NHỮNG CHƯỚNG NGẠI HÀNG ĐẦU TRONG THIỀN ĐỊNH

LAMA MIPHAM

Nguồn: Yên Tĩnh Và Trong Sáng; Người dịch: Trùng Hưng; NXB. Thiện Tri Thức, 2004

Những khó khăn để thành tựu một tinh thần sắc bén và thích nghi dành cho thiền định thì thay đổi tùy theo những vấn đề cá nhân. Một người bạn kinh nghiệm có thể cố vấn cho những khó  khăn đó, nhưng có năm trở ngại chính yếu cho sự tập trung tâm thức thường quấy nhiễu người mới bắt đầu.

Thứ nhất là lười biếng, uể oải. Thiền định không thể bắt đầu trừ phi có đủ năng lực ra khỏi giường vào lúc thực hành. Nước lạnh và thể dục có thể khơi dậy năng lượng cần thiết để ngồi và bắt đầu một thể thức điều phục. Lười biếng tiếp tục quấy rầy hành giả trong khi thiền định. Cho đến khi năng lượng bên trong đem lại lợi lạc, ý chí thô là cần thiết để vượt qua những thử thách của giấc ngủ hay một chấm dứt sớm. Cho đến khi nào những phần thưởng của sự kiên trì làm mạnh mong muốn ở lại trong thực hành, lười biếng luôn luôn hiện diện để kéo tâm thức xuống dưới ngưỡng cứa sự áp dụng đúng mức. Chính lười biếng xúi giục người ta bỏ cuộc với sự hứa hẹn những phần thưởng lớn hơn trong một thiên đường lạc thú nào đó và lười biếng làm tâm lầm lạc tin vào hiệu quả của giấc ngủ như là món thuốc vạn năng.

Cái đối trị cho lười biếng là thái độ cố gắng do nguyện vọng và niềm tin. Nghe một bạn đạo hay một vị thầy có kinh nghiệm thực hành bàn về hoàn cảnh con người theo trải nghiệm cá nhân và có dịp may thấy những kết quả thiền định nơi người khác có thể rất hiệu lực trong việc cung cấp nguyện vọng thực hành tiếp tục như yêu cầu. Những kinh điển là nguồn khác cho niềm tin trong thực hành. Bất cứ cái gì làm tăng thêm mong ước thiền định đều cần trau dồi mỗi lúc có cơ hội “khiến cho sự lười biếng được thay thế bằng khuynh hướng tự nhiên theo đuổi những mục tiêu nhằm duy trì nỗ lực đạt đến Phật quả.

Chướng ngại thứ hai là không nhớ những giáo huấn. Ngồi xuống trong một tư thế thoải mái mà không có bản văn giải thích thể thức thì rất dễ quên những chi tiết của thực hành thiền định. Còn dễ hơn nữa là xuyên tạc những giáo huấn chính xác vì cảm hứng cá nhân. Hình ảnh của đối tượng phân tích, tướng trạng của dòng thức, hình thức của sự quán tưởng, tâm cứ trốn thoát, bất cứ đối tượng thiền định nào cũng cần sanh ra trong tâm một cách thường xuyên. Quên đối tượng của thiền định làm cho thực hành thành không có ích lợi, tuy nhiên sự quên này rất thông thường trong những giai đoạn thực hành ban đầu. Hãy nhớ rằng việc kiểm soát chặt chẽ quá là một hao phí năng lượng. Không nên chán nản vì không nhớ những giáo huấn. Cái đối trị là sự kiên trì do nguyện vọng nâng đỡ, sự kiên trì này sẽ phá tan đám mây lười biếng. Trí nhớ sẽ cái thiện khi thiền định tiến bộ.

Lười biếng và quên là hai chướng ngại chính yếu cho việc bắt đầu thực hành. Sau khi sự áp dụng đã tăng đến điểm tập trung, hai khuynh hướng khác phải bị loại bỏ, Chướng ngại thứ ba và là cái đầu tiên trong hai khuynh hướng tự chuốc lấy thất bại này là sự tê liệt của tâm. Cái này thậm chí có vẻ là một loại samadhi nhưng nó hoàn toàn không sinh ra tác dụng gì. Đối tượng của thiền định vẫn thường trực trong tâm, không xao lãng khởi lên và trạng thái này có thể được lầm cho là sự bình an của tâm.

Người mới học có thể chắc chắn rằng không có sự xao lãng của tư tưởng, cảm nhận hay cảm giác nào, thì bấy giờ chỉ là sự ù lì hơn là yên tĩnh đang chiếm ngự. Không có gì có thể có được trong một trạng thái buồn ngủ của an định.

Chướng ngại thứ tư (cái thứ hai của khuynh hướng này) là không ở yên. Tâm lang thang thường trực trong một trạng thái kích động bị hấp dẫn bởi những sắc tướng chiếm cứ tâm. Những xao lãng, phóng dật ngự trị. Tri giác có thể rất trong sáng và bén nhạy nhưng đối tượng của tập trung thì giống như một ngọn lửa đèn sáp đối với một con bướm đêm bay vòng quanh. Cái đối trị cho cả hai tình huống này là sự hiện diện của tâm. Sự chú tâm sẽ ngăn chặn vừa sự lọt vào tê liệt bên trong hay một lơ đễnh đến cái hấp dẫn bên ngoài. Cảnh báo hai khuynh hướng này và giữ tâm liên tục chú ý vào những hiểm nguy của cực đoan nào, hoặc ù lì hay không, ở yên, chúng ngăn chặn không cho những quả của thiền định chín được.

Chướng ngại thứ năm là sự mạnh mẽ quá độ trong tập trung. Cánh cửa của thanh thản không cách gì có thể bắt ép được. Như một đám đông hoảng sợ làm tổn hại chính mình khi nó cố mở đường qua một lối thoát nhỏ, cũng vậy tâm bị bầm dập và thương tổn khi nó bị ép buộc sớm quá đến một mục tiêu chỉ có thể đạt đến bằng thư giãn, buông lỏng. Khi cố gắng giải thoát áp lực của sự sa lầy phía dưới thức, sự trấn áp mạnh mẽ những con quái vật của trí óc thì cũng không có tác dụng như sự sản xuất ra chúng.

Bình thản và kiên nhẫn sẽ đem lại những kết quả nhanh và giá trị nhất. Luôn luôn có một điểm quân bình phát lộ Trung Đạo gần gũi nhất với thực tại và sự thành tựu tự do trọn vẹn.

Rất dễ để nhớ những tên của những chướng ngại này nhưng khó mà nhận ra chúng khi chúng xảy ra trong thực hành. Trí óc, sợ nó phải chết, sẽ tạo ra những lý lẽ rất tinh vi lầm lạc chống lại thiền định đúng đắn cũng như những bác bỏ dễ dàng nhất và đơn giản nhất đối với thực hành. Nói với một người bạn đạo hiểu biết và giải thích được những kinh nghiệm gặp trong thiền định là điều có giá trị lớn lao. Một khi một chướng ngại được nêu tên và xác định rõ ràng, thì sự phá hoại của nó sẽ giảm nhiều. Nếu nó vẫn không được phân biệt rõ, đám mây đe dọa vẫn bí mật nằm trong tối tăm, thì không có tiến bộ được hoàn thành trong thực hành.

***

Nguyên nhân của rối loạn và không hài lòng trong đời sống…

Nguyên nhân của sự không hài lòng, những khuyết điểm, những bất hạnh và những lo âu của chúng ta không phải ở bên ngoài. Nó phải được tìm thấy ở bên trong. Sự rối loạn của xung đột xúc cảm do những thất thường làm méo mó của tâm là chướng ngại chính yếu để hiểu Sanh tử là Niết bàn. Kỷ luật của tâm, tập trung nó trên mỗi khoảnh khắc của tri giác dẫn đến quán chiếu vào bản tánh và vận hành của nó. Như vậy, rối loạn xúc cảm được loại bỏ.

Chân lý của khổ được diễn tả trong sự nhận biết sự không thỏa mãn, không thực hiện được sự toàn thiện bẩm sinh của chúng ta, và những khó khăn gặp phải trong đời sống. Chân lý nguyên nhân của khổ được biểu lộ trong sự nhận biết bản chất che ám của phiền não và tiến trình tâm thức làm nó sanh khởi. Chân lý của diệt dứt khổ được khám phá ở cuối con đường, con đường này bắt đầu với pháp môn tịnh hóa do khảo sát và chiêm nghiệm của tâm và dẫn đến chánh niệm.

Tấm màn phiền não ngăn che sự trong sáng của tâm. Danh từ phiền não cần được hiểu theo nghĩa rộng nhất. Nó ám chỉ những lực lượng xúc tình nhuộm màu cái tâm bằng một sức nặng tối tăm của mê mờ rối loạn. Nó sản sanh ra một cái nhìn cay đắng. Nó luôn luôn đi cùng với đau đớn tâm trí. Truyền thống phân biệt sáu âm sắc phiền não, mỗi cái do một xúc cảm riêng biệt ngự trị.

Cái thứ nhất là ngu ngơ, một trạng thái rối loạn, mê mờ và vô minh. Cái thứ hai là tham, từ lạc thú hấp dẫn cho đến dục vọng thể xác mãnh liệt. Cái thứ ba là ghét, ác cảm với những đối tượng đe dọa, sợ hãi và điên cuồng hoang tưởng. Cái thứ tư là kiêu căng ích kỷ, hạn hẹp quy ngã và hiếu chiến. Cái thứ năm là lập lờ khiến không xác quyết, tạo ra nghi ngờ và sự hãi. Cái thứ sáu là tạo tác ý niệm trừu tượng không dính dáng gì với tri giác trực tiếp. Những nhánh nhóc của sáu cái này biểu thị toàn bộ cung bậc của phiền não, ngăn chặn sự khai triển của lý tưởng Bồ tát.

Phiền não tham dục, nó là sự biểu lộ của bản năng thú vật muốn giao hợp và nó muốn sản sinh ra cái gì từ sự thất vọng cay đắng đến một ảo tưởng của xuất thần, chỉ là một hình thức phiền não mà bản văn ám chỉ. Như những âm sắc cảm nhận khác của phiền não, nó có đặc trưng là một xung động bốc cao nhằm đạt được một trạng thái không hiện hữu trong khoảnh khắc hiện tại. Bất kỳ sự đứt đoạn nào trong hành động giao phối đều có khả năng gây ra tức giận dữ dội. Xúc tình là một nỗ lực trọn vẹn đạt đến cái đang không hiện hữu. Sự không thỏa mãn với trạng thái tâm như nó đang là, là điều kiện cần thiết có trước cho tham dục. Ghen ghét, thù hận, kiêu mạn – tất cả những phối hợp và dạng hình vô số của xúc tình tràn ngập trong năng lực của chúng. Khi dưới tác động của một trong những cái này, thì khó mà hiểu cái xấu là gì, nó đến từ đâu và như sao nó sanh khởi. Phiền não là sức mạnh của xúc tình, nó hủy hoại trong sáng và yên tĩnh. Mọi hình thức phiền não gắn kết trong thân tâm và là những dấu vết của những tính khí thuộc về một hình thức thấp hơn của thức. Bị cái nào trong chúng chế ngự, vẻ đẹp kỳ diệu và quý báu của kinh nghiệm trực tiếp bị sai lạc, và sự thấu hiểu con đường, dẫn từ sanh đến tái sanh và cuối cùng ra khỏi chu kỳ trở thành, bị bỏ mất.

Tấm màn của hiểu sai lầm là nền tảng của phiền não. Những quan kiến hạn hẹp về bản tánh của vũ trụ và thực thể của con người mình gây ra sự xung đột giữa cái hiện hữu thực và cái người ta muốn nó hiện hữu. Bao giờ người ta còn bận rộn với sự khác biệt bề ngoài giữa thực tại và giấc mộng, bấy giờ không thể có sự hài hòa giữa cái bên ngoài và bên trong, cái thế giới vĩ mô và thế giới vi mô. Những thành kiến ngăn chặn hành động vô tư tự phát. Không có một hiểu biết trọn vẹn về thực thể chính mình gây ra thất bại thường trực không lợi dụng được những cơ hội và khiến cho dòng chảy chảy qua một bên – hơn là xuyên qua – tâm.

Như một cái tháp dựng bằng những quân bài, thành kiến sụp đổ dưới căng thẳng tinh thần (stress) để lại một khoảng không đáng sợ cần phải lấp đầy bằng bất cứ phản ứng thói quen nhiễm độc nào. Lại tạo thành quan niệm mới, mà không hiểu cái gì thật cái gì không, mơ mộng những chuyện đâu đâu tưởng tượng, suy nghĩ ước ao lại kết thành thất vọng kèm với rối loạn. Như vậy vòng đi vòng lại từ tái sanh này qua tái sanh khác, không bao giờ tìm thấy sự khuây khỏa của trong sáng yên bình, tuyệt vọng dấn sâu với nắm bắt điên cuồng những cọng rơm trong gió, chỉ có sự đau khổ mà thôi.

Những khuôn khổ phản ứng thói quen thì khó phá vỡ. Sự khó thay đổi những phản ứng vi tế và thâm căn cố đế của tâm thì lớn hơn nhiều so với phá vỡ những thói quen thô của thân như hút thuốc chẳng hạn. Dù người ta âm thầm biết rằng những thành kiến và thiên kiến nhuộm màu phản ứng và phán đoán, trừ phi thực hành hay lúc một khoảnh khắc sáng tỏ bừng sáng, còn không thì chỉ niềm tin lờ mờ có cái gì méo mó trong tâm là giữ cho nguyện vọng giải thoát được tồn tại. Sự thực hành thường xuyên những phương diện khác của thái độ lý tưởng sẽ tháo lỏng tâm khỏi những trói buộc nặng nề hơn. Với sự hiểu lớn dần về luật Nghiệp, nhân quả trong đời sống chúng ta, sương mù tan khỏi quang cảnh của tâm đủ cho một thoáng thấy vị trí của con đường. Thiền định này đặt người cầu đạo chắc chắn trên con đường.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. THỰC HÀNH THIỀN ĐỊNH
  2. CON ĐƯỜNG CỦA BỒ TÁT

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP