QUY LUẬT TIỀM NĂNG THUẦN KHIẾT

DEEPAK CHOPRA

Trích: Bản Quy Luật Tinh Thần Của Thành Công; Lý Đình dịch; NXB Thế Giới.

Nguồn gốc của mọi sáng tạo là ý thức thuần khiết… tiềm năng thuần khiết tìm kiếm biểu hiện từ những điều chưa hiển lộ cho đến những điều hiển lộ.

Và khi nhận ra Cái Tôi đích thực của chúng ta là một trong những tiềm năng thuần khiết, chúng ta trở nên ngang hàng với thứ sức mạnh có khả năng khiến vạn vật trong vũ trụ trở nên hiển lộ.

Thuở ban đầu

Chẳng có tồn tại hay không tồn tại,

Toàn bộ thế giới này chỉ là năng lượng không hiển lộ…

Người thở, mà không có hơi thở, với nội lực của chính mình

Chẳng có gì khác trong đó.

– Tụng ca Sáng tạo, Kinh Vệ đà

Quy luật tinh thần đầu tiên của thành công là Quy luật Tiềm năng Thuần khiết. Quy luật này dựa trên thực tế là chúng ta, về bản chất, đều là ý thức thuần khiết. Ý thức thuần khiết là tiềm năng thuần khiết; nó là trường của mọi khả năng và của tính sáng tạo bất tận. Ý thức thuần khiết là cốt tủy tinh thần của chúng ta. Bất tận và không ranh giới, nó cũng chính là niềm vui thuần khiết. Các thuộc tính khác của ý thức bao gồm kiến thức thuần khiết, im lặng vô hạn, cân bằng hoàn hảo, ý chí không gục ngã, sự giản đơn và sự toàn phúc. Đó là bản chất cốt yếu của chúng ta. Và bản chất cốt yếu ấy là bản chất của tiềm năng thuần khiết.

Khi bạn khám phá ra bản chất cốt yếu của mình và biết rõ bạn thực sự là ai, trong sự tự nhận thức ấy là khả năng thực hiện được bất cứ ước mơ nào của bạn, bởi bạn cũng là khả năng vĩnh cửu, là tiềm năng vô hạn của tất cả những điều đã, đang và sẽ là. Quy luật Tiềm năng Thuần khiết cũng có thể gọi là Quy luật Đồng nhất bởi bên dưới sự đa dạng bất tận của cuộc sống này là sự thống nhất của một tinh thần lan tỏa khắp nơi. Không có sự cách biệt nào giữa bạn và trường năng lượng này. Trường tiềm năng thuần khiết là Cái Tôi của chính bạn. Và càng trải nghiệm bản chất đích thực của mình, bạn sẽ càng tiến gần hơn tới trường tiềm năng thuần khiết.

Việc trải nghiệm Cái Tôi, hay còn gọi là “hướng-tới-cái-tôi”, có nghĩa điểm tham chiếu nội tại của chúng ta chính là tinh thần chúng ta chứ không phải các đối tượng của sự trải nghiệm đó. Trái ngược với hướng-tới-cái-tôi là hướng-tới-khách-thể. Trong hướng-tới-khách-thể, chúng ta luôn bị tác động bởi những yếu tố khách quan bên ngoài Cái Tôi, bao gồm các hoàn cảnh, tình huống, con người và sự vật. Trong hướng-tới-khách-thể, chúng ta không ngừng tìm kiếm sự ủng hộ từ những người khác. Suy nghĩ và hành vi của chúng ta luôn trong trạng thái lường trước một phản ứng nào đó. Do vậy mà nó thường dựa trên sợ hãi.

Trong hướng-tới-khách-thể, chúng ta còn luôn cảm thấy nhu cầu khẩn thiết muốn kiểm soát mọi thứ. Chúng ta cảm thấy nhu cầu khẩn thiết có được sức mạnh bên ngoài. Nhu cầu được ủng hộ, nhu cầu kiểm soát mọi thứ và nhu cầu có được ngoại lực là những nhu cầu dựa trên sự sợ hãi. Kiểu sức mạnh này không phải là sức mạnh của tiềm năng thuần khiết, hay sức mạnh của Cái Tôi, hay thứ sức mạnh thực sự. Một khi chúng ta có được sức mạnh của Cái Tôi thì sẽ không còn chỗ cho sự sợ hãi, không còn nỗi thôi thúc muốn kiểm soát, và không còn phải đấu tranh để được ủng hộ hay để có ngoại lực.

Trong hướng-tới-khách-thể, điểm quy chiếu nội tại của bạn là bản ngã hướng ngoại. Bản ngã hướng ngoại ấy, tuy vậy, không phải là con người thực sự của bạn. Nó là sự tự nhận thức về chính mình; nó là thứ mặt nạ bạn mang vào khi sống ngoài xã hội; nó là vai trò mà bạn đang có. Mặt nạ xã hội của bạn phát triển nhờ vào sự ủng hộ. Nó muốn kiểm soát, và nó được duy trì bởi sức mạnh, vì nó tồn tại trong sợ hãi.

Cái Tôi đích thực của bạn, vốn là tinh thần của bạn, là tâm hồn của bạn, hoàn toàn không chịu tác động bởi những thứ đó. Nó miễn nhiễm với mọi sự chỉ trích, nó không sợ bất cứ thử thách nào và nó không cảm thấy thấp kém trước bất kỳ ai. Vậy nhưng nó cũng nhún nhường và không cảm thấy ưu việt hơn ai, bởi nó nhận ra rằng bất cứ ai cũng đều có Cái Tôi như thế, có thứ tinh thần như thế – chỉ là chúng nằm trong những dáng vẻ ngụy trang khác nhau mà thôi.

Đó là sự khác biệt mang tính bản chất giữa hướng-tới-khách-thể và hướng-tới-cái-tôi. Trong hướng-tới-cái-tôi, bạn sống với con người đích thực của mình, không sợ hãi trước bất cứ thử thách nào, tôn trọng tất cả mọi người và không cảm thấy thấp kém trước bất kỳ ai. Do vậy, sức-mạnh-cái-tôi là sức mạnh đích thực.

Trong khi đó, sức mạnh trên cơ sở hướng-tới-khách-thể lại là sức mạnh giả tạo. Thứ sức mạnh dựa vào bản ngã hướng ngoại này thường chỉ tồn tại khi yếu tố khách thể đó vẫn còn tồn tại. Nếu bạn có một chức danh nhất định – chẳng hạn, nếu bạn là Chủ tịch nước hay Chủ tịch một tập đoàn – hoặc nếu bạn có nhiều tiền thì thứ sức mạnh mà bạn được hưởng gắn liền với chức danh, với Công việc và với tiền bạc. Sức mạnh dựa vào bản ngã hướng ngoại chỉ kéo dài trong thời gian những thứ đó vẫn còn hiện hữu. Nếu chức danh, công việc và tiền bạc biến mất thì sức mạnh đó cũng không còn.

Mặt khác, sức-mạnh-cái-tôi là vĩnh cửu bởi nó dựa trên sự hiểu biết về Cái Tôi. Và sức-mạnh-cái-tôi có một số đặc trưng nhất định. Nó lôi kéo mọi người về phía bạn và đồng thời lôi kéo theo cả những thứ bạn muốn về phía bạn. Nó hút lấy mọi người, những điều kiện và cảnh huống để giúp bạn thực hiện khát vọng của mình. Điều này còn được gọi là sự hỗ trợ từ các quy luật tự nhiên. Đó là sự hỗ trợ của thần thánh; là sự hỗ trợ mang tính an phúc. Sức mạnh của bạn là thứ sức mạnh bạn gắn kết với mọi người; và mọi người cũng gắn kết với bạn. Sức mạnh của bạn là sức mạnh của sự gắn kết – sự gắn kết bắt nguồn từ tình yêu đích thực.

Vậy làm thế nào có thể áp dụng Quy luật Tiềm năng Thuần khiết, trường của mọi khả năng, vào cuộc sống chúng ta? Nếu bạn muốn được hưởng những lợi ích từ tiềm năng thuần khiết, nếu bạn muốn tận dụng mọi khả năng sáng tạo gắn kết với ý thức thuần khiết thì bạn phải tiếp cận được nó. Và một cách để tiếp cận nó là luyện tập hàng ngày: giữ im lặng, tham thiền và không-phán-xét. Dành thời gian hòa mình vào tự nhiên cũng sẽ giúp bạn tiếp cận được những đặc tính gắn liền với trường này: sáng tạo, tự do và hạnh phúc vô hạn.

Luyện tập im lặng đồng nghĩa với việc lập cam kết dành ra một khoảng thời gian nhất định để đơn giản là Sống. Trải nghiệm sự im lặng có nghĩa bạn sẽ định kỳ rút khỏi hoạt động giao tiếp bằng lời. Đồng thời, nó còn có nghĩa bạn sẽ không xem tivi, nghe radio hay đọc sách trong những khoảng thời gian định kỳ. Nếu bạn không bao giờ tự mang đến cho mình cơ hội trải nghiệm sự im lặng, điều này sẽ dẫn đến sự xáo trộn trong đối thoại nội tâm bên trong con người bạn.

Đôi khi hãy dành ra một chút thời gian để trải nghiệm sự im lặng. Hay đơn giản chỉ là cam kết giữ im lặng trong một khoảng thời gian nhất định mỗi ngày. Bạn có thể im lặng trong hai giờ đồng hồ, hoặc nếu như thế có vẻ quá nhiều, hãy giữ im lặng trong khoảng một giờ đồng hồ thôi. Rồi dần dần kéo dài thời gian trải nghiệm sự im lặng, chẳng hạn trong một ngày, hoặc hai ngày, hoặc thậm chí cả một tuần.

Điều gì xảy ra khi bạn bước vào sự trải nghiệm im lặng này? Ban đầu, đối thoại nội tâm bên trong con người bạn thậm chí trở nên xáo trộn hơn. Bạn cảm thấy nhu cầu cấp thiết được nói. Tôi có biết những người hoàn toàn phát điên trong một hoặc hai ngày đầu khi họ tự cam kết kéo dài thời gian im lặng. Cảm giác bức thiết và lo lắng đột nhiên choán lấy họ. Nhưng khi họ tiếp tục giữ im lặng, đối thoại nội tâm bắt đầu lắng xuống. Và không lâu sau, im lặng trở nên sâu xa. Đó là do, sau một khoảng thời gian, tâm trí đầu hàng; nó nhận ra rằng chẳng ích gì khi cứ nổi loạn như thế nếu bạn – Cái Tôi, tinh thần, người lựa chọn – vẫn sẽ, không nói. Sau đó, khi đối thoại nội tâm lắng xuống, bạn bắt đầu trải nghiệm sự im lặng thuộc trường tiềm năng thuần khiết.

Luyện tập giữ im lặng theo thời gian định khi thuận tiện cho bạn là một cách để trải nghiệm, Quy luật Tiềm năng Thuần khiết. Một cách khác là dành thời gian tham thiền mỗi ngày. Tốt nhất, bạn nên thiền ít nhất ba mươi phút vào mỗi buổi sáng, ba mươi phút vào mỗi buổi tối. Thông qua tham thiền, bạn sẽ biết cách trải nghiệm trường im lặng thuần khiết và ý thức thuần khiết. Bên trong trường im lặng thuần khiết này là trường tương quan vô hạn, trường quyền năng tổ chức vô hạn, nền tảng tối hậu của sáng tạo nơi vạn vật được gắn kết với nhau không thể tách rời.

Trong quy luật tinh thần thứ năm, Quy luật Mục đích và Khát Vọng, bạn sẽ thấy có thể bắt đầu đưa ra một mục đích mờ nhạt trong trường này như thế nào, và việc hình thành những khát vọng của bạn sẽ xảy đến một cách tự nhiên ra sao. Nhưng trước hết, bạn phải trải nghiệm sự tĩnh lặng. Tĩnh lặng là yêu cầu đầu tiên để hiện thực hóa những khát vọng của bạn, bởi trong tĩnh lặng bạn được kết nối với trường tiềm năng thuần khiết vốn có khả năng sắp đặt vô vàn những chi tiết cho bạn.

Hãy tưởng tượng bạn ném một viên đá nhỏ xuống mặt hồ phẳng lặng và quan sát mặt hồ gợn sóng. Một lát sau, khi những gợn sóng đó lặn đi, có thể bạn mới ném hòn tiếp theo. Đó chính xác là điều bạn làm khi đi vào trường im lặng thuần khiết và đưa ra mục đích của mình. Trong sự tĩnh lặng này, ngay cả mục đích mờ nhạt nhất cũng sẽ gợn sóng qua tầng đáy của ý thức vũ trụ, nơi kết nối vạn vật với nhau. Nhưng, nếu bạn không trải nghiệm sự tĩnh lặng trong ý thức, nếu tâm trí bạn giống như một đại dương đầy biến động, thì bạn có thể ném cả Tòa nhà Empire State vào nó mà không nhận thấy điều gì. Trong Kinh Thánh có viết, “Hãy yên lặng và biết rằng Ta là Chúa Trời.” Điều này chỉ có thể đạt được qua việc tham thiền.

Một cách khác tiếp cận trường tiềm năng thuần khiết là qua việc luyện tập không-phán-xét. Phán xét là không ngừng đánh giá sự việc theo, chiều hướng đúng hay sai, tốt hay xấu. Khi liên tiếp đưa ra những đánh giá, phân loại, xếp hạng, phân tích, bạn sẽ tạo ra vô số những xáo trộn trong đối thoại nội tâm. Sự xáo trộn này cản trở dòng chảy năng lượng giữa bạn với trường tiềm năng thuần khiết. Do vậy, việc không-phán-xét sẽ giúp bạn thu hẹp được khoảng trống giữa những ý tưởng.

Khoảng trống là mối liên hệ của bạn với trường tiềm năng thuần khiết. Đó là trạng thái ý thức thuần khiết, là khoảng lặng giữa những ý tưởng, là sự tĩnh lặng bên trong kết nối bạn với sức mạnh thực sự. Và khi bạn siết hẹp khoảng trống, có nghĩa là bạn siết chặt mối liên hệ giữa bạn với trường tiềm năng thuần khiết và sáng tạo vô tận.

Trong cuốn Một khóa học về phép màu có một lời cầu nguyện rằng, “Ngày hôm nay tôi sẽ không phán xét bất cứ điều gì xảy ra.” Không-phán-xét tạo ra sự tĩnh lặng trong tâm trí. Do vậy, sẽ là một ý tưởng hay nếu bắt đầu một ngày mới với câu nói đó. Và trong cả ngày hôm ấy, hãy tự nhắc mình nhớ đến lời cầu nguyện đó mỗi khi bạn bắt gặp chính mình đang phán xét. Nếu làm vậy suốt cả ngày có vẻ như quá khó khăn, bạn có thể chỉ đơn giản là tự nhắc mình rằng, “Trong hai giờ tới, mình sẽ không phán xét điều gì cả,” hoặc “Mình sẽ không đưa ra bất kỳ phán xét nào trong  một giờ tiếp theo.” Sau đó bạn có thể dần dần kéo dài thời gian không-phán-xét.

Thông qua phương pháp im lặng, tham thiền và không-phán-xét, bạn sẽ tiếp cận được quy luật đầu tiên, Quy luật Tiềm năng Thuần khiết. Khi bắt đầu thực hiện điều đó, bạn có thể bổ sung thêm phương pháp luyện tập thứ tư, đó là bạn đều đặn dành thời gian trực tiếp giao hòa với thiên nhiên. Dành thời gian sống với thiên nhiên sẽ giúp bạn cảm nhận được sự giao hòa của mọi nhân tố và các lực cấu thành nên cuộc sống, mang lại cho bạn cảm giác hòa hợp với mọi thành phần của cuộc sống. Bất kể đó là dòng suối, cánh rừng, ngọn núi, là ao hồ hay bãi biển thì mối liên hệ với trí tuệ tự nhiên cũng sẽ giúp bạn tiếp cận được trường tiềm năng thuần khiết.

Bạn phải học cách chạm đến bản chất sâu thẳm nhất trong con người mình. Bản chất đích thực này vượt ra ngoài bản ngã. Nó đầy dũng khí; nó tự do; nó miễn nhiễm với mọi chỉ trích; nó không sợ bất cứ thử thách nào. Nó không thấp kém hơn ai, cũng chẳng đứng trên ai, và nó đầy ma lực, kỳ bí và lôi cuốn.

Tiếp cận bản chất đích thực cũng sẽ giúp bạn nhìn thấu được tấm gương của các mối quan hệ, bởi tất cả các mối quan hệ đều là sự phản chiếu quan hệ của bạn với chính bản thân mình. Chẳng hạn, nếu bạn thấy có lỗi, sợ hãi và bất an về tiền bạc, thành công hay bất cứ điều gì khác thì đó là những phản chiếu về tội lỗi, nỗi sợ hãi và cảm giác bất an như những khía cạnh cơ bản của tính cách con người bạn. Chẳng có khoản tiền hay thành công nào có thể giải quyết được những vấn đề căn bản của sự tồn tại, chỉ có việc thấu rõ Cái Tôi mới có thể đem lại sự hàn gắn đích thực. Và khi bạn đã quá thấu hiểu về Cái Tôi đích thực – khi bạn thực sự hiểu được bản chất đích thực của mình – bạn sẽ không bao giờ có cảm giác tội lỗi, sợ hãi hay bất an về tiền bạc, của cải hay việc thực hiện những khát vọng của mình, bởi bạn sẽ nhận ra rằng bản chất của mọi giàu có vật chất chính là năng lượng cuộc sống, đó là tiềm năng thuần khiết. Và tiềm năng thuần khiết là bản chất bên trong của bạn.

Khi bạn càng tiếp cận gần hơn tới bản chất đích thực của mình, bạn sẽ có được những ý tưởng sáng tạo một cách tự nhiên, bởi trường tiềm năng thuần khiết cũng là trường của sáng tạo vô hạn và kiến thức thuần khiết. Franz Kafka, nhà triết học và là nhà thơ người Áo, từng nói: “Bạn không cần phải rời căn phòng của mình. Hãy cứ ngồi tại chỗ mà lắng nghe. Thậm chí bạn không cần phải lắng nghe, chỉ cần chờ đợi. Bạn thậm chí chẳng cần phải chờ đợi, chỉ cần học cách trở nên im lặng, trầm mặc, và cô tịch. Thế giới sẽ tự dâng nó cho bạn và mở ra trước mắt bạn. Nó không có lựa chọn nào khác, nó sẽ lăn mình trong nhận định dưới chân bạn.”

Sự giàu có của vũ trụ – sự phô bày phong phú và tràn đầy của vũ trụ – là một biểu hiện của tâm trí tự nhiên đầy sáng tạo. Càng hòa nhập sâu vào tâm trí tự nhiên, bạn càng đến gần hơn với sức sáng tạo vô tận và không giới hạn của nó. Nhưng trước hết, bạn phải vượt qua sự xáo trộn trong đối thoại nội tâm của mình để kết nối với tâm trí tràn đầy, giàu có, vô hạn và đầy sáng tạo đó. Tiếp đó bạn tạo cho mình khả năng hoạt động năng nổ, đồng thời vẫn mang trong mình sự tĩnh lặng của tâm trí vĩnh cửu, không giới hạn và đầy sáng tạo. Sự kết hợp mật thiết giữa một tâm trí tĩnh lặng, không giới hạn và vô tận với một tâm trí năng động, có giới hạn và cá biệt là sự cân bằng hoàn hảo cùng lúc của sự tĩnh lặng với sự vận động có thể tạo ra bất cứ thứ gì bạn muốn. Sự tồn tại song song đồng thời của những nhân tố đối nghịch nhau – sự tĩnh lặng và năng động – khiến bạn không phải phụ thuộc vào hoàn cảnh, tình huống, con người và sự vật.

Khi thanh thản nhận thức được sự tồn tại song song mật thiết của những nhân tố đối lập này, bạn gắn kết bản thân mình với thế giới năng lượng – hỗn hợp lượng tử, phi-vật-chất phi-chất-liệu vốn là nguồn gốc của thế giới vật chất. Thế giới năng lượng này không tĩnh lặng, co giãn, dễ biến đổi, đầy năng động và luôn vận động. Nhưng đồng thời nó cũng không thay đổi, tĩnh lặng, yên ắng, vĩnh cửu và thanh tịnh.

Bản thân tĩnh lặng là tiềm năng sáng tạo; bản thân vận động là sự sáng tạo được giới hạn vào một khía cạnh biểu hiện nhất định của nó. Tuy nhiên, sự kết hợp giữa vận động và tĩnh lặng giúp bạn phát huy sức sáng tạo của mình trên tất cả mọi hướng – bất cứ nơi nào sức mạnh của sự chú ý đưa bạn tới.

Dù bạn đi tới bất cứ đâu trong sự vận động và hoạt động, hãy luôn mang theo sự tĩnh lặng trong con người mình. Để rồi sự vận động hỗn loạn quanh bạn sẽ không bao giờ làm lu mờ được con đường đưa bạn đến với nguồn sáng tạo, trường tiềm năng thuần khiết.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. QUY LUẬT CHO
  2. QUY LUẬT NỖ LỰC TỐI THIỂU
  3. QUY LUẬT CỦA NGHIỆP QUẢ

Bài viết khác của tác giả

  1. ÁP DỤNG QUY LUẬT NHÂN QUẢ
  2. THAY ĐỔI THỰC TẾ CỦA BẠN ĐỂ THÍCH ỨNG VỚI BÍ MẬT THỨ CHÍN
  3. ÁP DỤNG QUY LUẬT NỖ LỰC TỐI THIỂU

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP