INAMORI KAZUO
Trích: Cách Sống - Từ Bình Thường Trở Nên Phi Thường; Việt dịch: Phạm Hữu Lợi; NXB. Lao động – Xã hội, 2017
Từ đầu đến giờ tôi đề cập đến các nguyên tắc lớn để con người tồn tại. Đó là tâm thức ra sao thì cuộc đời như vậy và cuộc đời chúng ta có thể thay đổi.
Thật ra, đời tôi là một chuỗi thất bại và nản chí. Biết bao lần tôi gặp chuyện chẳng lành, cho nên tôi thực sự thấm thía, thấu hiểu các nguyên tắc đó.
Nếu nói về thời tuổi trẻ của tôi thì tất cả những điều tôi mong ước thực hiện đều bị trục trặc. Tôi chưa từng đạt được mong ước dù chỉ một lần.
Vì sao cuộc đời mình lại trục trặc suốt, số mệnh mình lại đen đủi đến thế? Tôi từng tự hỏi và nghĩ mình bị Trời Phật xa lánh, vì thế nỗi bất mãn ngày một tăng. Đã không ít lần tôi thấy thù ghét xã hội.
Trong suốt quãng đời đầy thất bại, bế tắc đó, dần dần tôi ngộ ra rằng: Tất cả mọi sự đều từ tâm mà ra.
Thời đó, bệnh lao vẫn là căn bệnh nan y, vô phương cứu chữa. Hơn nữa, gia tộc tôi bị coi là có “phả hệ bệnh lao”, hai ông chú và một bà thím của tôi chết do lao phổi.
“Mình đang ho ra máu, chắc cũng sắp đi”. Tuổi còn trẻ nhưng tôi đã lâm vào tình thế tuyệt vọng. Những cơn sốt âm ỉ khiến tâm trạng tôi luôn bị dày vò trong vô vọng và ngày ngày chỉ nằm bẹp trên giường bệnh.
Khi đó một bà hàng xóm, có lẽ thấy tội nghiệp cho tôi đã đưa tôi mượn cuốn sách Chân tướng cuộc đời của nhà hoạt động tôn giáo Taniguchi Masaharu – người sáng lập giáo phái “Ngôi nhà trường sinh” và khuyên tôi đọc.
Cuốn sách quá khó đối với một đứa trẻ vừa học hết cấp 1 và mới thi trượt cấp 2, nhưng tôi đã đọc ngấu nghiến với hy vọng vào một phép mầu nào đó trong cuốn sách.
Khi đọc đến đoạn: “Có một cục nam châm luôn hút các hoạn nạn trong tâm chúng ta. Chúng ta ngã bệnh là do tâm chúng ta yếu đuối dẫn đến bệnh tật”, tôi dán mắt vào trang sách. Ông Taniguchi đã dùng từ “tình trạng tâm thức” để chỉ ra rằng mọi sự vật ta gặp trong cuộc đời đều do tâm thức lôi kéo đến. Bệnh tật cũng không phải là ngoại lệ. Ông thuyết giảng rằng: Trên thực tế, tất cả đều do tình trạng tâm thức tạo ra.
“Bệnh do tâm mà ra” có thể là cách nói hơi quá một chút nhưng bản thân tôi lúc đó thật sự thấm thía điều này.
Bởi mỗi lần đi qua căn phòng chú tôi bị lao nằm tĩnh dưỡng – dù căn phòng cách xa nơi tôi ở – tôi đều bịt mũi và chạy thật nhanh vì sợ bị lây nhiễm. Trong khi bố tôi ngày ngày đến để chăm sóc chú tôi, anh trai tôi cũng thản nhiên nói với tôi: “Không dễ dàng bị lây nhiễm thế đâu.” Trong gia đình chỉ có mình tôi là cố tình né tránh và sợ hãi căn bệnh của người thân thuộc.
Đúng là “ghét của nào trời trao của ấy”, trong khi cả bố lẫn anh trai tôi không ai bị sao cả, thì tôi bị lây nhiễm. “Hoá ra là vậy”, tôi nghĩ thầm.
Chính cái tâm thức yếu hèn, cố “tránh xa người bệnh, tránh xa người bệnh”, của tôi đã thu hút bệnh tật đến. Khi chúng ta sợ hãi thì điều sợ hãi sẽ xảy ra. Tôi thấm thía sâu sắc: Tâm tiêu cực thì sẽ gọi hiện thực tiêu cực đến.
“Tâm thế nào hiện thực thế ấy”, khi đã thấu hiểu câu nói của ông Taniguchi, tôi tỉnh ngộ và từ đó tôi tự thề rằng phải luôn nghĩ điều thiện, điều tốt lành trong mọi hoàn cảnh. Biết là thế nhưng không phải dễ dàng thay đổi tâm thức ngay được và cuộc đời tôi tiếp tục khúc khuỷu, gian truân.
Nhận ra chân lý: Tâm thức quyết định vận mệnh
Thật may, tôi khỏi bệnh và có thể đi học bình thường trở lại. Nhưng cuộc đời của tôi sau đó vẫn không tránh khỏi thất bại và trục trặc. Thi đại học thì trượt nguyện vọng thứ nhất, phải vào học đại học cộng đồng ở địa phương cho dù thành tích học tập của tôi không đến nỗi nào. Tình hình kinh tế Nhật Bản lúc đó trở nên ảm đạm do những đơn hàng “nhu cầu đặc biệt” của cuộc chiến tranh Triều Tiên đã lắng xuống. Tôi thi tuyển vào công ty nào là trượt công ty ấy. Thời đó, các cuộc thi tuyển nhân viên dành cho sinh viên nông thôn tốt nghiệp các trường đại học địa phương mới thành lập cũng rất ít. Tôi cảm thấy căm ghét xã hội bất công và cả nỗi bất hạnh của mình.
Cùng là con người tại sao số phận tôi lại đen đủi đến thế. Giả sử có mua vé số thì người xếp hàng đằng trước và đằng sau tôi sẽ trúng còn tôi thì trượt là cái chắc.
Tôi học karatedo, công lực cũng khá nên đã từng bén bảng đến văn phòng của một tổ chức xã hội đen đặt ở một khu sầm uất với quyết tâm trở thành một yakuza.
May thay, nhờ sự giúp đỡ của một thầy giáo dạy đại học, tôi đã được nhận vào làm việc ở Công ty Kyoto chuyên sản xuất sứ cách điện. Công ty trong tình trạng sắp phá sản, lương thì chậm, nội bộ gia đình chủ công ty thì mâu thuẫn.
Vất vả mãi mới được đi làm, mà nơi làm việc lại trong tình trạng như thế. Tôi và mấy đồng nghiệp vào công ty cùng lúc với tôi gặp nhau là than vãn và bàn chuyện bỏ công ty. Sau một thời gian, họ tìm được việc làm ở công ty khác, một người rồi hai người bỏ, cuối cùng còn trơ lại mình tôi.
Quả thật, chỉ đến khi bị dồn vào đường cùng thì con người mới trở nên mạnh mẽ hơn. Có kêu ca hoàn cảnh đến đâu đi nữa cũng không giải quyết được gì. Tôi thay đổi thái độ 180 độ, tập trung vào công việc. Tôi đem cả nồi niêu xoong chảo vào phòng nghiên cứu để có thể làm việc cả ngày lẫn đêm.
Thế rồi, kết quả nghiên cứu bắt đầu khả quan, phản ánh sự thay đổi trong tâm thức tôi. Cấp trên khen ngợi khi các kết quả nhìn thấy rõ ràng. Tôi ngày càng đam mê nghiên cứu. Một vòng tuần hoàn thuận sinh ra, kết quả nghiên cứu ngày càng tốt hơn.
Cuối cùng bằng phương pháp của riêng mình, tôi là người đầu tiên tại Nhật Bản đã thành công trong việc tìm ra và tổng hợp được vật liệu fine ceramic dùng để sản xuất các ống chân không trong tivi đang phổ cập rộng rãi thời đó.
Nhờ vậy, đánh giá của mọi người xung quanh đối với tôi ngày càng cao. Tôi cảm thấy thích thú công việc đến mức quên hẳn cả đồng lương vẫn tiếp tục bị trả chậm. Tôi cảm thấy mình sống có ý nghĩa.
Những kỹ năng được tích lũy và kết quả công việc khi đó trở thành nền tảng để tôi lập ra Công ty Kyocera sau này.
Giây phút thay đổi tâm thức đã trở thành bước ngoặt trong cuộc đời tôi và từ đó, tôi đoạn tuyệt với vòng tuần hoàn nghịch, thay vào đó là vòng tuần hoàn thuận theo hướng tích cực.
Từ kinh nghiệm này, tôi xác định rằng cuộc đời mình tốt hay xấu đều do ý chí của chính mình tạo ra, hoàn toàn không phải là con người buộc phải đi theo con đường số mệnh đã định sẵn.
Nói cách khác, tất cả những gì xảy ra đối với mình là do tâm mình tạo ra. Nhận thức cơ bản này xuyên suốt cuộc đời tôi. Tôi có được nó sau khi trải qua cả một chặng đường gập ghềnh khúc khuỷu. Và giờ đây nó nằm sâu trong lòng tôi.
Với những người đã sống cuộc đời ba chìm bảy nổi, số mệnh của họ do chính tay họ tạo ra, thì núi cao, vực sâu, hạnh phúc, bất hạnh…, tất cả đều do tâm họ mang lại.
Rải những hạt giống “sự kiện” trong đời ta, không ai khác, đó chính là ta.
Quả thật là mỗi người chúng ta đều có một số mệnh nhưng số mệnh đó không phải được định sẵn, con người không thể chống lại được, mà số mệnh có thể thay đổi theo tâm thức. Đúng vậy, chỉ có một thứ duy nhất có thể làm thay đổi được số mệnh đó là tâm ta. Cuộc đời chúng ta do chính chúng ta tạo ra.
“Cách suy nghĩ” chính là chất liệu màu sắc vẽ lên tấm vải cuộc đời mỗi người. Vì thế, có thể nói màu sắc cuộc đời bạn thay đổi tuỳ theo tâm của bạn.