HÔN NHÂN – PHÚC LẠC THÁNH THIỆN

SWAMI SIVANANDA

Trích: Phúc Lạc Thánh Thiện – Yoga Hiện Đại – Lối Sống Lành Mạnh Về Thân Thể, Tinh Thần Và Trí Tuệ Tâm Linh; Tác giả: Swami Sivananda - Dịch giả: Swami Sitaramananda; NXB: Tôn Giáo, 2020 - Ảnh: nguồn internet

Hôn nhân là bước chân vào một giai đoạn đời thứ hai. Cuộc sống của một người chủ gia đình bắt đầu. Giờ đây, anh ta sẽ đảm nhận những bổn phận của một người thực thụ và trả những món nợ của mình bằng sự hy sinh, học tập và sinh con đẻ cái. Chú rể nói với cô dâu rằng: “Anh dắt tay em đến một tương lai tươi đẹp, anh nắm bàn tay em và chúng ta sẽ có những đứa con ngoan ngoãn, và em sẽ sống với anh – chồng của em – cho đến già. Đấng Tối Cao, hiện thân của Bharga, Aryaman, Savitru và Purandhi đã mang em đến với anh để anh có thể thực hiện nghĩa vụ của một người chủ gia đình. Sinh ra những người anh hùng, và thờ phụng Đấng Tối Cao là điều mang lại hạnh phúc cho chúng ta”.

Một lần nữa, trong lễ Garbhadanam (cầu nguyện xin con cái) – hoạt động sáng tạo được thần thánh hoá, người chồng cầu nguyện một cách thành tâm từ tận đáy lòng mình để được một đứa con. Anh ta lặp lại lời nguyện thiêng liêng này trong suốt buổi lễ Ritusanti hay lễ cưới. Đứa trẻ sẽ được thụ thai qua sóng rung của những câu niệm. Những ấn tượng tốt đẹp được ghi dấu trong từng tế bào não của bào thai. Đối với một người Hindu thực thụ được trời phú cho trí tuệ thanh khiết và hiểu biết đúng đắn thì sự giao hợp không phải là vì hưởng thụ khoái lạc. Anh ta sử dụng nguồn sinh lực sáng tạo thiêng liêng để hình thành nên một cơ thể con người.

Quan Niệm Của Người Hindu Về Hôn Nhân

Hôn nhân được xem là một lời nguyện thề đối với cuộc sống người Hindu. Người vợ là người bạn đời của anh ta trong cuộc sống. Cô ấy là Ardhangini (người đồng hành) của anh ta. Anh ta sẽ không thể làm bất cứ một lễ nghi tôn giáo nào mà không có cô ấy. Cô ấy sẽ đứng phía bên trái khi anh ta thực hiện các nghi thức này. Người chồng và người vợ Hindu lấy hình ảnh của Rama và Sita làm lý tưởng.

Đối với một người chồng Hindu thì người vợ được minh họa bằng một câu trong sử thi Ramayana, khi Rama nói về Sita: “Khi bàn luận, cô ấy là người cố vấn của ta; trong hàng động, cô ấy là bầy tôi trung thành; trong các nghi lễ thánh thiêng, cô ấy là người thực hiện cùng ta; sự bao dung của cô ấy thì tựa như trái đất; tình thương của cô ấy giống như người mẹ của ta; trong chuyện vợ chồng cô ấy như một thiên thần Rambha; và trong các cuộc chơi, cô ấy là người đồng hành của ta. Thực vậy, hỡi thần Lakshmana ơi, cô ấy là tình yêu của ta…” Đó chính là quan niệm Hindu về một người vợ lý tưởng.

Trong tất cả các Ashrama (giai đoạn cuộc đời) thì Grihasthasrama (cuộc sống của người chủ gia đình) là quan trọng nhất, bởi vì nó hỗ trợ cho tất cả những giai đoạn khác, Giống như tất cả sinh vật đều được nuôi dưỡng bởi khí trời, thì những nhóm người khác tồn tại được là nhờ sự hỗ trợ của người chủ gia đình. Giống như tất cả sông suối đều chảy ra biển, tất cả các Ashrama đều hướng về người chủ gia đình.

Grihastha (người chủ gia đình) chính là trái tim của đời sống. Tất cả mọi thứ đều phụ thuộc vào anh ta.

Nghĩa Vụ Và Trách Nhiệm Của Người Chủ Gia Đình

Người chủ gia đình nên sống một cuộc đời theo tinh thần Grihastha lý tưởng. Người ấy nên thực hành Pancha- mahayajna hay cúng lễ gấp năm lần so với những quy luật trong kinh sách Hindu. Người ấy nên rèn luyện tính tự chủ, lòng nhân từ, sự khoan dung, không gây tổn thương, tính trung thực và điều độ trong mọi việc.
Một người chủ gia đình cũng nên biết kiếm tiền một cách chính đáng và tiêu xài hợp lý. Người ấy nên dùng một phần mười số tiền kiếm được vào việc từ thiện. Người ấy cũng chỉ nên tận hưởng những thú vui khoái lạc trong giới hạn luật lệ của lương tâm.

Người chủ gia đình có rất nhiều trách nhiệm trong việc giáo dục con cái. Nếu họ muốn trốn tránh điều này, họ nên xem xét lại cảm giác khát khao ham muốn tình dục và ngưng lại việc sinh đẻ để trở thành Naishthika Brahmacharin (người độc thân suốt đời). Sự trừng phạt nghiêm khắc đang chờ đợi họ ở thế giới bên kia nếu như họ để cho con cái của họ không được giáo dục ở thế giới này. Bản thân họ nên hướng đến một cuộc sống lý tưởng. Chỉ khi đó, con cái họ mới có thể noi gương theo họ. Nếu họ có những thói quen xấu, con cái họ sẽ học theo. Trẻ em có khả năng bắt chước rất nhanh.

Khi nào người chủ gia đình thấy rằng những người con trai của anh ta có khả năng gánh chịu những trách nhiệm của mình, khi những đứa cháu vây xung quanh anh ta, nghĩa là đã đến lúc anh ta và vợ rời bỏ thế tục, dành khoảng thời gian còn lại của cuộc đời cho việc tu tập và thiền định.

Tình Dục Và Ly Dị

Ở phương Tây, những đứa trẻ được sinh ra và nuôi dưỡng ở bệnh viện nhi hoặc nhà hộ sanh. Chúng không được biết đến sự chăm lo sức khỏe, vòng tay thương yêu trìu mến, dịu dàng và nâng cao linh hồn của người mẹ. Chúng không biết được giấc ngủ trong vòng tay ấm áp của mẹ là như thế nào. Lớn lên trong môi trường thương mại và cạnh tranh, chúng phát triển lòng tận tụy với đồng tiền dù chỉ ở tuổi thành niên, rồi sau đó dành cả đời để sùng kính ông thần của cải.

Môi trường xã hội ở phương Tây bị quá tải bởi tình dục. Kết hôn quá sớm có thể rất hiếm ở phương Tây, nhưng quan hệ tình dục buông thả sớm thì không. Triết học phương Tây cho phép quan hệ trước hôn nhân. Họ ủng hộ điều này. Những trường hợp sống thử rất phổ biến ở phương Tây. Một số lượng lớn trẻ em ra đời trước khi các bậc cha mẹ được hợp pháp hóa hôn nhân. Hai bên sống thử với nhau. Người Đức nói: “Người ta sẽ không mua bất cứ gì dù chỉ một đồng mà chưa được thử nó.” Những thử nghiệm nửa chừng thường đem lại kết quả tai hại. Không có tình yêu thực sự giữa đôi bên. Hôn nhân trở thành một bản hợp đồng thương mại chứ không phải một lời thề nữa. Vì thế mà có rất nhiều các cuộc ly hôn xảy ra.

Ở Ấn Độ cũng vậy, phụ nữ Ấn Độ giờ đây đã có được quyền chủ động ly hôn. Thật là đáng buồn! Họ đang đi theo những dấu chân của phụ nữ phương Tây. Một sự bắt chước tệ hại. Trong vùng đất thánh ở Bharatavarsha thiêng liêng nơi mà Sita, Radha, Damayanti, Savitri sống một cuộc đời lý tưởng, trinh bạch và đạo đức theo Dharma thì có một vài người phụ nữ phù phiếm, ngốc nghếch, được gọi là có học thức mà hút thuốc nơi công cộng, chơi bài với đàn ông trong hộp đêm, những người đã đánh mất đi vẻ đẹp nữ tính, thiên chức thiêng liêng của họ và muốn có những đặc quyền mới mà không hề đem lại cho họ hạnh phúc, phẩm giá hay sự cứu rỗi linh hồn. Họ sẽ phải gánh chịu số phận bất hạnh.

Đời Sống Hôn Nhân Lý Tưởng

Những vị Rishi (hiền triết) vĩ đại thời xưa cũng từng kết hôn, nhưng họ không hướng cuộc sống vào đam mê và dục vọng. Đời sống Grihasthashrama (đời sống của người chủ gia đình) hướng theo đạo lý Dharma. Nếu bạn khó có thể hoàn toàn theo lối sống của họ thì hãy xem đời sống của họ như một lý tưởng để noi theo, và bạn phải bước đi trên con đường của Chân lý. Grihasthashrama không phải là cuộc sống của đam mê hay buông thả, đó là cuộc sống nghiêm khắc dựa trên việc phục vụ và hy sinh, đạo lý Dharma đơn giản và thanh khiết, sự bố thí, lòng nhân ái, sự tử tế, tự lập và tất cả những điều tốt đẹp giúp ích cho nhân loại. Nếu bạn có thể sống như vậy thì đời sống của một Grihastha (người chủ gia đình) sẽ tốt đẹp như là đời sống của một Sannyasin (tu sĩ) vậy.

Nếu sống đời sống vợ chồng theo cách đúng đắn với lý tưởng hoàn mỹ, thì sẽ không có trở ngại trong việc đạt tới Mukti (sự giải phóng, tự do). Một người vợ tốt đối với chồng thì giống như là đôi bờ ôm lấy dòng sông. Cô ấy là dòng chảy dẫn lối cho người chồng tới Chân Lý. Tình yêu của cô ấy là hồng ân của Đấng Tối Cao.

Hôn Nhân – Sự Bó Buộc Cả Đời

Rất khó để sống cuộc sống của một người chủ gia đình, Cuộc sống của một người chủ gia đình được sắp đặt cho người không thể kiểm soát được đam mê của mình. Một người mà không có đam mê thì nên quay lại con đường Nivritti (sự từ bỏ).

Người vợ chỉ là một sự xa xỉ. Là điều không thực sự cần thiết. Mọi người chủ gia đình đều khóc than sau khi kết hôn. Anh ta kể lể: “Đứa con trai của tôi đang đau ốm vì bệnh thương hàn. Đứa con gái thứ hai chuẩn bị lấy chồng. Tôi có nhiều khoản nợ phải trả. Vợ đang đòi tôi mua cho bà ấy một sợi dây chuyền vàng. Con rể lớn của tôi thì mới qua đời…”

Hôn nhân là một lời nguyện và bản án chung thân. Người chưa kết hôn đã từng được tự do thì bây giờ bị xiềng xích lại. Đây là kinh nghiệm của tất cả những người đã kết hôn.

Cảnh Tượng Thường Thấy Trong Các Gia Đình

Các cuộc tranh cãi hằng ngày nảy sinh trong gia đình giữa hai vợ chồng thường là do hiểu lầm và bất đồng quan điểm. Người vợ nghĩ rằng anh chồng nên phục tùng và làm vui lòng cô ta trên tất cả mọi phương diện. Và tương tự, người chồng cũng vậy. Anh ta nghĩ cô vợ nên phục tùng và làm vui lòng anh ta trên tất cả mọi phương diện. Điều này có thể không? Không! Và vì thế cho nên họ tranh cãi hàng giờ.

Có thể không phải lúc nào cũng dùng đến tay chân nhưng họ sẽ không nói chuyện với nhau vài tiếng trong ngày. Thỉnh thoảng sẽ có bạo lực, vũ phu nếu như người chồng nóng tính và thiếu tự chủ. Nếu người vợ giống như bà Socrates hay Jijabai, tình thế sẽ đảo ngược lại. Sẽ có sấm chớp và mưa bảo đổ lên đầu anh chồng. Đôi lúc, khi người vợ trở nên giận dữ, sẽ không chịu nấu nướng và nằm dài trên giường trùm chăn kín mít từ đầu tới chân với lý do bị đau bụng dữ dội. Người chồng tội nghiệp sẽ phải ra ngoài ăn một bữa ăn đã được gọi sẵn và đón xe lửa đi làm. Cũng có đôi lúc, người vợ sẽ bỏ về nhà mẹ đẻ mà chẳng thèm nói gì với chồng. Người chồng tội nghiệp, không biết xấu hổ, yếu trí sẽ chạy sang nhà mẹ vợ, đón vợ về với sự tươi mới, sôi nổi, những lời hứa vàng và những lời cầu xin.

Thế nhưng, nếu bạn hỏi một người chủ gia đình: “Cuộc sống của một người có gia đình hay cuộc sống của một Brahmachari (người độc thân) thì tốt hơn? Chắc chắn anh ta sẽ trả lời rằng: “Cuộc sống của một người có gia đình tốt hơn ngàn lần so với cuộc sống độc thân.” Anh ta sẽ chiến đấu kịch liệt bằng tất cả những lý lẽ vụng về của mình để bảo vệ quan điểm này.

Con người thường không có sự phân định cũng không có sự bình tĩnh, khôn khéo hay tư duy nhạy bén. Do đó, họ không thể nhìn thấy ánh sáng thực sự bên trong họ. Lý trí của họ bị vẩn đục, lạc lối, rối loạn, chếnh choáng và che phủ bởi đam mê, ảo tưởng, mông muội và thiếu hiểu biết. Vì thế họ không biết chính xác họ đang làm gì.
Khi bị kích thích bởi đam mê tình ái, người chồng và người vợ sẽ quên hết tất cả những cãi vã mới xảy ra ban sáng. Họ nghĩ rằng cuộc sống của họ thật hạnh phúc, sung sướng. Họ hoàn toàn thỏa mãn với một vài lời nói hoa mỹ trong lúc đó, mặc dù không có sự hoà hợp thực sự và tình yêu trong sâu thẳm trái tim họ.

Tu Tập Tại Gia

Một số người đã đi tu chỉ vì cách hành xử không tốt của người vợ và những trở ngại của riêng họ trong quá trình thực hành Yoga tại nhà. Nếu người vợ ủng hộ và giúp đỡ họ tiếp tục quá trình tu tập thì họ sẽ luôn luôn giữ được Grihashtha Ashrama (đời sống tu tập của người chủ gia đình). Đó là bổn phận của những cô gái thông minh, giúp đỡ người chồng của mình sống đời tu hành trong gia đình. Thuận vợ thuận chồng mới có thể khiến cho cuộc sống gia đình bình an và hạnh phúc.

Người chồng cũng không nên ngăn cản việc tu hành của vợ mình. Anh ta nên giúp vợ bằng mọi cách có thể trong việc thanh tẩy và phát triển tâm linh của cô ấy. Đó là trách nhiệm của người chồng để giúp đỡ vợ mình trên con đường tâm linh. Cô ấy nên thực hành Japa và Kirtan. Cô ấy nên tìm hiểu những cuốn sách về tôn giáo như Ramayana, Bhagavata và Mahabharata. Thỉnh thoảng cô ấy cũng nên ăn kiêng và nhịn ăn. Người chồng nên đưa vợ đến những nơi hành hương và tham dự các bài giảng Katha (những cuộc đàm luận về tôn giáo xen kẽ những câu chuyện sử thi Hindu) được thuyết giảng bởi những vị Mahatma (những tâm hồn vĩ đại). Và khi đó, ngôi nhà sẽ là nơi được ban phước lành. Kinh sách có nói: “Nếu không có tâm linh, một ngôi nhà sẽ giống như một nghĩa địa, cho dù nó có là một cung điện đi chăng nữa.

Hỡi Ram! Hãy đối đãi với vợ mình như một Devi (nữ thần). Cô ấy là bà hoàng là nữ thần Lakshmi trong gia đình. Nơi nào phụ nữ được tôn trọng, nơi đó sẽ có sự sung túc thịnh vượng, thành công và yên bình.
Hỡi Lila! Hãy là một Pativrata (người phụ nữ giản dị, thanh cao). Đừng nên sinh sự với chồng của mình. Hãy trở nên giống như Savitri, Anusuya hay Sita.

Cầu mong cho tất cả các bạn có thể hướng đến một cuộc sống thanh khiết, với sự dâng hiến, và đạt được những phúc lạc tối cao trong cuộc sống trần tục này. Cầu mong rằng giữa người chồng và người vợ sẽ có sự hòa hợp về tính khí, tâm lý và tâm linh. Cầu mong rằng vợ chồng sẽ giúp đỡ nhau trong việc tu tập tâm linh và Yoga. Cầu mong nhận thức của Đấng Tối Cao là kim chỉ nam của bạn. Cầu mong cho sự thanh khiết là phương châm của bạn. Cầu mong Dharma sẽ dẫn đường cho bạn.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. LỜI NGUYỆN CHO TÌNH YÊU
  2. TÌNH YÊU VÀ HÔN NHÂN
  3. GIA ĐÌNH VÀ CON CÁI

Bài viết khác của tác giả

  1. HÔM QUA, HÔM NAY VÀ NGÀY MAI
  2. CÁCH SỬ DỤNG THỜI GIAN
  3. CUỘC SỐNG LÀ QUÀ TẶNG LỚN NHẤT CỦA BẠN

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ