HT. THÍCH THÁNH NGHIÊM
Trích: Tiếng Chuông Pháp Cổ; Sơn Dã dịch; Thái Hà Book, NXB.Lao Động
-----???-----
Thanh niên trong thời đại của chúng ta ngày nay, nhất là từ thế hệ 8X trở đi, hiện tượng sử dụng ma túy và các chất kích thích độc hại ngày một gia tăng theo chiều hướng nghiêm trọng.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến các bạn trẻ đến với ma túy cũng như các chất kích thích độc hại. Tuy nhiên, đáng kể nhất lại là các bạn trẻ rất thông minh nhưng vì bất mãn với bố mẹ, gia đình, xã hội, môi trường sống và môi trường học tập… họ luôn cảm thấy tương lai của bản thân mờ mịt, thể là tìm đến với những chúng bạn đồng trang lứa, rồi tìm đến các chất kích thích như để giải tỏa những uất ức và bế tắc của tự thân. Con đường nghiện ngập và phạm tội mở ra từ đó, họ bắt đầu ngập ngụa trong những cơn đê mê không lối thoát.
Các chuyên gia tâm lý học hiện nay, thông qua các nghiên cứu, đã nhận định rằng, những người đã trót sa chân vào con đường nghiện ngập, nếu chỉ dùng các phương pháp tâm lý kết hợp với các dược phẩm để trị liệu thì cũng không chắc chắn được 100% kéo họ ra khỏi tình trạng nghiện ngập được. Thực tế, những người nghiện ấy thực sự còn cần có sự hỗ trợ của tôn giáo. Thực sự, sẽ là một thiếu sót nếu tất cả sự quan tâm, chăm sóc của gia đình và xã hội đối với người nghiện lại không có sự tham gia của tôn giáo. Nếu không khéo đưa tôn giáo vào giúp bản thân họ tự ý thức và chuyển biến từ nội tâm thì có lẽ sẽ rất khó khiến cho bản thân họ tự ý thức thay đổi mình trong cuộc sống.
Phương pháp kết hợp với tôn giáo trong việc giúp người nghiện cắt cơn và ngăn ngừa tái nghiện là một trong những biện pháp tối ưu. Chúng tôi còn nhớ đài truyền hình đã từng có một phóng sự đề cập về phương diện này. Ở những đất nước theo hệ phái Phật giáo Nam truyền, công việc ngăn ngừa sử dụng và hỗ trợ cai nghiện trong xã hội đã có các đoàn thể tôn giáo đảm trách, và rõ ràng nó hiệu quả hơn rất nhiều so với việc đơn phương sử dụng các biện pháp cai nghiện thông thường không có sự tham gia của tôn giáo. Bởi ở các trại cai nghiện, chúng ta thấy người ta chỉ có thể cung cấp thuốc men và các liệu pháp để cắt cơn; trong khi nếu có mặt tôn giáo, việc trị liệu không chỉ diễn ra trên thân mà còn diễn ra cả trên tâm, có nghĩa là tôn giáo sẽ giúp cho những người nghiện có được hỗ trợ về mặt tinh thần và nhất là củng cố niềm tin tự thân. Sự phối hợp chữa trị cùng lúc cả trên thân và tâm đương nhiên sẽ mang lại hiệu quả cao hơn là đơn phương một phương pháp trị liệu.
Thế thì tôn giáo cụ thể là giúp được gì cho họ?
Thứ nhất, giúp người nghiện cảm thấy bản thân mình còn hy vọng.
Thứ hai, giúp cho họ nhận ra những gì họ đang trải qua không nhất thiết là kết quả từ gia đình hay xã hội, mà đó chính là cái quả của nguyên nhân là những sai lầm của bản thân. Thế nên không nên oán trách môi trường sống, gia đình hay trường lớp. Khi cởi được cái nút thắt này rồi, tâm thái của họ mới được nhẹ nhàng; và khi tâm thái nhẹ nhàng rồi thì họ có thể đối diện với chính bản thân mình, và biết được bản thân cần phải làm những gì để giúp chính mình cải thiện những hậu quả đang phải hứng chịu lai trước mắt, từ đó mới có được định hướng tương cho bản thân. Và tất nhiên, chỉ khi ấy họ mới ý thức được muốn bước tiếp về phía trước, một con đường duy nhất là phải dùng hết nghị lực để cai nghiện thành công.
Thứ ba, tôn giáo có thể mang lại cho họ niềm tin. Chỉ cần hướng dẫn họ niệm danh hiệu Phật, Bồ tát, giúp họ tin rằng những việc làm ấy có thể tiêu trừ được các nghiệp lực của bản thân, được trợ lực từ Phật và chư vị Bồ tát.
Bên cạnh họ sẽ luôn có chư Phật, chư Bồ tát ủng hộ để họ có thêm dũng khí, và luôn tin rằng các vị ấy sẽ luôn mang những điều tốt lành đến với mình. Một khi làm được như vậy, ý chí, nghị lực của họ thêm kiên cường.
Dần dần, trạng thái tâm lý của những người nghiện sẽ có sự chuyển biến, quan niệm cũng sẽ dần thay đổi, giúp cho ý chí được ngày một thêm mạnh mẽ, sự tự tin vào bản thân cũng từ đó được hình thành, bắt đầu có những ý niệm và hy vọng về tương lai. Sự mất niềm tin vào gia đình và xã hội cũng sẽ nhân đấy mà dần được hóa giải.
Cần xác định rõ là tôi không phải đang truyền giáo, mà bản thân đang muốn cùng với tất cả mọi người mở ra một con đường trở lại cho những người trót lầm lỡ đi vào con đường nghiện ngập.
Để giảm tải gánh nặng cho xã hội, đồng thời mở đường cho những con người lầm lạc tái hội nhập, củng cố lực lượng lao động cho xã hội, thiết nghĩ chúng ta cần suy nghĩ thêm về việc kết hợp và phát huy tác dụng của các hoạt động tôn giáo như bái sám, niệm Phật, tọa thiền… kết hợp với dùng thuốc cũng như các liệu pháp trị liệu để qua đó giúp cho quá trình hồi phục của người nghiện được nhanh và hiệu quả hơn.
—–???—–