SADHGURU
–o0o–
Tôi là người cực kỳ hoài nghi. Ngay từ khi năm tuổi, khi cùng cả nhà đi viếng đền, tôi có những thắc mắc – rất nhiều là đằng khác. Thượng Đế là ai? Ngài ấy ở đâu?
Ở trên kia? Trên kia là ở đâu? Một vài năm sau đó, tôi thậm chí càng có nhiều câu hỏi hơn. Ở trường, họ nói hành tinh này có hình cầu. Nhưng nếu như nó có hình cầu, vậy thì làm sao người ta phân biệt được đâu là phía trên? Bởi vì chưa có ai trả lời được những câu hỏi này, nên tôi cũng chưa từng bước chân vào đền thờ. Vì thế, bố mẹ đành phải để tôi ở bên ngoài và nhờ người giữ giày dép trông giúp. Người này thường nắm chặt lấy tay tôi như gong kìm và đi đâu cũng kéo tôi đi theo trong khi ông ta làm việc. Ông ta biết rằng chỉ cần một chút lơ là, tôi sẽ chạy biến đi mất! Về sau này, tôi không thể không nhận ra rằng những người bước ra từ nhà hàng bao giờ khuôn mặt cũng vui vẻ hơn so với những người từ đền thờ bước ra. Điều này khiến tôi tò mò.
Và, mặc dù là kẻ hay hoài nghi, nhưng tôi cũng không bao giờ gán cái mác đó lên chính mình. Tôi có rất nhiều thắc mắc về tất cả mọi thứ, nhưng chưa bao giờ cảm thấy cần phải đưa ra bất kỳ kết luận nào. Ngay từ khi còn rất nhỏ, tôi đã nhận thức được rằng tôi không hề biết về bất kỳ điều gì. Điều đó có nghĩa là rốt cuộc tôi đã dành sự chú ý đối với tất cả mọi thứ xung quanh mình. Nếu ai đó đưa cho tôi một ly nước, tôi sẽ chăm chú nhìn mãi vào nó. Nếu tôi nhặt một chiếc lá lên, tôi cũng chăm chú nhìn nó mãi thôi. Tôi nhìn chăm chăm vào bóng tối suốt cả đêm. Nếu tôi ngắm một viên đá cuội, thì những hình ảnh của nó sẽ xoay tròn xuất hiện trong đầu tôi không dứt, tới khi tôi nhớ rõ từng đường gân, từng góc độ của nó.
Tôi cũng nhận thấy rằng ngôn ngữ chẳng qua chỉ là một âm mưu tạo nên bởi con người. Khi người nào đó nói, tôi nhận thấy họ chỉ đang tạo ra các âm thanh, còn tôi thì đang tạo ra ý nghĩa. Vì thế, tôi ngừng việc tạo ra ý nghĩa và những âm thanh ấy trở nên rất buồn cười. Tôi có thể thấy những hình mẫu thoát ra từ miệng họ. Nếu tôi cứ tiếp tục nhìn, thì người đó sẽ tan biến và trở thành một đốm năng lượng. Sau đó tất cả những gì còn lại chỉ là những mẫu hình!
Trong trạng thái thiếu hiểu biết vô biên tuyệt đối này, hầu như bất kỳ điều gì cũng có thể thu hút sự chú ý của tôi. Là bác sĩ, bố tôi cũng bắt đầu cho rằng tôi cần được đánh giá về tâm lý. Theo như lời của ông, “Thằng bé này lúc nào cũng nhìn không chớp mắt vào một thứ gì đó. Nó bị mất trí rồi!” Tôi vẫn luôn cảm thấy kỳ quặc khi thế giới này không nhận ra được sự mênh mông của trạng thái “Tôi không biết. Những người phá hủy trạng thái đó bằng các niềm tin và giả định hoàn toàn bỏ lỡ đi một khả năng to lớn – khả năng để hiểu biết. Họ quên mất rằng “Tôi không biết” chính là lối vào – lối vào duy nhất – dẫn đến sự tìm kiếm và hiểu biết.
Mẹ dặn tôi phải chú ý lắng nghe các thầy cô. Và tôi đã làm vậy. Tôi dành cho họ sự chú ý mà họ sẽ không bao giờ nhận được ở bất kỳ nơi nào khác! Tôi không biết họ đang nói gì, nhưng vào những buổi tôi tham gia lớp học, tôi nhìn vào họ, một cách kiên định và mãnh liệt. Vì lý do nào đó, họ lại không cho rằng nét tính cách này của tôi là đáng yêu. Một giáo viên nọ còn tìm mọi cách có thể để moi được một câu trả lời từ tôi. Nhưng khi thấy tôi vẫn giữ nguyên vẻ im lặng và lầm lì, ông nắm lấy vai tôi và lắc người tôi một cách thô bạo. “Mày chỉ có thể là thần linh, hay là ác quỷ”, ông tuyên bố. Ông nói thêm, “Và ta nghĩ rằng mày là vế sau!”
Tôi không hề thấy bị xúc phạm. Cho đến giây phút đó, tôi vẫn tiếp cận mọi thứ xung quanh mình – từ một hạt cát nhỏ bé cho đến cả vũ trụ mênh mông – bằng con mắt hiếu kỳ. Nhưng luôn có một điều chắc chắn trong cái mạng nhện phức tạp của vô số những câu hỏi, và điều đó chính là “tôi”. Nhưng cơn tức giận của thầy tôi lại gợi lên một hướng thắc mắc khác. Tôi là ai? Là người, thần linh, ác quỷ, hay là gì? Tôi cố gắng nhìn chằm chằm vào chính mình để tìm kiếm câu trả lời. Nhưng vô ích. Vì thế, tôi lại nhắm mắt và cố gắng tìm kiếm. Thời gian trôi đi, phút này qua giờ nọ, và tôi vẫn tiếp tục ngồi đó, với mắt nhắm.
Khi tôi mở mắt ra, thì tất cả mọi thứ đều khiến tôi tò mò – một con kiến, một chiếc lá, đám mây, bông hoa, bóng tối, hầu như là bất kỳ thứ gì. Nhưng tôi không khỏi kinh ngạc khi phát hiện ra rằng lúc tôi nhắm mắt, lại càng có thêm nhiều thứ thu hút lấy sự chú ý của mình – cách cơ thể tôi rung động, cách hoạt động của các cơ quan khác nhau, nguồn năng lượng trong người di chuyển dọc theo các kênh khác nhau, cách mà các bộ phận trong cơ thể được căn chỉnh, và thực tế rằng các ranh giới chỉ có giới hạn đối với thế giới bên ngoài. Bài thực hành này mở ra trước mắt tôi toàn bộ cơ chế vận hành trong con người. Nhưng thay vì đưa tôi đến một câu trả lời giản lược rằng tôi là “cái này” hay “cái kia, nó dần mang đến cho tôi một sự nhận thức rằng, chỉ cần tôi sẵn lòng, tôi có thể là tất cả mọi thứ. Nó không phải là việc đi đến bất kỳ kết luận nào. Ngay cả sự chắc chắn của cái gọi là “tôi” cũng sụp đổ khi một cảm thức sâu sắc hơn về ý nghĩa của cái gọi là con người bắt đầu mở ra. Từ chỗ biết về bản thân mình như là một con người tự chủ, bài thực hành này đã làm cho tôi tan chảy. Tôi trở thành một sinh vật mơ hồ.
Mặc dù tôi khá tùy hứng ở nhiều khía cạnh, có một thứ mà tôi luôn thực hiện một cách có kỷ luật đến lạ thường, đó là việc tôi luyện tập yoga. Nó bắt đầu vào kỳ nghỉ hè năm tôi mười hai tuổi. Hằng năm, toàn bộ anh chị em họ hàng chúng tôi đều tụ tập về ngôi nhà tổ tiên của ông tôi. Ở sân sau nhà có một cái giếng cổ sâu 45 mét. Trong khi đám con gái chơi trò trốn tìm, trò chơi ưa thích nhất của đám con trai là nhảy xuống giếng rồi lại trèo lên. Cả việc nhảy xuống và trèo lên đều là thử thách. Nếu nhảy xuống không đúng cách, đầu của bạn có thể sẽ bị đập vào thành giếng. Trong khi bạn leo lên, hoàn toàn không có bậc thang nào cả; bạn phải bám chặt tay vào mặt đá rồi bấu vào đó để kéo người lên. Các móng tay thường chảy máu do chịu nhiều áp lực. Thực ra, chỉ một vài đứa trong đám con trai là chơi được trò này. Tôi là một trong số đó và tôi khá là giỏi trong trò này.
Một ngày nọ, có một người đàn ông đã ngoài 70 tuổi xuất hiện. Ông đứng xem chúng tôi chơi một lát. Không hề nói một lời nào, ông cụ liền nhảy xuống giếng. Chúng tôi cứ nghĩ ông cụ thể là xong đời. Nhưng rồi ông ấy leo lên khỏi giếng còn nhanh hơn cả tôi. Tôi dẹp sự kiêu hãnh của mình sang một bên và hỏi ông ấy một câu duy nhất: Làm sao để được như vậy? “Hãy theo ta học yoga, ông cụ nói.
Tôi ngoan ngoãn đi theo ông như một chú cún. Và thế là tôi đã trở thành học trò của thầy Malladihalli Swami (ông ấy được biết đến dưới tên này) và bắt đầu học yoga. Trước đây, đánh thức tôi dậy mỗi sáng là nỗ lực của cả nhà. Khi gia đình tôi cố gắng dựng tôi ngồi dậy trên giường; tôi sẽ ngã gục xuống rồi lăn ra ngủ tiếp. Khi mẹ đưa cho tôi cầm bàn chải đánh răng; tôi lại nhét nó vào trong miệng rồi ngủ tiếp. Một cách tuyệt vọng, bà đẩy tôi vào nhà tắm; tôi cũng nhanh chóng gật gù trong đó. Nhưng sau khi bắt đầu tập yoga được ba tháng, mỗi ngày cơ thể tôi đều bắt đầu thức dậy vào lúc ba giờ bốn mươi phút sáng mà không cần có sự hỗ trợ nào từ bên ngoài, và thói quen này vẫn tiếp tục cho đến tận bây giờ. Sau khi tỉnh dậy, tôi liền bắt tay vào tập luyện, bất kể tôi đang ở đâu và trong hoàn cảnh nào, không hề gián đoạn ngay cả một ngày. Bài yoga đơn giản này – được gọi là angamardana (một hệ thống yoga thiên về thể chất giúp làm săn chắc gân cốt và tứ chi) – chắc chắn đã mang lại cho tôi sự khác biệt cả về thể chất và tinh thần khi ở trong bất kỳ đội nhóm nào. Nhưng nó cũng chỉ có thế thôi. Hay tôi đã tin là như vậy.
Dần dần, tôi mất hết niềm tin hoàn toàn vào nền giáo dục bị gò bó theo cấu trúc. Không phải vì tôi có thái độ hoài nghi. Tôi vẫn luôn tràn trề niềm hân hoan và sức sống để có thể tham gia vào tất cả mọi thứ. Nhưng phẩm chất nổi bật của tôi ngay cả ở tuổi này là sự rõ ràng. Tôi không chủ động săm soi để tìm ra những điểm thiếu nhất quán hay những kẽ hở trong bất kỳ điều gì mà tôi được dạy. Chỉ là tôi tự nhiên nhìn ra chúng. Thực ra, tôi chưa bao giờ tìm kiếm bất kỳ điều gì trong cuộc đời mình. Tôi chỉ quan sát mà thôi. Và đây cũng là điều mà tôi đang cố gắng dạy mọi người hiện nay: nếu bạn thực sự muốn biết về tâm linh, đừng tìm kiếm bất kỳ điều gì cả. Người ta cứ nghĩ tâm linh là tìm kiếm Thượng Đế hay chân lý hay điều tối thượng. Vấn đề là ở chỗ, bạn đã xác định điều mình muốn tìm kiếm là gì. Không phải đối tượng mà bạn tìm kiếm là quan trọng; mà chính là khả năng nhìn của bạn. Khả năng chỉ đơn giản là nhìn không với một động cơ gì, là điều đang mất dần trong thế giới ngày nay. Mọi người đều thiên về mặt tâm lý, họ muốn gán ghép ý nghĩa vào tất cả mọi thứ. Sự tìm kiếm không phải là về việc đi tìm cái gì đó.
Nó là về việc nâng cao nhận thức của bạn, chính là khả năng nhìn của bạn.
Sau khi tốt nghiệp trung học, tôi bắt đầu một chương trình tự học ở thư viện trường Đại học Mysore. Tôi là người đầu tiên có mặt ở thư viện vào lúc chín giờ sáng và là người cuối cùng bị xua ra khỏi thư viện vào tám giờ rưỡi tối. Giữa bữa sáng và bữa tối, món ăn duy nhất của tôi là sách. Mặc dù tôi là người luôn háu đói, nhưng tôi đã bỏ bữa trưa trong suốt cả một năm. Tôi đọc nhiều thể loại khác nhau, từ những tác phẩm của thi hào Homer cho tới tạp chí Cơ khí phổ thông từ tiểu thuyết gia Kafka cho tới đại văn hào Kalidasa, từ thi hào Dante cho tới bộ truyện tranh Siêu quậy Dennis. Sau năm đó, tôi trở nên hiểu biết hơn nhiều, nhưng tôi cũng có thêm nhiều câu hỏi hơn bao giờ hết.
Vì những giọt nước mắt của mẹ, tôi đành miễn cưỡng đăng ký vào khoa văn học Anh của trường Đại học Mysore. Nhưng lúc nào tôi cũng mang trên đầu một đám mây chứa hàng tỉ câu hỏi, giống như một vầng hào quang âm u quanh mình. Ngay cả thư viện lẫn các vị giáo sư đáng kính đều không thể xua tan nó. Một lần nữa, tôi lại dành phần lớn thời gian ở ngoài lớp học thay vì ở trong lớp. Tôi phát hiện ra rằng tất cả những gì diễn ra trong lớp là việc ghi chép chính tả, mà tôi thì chắc chắn không có dự định trở thành một người viết tốc ký! Có lần tôi ngỏ ý mượn bài giảng của một giáo viên để đem đi phô-tô; như vậy cô sẽ không phải nhọc công đọc chính tả còn tôi cũng không phải nhọc công đến lớp. Cuối cùng, tôi thỏa thuận với tất cả các giảng viên (những người rất đỗi vui mừng khi không phải thấy tôi trong lớp của họ). Mỗi ngày trong tháng, họ sẽ đánh dấu tôi có mặt. Ngày cuối cùng của tháng là ngày mà danh sách điểm danh được đăng ký. Vào hôm đó tôi sẽ đến lớp để bảo đảm rằng họ tuân thủ phần giao kèo của mình!
Tôi có một nhóm bạn thường tụ tập dưới tán của một cây đa đại thụ trong khuôn viên trường đại học. Ai đó đã đặt tên cho nhóm là Câu lạc bộ Cây Đa, và từ đó nó trở thành tên chính thức của nhóm. Tôn chỉ hoạt động của câu lạc bộ là: “Chúng ta làm điều đó để cho vui mà thôi. Chúng tôi thường đi xe máy đến tụ tập quanh tán cây rồi vừa ngồi trên xe máy vừa thảo luận hàng giờ liền với nhau về rất nhiều chủ đề khác nhau – từ việc làm sao để xe máy của hãng Jawa chạy nhanh hơn cho đến việc làm sao để thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn. Dĩ nhiên, trong suốt thời gian trò chuyện này, chúng tôi không hề rời khỏi yên xe máy. Đó được xem như tội phạm thượng!
Cho tới khi tốt nghiệp đại học, tôi đã lái xe đi khắp cả nước. Ban đầu, tôi đi du lịch miền Nam Ấn Độ bằng xe đạp. Về sau, tôi cưỡi xe máy đi dọc ngang khắp cùng đất nước. Đến lúc đó thì việc muốn vượt qua biên giới là điều hiển nhiên. Nhưng khi tôi đến biên giới giữa Ấn Độ và Nepal, người ta thông báo rằng nếu tôi chỉ có giấy chứng nhận đăng ký xe máy và bằng lái xe thì chưa đủ điều kiện. Cần phải có thêm giấy tờ mới được phép đi qua. Sau lần ấy, tôi có thêm một mơ ước là làm sao kiếm đủ tiền để có thể đi du lịch khắp nơi trên thế giới bằng xe máy. Lý do không chỉ bởi vì tôi thích phiêu lưu. Sự thật là tôi luôn cảm thấy bồn chồn không yên. Tôi muốn biết về điều gì đó. Tôi không biết điều đó là gì và tôi cũng không biết mình phải đi đâu để tìm ra nó. Nhưng sâu thẳm trong đầu mình, tôi biết rằng tôi khao khát có được nhiều hơn nữa.
Tôi chưa bao giờ coi bản thân mình là người bốc đồng; tôi chỉ là người hướng về sự sống. Tôi luôn cân nhắc về hậu quả của hành động của mình; chỉ có điều, những thứ càng nguy hiểm lại càng có sức hấp dẫn đối với tôi. Có người từng nói với tôi rằng thiên thần hộ mệnh của tôi hẳn là vô cùng tốt bụng và thường xuyên phải làm thêm giờ! Trong tôi luôn có một khao khát muốn thử thách những ranh giới, muốn băng qua những giới hạn. Cái gì và tại sao chưa bao giờ là vấn đề với tôi. Làm thế nào mới là câu hỏi duy nhất. Giờ đây khi ngẫm lại, tôi nhận ra rằng thực ra, tôi chưa bao giờ nghĩ xem mình muốn trở thành điều gì trong cuộc sống. Tôi chỉ nghĩ về việc tôi muốn sống cuộc sống của mình như thế nào. Và tôi biết, câu trả lời cho câu hỏi như thế nào ấy chỉ có thể được quyết định bên trong tôi và do chính tôi.
Thời bấy giờ, lĩnh vực chăn nuôi gia cầm đang phát triển nở rộ. Bởi vì muốn kiếm tiền để thỏa mãn niềm khao khát được chu du tự do, không mục đích của mình, tôi quyết định nhảy vào ngành này. Tôi vẫn nhớ khi ấy bố tôi than thở, “Bố sẽ phải nói với người ta như thế nào đây? Rằng con trai tôi bây giờ lại đang nuôi gà à?” Tuy nhiên, tôi vẫn một tay xây nên trang trại nuôi gà của mình từ con số không. Rồi trang trại của tôi ngày càng làm ăn khấm khá. Lợi nhuận bắt đầu đổ về. Mỗi sáng tôi đều dành bốn giờ để xử lý công việc. Phần còn lại trong ngày là thời gian để đọc sách và làm thơ, bơi trong giếng, ngồi thiền, mơ màng trên một ngọn cây đa đại thụ.
Thành công khiến cho tôi trở nên liều lĩnh hơn. Bố tôi vẫn luôn ca thán rằng con trai nhà người ta đều đi làm kỹ sư, nhà công nghiệp, làm viên chức, hay đi sang Mỹ. Và khi tôi đi đến bất kỳ đâu, gặp gỡ bất kỳ người nào – từ bạn bè, người thân, cho đến bạn cũ ở trường phổ thông và giảng viên cũ ở trường đại học – họ đều nói với tôi rằng, “Ồ, chúng tôi cứ tưởng cậu sẽ làm được điều gì đó ra hồn với đời mình, vậy mà cậu lại chỉ đang lãng phí nó.
Tôi chấp nhận thách thức. Tôi hợp tác với một người bạn là kỹ sư xây dựng và bước chân vào lĩnh vực xây dựng. Trong vòng năm sau, chúng tôi trở thành một công ty xây dựng lớn, trong số các chủ thầu tư nhân hàng đầu ở Mysore. Bố tôi vô cùng kinh ngạc và vui sướng.
Tôi trở nên sôi nổi và tự tin, tràn đầy nhiệt huyết và thèm khát những thử thách. Khi mọi việc bạn làm đều thành công, bạn có xu hướng bắt đầu tin rằng các hành tinh đều quay quanh mình chứ không phải quanh mặt trời!
Và tôi đã là chàng trai như vậy trong buổi chiều định mệnh vào tháng Chín năm 1982, khi tôi quyết định leo lên chiếc xe máy của Séc và lái xe lên đồi Chamundi.
Lúc ấy, tôi chẳng hề hay biết rằng cuộc đời mình sẽ không bao giờ giống như trước kia nữa.
Ảnh nguồn internet