LẬP CHÍ – CON ĐƯỜNG ĐI ĐẾN THÀNH CÔNG BẰNG SỰ TỬ TẾ

INAMORI KAZUO

Trích: Con Đường Đi Đến Thành Công Bằng Sự Tử Tế; Nguyên Đỗ An Nhiên dịch; NXB Trẻ

Mọi thứ bắt đầu từ “tư duy”

Saigo đặc biệt nghiêm khắc cảnh cáo những ai có tinh thần yếu đuối, sớm từ bỏ “chí” nâng cao, nuôi dưỡng tâm hồn bản thân từ trước khi nỗ lực. Ông dùng chữ “bạc nhược” để phê phán những người có lối sống thiếu phấn đấu, chỉ chọn phần dễ, cách đơn giản mà theo.

Điều di huấn thứ 36

Người có tâm hồn thấp kém, trông gương thánh hiền mà không dám phấn đấu, không có chí trở thành người như vậy thì bạc nhược chẳng khác kẻ chưa ra trận đã chạy trốn. Chu Tử (Chu Hi) đã nói những kẻ mới nhìn đối phương rút kiếm đã bỏ chạy thật chẳng ra làm sao. Nếu không tự mình trải nghiệm, tu thân cả tinh thần lẫn thể xác bằng cả lòng thành như đã đọc sách vở thánh hiền đúc kết và một đời thực hành, mà chỉ dừng lại ở mức độ biết có nói như vậy, có sự nghiệp thế kia thì cũng chẳng ích gì. Tinh thần được đúc kết của thánh hiền không được truyền tải mà chỉ ở đầu môi chót lưỡi, không được quan tâm thực thụ. Nếu chỉ đọc sách thánh nhân hiền sĩ như đọc về thì cũng như đứng bên cạnh nhìn kiếm thuật của người khác mà bản thân không thấy thuyết phục. Bản thân không thấy thuyết phục thì dù có được người khác thách đấu ngàn trận thì cũng chỉ bỏ chạy mà thôi.

Như đã trình bày ở chương trước, dù có học bao nhiêu tri thức tinh thông của thánh hiền, có học lý luận kinh doanh, kỹ thuật bao nhiêu đi nữa mà không có dũng khí, không giữ cho mình một lòng tin mạnh mẽ, ý chí cao mà thực hành thì không thể nào khắc sâu, thu thập kiến thức vào người được. Đến khi tiến hành thực tế thì không giúp ích gì được.

Saigo cho rằng những người đứng trơ như phỏng trước con đường đi đến mục tiêu dài dằng dặc và tự mình bỏ cuộc “mình không thể làm được” là kẻ nhu nhược, yếu đuối, chỉ biết trốn tránh mà thôi. Bất kỳ chuyện gì cũng bắt đầu từ “tư duy” một cách mạnh mẽ. Đặt ra mục tiêu thật cao và nghĩ “tôi muốn như thế”, “tôi muốn như vậy”. Phải luôn giữ nguyện vọng mạnh mẽ như thể ý thức đắm chìm vào đó. Bắt đầu từ nghĩ mạnh mẽ, ngủ cũng như thức, không phút nào không nghĩ đến mục tiêu đó, từ đó thực hành lời dạy của bậc tiền nhân.

Con đường đó có thể rất chông gai. Có thể đầy rẫy những khó khăn. Có thể khiến ta phải suy nghĩ sao phải đặt ra mục tiêu cao để rồi phải chịu khổ nạn thế này. Nhưng những người kiên định với ý chí mạnh mẽ sẽ không bao giờ biến mất khỏi con đường dẫn đến mục tiêu. Giả sử, dọc đường có gặp trắc trở, giậm chân tại chỗ hay vấp ngã, họ vẫn đứng dậy tiến về phía trước. Ngược lại, những người không có chí sẽ chẳng có con đường nào mở ra.

Một người sinh ra trên đất Satsuma thời Bakufu và sau đó quay về cố hương sau bao biến cố là Saigo; một người sinh ra và lớn lên ở Kagoshima thời Showa’ như tôi, tuy thời đại khác biệt nhưng chúng tôi đã từng được học chung một bài học bởi cùng chung phong thổ và văn hóa quê hương.

Đó là bài hát truyền thống cổ xưa của Kagoshima, “Shimazu Iroha Uta”. Bài hát bắt đầu thế này:

“Inishi e no Michi wo hirakitemo tonaetemo Wakayuhi ni sezuba gai nashi”.
(Những lời dạy quý báu của tiền nhân mà chỉ biết thuộc lòng ngoài miệng, không áp dụng, thực hành thì chẳng có ý nghĩa hay tác dụng gì cả).

Trẻ con Satsuma từ nhỏ đã được học thuộc lòng bài hát này và có lẽ Saigo cũng vậy. Thời thơ ấu, tôi cũng được tiếp thu văn hóa truyền thống đó. Cả đời Saigo đã không quên bài học đạo làm người được người lớn dạy cho từ lúc nhỏ. Và như lời bài hát, ông đã luôn thực hành lời dạy. Điều di huấn thứ 36 thấm đẫm tinh thần này. Lập chí và bước đi. Chuyện đó không dễ dàng gì. Nhưng Saigo nói hãy lấy khó khăn làm niềm vui.

Nếu đi con đường chính đạo, chắc chắn gặp khó khăn

Điều di huấn thứ 29

Hễ đã đi trên chính đạo thì chắc chắn gặp khó khăn, khổ nạn nên cho dù gặp cảnh khó khăn thế nào, không cần phải lo lắng thành công hay thất bại, sống hay chết nữa. Trong mọi việc đều có kẻ hay người dở, tùy việc mà có người làm tốt có người không làm được gì. Cũng có người dao động, cảm thấy bất an trước khi thực hành chính đạo. Nhưng là người thì phải đi trên chính đạo nên việc thực hành hay đi trên đó không có người hay kẻ dở cũng chẳng có ai là không thể. Chỉ cần chăm chú đi, nếu có gặp khó khăn thì cần phải vượt qua, bất chấp kết quả ra sao vẫn tiếp tục đi trên con đường đó. Đến khi nghĩ lại thời trai trẻ bản thân đã gặp khó khăn vượt qua nó, bây giờ không bị dao động trước bất kỳ khó khăn nào nữa. Chỉ cần đạt được vậy đã là hạnh phúc.

Thực hành chính đạo có nghĩa là thực hiện những điều đúng đắn, chắc chắn sẽ gặp khó khăn. Và Saigo nói rằng cho dù tình thế ra sao, cục diện thế nào cũng không được câu nệ chuyện thành, bại, sinh, tử.

Chính đạo nghĩa là đạo lý làm người, hay nói cách khác, không sống theo chủ nghĩa thuận lợi cho bản thân, không sống theo kiểu thỏa hiệp, người ta nói vậy nên ta cũng làm theo cho yên ổn. Cũng không để bị tình cảm chi phối kiểu vì nghĩ tội nghiệp ai đó hay vì hàm ơn một ai. Tức nếu người trong gia đình, cha mẹ, anh em nhờ cậy chuyện gì nhưng nó không đúng với chính đạo bản thân theo đuổi thì cũng phải dứt khoát chối từ.

Nếu cương quyết thực hành như vậy, đương nhiên sẽ gặp những khó khăn không ngờ đến, có thể bị đánh giá “không phải là người”. Lúc ấy, sẽ có người nghi ngờ việc chọn lựa chính đạo của mình. Hay có người dao động, không biết đi con đường này liệu có suôn sẻ, thành công hay không.

Nhưng Saigo đã nói “không cần lo lắng” về những việc như vậy. Ngược lại, phải có lòng kiêu hãnh, tin tưởng vào con đường mình đã chọn đến mức xem việc đi trên chính đạo là một niềm vui thì mới có thể thông suốt. Tức cho dù có bị vấp ngã, cản trở thì ngược lại, xem những cản trở đó là niềm vui. Nếu không như vậy, không thể đi trên chính đạo. Saigo tuyên bố dứt khoát như thế.

Tuy nhiên, thanh niên phiên Shonai nghe vậy chưa lấy làm thỏa mãn. Họ thấy thật khó khăn khi thực hiện chính đạo mà không quan tâm kết quả tốt xấu, không lo lắng buồn phiền. Thế là Saigo kể chuyện mình thời trẻ đã từng gặp khó khăn ra sao. Trầm mình cùng nhà sư Gessho, ba lần bị đày ra đảo, dẫn dắt quân sĩ trong cuộc chiến tranh sinh tử, ấy vậy mà vẫn quyết tâm đi theo chính đạo. Từ đó mà tinh thần, ý chí không chút dao động, có cái nhìn thấu đáo với mọi việc. Cuộc đời của Saigo được thể hiện rõ trong bài thơ chữ Hán “Ngẫu thành”:

Cơ lịch tân toan chí thủy kiên
Trượng phu ngọc toái quý chuyên toàn
Nhất gia di sự nhân tri phủ
Bất vi nhi tôn mãi mỹ điển

(Dịch ý: Ý chí của con người là kết tinh sau bao nhiêu lần trải qua khổ đau, cay đắng. Đường đường một đấng nam nhi phải biết lấy việc rèn giũa bản thân sao cho sáng như ngọc làm trọng, và phải biết xấu hổ khi không có ý chí, chỉ biết sống như một mảng sành. Về điều này, ta truyền đạt lời răn trong gia đình, đó là không mua ruộng tốt cho con cháu, tức không để lại tài sản. Nguồn: TBG)

Trong cuộc sống có nhiều người sống theo chủ nghĩa cơ hội, hay chỉ biết tính toán thiệt hơn thì việc muốn sống đúng đắn, đúng nguyên tắc thôi cũng sẽ gặp nhiều khó khăn. Những người theo chính đạo gặp khó khăn là chuyện đương nhiên. Cũng chính vì vậy, nếu không có thái độ, tinh thần “thưởng thức” khó khăn thì không thể tiếp tục theo đuổi chính đạo. Saigo có thể tuyên bố hùng hồn như vậy có lẽ do ông đã sống một cuộc đời thăng trầm. Chính vì biết điểm yếu của con người là càng gặp khó khăn càng dễ nhụt chí nên ông mới nói phải đạt đến trạng thái này lấy khó khăn làm niềm vui. Chưa hết, “trong mọi việc đều có kẻ hay người dở, tùy việc mà có người làm tốt có người không làm được gì”, nhưng thật ra tập đi chính đạo thì không có “hay, dở” “được, không được. Khi gặp khó khăn, người ta dễ dàng chạy theo phương pháp luận, tìm kiếm phương cách thuận lợi, dễ dàng hơn. Hẳn Saigo muốn nói không được làm việc dễ dàng như vậy.

Chắc chắn đó là do Saigo tin rằng “đi con đường chính đạo sẽ được báo đáp. Saigo cho rằng đi trên chính đạo tức là “vương đạo cuộc đời” và tôi cho rằng hơn thế nữa, đó là ông nghĩ đây là nơi hội tụ của vạn người.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. KHỞI NGHIỆP THEO TINH THẦN PHẬT GIÁO LÀ PHẢI HỌC
  2. SỨC MẠNH CỦA Ý CHÍ

Bài viết khác của tác giả

  1. MƯỜI HAI QUAN NIỆM KINH DOANH TUỔI 20 NÊN BIẾT
  2. CHÍNH VÌ SỐNG MỘT CÁCH ĐÚNG ĐẮN, CON NGƯỜI MỚI GẶP PHẢI GIAN NAN
  3. GẶP GỠ “NGƯỜI THẦY CỦA VẬN MỆNH”

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ