng tôi dùng gạch kê chúng lên cao. (Dĩ nhiên là không có chiếu – chúng tôi là những tu sĩ trong rừng.)
Sư trụ trì có cánh cửa tốt nhất, một cánh cửa phẳng. Cánh cửa của tôi nổi gờ với một cái lỗ to tướng ở giữa, nơi trước đây là tay nắm. Tôi đùa rằng giờ mình không ra khỏi giường để đi toilet nữa! Nhưng sự thật lạnh lùng là gió lùa từ dưới cái lỗ ấy lên. Những đêm đó, tôi không ngủ được nhiều.
Chúng tôi là những tu sĩ nghèo, cần có nhà cửa. Chúng tôi không đủ tiền để thuê người xây dựng – chỉ riêng vật liệu đã rất tốn kém. Nên tôi phải học cách xây: làm móng, trộn bê tông, đặt gạch, dựng mái, đặt hệ thống ống nước – không thiếu thứ gì. Hồi chưa trở thành tu sĩ, tôi là nhà vật lý lý thuyết và giáo viên trường trung học, không quen với lao động tay chân. Sau vài năm, tôi trở nên khá khéo việc xây dựng, thậm chí đã gọi đội của mình là BBC (“Buddhist Building Company” – Công ty xây dựng Phật giáo). Nhưng hồi khởi đầu, mọi chuyện rất khó khăn.
Việc xây tường trông có vẻ dễ: phết một lớp vữa ở dưới, vỗ chỗ này, gõ chỗ kia. Nhưng khi đặt viên gạch, tôi vỗ bay vào góc này để làm nó bằng, góc kia liền nhô lên. Tôi nhấn góc kia xuống, và viên gạch lệch khỏi hàng. Tôi thúc nó thẳng hàng trở lại, và góc ban đầu lại cao quá. Bạn cứ thử mà xem!
Là tu sĩ, tôi có đủ sự kiên nhẫn và thừa thời gian cần thiết. Tôi muốn đảm bảo rằng từng viên gạch đều hoàn hảo, cho dù mất bao nhiêu thời gian. Cuối cùng, tôi hoàn tất bức tường gạch đầu tiên và đứng lùi lại để chiêm ngưỡng. Chỉ khi ấy tôi mới phát hiện – Ôi không! – tôi đã bỏ sót hai viên. Mọi viên gạch khác thẳng hàng đẹp đẽ, nhưng hai viên này nghiêng một góc. Trông chúng thật thảm hại. Chúng làm xấu cả bức tường. Chúng phá hỏng nó.
Vữa lúc ấy đã quá cứng để lôi hai viên gạch ra, nên tôi hỏi sư trụ trì xem có thể phá bức tường và làm lại không – hay thậm chí tốt hơn nữa là cho nó đổ sập. Tôi đã tạo ra một thứ lộn xộn, và thấy rất xấu hổ. Sư trụ trì nói không, cứ để yên bức tường như vậy.
Khi dẫn những vị khách đầu tiên đi xem tu viện mới xây, tôi luôn tránh đưa họ đi ngang bức tường ấy. Tôi không thích ta nhìn thấy nó. Rồi một ngày, khoảng ba hay bốn tháng sau khi xây xong, tôi đang đi với một vị khách thì ông ta trông thấy bức tường.
“Bức tường đẹp đấy!” – ông tình cờ nhận xét.
“Thưa ông”, tôi ngạc nhiên đáp lại, “ông không bỏ quên kính trong xe chứ? Ông có bị suy giảm thị giác không? Ông không thấy hai viên gạch xấu làm hỏng cả bức tường à?”.
Những gì ông ta nói sau đó đã thay đổi toàn bộ cái nhìn của tôi về bức tường, về bản nhân tôi và về nhiều khía cạnh khác của cuộc sống. Ông đáp: “Có chứ, tôi có thể thấy hai viên gạch xấu. Nhưng tôi còn thấy 998 viên gạch tốt”.
Tôi sững sờ. Lần đầu tiên trong hơn ba tháng, tôi có thể thấy những viên gạch khác trên bức tường ngoài hai lỗi lầm kia. Bên trên, bên dưới, bên phải, bên trái của những viên gạch xấu là những viên gạch tốt, những viên gạch hoàn hảo. Hơn nữa, những viên gạch hoàn hảo chiếm vô số, hơn rất nhiều lần so với hai viên gạch xấu. Trước đây, mắt tôi chỉ tập trung vào sai lầm; tôi đã mù lòa trước mọi thứ khác. Thế nên tôi không chịu được việc nhìn vào bức tường hay để người khác thấy nó. Và tôi muốn phá hủy nó. Giờ đây, khi có thể thấy những viên gạch tốt, bức tường xét cho cùng trông không tệ lắm. Như vị khách nói, nó là “một bức tường đẹp”. Hai mươi năm đã trôi qua, bức tường vẫn còn đó, nhưng tôi đã quên mất hai viên gạch xấu nằm ở đâu. Thật sự là tôi không còn thấy những sai lầm ấy nữa.
Bao nhiêu người kết thúc một mối quan hệ hoặc ly dị vì tất cả những gì họ thấy ở người yêu hoặc người bạn đời là “hai viên gạch xấu”? Bao nhiêu người trong chúng ta trở nên trầm cảm, thậm chí nghĩ tới chuyện tự sát, vì tất cả những gì chúng ta thấy ở bản thân là “hai viên gạch xấu”? Sự thật là có rất nhiều viên gạch tốt, những viên gạch hoàn hảo – ở bên trên, bên dưới, bên phải, bên trái của những sai sót – nhưng đôi khi chúng ta không thể thấy. Thay vì vậy, mỗi lần nhìn, mắt chúng ta cứ chăm chăm vào những sai lầm. Thiếu sót là tất cả những gì con mắt chúng ta thấy; chúng là tất cả những gì chúng ta nghĩ có đó – vì vậy mà chúng ta muốn phá bỏ chúng. Và đáng buồn là đôi khi, chúng ta thật sự phá bỏ “một bức tường đẹp”.
Ai cũng có hai viên gạch xấu, nhưng những viên gạch hoàn hảo trong mỗi người hơn gấp nhiều lần những sai sót. Một khi chúng ta thấy được như vậy, mọi thứ sẽ không quá tệ. Không những có thể sống yên ổn với bản thân, với những khiếm khuyết của chính mình, chúng ta còn có thể vui sống với người bạn đời. Đây là tin xấu cho luật sư tư vấn ly hôn, nhưng là tin tốt lành cho bạn.
Tôi đã kể câu chuyện này nhiều lần. Một lần, một người xây dựng đến chỗ tôi và kể một bí mật nghề nghiệp: “Dân xây dựng chúng tôi luôn tạo ra các sai lầm”, ông nói, “nhưng chúng tôi bảo với khách hàng rằng nó là “một đặc điểm độc đáo”, không ngôi nhà nào ở khu lân cận có được. Và rồi chúng tôi tính thêm tiền!”
Vì vậy, những “điểm độc đáo” ở ngôi nhà của bạn có lẽ đã khởi đầu như những sai lầm. Cũng tương tự, những gì bạn xem là khiếm khuyết ở bản thân, ở người bạn đời hay cuộc sống nói chung có thể trở thành “điểm độc đáo”, làm phong phú trải nghiệm của bạn trên cõi đời này – miễn là bạn ngừng chăm chú vào chúng.