HIROMI SHINYA
Trích: Nhân Tố Enzyme Phương Thức Sống Lành Mạnh; Như Nữ dịch; NXB Thế Giới, Thaihabooks.
Lý do khiến tôi chú ý đến dạ dày và đường ruột là chúng không chỉ đơn thuần phản ánh tình trạng tốt hay xấu của cơ quan đấy mà thông qua đó còn thể hiện chính xác tình trạng sức khỏe của cả cơ thể. Hiện tại, chỉ cần nội soi dạ dày, kiểm tra dạ dày người bệnh là tôi có thể đọc được tình trạng sức khỏe, thói quen sinh hoạt của người đó. Thỉnh thoảng tôi còn đọc được cả tuổi thọ của họ nữa.
Những người gặp vấn đề về sức khỏe luôn thể hiện các dấu hiệu ở dạ dày và đường ruột, ví dụ, bệnh nhân ung thư vú có đường ruột rất xấu với nhiều túi thừa và phân đóng khối. Thông thường, bệnh ung thư vú và đường ruột được cho là không có quan hệ gì với nhau, nhưng thực ra chúng lại có quan hệ rất mật thiết. Chúng ta thường rất sợ các bệnh ung thư và luôn có gắng tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên, nguyên nhân gây bệnh ung thư không chỉ có một. Cũng như các bệnh khác, việc phát bệnh là kết quả của chế độ ăn uống, nước, bia rượu, thuốc lá, các loại thuốc, vận động, căng thẳng, môi trường sinh hoạt… tất cả các yếu tố phức tạp xoay quanh bản thân chúng ta. Những năm gần đây, y học phát triển theo hướng chuyên biệt hóa nên có xu hướng chỉ chữa ở những nơi phát bệnh. Do đó mới có tình trạng: chứng ợ nóng là do “quá nhiều axit dạ dày” nên hãy uống thuốc dạ dày ức chế axit. Tất nhiên, nếu bạn uống thuốc ức chế quá trình tiết axit dạ dày sẽ giải quyết được vấn đề ợ nóng. Nhưng như tôi đã nói ở trên, các loại thuốc này lại gây hại đến các bộ phận khác của cơ thể.
Nên cho rằng “quá nhiều axit dạ dày” đã gây ra chứng ợ nóng là sai. Thực tế, không có hiện tượng dạ dày tiết quá nhiều axit. Axit dạ dày được tiết ra là do nhu cầu của cơ thể để duy trì tình trạng sức khỏe. Nếu bạn không để ý đến cơ chế này, uống thuốc bừa bãi thì sẽ có lúc bạn lấy đi chính mạng sống của mình. Cơ thể con người được xây dựng dựa trên sự cân bằng giữa các cơ chếhết sức tinh vi. Sự cân bằng này được các sinh vật nhỏ bé, bắt đầu từ các sinh vật đơn bào hoàn thiện từng chút một qua nhiều năm tháng. Mỗi cơ chế đều chỉ là một hoạt động trong một tế bào trong số 60 nghìn tỉ tế bào hình thành nên cơ thể con người. Do đó, nếu suy nghĩ về sức khỏe của con người một cách đúng nghĩa thì phải nhìn từ góc độ tế bào và suy xét xem cái gì mới cần thiết để duy trì sức khỏe.
Khi nhìn nhận dưới góc độ tế bào ta sẽ thấy cơ thể luôn diễn ra sự thay đổi tế bào. Tùy theo bộ phận mà thời gian khác nhau, ít thì vài ngày, nhiều thì vài năm để thay hết tế bào cũ bằng tế bào mới. Công đoạn tạo tế bào mới này dựa vào đồ ăn và nước uống chúng ta hấp thu hàng ngày. Như vậy, ta có thể nói chất lượng của đồ ăn và nước uống quyết định sức khỏe của con người. Và hệ tiêu hóa chính là cơ quan hấp thu đồ ăn nước uống này. Nếu chất lượng ăn uống kém, hệ tiêu hóa sẽ là nơi đầu tiên bị tổn thương và bị tổn thương nghiêm trọng nhất. Tiếp đến, các thành phần có hại được hệ tiêu hóa hấp thu sẽ theo mạch máu, vận chuyển đến các tế bào trong cơ thể. Đối với các tế bào, dù thành phần nguyên liệu có kém đến đâu cũng sẽ được sử dụng để tạo ra tế bào mới. Do đó, chất lượng của bữa ăn được phản ánh trong toàn bộ cơ thể.
Sau khi nhận thấy dạ dày và đường ruột phản ánh tình trạng cơ thể con người, tôi đã yêu cầu các bệnh nhân liệt kê về thói quen ăn uống và sinh hoạt của họ. Các thói quen này ảnh hưởng tốt hay xấu đối với cơ thể không phải dựa theo những kiến thức thông thường từ trước đến nay, mà phải dựa trên các kết quả lâm sàng để xác nhận. Những thay đổi trong cơ thể con người hoàn toàn khác với các phản ứng xảy ra trong ống nghiệm thủy tinh ở phòng thí nghiệm, vậy nên, muốn biết sự thực, chỉ có cách trực tiếp lắng nghe cơ thể của chính mình mà thôi.
Chìa khóa của sức khỏe là số lượng enzyme
Trong quá trình thu thập các kết quả điều tra và số liệu lâm sàng, tôi đã lờ mờ nhận ra được mấu chốt quan trọng. Đó chính là “enzyme”.
Enzyme, nếu nói theo khoa học, đó là “tên gọi chung cho các protein xúc tác được tạo ra trong tế bào sinh vật”. Nói một cách đơn giản, enzyme là chất cho phép tất cả các hoạt động được diễn ra để duy trì hoạt động sống của sinh vật. Dù là động vật hay thực vật, chỉ cần là nơi có sự sống nhất định sẽ tồn tại enzyme. Ví dụ, một hạt cây có thể nảy mầm được là nhờ có enzyme tác động. Trong quá trình mầm cây ra lá, phát triển thành cành to cũng có sự tham gia của enzyme. cũng như vậy các hoạt động sống của con người được duy trì bằng rất nhiều loại enzyme khác nhau. Không kể đến quá trình hấp thụ, tiêu hóa, ngay cả quá trình trao đổi chất, tạo tế bào mới hay đào thải độc tố trong cơ thể cũng có sự tham gia của các enzyme. Chính vì vậy, số lượng và độ hoạt tính của enzyme ảnh hưởng lớn đến tình trạng sức khỏe của chúng ta. Các enzyme đang hoạt động trong cơ thể có hơn 5.000 chủng loại, nhưng không phải tất cả đều được tổng hợp bên trong cơ thể con người. Có hai kiểu enzyme, một kiểu được tổng hợp trong chính cơ thể con người, một kiểu khác được hấp thu từ bên ngoài thông qua thức ăn. Người ta cũng cho rằng trong số các enzyme được tạo ra từ bên trong cơ thể, có khoảng 3.000 loại là do các khuẩn đường ruột tạo ra.
Đặc điểm chung của những người có dạ dày, đường ruột tốt là họ ăn rất nhiều thức ăn tươi có chứa nhiều enzyme. Điều này không đơn giản chỉ là hấp thu các enzyme từ bên ngoài cơ thể mà nó còn giúp tạo môi trường thuận lợi để các vi khuẩn đường ruột, các vi khuẩn tạo ra enzyme, có thể hoạt động tốt. Ngược lại, điểm chung của những người có dạ dày, đường ruột xấu là họ luôn có thói quen sử dụng hết các enzyme. Thường xuyên sử dụng rượu bia, thuốclá, ăn uống không điều độ, ăn các loại thực phẩm chứa nhiều chất phụ gia, môi trường sống căng thẳng, sử dụng các loại thuốc… đây chính là các thói quen tiêu tốn lượng lớn enzyme. Ngoài ra, họ còn phải tiêu tốn enzyme để giải các độc tố trong dạ dày do chế độ ăn uống không đảm bảo hay để trung hòa các gốc tự do (gốc tự do oxy hóa là một trong số đó) khi cơ thể tiếp xúc nhiều với tia cực tím, tia X và sóng điện từ.
Từ các kết quả trên ta có thể thấy, để duy trì sức khỏe tốt, ta cần thực hiện chế độ sinh hoạt ăn uống để tăng lượng enzyme trong cơ thể, đồng thời phải cải thiện các thói quen xấu làm tiêu tốn các enzyme này. Đây cũng là nguyên tắc cơ bản trong “phương pháp ăn uống Shinya” mà tôi đề xướng.
Hiện tại, enzyme đang được coi là chìa khóa đảm bảo sức khỏe, các nghiền cứu về enzyme càng ngày càng được tiến hành rộng rãi. Tuy nhiên, cho đến nay, chúng ta còn rất nhiều điều chưa hiểu hết về enzyme. Trong số các nghiên cứu đó phải kể đến Tiến sỹ Edward Howell, nhà nghiên cứu enzyme hàng đầu của Mỹ, ông đã đưa ra giả thuyết sinh vật trong suốt thời gian sống chỉ có thể tạo ra một lượng enzyme nhất định. Ông cũng gọi enzyme trong cơ thể vốn có số lượng nhất định này là “enzyme tiềm năng”. Và khi sinh vật dùng hết các enzyme tiềm năng này, đó cũng là lúc sinh vật kết thúc sinh mệnh của mình.
Giả thuyết này có thực sự đúng hay không, chúng ta còn phải chờ vào các kết quả nghiên cứu sau này. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là lượng enzyme trong cơ thể là chìa khóa nắm giữ “vận mệnh” của sinh vật. Nếu trong cơ thể có nhiều enzyme/ đồng nghĩa với năng lượng sống, khả năng miễn dịch của cơ thể cao. Hay nói cách khác, nếu chúng ta kiềm chế được việc tiêu thụ enzyme, luôn duy trì một số lượng enzyme ổn định cũng có nghĩa là chúng ta duy trì được trạng thái sức khỏe tốt cho bản thân.
Chỉ duy nhất cơ thể sinh vật là có thể tạo ra enzyme. Mặc dù chúng ta có thểtạo ra các món ăn chứa nhiều enzyme như đồ chua, nhưng thực tế thứ tạo ra những enzyme trong đó lại là các vi sinh vật như vi khuẩn… Nói tóm lại, mặc dù chúng ta có thể tạo ra môi trường giúp vi sinh vật dễ dàng sản sinh ra enzyme, nhưng chúng ta lại không thể tạo ra chính enzyme một cách nhân tạo được. Đây cũng chính là lý do mà phương pháp ăn uống Shinya rất coi trọng vấn đề “ăn”. Bởi như tôi đã nói ở trên, việc hấp thu các loại thức ăn có chứa nhiều enzyme sẽ giúp củng cố môi trường đường ruột, hỗ trợ cho các vi sinh vật trong ruột sản sinh ra enzyme. Nếu thực sự lượng enzyme được tạo ra trong cơ thể sinh vật là có hạn như Tiến sỹ Edward Howell đã nói thì với con người chúng ta, đang sống trong xã hội hiện đại với vô số căng thẳng và ô nhiễm môi trường khiến enzyme bị suy kiệt, thì việc hấp thu và sử dụng các enzyme do các sinh vật khác tạo ra lại càng quan trọng.