LỜI TÂM NIỆM 1 – SAO PHẢI BÌNH THƯỜNG?

ADAM BRAUN

Trích: Lời hứa về một cây bút chì  Hành trình từ 25 đô-la đến 250 trường học dành cho trẻ em trên toàn cầu và câu chuyện phi thường của một CEO nuôi chí thay đổi thế giới bằng giáo dục; Nguyên tác: The Promise of a Pencil; Hải Đăng dịch Việt; NXB. Thế Giới; Công ty CP Sách Alpha; 2018

Ở thị trấn quê tôi, cha tôi nổi tiếng là một người cha đáng sợ. Ông tham gia huấn luyện và chơi gần như mọi môn thể thao với cường độ cao không ai sánh được – bóng rổ, bóng chày, bóng đá – ông chơi tất. Ông cảm thấy bọn trẻ ở quê tôi được nuông chiều thái quá và muốn chắc rằng chúng phải biết điều đó: “Thôi ngay cái trò ẻo lả đó đi!” Ông thường hét lên như thế vào mặt những đứa nhóc 12 tuổi trong đội bóng rổ của tôi. Khi ông khen ngợi chúng tôi, những lời khen ấy cũng được đưa ra một cách thận trọng và luôn có ẩn ý sâu xa. Ông muốn chúng tôi xứng với lời khen đó – bằng tinh thần thép và sự kiên trì nỗ lực. Thế nên, hầu hết bọn trẻ đều vừa quý trọng vừa sợ cha tôi. Ông là mẫu người tuân thủ kỷ luật kiểu cũ và không ngại để mọi người biết điều đó.

Khi anh em chúng tôi bước vào tuổi ẩm ương mới lớn, ông có một bộ những “mật ngữ” và dùng chúng để cảnh báo chúng tôi sắp sửa đi vào “khu vực cấm”. Ông sử dụng mật ngữ trong các cuộc trò chuyện, ở bàn ăn hoặc ở nơi công cộng để ám chỉ, “Đây là cảnh báo cuối cùng cho con đấy, đừng thử sức nhẫn nại của cha thêm nữa!” Anh trai tôi, Scott, là mẫu con trai trưởng điển hình; anh ấy thích trêu tức cha tôi. Mật ngữ dành cho anh ấy là “Cream – Kem”, của tôi là “Ice – Đá” và em gái tôi, Liza, là “Sundae – Kem trộn trái cây”. Nếu tất cả chúng tôi đều cư xử không phải phép, khiến mẹ tôi khó chịu và chuẩn bị “xử” chúng tôi, cha tôi chỉ cần quát: “Đá, Kem, Kem trộn trái cây!” là chúng tôi sẽ dừng lại ngay lập tức. Nhưng khi nghĩ lại, tôi nhận thấy việc là một ông bố giận dữ quát “Đá, Kem, Kem trộn trái cây!” cũng chẳng giúp cha tôi bỏ được cái tiếng “ông bố đáng sợ” trong tâm trí những người bạn của tôi.

Ngay từ hồi đó, chúng tôi đã biết tính khí nóng nảy và kỷ luật nghiêm ngặt chỉ là biểu hiện của tình yêu “yêu cho roi cho vọt”. Ông muốn mỗi chúng tôi đều phải nỗ lực hết mình – và ông đã làm được điều đó. Chưa có một huấn luyện viên nào thúc ép tôi nỗ lực hết sức mình như ông. Cha đã để tôi chơi ba trận vào ngày cuối cùng của giải Vô địch bang dành cho lứa tuổi 14 trong tình trạng sốt cao bởi ông biết tôi muốn giành chiến thắng trong giải đấu đến nhường nào. Cha sắp sẵn những trụ hình chóp dưới tầng hầm để sau bữa tối, tôi có thể tập lừa bóng trong bóng tối. Kết quả thật bõ công. Và khi ngẫm nghĩ xem điều gì luôn thôi thúc anh em tôi nhiều nhất, tôi nhận ra, nó chẳng ở đâu xa mà chính là ở câu nói cha vẫn thường dùng, câu nói cho phép và yêu cầu chúng tôi làm gì cũng phải làm cho thật khác biệt. Ông thích nhắc nhở chúng tôi rằng, “Người nhà Braun thì phải khác.”

Anh em tôi biết rằng một số ông bố bà mẹ trong vùng thường thưởng cho con cái mỗi khi chúng đạt điểm tốt. Có khi cả 100 đô-la cho điểm A, 75 đô-la cho điểm B, 50 đô-la cho điểm C, v.v… Khi tôi đòi cha mẹ thưởng gì đó cho kết quả học tập của mình, yêu sách đó bị dập đi ngay lập tức.

“Paul Mazza vừa được cha mẹ cậu ấy thưởng cho 150 đô-la vì được điểm cao. Con có được thưởng gì không ạ?” tôi hỏi.

“Nhà Braun thì phải khác. Con được bố mẹ tuyên dương,” cha mẹ nói.

Trong suốt dịp Lễ hội Ánh sáng (Hanukkah), thay vì nhận được quà vào cả tám đêm, chúng tôi chỉ được nhận quà trong bốn đêm, còn quà của bốn đêm còn lại được cha mẹ quy đổi và thay chúng tôi đóng góp cho một tổ chức từ thiện. Khi chúng tôi hỏi tại sao một nửa số quà tặng trong dịp lễ Hanukkah lại được đóng góp cho tổ chức từ thiện mà không phải là quà của chúng tôi, cha mẹ tôi trả lời bằng một câu quen thuộc rằng, “Bởi nhà Braun thì phải khác.”

Hầu hết bạn bè của chúng tôi đều có những món đồ chơi công nghệ cao và trò chơi video, nhưng anh em chúng tôi được cha mẹ khuyến khích đọc sách hoặc ra ngoài chơi. Mọi lời nài xin và cự nự của chúng tôi đều gặp đúng một phản ứng: “Nhà Braun thì phải khác.” Cha tôi không nghĩ chúng tôi là những đứa trẻ giỏi giang hơn, ông chỉ muốn chúng tôi phải giữ mình theo một tiêu chuẩn cao hơn.

Câu nói này không chỉ được dùng để lý giải cho cách nuôi dạy con khác biệt của cha mẹ tôi, mà còn để chúc mừng chúng tôi khi chúng tôi dũng cảm chọn con đường chông gai hơn để dấn bước. Nếu chúng tôi đứng lên bênh vực một người bạn cùng lớp bị bắt nạt, cha mẹ sẽ cổ vũ chúng tôi bằng câu nói: “Các con biết sao các con làm vậy không? Vì nhà Braun thì phải khác.” Bọn trẻ con chúng tôi thường chẳng muốn gì khác ngoài sự ủng hộ của cha mẹ mình, và chẳng mấy chốc, chúng tôi đã phát triển trong mình một thiên hướng cố hữu – vững tin sống theo những lý tưởng mà họ đã ươm mầm trong chúng tôi.

Hồi học trung học cơ sở và trung học phổ thông, tối nào mà chúng tôi ra ngoài tiệc tùng, cha tôi lại nói, “Nhớ các Quy tắc của Cha đấy”. Các Quy tắc của Cha có nghĩa là: “Đừng làm những gì mà con sẽ không làm nếu biết cha đang nhìn. Hành động như khi cha đang đứng cạnh.”

Những kỳ vọng về sự xuất sắc trở thành kim chỉ nam định hình các giá trị của chúng tôi, và rồi các giá trị đó chi phối những lựa chọn của chúng tôi. Chúng luôn ở đó, như một lời nhắc nhở rằng để đạt được những điều đặc biệt, ta phải luôn giữ mình theo những tiêu chuẩn đặc biệt, bất kể người khác có nghĩ gì đi nữa. Cha tôi thậm chí còn đi xa đến mức làm hẳn chiếc biển báo có nội dung “YBNML”, mà những đứa bạn sợ sệt ở cùng trường phổ thông với chúng tôi luôn dịch là “Why be an animal – Sao lại là một con vật?” Nhưng ý nghĩa thực sự của nó lại là “Why be normal – Sao phải bình thường?”

Sự quyết liệt và niềm tin vào sức mạnh của sự bất tuân lề thói ở cha rõ ràng là từ những trải nghiệm của ông bà nội tôi mà ra. Năm 14 tuổi, bà nội Eva, (chúng tôi thường gọi bà là Ma) và 27 thành viên trong gia đình gồm cả cụ ngoại và người em gái 12 tuổi của bà buộc phải rời quê nhà ở Hungary đến một khu ổ chuột cùng với những người Do Thái đồng hương khác. Từ đó, họ được chở đến trại tập trung đáng sợ nhất, Auschwitz, bằng xe chở gia súc. Khi đến nơi, mọi người phải xếp hàng trước các bác sĩ của trại và được lệnh phải bước sang trái hoặc phải. Toàn bộ gia đình Ma nhận lệnh bước sang trái, nhưng vì bà đang ở độ tuổi lao động nên các bác sĩ đã yêu cầu bà bước sang phải. Quá sợ hãi, bà đã than khóc và nhất quyết không chịu rời mẹ và em gái mình. Các lính canh Đức quốc xã đã đánh bà cho đến khi bà bất tỉnh. Khi tỉnh dậy, bà cầu xin các tù nhân khác trong trại nói cho bà biết, bà có thể tìm thấy gia đình mình ở đâu. Với những ánh mắt nhẫn tâm, họ chỉ tay về phía đám khói. Cả gia đình bà đã bị đưa đến phòng hơi ngạt, bị giết và đốt thành tro ngay ngày đầu tiên họ đặt chân đến Auschwitz.

Sau sáu tháng trong trại, phải sinh tồn trong điều kiện sống khắc nghiệt và chứng kiến không biết bao nhiêu người chết ngay bên cạnh mình mỗi ngày, Ma được chuyển sang một trại tập trung mới. Theo lời bà, “trại Bergen-Belsen thậm chí còn khủng khiếp hơn trại Auschwitz. Nó chẳng khác nào địa ngục trần gian.” Nhưng Ma tin rằng cha bà sẽ chờ bà trở về khi chiến tranh kết thúc, và niềm tin rằng bà phải sống để đảm bảo rằng chí ít gia đình bà cũng còn một người thân sống sót trở về đã giúp bà  vững tinh thần để tiếp tục chống chọi mỗi ngày. Ý thức được mục đích ấy đã giúp bà sống sót qua những điều kiện khắc nghiệt đã khiến bao nhiêu người khác phải bỏ mạng.

Sau tám tháng bà phải sống ở Bergen-Belsen, chiến tranh kết thúc, những người lính Mỹ giải thoát bà khỏi trại giam. Bà yếu đến nỗi không thể tự ăn, nhưng may sao rốt cuộc chính điều này lại cứu mạng bà vì người ta phải cho bà ăn thật chậm để dạ dày bà dần quen với thức ăn đặc. Bà đã suýt chết vì đói, vì vậy bà luôn tự nhủ sẽ không bao giờ để điều đó xảy ra với những đứa cháu của mình. Sau này, bà bị ám ảnh với việc nhìn chúng tôi ăn. Bà thường bỏ ra nhiều ngày chuẩn bị súp gà, thịt ức, bánh mì kẹp kem và sô-cô-la để chúng tôi có thể ăn no căng bụng trong những buổi tối thứ Sáu. Ngay sau khi chúng tôi ăn hết một món, một phần ăn khổng lồ khác sẽ được tiếp thêm. “Còn có cả món tráng miệng nữa đấy nhé, mấy đứa!” bà vừa nói vừa gật đầu ra vẻ khuyến khích chúng tôi ăn thêm.

Sau khi sức khỏe phục hồi, Ma thực hiện chuyến đi mà bà đã chờ đợi từ rất lâu – trở lại Hungary tìm cha. Trong khi những người khác đoàn tụ với người thân yêu của họ trong nước mắt hạnh phúc thì bà lại đứng bơ vơ giữa nhà ga xe lửa ở Budapest. Cụ ngoại chẳng bao giờ xuất hiện. Cụ đã bỏ mạng tại một trại lao động ở Nga. Không một ai xuất hiện. Suy sụp cùng cực, bà gọi điện thoại cho người thân duy nhất mà bà nghĩ có thể còn sống, người chú của bà, và ông đến đón bà về sống cùng.

Vài năm sau đó, chú của Ma giới thiệu bà với một người bạn của ông, Joseph, cũng là một nạn nhân của nạn tàn sát người Do Thái dưới thời  Hitle. Ông đã sống một năm tại trại tập trung Dachau, cả hai người em trai và cha ông đều bỏ mạng ở đây. Nhờ sự kiên trì, khả năng thuyết phục của ông và sự thấu hiểu thế nào là mất mát, hai người gắn kết sâu sắc. Joseph Braun nhanh chóng cầu hôn Eva, và sau khi kết hôn, bà sinh được hai người con, một trai, một gái. Người con trai, Ervin Braun, là cha tôi. Năm 1956, khi cuộc Cách mạng Hungary nổ ra, họ lên kế hoạch vượt biên để đến với miền đất hứa Hoa Kỳ. Ông nội tôi (chúng tôi gọi ông là Apu) đã đi tiền trạm, đêm đến ông một mình trốn qua biên giới Hungary rồi sau đó trở lại đón mẹ, các chị em, vợ và các con.

Sau khi chui lủi trên một chiếc thuyền chật ních người nhập cư, lênh đênh 13 ngày qua Đại Tây Dương để đến thành phố New York, cha tôi và gia đình đã trải qua đêm đầu tiên trên đất Mỹ trong một trại tị nạn người Do Thái. Với sự hỗ trợ của một tổ chức cứu trợ, họ tìm thấy một căn hộ một phòng ngủ ở Crown Heights, Brooklyn. Ông tôi là kỹ thuật viên nha khoa chuyên làm răng giả, còn bà tôi làm việc trong một xưởng dệt may bóc lột sức lao động. Suốt 10 năm trời, bà đã làm việc với thù lao một đô-la/ngày, dệt hàng may mặc trong điều kiện lao động khắc nghiệt để các con và các cháu sau này có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Cha tôi đã học nói thứ tiếng Anh chuẩn nhờ cần mẫn học cách người Mỹ phát âm qua các chương trình truyền hình như The Lone Ranger và The Little Rascals. Ông là một học sinh xuất sắc, được học vượt lớp tám và vào học trường Trung học Khoa học Bronx. Ông bà tôi ai cũng sợ đứa con trai duy nhất bị thương, nên không cho phép cha tôi tham gia bất kỳ đội thể thao nào. Thế nhưng, cha tôi luôn chờ ông bà tôi đi làm, sau đó lẻn ra ngoài để chơi bóng rổ và bóng đá ở các sân chơi trong thành phố.

Theo lời kể của cha, ông bà tôi muốn cha trở thành một nha sĩ thành công. Sau khi hoàn thành chương trình Cao đẳng trong ba năm, cha đã chọn ngành Nha khoa của Đại học Pennsylvania, tại đây ông gặp một người phụ nữ làm thay đổi quỹ đạo cuộc đời mình: mẹ tôi, Susan, cô gái quê đến từ một thị trấn nhỏ ở Catskills. Ông ngoại tôi, ông Sam, đã trốn khỏi Ba Lan để lánh khủng bố ngay trước khi nạn diệt chủng người Do Thái diễn ra, nhưng ông đã qua đời khi mẹ tôi 11 tuổi. Bà ngoại tôi, bà Dorothy, một mình nuôi nấng và dạy dỗ mẹ tôi trong sự đề cao đạo đức và trách nhiệm công dân. Từ mà mẹ tôi thích nhất là từ chính trực, vì đó là đức tính mà bà được dạy là phải trân trọng nhất.

Cuối tuần đầu tiên khi mẹ tôi mới vào năm thứ nhất ở Upenn, cha tôi đi dự một bữa tiệc ở trường, tại đó ông gặp Lynn, chị gái bà. Ngày hôm sau, ông thấy ai như Lynn đi xuống cầu thang và lên tiếng gọi. Nhưng đó không phải là Lynn; đó là mẹ tôi, Susan. Bà đã hớp hồn ông. Ông bắt đầu theo đuổi bà từ đó, và sau buổi hẹn hò đầu tiên, ông nói với bạn bè: “Tớ sẽ kết hôn với cô gái ấy”. Ông thậm chí còn viết điều đó ra một tờ giấy và bỏ nó vào chiếc chai rỗng đặt trên nóc lò sưởi, và nó vẫn ở đó cho đến khi ông mở nó cho bà xem vào đám cưới của họ.

Khi cha mẹ tôi sẵn sàng cho việc mở phòng nha riêng, họ cùng nhau lên một danh sách những điều mình mong muốn nhất và đánh giá từng cộng đồng xung quanh theo thứ tự tương ứng. Giáo dục là tiêu chí quan trọng nhất, và Greenwich, Connecticut là nơi có những trường công tốt nhất. Thành phố này vừa là cái nôi của văn hóa tình nguyện mà mẹ tôi mong muốn, vừa có sự đa dạng ngày càng tăng mà cha tôi muốn các con mình được tiếp xúc. Họ đã vay tiền mua một mảnh đất ở Cos Cob, khu phố từng là của dân cổ xanh, người Ý, nơi sinh sống của những người lao động thời vụ đã góp một tay xây dựng các tòa nhà ở thành phố này trong những năm 1950. Nhà tôi chuyển về đây khi tôi còn là một cậu bé con, và đây là nơi diễn ra những ký ức đầu đời của tôi.

Khi vào trung học, tôi chơi bóng rổ quanh năm. Thế rồi một dịp cuối tuần nọ, có hai anh chàng người châu Phi cao to gia nhập đội của tôi để chuẩn bị cho một giải đấu mùa hè ở Albany. Họ cao hơn hẳn những người khác, Sam cao cỡ 2m còn Cornelio cao cỡ 2,1m – nhưng tôi thấy ngay được sự ấm áp và chân thành ở họ. Họ là bạn bè thời thơ ấu, đến từ Mozambique và càng thấy gắn bó hơn với nhau trên chuyến đi đến Hoa Kỳ tìm kiếm cơ hội học tập.

Trong giải đấu cuối tuần, chúng tôi nhanh chóng trở thành bạn. Trên đường từ Albany về nhà, Sam và Cornelio hỏi liệu họ có thể ở lại nhà tôi năm ngày để đi đấu vào cuối tuần sau luôn không. Chúng tôi vui vẻ đồng ý bởi chúng tôi luôn chào đón các đồng đội, bạn bè và người thân đến nhà. Nhưng khi giải đấu thứ hai kết thúc, họ đã hỏi cha tôi, “Chúng cháu có thể ở lại thêm tuần nữa không ạ?”

Sam và Cornelio đáng lẽ sẽ phải sống ở Philadelphia, nơi họ đã ở suốt tám tháng qua. Nhưng họ nhất quyết không trở lại đó – thậm chí chỉ để dọn đồ. Khi chúng tôi hỏi tại sao, họ kể cho chúng tôi nghe họ đã bị rủ rê sang Mỹ với một lời hứa dối trá về một nền giáo dục tuyệt vời ra sao. Gia đình họ đã đầu tư 1.000 đô-la mua vé máy bay cho họ, nhưng khi vừa đặt chân đến Hoa Kỳ, họ đã bị lùa vào một căn hộ tạm bợ trong một khu ổ chuột ở Nam Philadelphia. “Trường học” mà họ được cho là sẽ theo học chỉ là một lớp học duy nhất nằm ở phía sau của một nhà thờ xập xệ. Sáng sớm, một ông thầy bước vào lớp, phát sách giáo khoa cho 25 nam sinh  trong lớp, rồi đi đâu mất dạng. Trường chỉ là một bức bình phong để một huấn luyện viên bóng rổ đội lốt nghệ sĩ tuyển mộ cầu thủ. Ông ta đã dụ họ đến Hoa Kỳ, sau đó gửi họ vào các trường được liên kếtvới các công ty giày, tùy theo công ty giày nào trả cho ông ta nhiều tiền hơn. Nếu một trong những cầu thủ này đưa được đội vào giải NBA, công ty giày tài trợ sẽ có lợi thế, nhưng không ai trong số những đứa trẻ này được học trung học tử tế trong suốt thời gian này.

Tuần thứ hai họ ở nhà chúng tôi, anh trai tôi từ trường đại học về nhà và lái xe đưa Sam cùng Cornelio đến trường Trung học Greenwich, ngôi trường công lập mà tôi hiện đang theo học lúc đó. Mắt họ sáng lên. Họ đã đi hàng ngàn dặm để được vào học tại một ngôi trường lớn. Họ nhìn thấy cơ hội thực hiện giấc mơ Mỹ của mình và đã nhờ chúng tôi đứng ra làm những người giám hộ hợp pháp cho họ tại Hoa Kỳ để họ có thể theo học trường trung học công lập ở chỗ chúng tôi.

Do xuất thân là một người nhập cư, nên câu chuyện của hai chàng trai đã khiến cha tôi mủi lòng. Chúng tôi đã cho hàng trăm đứa trẻ ở lại nhà mình qua đêm, nhưng ở Sam và Cornelio có điều gì đó đặc biệt. Cả hai đều thật thà và khiêm nhường, và ở họ có sự chính trực, một giá trị mà gia đình tôi rất coi trọng. Mẹ và em gái tôi đã hoàn toàn bị họ lấy lòng, còn Scott, người có lịch trở lại Emory, Atlanta mùa thu năm đó, thì vô cùng háo hức với chuyện này.

Một tối nọ, cha mẹ muốn nói chuyện riêng với tôi. Họ kể cho tôi nghe lời thỉnh cầu của hai chàng trai về việc gia đình chúng tôi tiếp nhận họ và nói rằng quyết định cuối cùng tùy thuộc vào tôi. “Nhiệm vụ của con là kèm cặp, hỗ trợ và giúp các bạn hòa nhập với việc học ở trường. Mùa thu này, con cũng sẽ nộp đơn vào đại học, cha mẹ biết con cũng căng thẳng, và quyết định này sẽ ảnh hưởng đến con nhiều nhất lúc này. Chúng ta thì sẵn sàng đón nhận chúng rồi, nhưng quyết định cuối cùng là ở con.”

Khi xuất thân từ dòng dõi những người sống sót sau nạn diệt chủng người Do Thái dưới thời Hitle, ta sẽ lớn lên với ý thức rằng gia đình mình từng bị tước đi tất cả. Những gì thôi thúc ta tiếp tục sống và rồi thay đổi gần như hoàn toàn cuộc sống của ta là sức mạnh của ý chí, sự nâng đỡ của những người khác và niềm tin vào giáo dục. Sam và Cornelio đã cho chúng tôi thấy sức mạnh của ý chí và khao khát được mở mang đầu óc bằng giáo dục. Họ chỉ cần thêm một chút nâng đỡ từ những người khác mà thôi. Trước đây, đã có nhiều người đưa tay giúp đỡ gia đình tôi mà không màng gì cả, và giờ đây tôi đã có cơ hội để đền đáp lại những tấm chân tình ấy.

Tối hôm đó, tôi nói với cha mẹ rằng tôi cũng muốn các bạn về ở cùng. Cha mẹ tôi nhanh chóng trở thành người giám hộ hợp pháp của Sam và Cornelio tại Mỹ. Họ được vào học tại trường Trung học Greenwich cùng với tôi và em gái tôi – và trở thành hai người anh em mới của chúng tôi từ đó.

Những bữa cơm gia đình quây quần vào mỗi thứ Sáu có chút khác biệt so với trước đây, với hai đứa trẻ châu Phi cao lớn choán hết một góc bàn ăn, nhưng sự biến chuyển thực sự đã diễn ra vô cùng đậm nét trong gia đình của chúng tôi. Cha mẹ tôi đã mang lại cho hai chàng trai một cơ hội  tuyệt vời để thay đổi quỹ đạo cuộc đời mình, nhưng thứ mà họ mang lại cho chúng tôi còn lớn hơn nhiều. Họ đã thay đổi chúng tôi. Họ chắc chắn đã làm thay đổi con người tôi.

Lần đầu tiên trong đời, tôi bắt đầu hiểu rõ rằng thế giới bên ngoài các thị trấn và những khu phố mà tôi biết rộng lớn đến nhường nào. Tôi bắt đầu nghĩ về việc sẽ thế nào nếu vị trí của chúng tôi đảo ngược, tôi sinh ra và lớn lên ở Mozambique thay vì họ. Tôi tự hỏi liệu tôi có đủ dũng cảm như họ, có dám xa nhà và mạo hiểm sống ở một vùng đất xa lạ hay không.

Càng biết nhiều hơn về những khó khăn mà họ đã phải vượt qua, tôi càng học được những phẩm chất cần thiết để thay đổi con đường của mình. Sam và Cornelio là hai chàng trai duy nhất trong đám bạn và những người thân của họ dám từ bỏ cuộc sống có vẻ như đã được sắp đặt sẵn cho mình. Họ đã không chọn con đường đi giống bạn bè mình mà chọn một con đường khác. Và khi làm vậy, họ đã chứng minh được một điều rằng có đấu tranh, có hy sinh và dám nghĩ dám làm, một người có thể thay đổi cuộc sống của mình đến không ngờ.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. GIÁO DỤC NHÂN CÁCH TRÊN NỀN TẢNG ĐẠO ĐỨC
  2. GIA ĐÌNH VÀ CON CÁI

Bài viết khác của tác giả

  1. THỪA NHẬN THẤT BẠI
  2. MỖI CHIẾC BÚT CHÌ ĐỀU MANG TRONG MÌNH MỘT LỜI HỨA
  3. KHI TÔN VINH NGƯỜI KHÁC, TA SẼ THẤY HẠNH PHÚC

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP