LINDA KAPLAN THALER
ROBIN KOVAL
Trích: Sức Mạnh Của Sự Tử Tế – Cách Chinh Phục Giới Kinh Doanh Bằng Sự Tử Tế; Việt dịch: Trịnh Ngọc Minh; NXB Tri Thức, 2012
Về hai tác giả
Hai tác giả là những người thành công trong lĩnh vực quảng cáo chỉ nhờ vào một triết lý đơn giản nhưng đầy quyền lực: TỬ TẾ. Trong khi rất nhiều công ty hoạt động theo phương châm lấn át, tiêu diệt lẫn nhau thì Kaplan Thaler Group thành công nhờ vào chocolate và hoa hồng. Linda Kaplan Thaler là CEO và là giám đốc sáng tạo, còn Robin Koval là chủ tịch của The Kaplan Thaler Group. Công ty này được xếp hạng là một trong những hãng quảng cáo phát triển nhanh nhất nước Mỹ với hơn một tỉ đô là doanh thu.
KHI KEN AULETTA, nhà báo đoạt giải, người phụ trách chuyên mục trên tờ The New Yorker, đang thu thập thông tin về vụ xử chống độc quyền của Microsoft cho tạp chí The New Yorker và cho cuốn World War 3.0: Microsoft and lts Enemies (tạm dịch: Cuộc chiến 3.0: Microsoft và các đối thủ của họ), anh đã lên kế hoạch cho cuộc phỏng vấn đầu tiên – mà về sau thành ra tới ba lần phỏng vấn dài – với chánh án Thomas Penfield Jackson. Auletta đặt ra nhiều câu hỏi hóc búa dành cho chánh án Jackson về phiên tòa, về Bill Gates và về nhiều quy định của quan tòa. Tuy nhiên, trong lần đầu gặp chánh án Jackson, Auletta lại chẳng đả động gì đến những chuyện này. “Thay vào đó, tôi chỉ hỏi thăm ông về cuộc sống, về bố mẹ ông và về những kinh nghiệm trưởng thành mà ông đã trải qua”, Auletta kể.
Cách tiếp cận của Auletta có vẻ lạ đời. Anh đang viết một câu chuyện lớn cho một tạp chí uy tín và cho nhà xuất bản Random House cơ mà. Sao lại lãng phí buổi phỏng vấn đầu tiên chỉ để nói chuyện phiếm như mấy người bạn rủ nhau ăn kem vậy? Trước hết, anh muốn có được những thông tin cốt yếu về những giá trị của ông chánh án để giúp anh có được chiều sâu và bối cảnh của câu chuyện. Thứ hai, anh muốn biết về ông chánh án hơn và ông chánh án cũng sẽ biết về anh hơn. “Tôi nghĩ rằng mình đã chiếm được lòng tin của ông ấy, vì tôi không tỏ ra là có ý định săn tin giật gân,” Auletta nói. “Hãy cứ lịch sự và kiên nhẫn, rối bạn sẽ lấy được nhiều thông tin hơn.”
Giới nhà báo, như Auletta nhận xét, nổi tiếng là những gã khó ưa. Công việc của họ phần nhiều là đưa ra những câu hỏi rất hóc, chẳng hạn như “Tổ chức của ông có lén ghi hình các công dân Mỹ không?”, “Tại sao ông bán cổ phiếu của công ty mình trong khi lại bảo nhân viên mua vào?”, “Cô cảm thấy thế nào khi chồng mình chạy theo Angelina Jolie?” Những câu trả lời đôi lúc đáp ứng được sự quan tâm của công chúng, nhưng cũng có khi chúng chỉ nhằm tăng số bản in bán ra của nhiều tạp chí lá cải. Dù vậy, để tìm ra những thực chứng lạnh lùng trần trụi, anh nhà báo khôn ngoan phải biết tỏ ra hết sức mềm mỏng.
“Chúng tôi không có quyền đòi hầu tòa, thành ra người ta không bị buộc phải nói với chúng tôi” Auletta nói, “Và họ sẽ không nói với chúng tôi nếu họ cảm thấy mình như thể đang bị khoan răng trên ghế của nha sĩ. Tuy nhiên, họ sẽ chịu nói chuyện thường xuyên với cánh nhà báo nếu chúng tôi tỏ ra dễ cảm thông và không chỉ biết hỏi mà còn chăm chú lắng nghe những câu trả lời, cố gắng hiểu cái tại sao của họ như thể chính chúng tôi bị đưa lên trang nhất vậy.”
Đối xử với người ta bằng sự cảm thông và lòng trắc ẩn không chỉ là chiến thuật của một nhà báo biết điều, mà thực ra đó còn là con đường chắc chắn nhất dẫn đến một cuộc sống hạnh phúc và thành đạt.
Chúng tôi đã cho các bạn thấy nhiều cách mà theo đó nếu sống tử tế với người khác thì bạn sẽ có được thứ mình muốn. Làm thế nào mà chỉ một lời khen, hay một món quà nhỏ lại có thể mang đến những cơ hội kì diệu? Làm thế nào mà việc nói “có” lại cải thiện được những mối quan hệ của bạn? Làm thế nào mà bạn có thể tự giúp mình bằng cách giúp đối thủ hay kẻ cạnh tranh? Giờ đây chúng ta tiến đến kĩ năng quan trọng nhất cho bất kì ai muốn khai thác sức mạnh của lòng tốt: khả năng đặt mình vào vị trí của người khác, tựa đầu mình lên vai người khác.
Theo Daniel Goleman, những người dễ cảm thông – là người có thể hiểu những gì người khác nhìn thấy, có thể cảm nhận sự việc từ góc độ của người khác – thường là người hạnh phúc hơn, được nhiều người quý trọng hơn và có cuộc sống tình cảm tốt hơn. Họ cũng là những người thành công hơn trong kinh doanh. “Những người biết đồng cảm rất giỏi nhận ra và hiểu được yêu cầu của khách hàng, người tiêu dùng hay nhân viên của mình. Họ có vẻ dễ gần, mong muốn được nghe những điều người ta cần nói. Họ thường lắng nghe một cách chăm chú, lọc ra được cái cốt lõi mà người kia thực sự quan tâm và đáp ứng đúng điểm cần đáp ứng,” Goleman đã viết như thế trong cuốn Primal Leadership (tạm dịch: Lãnh đạo đại cương).
Hãy nhìn sự thành công của Gordon Bethune, người đã giữ cương vị CEO của Continental Airline trong mười một năm và đã biến hãng hàng không này thành cái mà người ta vẫn gọi là kẻ vận chuyển truyền thống thành công nhất nước Mỹ. Một lần nọ có người đã hỏi Bethune rằng làm thế nào ông lại hiểu người khác giỏi đến vậy. “Tôi cũng là một người trong số họ thôi,” ông trả lời. Trước khi Bethune trở thành CEO vào năm 1994, tỉ lệ đến đúng giờ của Continental luôn xếp cuối bảng – mà thường là chót bảng. Những lần trễ giờ ấy đã tiêu ngoẻm của công ty những 5 triệu đôla mỗi tháng. Bethune hiểu ra một điều: cách tốt nhất để khích lệ nhân viên của mình cải thiện chất lượng dịch vụ là làm cho họ cảm thấy mình cũng là một phần trong sự thành công của Continental. Thế là ông khởi đầu chương trình mỗi tháng thưởng 65 đô la cho tất cả các nhân viên – nhân viên ở cửa ra máy bay, tiếp viên trên không, nhân viên hành lý… – nếu hãng được xếp trong top năm về đúng giờ. Với 40.000 nhân viên, chương trình này khá tốn kém – mất đứt 2,5 triệu đôla mỗi tháng – nhưng chẳng nhằm nhò gì so với số tiền bị tổn thất nếu muộn giờ. Theo tính toán của Bethune, hãng của ông có thể cải thiện chất lượng dịch vụ mà vẫn giảm được chi phí.
Và chương trình đó đã thành công. Chỉ ba tháng sau khi khởi động chương trình, lần đầu tiên trong lịch sử, Continental đã về nhất về thời gian, và từ đó luôn nằm trong top năm. Chương trình này làm tốt đến nỗi Continental đã có thể nâng chuẩn lên. Bây giờ Continental phải về trong top ba thì nhân viên mới được thưởng. Nhưng mức thưởng sẽ cao hơn – 100 đôla – nếu Continental về đầu.
Đối với người làm trong nghề y, giờ đây sự cảm thông đã được coi trọng đến mức trở thành một phần trong chương trình bắt buộc giảng dạy ở các trường y chính thức của Mỹ. Các nghiên cứu cho thấy: những bác sĩ nào có sự nhạy bén với cảm xúc của bệnh nhân thường ít bị kiện cáo hơn là những thầy thuốc chỉ đơn thuần đưa ra các chuẩn đoán lạnh lùng, vô cảm. Trong cuốn Blink: The Power of Thinking Without Thinking (tạm dịch: Mơ màng: Sức mạnh của suy nghĩ mà lại không suy nghĩ), tác giả Malcolm Gladwell đã ghi lại một cách chi tiết một nghiên cứu, mà trong đó nhà nghiên cứu y khoa Wendy Levinson đã quan sát một nhóm các bác sĩ. Một nửa số bác sĩ chưa bao giờ bị kiện cáo; nửa kia đã từng phải ra tòa ít nhất hai lần. Levison phát hiện một điều: những bác sĩ chưa bao giờ bị ra tòa thường trò chuyện với bệnh nhân lâu hơn khoảng ba phút so với những bác sĩ hay bị bệnh nhân kiện tụng. Giọng họ cũng dịu dàng hơn và hay pha trò hơn. “Chẳng qua người ta không muốn kiện các thầy thuốc mà họ quý mến, luật sư về sơ suất y tế, Alice Burkin, đã nói với Gladwell. “Trong suốt những năm làm nghề này, chưa bao giờ tôi gặp một thân chủ tiềm năng nào bước vào đây mà nói: Thực tình tôi rất quý bác sĩ này, và dù cảm thấy làm thế này rất khủng khiếp nhưng tôi vẫn muốn kiện ông ta.”
Dĩ nhiên sống ở đời càng biết cảm thông sớm bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu. Chính vì vậy mà các trường mầm non giờ đây đã ra tay. Ở Canada có một chương trình mẫu giáo gọi là “gốc rễ của sự cảm thông” dạy về tính đồng cảm cho gần 40.000 trẻ mỗi năm. Và vào cuối năm 2005, vương quốc Anh đã đề ra kế hoạch dạy kĩ năng cảm xúc cho học sinh.
Một trong những phương pháp chủ chốt mà các trường dạy về sự đồng cảm là thông qua hoạt động tình nguyện. Trong cuốn The Healing Power of Doing Good (tạm dịch: Sức mạnh phục hồi của hành động tốt), tác giả Allan Luks đã ghi lại một chương trình dành cho các thiếu niên Texas đang có nguy cơ bỏ học. Các thiếu niên có nguy cơ bỏ học sau khi đi kèm cặp các em bé của một trường mẫu giáo về thì tỉ lệ bỏ học đã giảm từ 35% xuống còn 6%.
Giúp đỡ người khác không những giúp nâng cao lòng tự trọng mà còn cải thiện cả sức khỏe. Năm 2003, đại học Michigan đã tiến hành một nghiên cứu theo dõi 423 cặp vợ chồng lớn tuổi trong vòng năm năm. Kết quả là những ai thường quan tâm đến người khác – dù bằng công việc tình nguyện hay chỉ đơn thuần là ân cần với hàng xóm, hay bạn đời – thì tỉ lê chết sớm thấp hơn 60% so với những người chẳng bao giờ chìa tay giúp đỡ ai.