HƠI THỞ VÀ CẢM XÚC

SHINICHI TOHEI

Chuyển ngữ bởi Ki Aikido Hà Nội: https://kiaikido.vn/

Việc cố gắng kiểm soát trạng thái cảm xúc tiêu cực là vô cùng khó khăn. Cố gắng tự nhủ với bản thân “hãy đừng trở nên chán nản” có thể gây thêm hoặc chỉ làm cho mọi thứ tồi tệ hơn. Vậy, chúng ta có thể làm gì khi đối diện với sự việc này?

Thật may mắn, giữa cảm xúc và hơi thở lại có mối quan hệ mật thiết. Cảm xúc, chúng ta có thể không kiểm soát được, nhưng chúng ta hoàn toàn kiểm soát được hơi thở của mình và từ đó hướng tới điều chỉnh được cảm xúc.

Đa số mọi người thường không mấy chú ý tới hơi thở. Vậy nên, bước số một chính là ý thức tới hơi thở:
– Hơi thở của bạn hiện tại như thế nào? Hơi thở đó chậm rãi hay gấp gáp?
– Nếu hơi thở của bạn đang chậm, hãy cố thở nhanh và gấp. Cảm giác thế nào?
– Nếu hơi thở của bạn nhanh, hãy ghìm nó chậm lại. Cám giác này ảnh hưởng thế nào bên trong bạn?

Nếu đã có trải nghiệm trên các cảm giác khác nhau, bây giờ hãy thử nhớ lại nhịp thở thông thường nào.

Khi bạn cáu giận, bạn sẽ thở với “hơi thở cáu giận”. Hãy cố gắng nhớ lại cảm giác khi bạn giận dữ và mô phỏng lại nhịp thở lúc đó.
Nếu chưa chắc, hãy tự quan sát cách mà chúng ta thực sự thở khi gặp tình huống cáu giận trong cuộc sống hằng ngày. Thú vị thay, chính nhờ việc tự quan sát lại bản thân trong tình huống này cũng là phương pháp giúp chính bạn hạn chế lại nó.

Tương tự với cảm xúc cáu giận, khi chán nản, bạn sẽ sử dụng tới “hơi thở chán nản”. Khi trở nên bất an, bạn sẽ sử dụng “hơi thở bất an”. Khi lo lắng, bạn cũng sử dụng “hơi thở lo lắng”. Hãy thử mô phỏng lại những tình huống trên. Và bạn sẽ nhận ra rằng chúng đều là những hơi thở nông.

Bây giờ hãy nhớ lại cảm giác thở mà bạn thực sự cảm thấy thoải mái nhất. Cảm giác hơi thở như khi bạn được đối diện với điều gì đó tạo ra sự thích thú, sảng khoái thực sự?
Giả như bạn là một nhà leo núi, khi bạn đang mải mê leo lên từng bậc bỗng dưng trước mặt bạn xuất hiện một khung cảnh rộng lớn, hùng vĩ; chắc hẳn bạn sẽ “WOW!” kèm theo một hơi thở sảng khoải mãn nguyện?
Cảm giác như bạn là một người mê kẹo ngọt, bạn được tặng một món quà và ngay khi mở nó ra thì đó là một trong những thứ kẹo mà bạn ưu thích nhất, bạn chắc sẽ “WOW!” kèm theo hơi thở sảng khoái phải không?

Khi bạn thực sự thở ra thoải mái như trong tình huống trên, bạn đang thở rất sâu và không hề gượng ép. Đây là mấu chốt vô cùng quan trọng trong thực hành hơi thở với Khí.

Khi thực hành việc thở thiền, nhiều người trong số chúng ta thường sử dụng ý thức để điều khiển hơi thở như “việc thở ra trong một số giây giới hạn” hay “thở ra lâu nhất có thể”. Nói cách khác, tâm trí của chúng ta đang gây áp lực lên hơi thở.

Trẻ con mà được nuôi dưỡng trong một gia đình kỷ luật hà khắc, điều này sẽ tạo nên cảm giác ngột ngạt trong nhà. Vấn đề này không xuất phát từ chức năng vận hành của phổi, mà nó xuất phát từ chính môi trường sống áp lực trên. Tính trạng này cũng có thể gây nên “hơi thở áp lực”.

Nếu chúng ta cho phép cơ thể được học thở ra một cách thoải mái trong cuộc sống hằng ngày, kết quả là chúng ta sẽ không hề bị chi phối bởi cảm xúc. Hãy thực hành hơi thở này bất kể khi nào cảm xúc của bạn bị quấy nhiễu.

Khi còn trẻ, tôi là một người rất nóng tính và nhạy cảm với những yếu tố ngoại cảnh, tồi tệ thay đôi khi tôi lại mang chính cảm xúc bên trong để đổ lỗi lên những người và sự vật xung quanh mình. Vì thế nên, tôi rất quý trọng giá trị của một hơi thở sâu.

Nếu có thể thay đổi môi trường xung quanh, bạn hãy mạnh dạn thay đổi nó. Nhưng nếu điều này nằm ngoài khả năng của bạn, như tình huống của những năm COVID19 chẳng hạn, thì hãy giữ cho hơi thở của mình tĩnh tại như một cách để bảo vệ lấy chính mình.

Hơi thở và Cảm xúc có mối liên hệ với nhau. Hãy thực hành chúng cùng nhau.

Bình luận


Bài viết mới

  1. NGƯỜI THIỆN THÌ KHÔNG KHỔ
  2. SỰ TIẾN HÓA CỦA TÂM HỒN
  3. CÁC LUÂN XA