QUY LUẬT NHÂN QUẢ – GIEO HẠT

NGUYỄN CÔNG THÁI

Trích: Hành Trình Trở Thành Người Giáo Viên, Hạnh Phúc - Thịnh Vượng - Bình An; NXB Dân Trí.

Bạn hãy tự đặt cho mình một câu hỏi, và thử tự tìm câu trả lời trong chính trường hợp bản thân mình: “Phụng sự khi nào? Phụng sự để thành công và hạnh phúc – hay hạnh phúc, thành công rồi mới phụng sự?

Giá trị của phụng sự là khiến ta hạnh phúc, bình an và viên mãn. Và khi đã đạt được hạnh phúc rồi, liệu chúng ta có cần tiếp tục phụng sự hay không sẽ là điều bạn thắc mắc nhất ở thời điểm ấy. Tôi sẽ ví phụng sự như việc học của con người, là dòng chảy không bao giờ ngừng ngoài khơi xa. Chúng ta cần luồn lách và duy trì công việc này mãi để giúp chính bản thân mình. Tất cả đều tuân theo “quy luật sắt của vũ trụ”, chính là “nhân quả tuần hoàn”. Nó chỉ phối vạn vật, tác động và ảnh hưởng trực tiếp tới mọi sự kiện, bất kỳ ai, bất kỳ đất nước nào. Chúng ta sống trong vũ trụ có kỷ luật, bị chi phối chặt chẽ bởi quy luật và sự hiểu biết này là trung tâm của các quy luật hay nguyên tắc khác. Trong cuộc sống, mọi sự việc xảy ra đều có nguyên nhân, dù thành hay bại, xấu hay tốt. Hạnh phúc may mắn không đến một cách tình cờ hay như một phép màu, nó phụ thuộc và suy nghĩ và quyết định của bạn ở những tình huống gặp phải trong cuộc sống. Mọi thứ bạn từng trải qua đều bắt đầu bằng một kiểu suy nghĩ nào đó của bạn hay của người khác. Mọi thứ bạn đang và sẽ trở thành là kết quả của cách bạn suy nghĩ.

Nếu bạn thay đổi chất lượng suy nghĩ thì chất lượng cuộc sống của bạn sẽ thay đổi. Bạn xây dựng toàn bộ thế giới của mình theo cách bạn suy nghĩ và đặt vấn đề về cuộc sống. Giá trị, ý nghĩa của con người, sự việc và tình huống xảy ra xung quanh đều phụ thuộc vào suy nghĩ của bạn. Chính vì vậy, khi bạn thay đổi suy nghĩ cũng có nghĩa là bạn thay đổi cuộc đời mình. Phụng sự cũng không nằm ngoài quy luật này, càng phụng sự tốt bao nhiêu thì bạn càng thành công và hạnh phúc bấy nhiêu. Phật giáo cũng thừa nhận có vận mệnh tồn tại, có thể đoán trước. Vì vậy mới có câu: “Muốn biết quá khứ hoặc tương lai của một người chỉ cần nhìn những điều người đó đang nhận hoặc đang làm ở hiện tại là có thể biết được”. Nhưng khác với các thuyết khác như phong thủy, tướng số, tử vi cho rằng: vận mệnh là cái đã định trước. Phật giáo cho rằng: vận mệnh là do tự bản thân con người nắm giữ, quyết định nên hoàn toàn có thể cải thiện, thay đổi.

Bổ sung thêm cho luật nhân quả chính là quy luật gieo hạt, điều mà chúng ta dễ dàng thấy trong cuộc sống hơn cả. Quy luật này được đề cập hết sức đơn giản: bạn sẽ gặt hái những gì bạn gieo trồng. Nhưng để được đến ngày “gặt” bao gồm trong đó cả sự kiên nhẫn. Gieo hạt trồng cây không phải là chuyện dễ dàng, bởi đó chuỗi hành động cần nỗ lực hơn cả. Gieo hạt ý chỉ những nỗ lực chúng ta đặt vào công việc. Để hạt có thể phát triển ta cần kiên nhẫn chăm bón, tưới tiêu, đợi một thời gian vừa đủ để thành phẩm có thể thu hoạch được. Bạn thấy đó, Kết Quả = Nỗ Lực + Kiên Nhẫn. Đừng vội vàng hấp tấp, đừng hỏi “nếu tôi gieo hạt ngày hôm qua thì hôm nay tôi nhận được gì”… vì kết quả chỉ là những hạt đậu ướt mà thôi!

Mỗi hạt luôn tạo ra một cây. Vì vậy những điều tốt bạn nhận được, hay những điều phiền muộn bạn đang gánh lấy đều là nguyên nhân từ những hạt mà bạn đã gieo. Gieo những suy nghĩ tích cực sẽ tạo ra những hành động tích cực. Gieo những điều tốt hằng ngày sẽ giúp bạn có được hạnh phúc và niềm vui. Một bài học khác mà chúng ta học được từ việc “trồng đậu” là đôi khi bạn gieo 100 hạt giống, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn sẽ thu hoạch được đúng 100 cây đậu. Bởi trong số đó sẽ có hạt bị sâu, thối, có hạt không đủ dinh dưỡng để nảy mầm. Và chúng ta gọi đó là rủi ro. Chính vì thế, giữa hàng trăm người bạn, ta chỉ có một (vài) người tri kỷ, trong 50 cuộc phỏng vấn ta mới tìm được một công việc mình yêu thích. Đó là lý do bạn cần kiên nhẫn, cũng như chấp nhận rằng mình sẽ “đổ sông đổ biển” rất nhiều công sức chỉ để nhận lại đôi khi là một quả ngọt duy nhất! Nhưng bạn hãy tin tôi đi, quả ngọt ấy sẽ luôn xứng đáng!

Nếu vì e ngại những khó khăn của gieo gặt mà ngồi yên không làm gì, bạn sẽ chẳng nhận được quả ngọt nào. Nếu bạn đang mong cầu về tài chính ổn định, tuy nhiên bạn đã không tìm kiếm người giúp bạn đạt được hoặc lao động nhằm gia tăng nguồn tài chính sẵn có. Thì hiển nhiên bạn không thể thu hoạch được kết quả vì bạn đã không gieo lấy hạt giống tài chính nào cả. Và ngược lại, bạn không muốn có những điều đau khổ đến với bản thân mình thì không thể gieo hạt. Đây là bốn quy luật “gieo hạt” trong mọi lĩnh vực mà tôi đã học và ứng dụng trong suốt gần bao năm qua, khi nắm biết và vận dụng quy luật này, sẽ giúp bạn thấu hiểu được nguyên nhân dẫn đến kết quả của cuộc sống hiện tại và làm thế nào để “gieo hạt tốt” cho tương lai của mình.

Khi bạn tự hỏi: “Nếu hôm nay tôi trồng đậu, ngày mai tôi nhận được gì?” thì đừng bao giờ trả lời rằng: “Cậu chỉ nhận được những hạt giống ướt mà thôi”. Quy luật gieo hạt sẽ trả lời cho bạn bằng một niềm hy vọng rằng: “Bạn trồng cây hôm nay để thu hoạch sau này”. Quy luật gieo hạt giúp chúng ta không bao giờ thất vọng khi làm bất cứ việc gì, nó mách chúng ta khi bạn muốn có kết quả trước hết phải nỗ lực. Nỗ lực phụng sự, nỗ lực “gieo trồng” để có những quả ngọt về sau. Khi hiểu được “Quy luật của hạt giống”, chúng ta sẽ không cảm thấy thất vọng, bế tắc khi phải đối mặt với những thất bại. Hãy học cách kiên nhẫn và chai lì với những thất bại trên đường dài tìm kiếm những thành công. Những người thành đạt thường phải trải qua rất nhiều thất bại, vấn đề là họ đã bỏ công sức gieo trồng để có nhiều hạt hơn những người bình thường.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. TẠI SAO CON NGƯỜI CẦN HÀNH ĐỘNG CHÍNH TRỰC?
  2. BA CON ĐƯỜNG
  3. TẠI SAO PHỤNG SỰ LẠI QUAN TRỌNG?

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP