PHÁP BẢO HIỂM

ANDREW HOLECEK

Trích: Bàn về sinh tử; Nhóm Dòng Sống dịch; NXB Thế Giới, Công ty Sách Thiện Tri Thức năm 2022.

Ngay cả với một người đã thành thục, hàng loạt phương pháp phong phú này có thể khiến họ cảm thấy bối rối. Chúng ta nhấn mạnh phương pháp nào? Chúng ta nên thực hành bao nhiêu phương pháp? Chúng ta phải thực hành phương pháp đó tốt như thế nào? Khi cái chết đến gần, hãy dựa vào phương pháp mà bạn quen thuộc nhất. Điều đó giống như ở cùng với một người bạn cũ. Hãy nương tựa vào pháp thiền yêu thích, hoặc trì tụng thần chú yêu thích của mình. Sự ổn định, thư giãn và an tâm là tất cả những gì bạn thực sự cần. Từ một góc độ tuyệt đối, hãy nhớ câu ngạn ngữ này của Đạo giáo: Không làm gì mà không gì là không làm (Vi vô vi tất vô bất trị).

Nhưng “không làm gì” thường là điều khó làm nhất. Những thực hành này cho chúng ta điều gì đó để bám trụ vào thời điểm mà mọi thứ đang dần trôi đi. Dodrupchen Rinpoche đời thứ ba nói:

“Vào lúc thực sự chết, có thể rất khó tập trung bất kỳ năng lực tinh thần nào để bắt đầu thiền. Vì vậy, phải chọn một pháp thiền từ trước và kết hợp nhuần nhuyễn tâm mình với pháp thiền đó, càng nhuần nhuyễn càng tốt… hãy nghĩ đi nghĩ lại: “Vào lúc chết, mình sẽ không để mình dính vào bất kỳ ý nghĩ tiêu cực nào.” Để đạt được sự sáng suốt và bình an của thiền trong tâm, điều quan trọng là phải thiền đi thiền lại, trước khi cái chết đến. Sau đó, khi cái chết đến, bạn sẽ có thể chết với những phẩm chất tinh thần phù hợp.”

Chúng ta muốn được bảo vệ khỏi sự ô nhiễm của cái tâm rối loạn khi chết. Các pháp thiền liệt kê ở trên cung cấp sự bảo vệ đó. Mantra (thần chú), nghĩa đen là “bảo hộ tâm”, cũng cung cấp tấm áo bảo hộ này. Những câu thần chú đã được thảo luận ở trên như OM MANI PADMA HUM và OM AMITABHA HRIH là hai trong số những câu thần chú hay nhất. Một hình thức bảo hộ khác là lắng nghe giáo lý yêu thích của mình vào lúc chết. Điều này không tạo cơ hội cho những ý nghĩ tiêu cực nảy sinh và kết nối bạn với vị thầy của mình. Như Sogyal Rinpoche đã nói: “Những giáo lý lớn hơn những ý nghĩ của bạn.” Hãy để tâm mình được thu hút bởi sáng suốt, không phải bởi mê mờ.

Giáo lý về phowa, tịnh độ và bardo là những pháp bảo hiểm. Tôi là một nhân viên bán bảo hiểm. Nếu pháp thực hành chính của bạn ổn định, bạn không cần bảo hiểm này. Nhiều bậc thầy hiếm khi dạy những phương pháp bổ trợ này bởi sự thành thục trong các phương pháp thực hành chính sẽ tự nhiên mở rộng tới các bardo. Các thực hành chính khác nhau tùy theo vị thầy hoặc dòng truyền thừa, nhưng chúng thường là thiền shamatha thiền vipashyana, và Tâm Bồ Đề. Với Phật tử theo truyền thống Tây Tạng, yoga hóa thần, yoga đạo sư, và mahamudra hay dzogchen được nhấn mạnh. Dzogchen (đại toàn thiện), giống như mahamudra, là một trong những giáo lý cao nhất trong Phật giáo Tây Tạng. Nó mô tả tâm giác ngộ và cách nhận biết nó.

Nhưng giáo lý về phowa, tịnh độ và bardo ở đó để đỡ nếu chúng ta vấp ngã. Những phương pháp này có mặt trong truyền thống là có lý do và đã được chỉ dạy bởi vô số bậc thầy trong nhiều thế kỷ. Nếu mọi thứ khác không thành công trong bardo, thật vui khi biết mình có những giáo lý khẩn cấp này trong túi.

Phần 1 cuốn sách này đã được nhà huyền bí Abraham a Sancta Clara tóm tắt: “Nếu chết trước khi chết, bạn sẽ không chết khi chết.” Nếu có thể “chết”, hay buông bỏ cái tôi của mình ngay bây giờ, thì khi cái chết thể xác đến, bạn sẽ không chết – bởi bạn đã “chết” rồi. Bạn đã buông bỏ đến mức khám phá ra Pháp thân vô tướng (pháp tính) trong suốt cuộc đời. Anam Thubten Rinpoche nói: “Sau cái chết [của cái tôi] bạn trở nên sống trọn vẹn. Nếu muốn sống trọn vẹn, trước hết bạn phải chết. Chỉ một người đã chết mới không có gì để mất và không có gì để đạt.” Rinpoche không nói về bardo ở đây, nhưng những lời của ngài có thể trực tiếp ứng dụng vào bardo. Tôi đã bổ sung một số bình luận để kết nối lời của Ngài với các bardo:

Mọi người luôn hỏi tôi rằng trở thành một Phật tử có nghĩa là gì. Câu trả lời của tôi là: “Có nghĩa là không-ai-cả” [an trú trong bardo pháp tính, thực tính vô ngã của chúng ta]. Con đường tâm linh thực sự không phải là trở thành. Đó là không trở thành. [Không phải là về sự tái sinh bất tận qua bardo khởi sinh, mà là ở lại với pháp tính bất tử.] Khi chúng ta buông bỏ nỗ lực vô ích để trở thành ai đó, tự do và giác ngộ sẽ tự lo cho chúng. [Chúng ta vẫn trụ trong pháp tính, như không-ai-cả, và không rơi vào bardo khởi sinh thành ai đó.] Chúng ta thấy mình vốn đã siêu việt [sự thật về bản chất pháp tính của chúng ta] và say sưa xem cách giải thoát dễ dàng hiển lộ [chúng ta chỉ phải buông bỏ, và chết trong thật tính của mình – chúng ta chỉ cần thư giãn]… Chúng ta phải cho cái tôi ảo tưởng này chết đi sống lại. Cái chết này sâu hơn cái chết thể xác. Cái chết này cho phép tất cả nỗi thống khổ của chúng ta tan biến vĩnh viễn. Đó không phải là kết thúc của một cái gì đó. Đó là sự khởi đầu của cuộc sống nơi hoa trái của yêu thương và trí tuệ nở rộ.

Hãy làm quen với bản chất bất tử của mình ngay bây giờ, và bạn sẽ nhận ra nó khi chết. Bạn sẽ trở nên vô ngã trước khi bị buộc phải làm như vậy, và do đó tịnh quang con sẽ dễ dàng nhận ra tịnh quang mẹ.

Pháp Hữu Ủy Thác, Di Chúc Pháp, Hộp Pháp

Cuối cùng, Anyen Rinpoche đưa ra những lời khuyên hữu ích về những pháp hữu ủy thác, di chúc pháp và hộp pháp. Đây là những biện pháp thiết thực đảm bảo rằng bạn và những người chăm sóc bạn thực hiện những thực hành và giáo pháp mà bạn muốn khi bạn chết. Tóm lại, những pháp hữu ủy thác là những người sẽ thực hiện di chúc pháp mà họ tìm thấy trong hộp pháp của bạn.

Pháp hữu ủy thác là những người bạn tâm linh đồng lòng giúp đỡ lẫn nhau lúc chết theo những chỉ dẫn để lại trong di chúc pháp của họ. Những người bạn tâm linh này lập một thỏa ước với nhau. Họ chia sẻ di chúc pháp và quan kiến của mình về cách mình muốn chết, sau đó thực hiện những mong muốn đó. Việc gặp nhau hàng năm để cập nhật những mong muốn của mình và chia sẻ những hiểu biết hoặc giáo huấn mới về cái chết sẽ rất hữu ích. Nếu một pháp hữu ủy thác bị ốm nặng, cả nhóm sẽ hợp lại để triển khai một kế hoạch chăm sóc tâm linh.

Hãy chọn những pháp hữu ủy thác của mình dựa trên những câu hỏi sau: Mình muốn ai ở bên khi chết? Mình tin ai để trông nom cái chết của mình, và do đó thậm chí còn gieo mầm cho kiếp sống tiếp theo của mình? Mình muốn ai nắm quyền kiểm soát khi bản thân không còn có thể?

Di chúc pháp là một tài liệu thân mật bày tỏ với những pháp hữu những gì chúng ta muốn họ làm trong và sau khi mình chết. Di chúc chỉ định những pháp hữu ủy thác, cung cấp thông tin liên lạc với các bậc thầy để họ có thể được thông báo về tình trạng của chúng ta, liệt kê thông tin về các tu viện (và cách liên hệ với họ) nếu chúng ta muốn các nghi lễ cụ thể được thực hiện cho mình, thời điểm tiến hành các nghi lễ sau khi chết, v.v… Mặc dù di chúc pháp không có tính chính thức nhiều như một bản di chúc theo luật định, nhưng vẫn có thể có những chỗ trùng nhau. Bạn có thể kiểm tra với một luật sư để xem liệu những gì mình yêu cầu có thể được thực hiện hay không.

Hãy đến thăm các nhà tang lễ ngay bây giờ để thảo luận về bất kỳ yêu cầu đặc biệt nào, sau đó để tên nhà tang lễ trong di chúc pháp. Nếu bạn chết trong bệnh viện, nhưng muốn có thời gian để gia đình có mặt bên thi thể mình tại nhà, hãy để lại yêu cầu này trong di chúc pháp. Anyen Rinpoche nói: “Nếu chúng ta không thực sự soạn những giấy tờ này và giao cho gia đình cùng những pháp hữu ủy thác, và để thêm các bản sao vào hộp pháp của mình, chúng ta có nguy cơ đánh mất cơ hội giải thoát quý giá khi chết.” Sau khi đã viết di chúc pháp của mình, hãy xem xét và điều chỉnh nó hàng năm. Mình có thấy mọi thứ khác đi trong năm nay không? Điều gì quan trọng đối với mình bây giờ? Sự xem xét lại hàng năm này cũng giúp bạn đánh giá sự tiến bộ tâm linh của mình và nhắc nhở bạn về sự vô thường.

Hộp pháp là chiếc hộp chứa tất cả những gì những người bạn tâm linh của chúng ta cần biết, và phải có, để giúp chúng ta lúc chết. Hãy hình dung cái chết lý tưởng của mình, sau đó viết ra những điều người khác cần biết để biến nó thành hiện thực. Bạn muốn ai, cái gì ở bên mình? Bạn muốn được đọc những giáo lý nào cho mình nghe? Hãy lưu ý để không làm khó những pháp hữu ủy thác của mình với những yêu cầu vô lý. Đây là lý do vì sao điều quan trọng là phải thảo luận về các di chúc pháp với nhau. Đây có phải là điều những người khác thực sự có thể làm? Bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu họ yêu cầu bạn làm điều đó?

Hộp pháp sẽ bao gồm bản sao các tài liệu pháp lý của bạn, các mục nghi lễ, các nghi lễ bạn muốn đọc (bao gồm một số bản sao của các nghi lễ này nếu bạn muốn người khác cùng đọc) và hướng dẫn cho gia đình và bạn bè. Hãy thông báo cho gia đình, hoặc những người bạn “không tâm linh” khác, những người có thể liên quan đến cái chết của bạn, về hộp pháp và những hướng dẫn trong hộp. Nếu không, sẽ rất khó xử nếu những người bạn tâm linh của bạn đến để thực hiện các chỉ dẫn của bạn và vô tình đẩy những người thân khác sang một bên. Hãy cho gia đình biết mong muốn có những người bạn tâm linh giúp đỡ mình lúc qua đời là mong mỏi chân thành của bạn. Công việc hiện tại của bạn là giải quyết những công việc tương lai của những pháp hữu ủy thác. Những người bạn tâm linh của bạn sau đó nên làm mọi thứ có thể để bao gồm cả những người ngoài cuộc. Họ nên giải thích các thực hành và nghi lễ, và hoan nghênh gia đình cùng tham gia.

Ngoài các chỉ dẫn chính thức chuẩn bị trước, điều quan trọn là phải thảo luận với các thành viên trong gia đình về mong muốn cuối đời của bạn. Thông báo cho gia đình và bạn bè không theo Phật giáo biết nhu cầu của bạn về một môi trường yên tĩnh và an bình. Phụ lục 1 đưa ra gợi ý thêm về những gì cần đặt trong hộp pháp. Hãy đảm bảo gia đình và bạn bè biết nơi có thể tìm thấy nó.

Lập di chúc pháp của bạn, đặt các vật phẩm nghi lễ, văn bản thiêng liêng và nguyện vọng của bạn vào hộp pháp, và nhờ những người bạn tâm linh đáng tin cậy thực hiện. Tất cả sẽ giúp mọi người thư giãn – chỉ dẫn quan trọng để có một cái chết an lành. Hãy hình dung sự an tâm khi biết rằng mọi thứ có thể đang được thực hiện cho mình, bởi những người mình tin cậy và vào thời điểm mình cần nhất.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. LÀM GÌ CHO NGƯỜI KHÁC TRƯỚC KHI CHẾT
  2. NHỮNG VIỆC CẦN LÀM TRONG THỰC TẾ
  3. SỐNG TỐT MỘT ĐỜI, HỌC ĐỂ BUÔNG BỎ

Bài viết mới

  1. CÂN BẰNG CƠ THỂ VÀ TÂM TRÍ
  2. TÂM HỒN HAY YẾU TÍNH THI CA
  3. NĂNG LỰC SÁNG TẠO