LÀM SAO ĐỂ TẠO THÓI QUEN TỐT

SHIV KHERA

Trích: Bí Quyết Của Người Chiến Thắng; Nguyên tác: You Can Win; NXB. Tổng Hợp TPHCM

Chúng ta là những gì ta thường làm. Sự xuất sắc không phải ở hành động, mà là ở thói quen.
– Aristotle

Bẩm sinh, mỗi người đều hội đủ tố chất để đạt được thành công, tuy nhiên, do điều kiện sống khác nhau nên có người đạt được, người không. Người đời thường có câu: “Chẳng qua anh ta may mắn mà thôi, anh ta chạm vào đất mà cũng hóa ra vàng” hoặc “Anh ta thiếu may mắn; đụng vào cái gì cũng hóa thành bùn”. Điều này có đúng không?
Thực tế không phải vậy. Nếu để ý, bạn sẽ thấy rằng người thành công là người biết đưa ra những quyết định đúng đắn, còn kẻ thất bại cứ lặp đi lặp lại hết sai lầm này đến sai lầm khác. Thực hành không tạo nên sự hoàn hảo mà tạo nên thói quen. Có người liên tục phạm cùng một lỗi và trở nên “hoàn hảo” trong lĩnh vực đó. Lỗi lầm của họ thành ra hoàn hảo và tự nhiên.

Nuôi dưỡng thói quen giống như trồng cây vậy. Phải có thời gian. Thói quen này làm nảy sinh thói quen khác. Cảm hứng là nhân tố khiến ta khởi động, động cơ duy trì ta trên đường chạy, và thói quen là yếu tố biến việc ấy thành lẽ tự nhiên.

Tinh thần can đảm bất chấp nghịch cảnh, kiềm chế bản thân khi đối mặt cám dỗ, chọn lựa hạnh phúc khi gặp khổ đau, giữ vững tư cách khi thất vọng, và thấy được cơ hội khi đối mặt rào cản… là những nét tính cách quý giá cần có ở con người.

Những tính cách này không ngẫu nhiên xuất hiện mà phải tập luyện liên tục cả thể chất lẫn tinh thần. Khi đối mặt nghịch cảnh, hành vi chúng ta, dù tích cực hay tiêu cực, chỉ là những gì mình đã quen rèn luyện. Khi quen giữ cho mình cách ứng xử tiêu cực như hèn nhát, gian dối trong những việc nhỏ nhặt, thì trong những chuyện lớn lao, chúng ta sẽ khó lòng ứng xử một cách tích cực, bởi bấy lâu ta không quen rèn luyện như vậy.

Nếu cho phép bản thân nói dối một lần, ta sẽ dễ dàng nói dối lần thứ hai, thứ ba và rồi thành thói quen. Sự chân thành, chính trực là kết quả của hệ thống niềm tin và rèn luyện. Bất kỳ điều gì, khi được rèn luyện trong thời gian dài sẽ ăn sâu vào tâm trí và trở thành thói quen.

Sự thành thật hay gian dối đối với bản thân và người khác cũng thành thói quen. Chọn lựa rèn luyện khía cạnh nào là tùy ở ta. Dù là lựa chọn gì đi nữa, nếp nghĩ ấy cũng sẽ thành thói quen. Con người tạo thói quen, thói quen tạo tính cách. Ta chưa kịp nhận ra mình có thói quen ấy, nó đã ăn sâu vào người rồi.

Có câu rằng: “Gieo suy nghĩ gặt hành động, gieo hành động gặt thói quen, gieo thói quen gặt tính cách. Gieo tính cách gặt số phận”. Hãy cố gắng tạo suy nghĩ đúng đắn ngay từ đầu để có đươc những thói quen tốt.

HÌNH THÀNH THÓI QUEN TỐT

Hầu hết hành vi của chúng ta đều bị chi phối bởi thói quen, tạo thành những hành vi tự động không cần phải suy nghĩ. Tư cách chúng ta được hình thành từ những hành vi ấy. Nếu có thói quen tích cực, ta sẽ có tính cách tốt. Ngược lại, nếu thói quen tiêu cực, tư cách ta sẽ có những điểm khiếm khuyết. Thói quen mạnh hơn logic và lý luận. Trong chu kỳ hình thành thói quen, từ chỗ ban đầu rất yếu ớt ta không cảm nhận được, dần dần thói quen chi phối mạnh mẽ đến nỗi ta khó lòng dứt ra được. Thói quen có thể hình thành một cách vô thức hoặc có ý thức. Nếu ta không có sự chọn lựa và rèn luyện thói quen tốt, thói quen xấu sẽ lấn át và hình thành trong ta một cách tự nhiên.

Thói quen hình thành như thế nào?

Bất kỳ điều gì được làm liên tục nhiều lần đều thành thói quen. Con người học hỏi thông qua hành động. Khi cư xử một cách can đảm, ta sẽ được trau dồi thêm bản lĩnh. Thể hiện lòng chân thật, công bằng, ta sẽ làm chủ được những phẩm chất ấy. Tương tự, nếu ta có những cách ứng xử bất lương, gian dối, hay thiếu kỷ luật, những tính xấu đó sẽ ăn sâu và chi phối chúng ta. Thái độ là thói quen dẫn đến cách thức hành xử đúng-sai của mỗi người.

RÈN LUYỆN TẠO THÓI QUEN

Rèn luyện thói quen là tiến trình tâm lý theo đó con người dần quen với (hoặc được rèn luyện để quen với) một sự kiện cụ thể nào đó. Nhà bác học người Nga, Pavlov đã thí nghiệm điều này trên bầy chó. Mỗi lần cho chó ăn, ông đều rung chuông. Dĩ nhiên, lũ chó tiết nước bọt khi nhìn thấy thức ăn. Pavlov làm như vậy trong một thời gian. Rồi ông rung chuông nhưng không đem thức ăn ra. Lũ chó vẫn tiết nước bọt vì chúng đã quen chờ đợi tiếng chuông reo gắn liền với việc được cho ăn.

Phần lớn hành vi con người là do quen với điều kiện cuộc sống. Ngày nay, môi trường và phương tiện truyền thông biến con người quen dần với điều kiện sống, kết quả là chúng ta bắt đầu hành xử như người máy. Trách nhiệm chúng ta là tạo phản xạ có điều kiện cho bản thân một cách tích cực.

Trong võ thuật, ngay cả người ở trình độ đai đen vẫn ôn luyện những động tác rất căn bản như khóa chân, đấm móc để khi cần dùng đến, họ có thể tung đòn một cách điêu luyện.

Với người chuyên nghiệp, mọi việc trở nên dễ dàng hơn bởi họ nắm vững nguyên tắc cơ bản của những gì cần làm. Nhiều người cố gắng làm việc tốt để được thăng chức, nhưng người thực sự xứng đáng phải là người có thói quen hoàn thành tốt công việc.

Thói quen tốt khó rèn luyện nhưng một khi đã có được, nó sẽ rất ích lợi. Thói quen xấu dễ hình thành nhưng lại đem đến nhiều bất lợi cho cuộc sống.

CHỐNG LẠI SỰ THAY ĐỔI

Khi nhận ra hoặc có ý thức về thói quen xấu của mình, một số người vẫn không chịu thay đổi. Tại sao lại như vậy? Lý do có thể là vì họ:

• thiếu động lực thay đổi

• thiếu kỷ luật thay đổi

• thiếu niềm tin mình có thể thay đổi

• thiếu nhận thức về nhu cầu thay đổi

Tất cả chúng ta đều có quyền lựa chọn, hoặc phớt lờ hành vi tiêu cực của mình hoặc chủ động đối mặt khắc phục vì cuộc sống bản thân. Thay đổi hành vi xuất phát từ việc vượt qua sợ hãi vô lý, thoát ra khỏi khu vực dễ chịu của mình.
Khi không chịu thay đổi thói quen tiêu cực, người ta thường viện cớ như:

1.Tôi vẫn làm thế mà, có sao đâu.

2.Tôi chưa bao giờ làm cách đó.

3.Đó không phải là việc của tôi.

4.Tôi không nghĩ chuyện ấy sẽ tạo nên sự khác biệt.

5.Tôi bận lắm.

HÌNH THÀNH THÓI QUEN TÍCH CỰC

Thay đổi không bao giờ quá trễ, dù bạn bao nhiêu tuổi và thói quen ấy đã ăn sâu bao nhiêu năm chăng nữa. Người xưa có câu “tre già khó uốn”, khó chưa hẳn là không thể. Con người vẫn có thể từ bỏ thói quen xấu và rèn luyện cho mình những hành vi tích cực nếu họ quyết tâm.

Earl Nightingale từng nói: “Bí quyết của người thành công chính là làm những việc kẻ thất bại không thích và không bao giờ làm”. Chẳng hạn, kẻ thất bại không thích kỷ luật, không muốn nỗ lực, không giữ đúng cam kết. Người thành công cũng không thích kỷ luật, nỗ lực hay cam kết, nhưng họ vẫn tuân theo vì bấy lâu nay họ đã tập được thói quen tốt.

Tất cả thói quen bắt đầu từ những việc hết sức nhỏ nhưng để thay đổi chúng lại rất khó. Đó là vấn đề phá vỡ và thay thế thói quen cũ, tiêu cực bằng thói quen mới, tích cực.

Dễ ngăn chặn một thói quen xấu hơn là khắc phục nó. Thói quen tốt hình thành từ việc chiến thắng cám dỗ.

Sự vượt trội là kết quả của sự nỗ lực có ý thức, được lặp đi lặp lại đến khi hành vi hay thái độ ấy trở thành thói quen.

TỰ ÁM THỊ

Tự ám thị là phương pháp suy nghĩ hoặc dùng những câu nói nhắc đi nhắc lại để tâm trí tin rằng đó là sự thật. Tự ám thị ảnh hưởng đến ý thức, tiềm thức và tác động đến thái độ, hành vi của con người.

Là một cách lập trình tiềm thức, tự ám thị có thể tích cực hoặc tiêu cực.

Ví dụ ám thị tiêu cực như:

• Mình mệt mỏi.

• Mình chẳng phải là vận động viên.

• Trí nhớ mình rất tồi.

• Mình học dốt môn toán.

Khi ta nghĩ như thế, tiềm thức sẽ tin theo và dần dần phản ánh điều đó trong hành vi.Ví dụ, một người luôn tự nhủ “Trí nhớ tôi rất tồi” được giới thiệu làm quen với người khác, họ không cố gắng nhớ tên người ấy vì cho rằng “Với trí nhớ kém như mình, có cố nhớ cũng chẳng được”. Dĩ nhiên họ không nhớ được tên người bạn mới cho đến lần thứ hai gặp lại, và khi đó cũng tự nhủ: “Trí nhớ tôi rất kém”. Đó là vòng luẩn quẩn không có điểm dừng, là lời dự báo do chính mình thực hiện.

Tự ám thị là quá trình lặp đi lặp lại một thông tin. Khi lặp lại một cách thường xuyên, những thông tin ấy sẽ đi vào tiềm thức. Ví dụ, nếu tự nhủ: “Mình sẽ giữ một phong thái thư thả, thoải mái, bình tĩnh và tự chủ”, dần dần bạn sẽ có được phong thái đó trong mọi tình huống.

Không nên tự ám thị theo kiểu tiêu cực. Chẳng hạn, thay vì nói: “Mình là người thiếu óc tổ chức”, bạn hãy tự nhủ rằng: “Mình biết, mình có khả năng tổ chức mà”. Tự ám thị tiêu cực sẽ tạo nên những hình ảnh xấu mà ta muốn né tránh. Nếu tôi bảo bạn: “Đừng nghĩ về bầy voi xanh”, hình ảnh con voi xanh có thể lập tức hiện lên trong đầu bạn.
Tâm trí chúng ta thường không phân biệt được giữa trải nghiệm thực tế và tưởng tượng, vì thế hãy đưa ra những lời tự ám thị ở hiện tại. Ví dụ: bố mẹ muốn con về nhà lúc 9 giờ 30 tối nhưng đồng hồ đã chỉ 1 giờ khuya. Điều gì sẽ hiện lên trong tâm trí họ? Có thể họ hy vọng mọi chuyện vẫn tốt đẹp, và rằng con họ không bị tai nạn. Nhưng vừa nghĩ thế, huyết áp họ liền tăng lên! Đây là một trải nghiệm tưởng tượng. Thực tế có thể con họ đang vui vẻ ăn tiệc và thiếu trách nhiệm với gia đình của mình.

Giả sử đứa con về nhà đúng 9 giờ 30 tối nhưng lại bị tai nạn. Điều gì xảy ra với huyết áp của bố mẹ? Vẫn tăng như thường! Trường hợp tăng huyết áp thứ nhất, trải nghiệm tưởng tượng là điều không đúng sự thật. Trường hợp thứ hai lại đúng. Phản ứng cơ thể trong hai trường hợp là như nhau. Điều đó cho thấy, tiềm thức không phân biệt được trải nghiệm có thật và trải nghiệm tưởng tượng.

CHUẨN BỊ CHO TIỀM THỨC

Có thể vận dụng tự ám thị để loại bỏ thói quen tiêu cực và phát triển thói quen tích cực. Tất cả chúng ta đều đã từng tự ám thị một cách vô thức. Ví dụ, khi phải bắt chuyến bay sớm, lúc đi ngủ ta tự nhủ sáu giờ phải dậy. Và trong khoảng giờ đó, ta sẽ dậy (dù không có đồng hồ báo thức). Chính sự chuẩn bị trong tiềm thức đã đánh thức ta.
Tự ám thị là cách lập trình tạo phản xạ có điều kiện cho tâm trí, nhằm biến điều mình mong muốn (hay suy nghĩ) thành dự báo do mình thực hiện.

Tự ám thị là quá trình lặp đi lặp lại một thông tin, nhưng nếu chỉ lặp lại thôi thì chưa đủ, mà thông tin đó cần phải đi cùng với cảm xúc, cảm giác và sự hình dung.

HÌNH DUNG

Hình dung là cách dựng lên trong tâm trí điều ta muốn có, muốn thực hiện, hoặc tuýp người ta muốn trở thành. Hình dung đi đôi với tự ám thị. Tự ám thị không có hình dung thì chỉ là sự lặp lại máy móc và không hiệu quả. Để có kết quả, cảm giác và cảm xúc, hình dung phải đi cùng với tự ám thị.

Lưu ý, tự ám thị có thể bị đẩy khỏi tâm trí ta trong lần xuất hiện đầu tiên, vì đó là suy nghĩ xa lạ. Ví dụ: nếu trước giờ, bạn cứ đinh ninh rằng trí nhớ mình rất tồi nhưng rồi đột nhiên có một lúc nào đó bạn tự nhủ mình có trí nhớ tốt, tâm trí bạn sẽ bác bỏ điều đó. Sẽ mất 21 ngày để trục xuất suy nghĩ này. Tại sao là 21 ngày? Vì để từ bỏ một thói quen, bạn cần tối thiểu 21 ngày rèn luyện liên tục.

Nếu trong suốt hai mươi mốt ngày bạn chỉ nghe một đoạn băng, nhưng rồi đột nhiên máy hát bị hỏng, thử nghĩ bạn sẽ ngâm nga giai điệu gì?

Quá trình tự ám thị nghe có vẻ đơn giản, song không dễ. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể làm được. Hãy tuân theo các bước ở phần tiếp theo để biến tự ám thị thành hiện thực.

CÁCH TẠO THÓI QUEN TÍCH CỰC TRONG 21 NGÀY

Biến tự ám thị thành hiện thực

1.Đến nơi yên tĩnh, không bị quấy rầy.

2.Liệt kê tự ám thị. Nên đưa ra những phát biểu tích cực ở hiện tại.

3.Lặp đi lặp lại lời phát biểu tự ám thị đó ít nhất hai lần mỗi ngày: lúc sáng sớm và cuối ngày. Buổi sáng, tâm trí tươi mới và dễ đón nhận; ban đêm, bức tranh tích cực ấy được đưa vào tiềm thức để hoạt động. Cũng có thể viết lời tự ám thị trên giấy. Dán giấy ở nơi nhìn thấy trong ngày (trên gương nhà tắm, trên bảng công việc hàng ngày, trong tủ ngăn kéo bàn giấy). Thấy những ghi chú này trong ngày, bạn sẽ tự động nhắc lại chúng.

4.Chỉ tự ám thị thôi chưa đủ, phải có thêm hình dung, cảm giác, cảm xúc của bạn về điều đó.

5.Thực hành trong ít nhất 21 ngày cho đến khi trở thành thói quen.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. 15 THÓI QUEN XÂY DỰNG SỰ TỰ TIN

Bài viết khác của tác giả

  1. THÁI ĐỘ SỐNG TÍCH CỰC

Bài viết mới

  1. HÒA HỢP TỪ NHỮNG ĐỐI KHÁNG
  2. LỢI ÍCH CỦA TINH THẦN TU TẬP
  3. BẠN