LÝ QUẾ ĐÔNG
Trích: Cánh Cửa Trí Tuệ Của Người Do Thái; Người dịch: Trí Thức Việt; NXB. Thanh Hóa
Trong thực tế, sự phát triển của xã hội là một quá trình từ đơn giản đến phức tạp, chúng ta quy tất cả về với sự đơn giản, bình thản, cũng là trả sự vật về với bản chất ban đầu của chúng. Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta luôn giữ tâm trạng ôn hòa cũng là một điều hạnh phúc.
Hai người đàn ông bị người ta đuổi giết bèn liều mạng chạy lên núi. Họ chạy đến bên sườn núi dốc, ở đây không có cầu, chỉ có một sợi dây thừng thông qua bờ bên kia. Thế là cả hai quyết định đu dọc theo sợi dây thừng để qua bờ bên kia. Người đàn ông thứ nhất qua nhanh như cao thủ trượt dây. Người còn lại thì vừa bám theo sợi dây vừa nhìn xuống phía dưới, bên dưới là vực sâu thăm thẳm đầy đá nhọn lởm chởm. Anh ta bắt đầu run sợ và lớn tiếng hỏi người đàn đàn ông thứ nhất: “Sao anh qua được vậy? Có phải anh có bí quyết gì không?”.
Người đàn ông ở bờ bên kia nói: “Từ khi sinh ra tới giờ, đây là lần đầu tiên tôi đi bằng loại dây này đấy, tôi cũng sợ lắm. Nếu anh hỏi tôi làm sao có thể qua đây được thì tôi chỉ có thể nói là lúc tôi nghiêng qua một bên thì tôi sẽ cố sức nghiêng mình về bên kia, dựa theo nguyên lý thăng bằng”.
Câu chuyện trên nói lên quan niệm: Chỉ có giữ được thăng bằng thì ta mới duy trì được sự sinh tồn. Biết giữ thăng bằng, không quá cực đoan chính là dùng tâm trạng bình thản để đón nhận những thách thức trước mắt chứ không phải dễ dàng đầu hàng, bỏ cuộc; làm việc gì cũng phải biết được mức độ của nó. Chúng ta không nên quá lo sợ khi gặp khó khăn và cũng không nên quá vui mừng khi đạt được thành công. Cho dù gặp chuyện gì đi nữa thì cũng không nên quá sa đà vào sự thành công hay thất bại, hãy giữ tâm trạng bình thản ung dung trước những vấn đề gặp phải trong cuộc sống.
Cân bằng và dung hòa là một nguồn năng lực và cũng là một niềm hạnh phúc.