SỐNG KHÔNG NHÌN LUI, SỐNG KHÔNG NHÌN TỚI

CAO HUY THUẦN

Nguồn bài: Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần.

Kim Trọng vừa thề non hẹn biển xong với Thúy Kiều thì được tin cha mất, phải về quê quán để chịu tang cha. Nửa năm sau, chàng trở lại vườn Thúy thì người yêu đã đi mất biệt, gia đình họ Vương tan nát, thềm cũ rêu phong, bóng người trước sau nào thấy. Như một giấc mơ, quá khứ tan biến. Sự sống duy nhất còn lại trong hiện tại là một nụ cười, như một linh hồn đã chứng kiến tình xưa:

Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông

Hoa đào năm ngoái? Nửa năm qua rồi, hoa ấy đâu phải là hoa năm ngoái? Xuân này là xuân năm nay, vậy thì hoa ấy phải là hoa năm nay. Luận lý thông thường là như vậy. Nhưng cái thấy của Kim Trọng không phải là cái thấy của người luận lý. Đó là cái thấy của người từ chối không nhận hiện tại, không nhận sự việc xảy ra trước mắt. Với chàng, sự thật là ngày hôm qua. Sự thật ấy, có hoa đào chứng minh. Hoa đang cười, đúng là hoa năm ngoái. Cái cười ấy, từ năm ngoái đến năm nay chưa bao giờ dứt. Không phải hai nụ cười mà là một. Chỉ một nụ cười ấy thôi. Ai không tin chàng, hãy đọc cho kỹ chữ“còn” thần diệu trong câu thơ: không phải hoa đang cười mà là hoa còn cười. Cười từ năm ngoái cho đến năm nay, vẫn là một nụ. Như một linh hồn chung thủy chờ đợi người tái ngộ.

Tôi mượn câu thơ của Nguyễn Du, và mượn chữ “còn” xuất thần trong đó, không phải để bình về tâm trạng của chàng Kim mà để nói chuyện về thời gian. Ta cứ nghĩ thời gian là có thật, vì có hôm qua, hôm nay và ngày mai. Như một mũi tên, thời gian bay thẳng một đường, hôm qua là bắt đầu, ngày mai là điểm cuối. Có thật vậy chăng? Chỉ cần anh Kim Trọng ngơ ngác trước cảnh hoang tàn là trong đầu anh lẫn lộn sau trước, hôm nay đi ngược lại hôm qua, năm nay ngược về năm trước, hiện tại quay ngược mũi tên. Có thật chăng thời gian có sinh có diệt, có điểm khởi đầu, có điểm kết thúc? Hoa đào của chàng Kim có sinh có diệt đâu, cái cười ấy không phân biệt hôm qua và hôm nay, không biết quá khứ khác với hiện tại. Ví thử, như trong một chuyện thần tiên, anh Kim Trọng ngủ một giấc trăm năm, khi trở lại vườn Thúy, vẫn cái cười ấy trăm năm trước chờ đợi anh. Và nếu anh ngủ một giấc ngàn năm, anh ngủ một giấc thiên thu, cái cười ấy vẫn thế. Bởi vì thời gian không phải nằm ở ngoài mà nằm trong đầu anh. Và bởi vì thời gian không phải là một đường thẳng mà là một vòng tròn. Hoa đào không sinh không diệt bởi vì hết diệt lại sinh, trong sinh đã có diệt, trong diệt đã có sinh, thành trụ hoại không, không có bắt đầu, không có chấm dứt, một vòng tròn thiên thu bất tận. Nơi cái vòng tròn ấy, đâu là quá khứ, đâu là tương lai? Cứ thử đi dạo một vòng quanh hồ: điểm đi cũng là điểm đến, không có đến không có đi. Thậm chí, ta có thể nói như một đại triết gia, Marc Aurèle, rằng anh Kim Trọng chỉ cần nhìn hoa đào ấy bây giờ, một lần thôi, là thấu biết suốt hoa đào cười từ vô cùng vô tận. Quá khứ, tương lai đều không có, chỉ còn cái khoảnh khắc chàng Kim nhìn hoa đào, hoa đào cười với chàng Kim. Chỉ có cái khoảnh khắc ấy là có thật. Cái khoảnh khắc ấy chứa đựng tất cả. Như thiền tông nói: thấy thiên thu trong khoảnh khắc, thấy cả vũ trụ trong một hạt cải.

Thấy như vậy để làm gì? Đâu phải để bàn hươu tán vượn triết lý suông! Để sống. Không có quá khứ thì đừng quay đầu nhìn lui, vô ích. Không có tương lai thì đừng chờ đợi, hoài vọng, hứa hẹn, việc gì làm phải làm ngay. Không có tương lai thì cái chết cũng không phải chấm hết, nơi vòng tròn không có chấm hết, nơi chấm hết cũng là nơi lại sinh ra. Chỉ còn hiện tại. Nhưng coi chừng! Hiện tại cũng không có thật. Khi ta nói “hiện tại” thì hiện tại ấy đã đi qua rồi. Khi đồng hồ gõ 12 tiếng thì giờ thứ 12 không còn nữa, bởi vì cứ mỗi tiếng gõ là mỗi giây đã đi qua. Mở miệng ra nói “12 giờ” thì 12 giờ đã không còn là thật. Vậy sống với hiện tại là sống thế nào? Sống thế nào với một cái không có thật?

Vừa là đại hoàng đế, vừa là đại triết gia, vừa là nhà hành động, vừa là nhà suy tưởng, Marc Aurèle của La Mã cổ đại có một phương pháp cụ thể. Ông vẽ một vòng tròn, tất nhiên là vẽ trong đầu, một vòng tròn nhỏ của hành động trong vòng tròn lớn mênh mông của thời gian. Ông khoanh tròn cái mà ta gọi là hiện tại và chia nó ra từng khoảnh khắc. Cũng giống như khi tai ta đang nghe một bản hòa âm – vòng tròn lớn – mà đầu biết thấy, biết tách ra từng nốt nhạc, đây là nốt đô, đây là nốt fa, mỗi nốt là một khoảnh khắc phải khoanh lại trong vòng tròn nhỏ. Khoanh tròn và chia hiện tại ra thành từng khoảnh khắc như vậy giúp người hành động tập trung chú ý nhiều hơn để đối phó với từng sự việc, hết sự việc này đến sự việc kia, như hết khoảnh khắc này đến khoảnh khắc khác. Ta nghe bản hòa âm thì hồn mải mê rong ruổi theo nhạc, nhưng người nhạc trưởng nghe dàn nhạc chơi thì biết một nốt đô nào đó đã hỏng, phải khoanh lại để sửa. Nói như thiền tông, nốt đô ấy làm hỏng cả thiên thu nhạc bởi vì cả thiên thu nhạc nằm trong nốt đô ấy. Hay như khi ta xem múa ba lê: ta mê man nhìn sóng lượn nơi những thân hình, nơi những đôi chân, nhưng người dạy múa biết khoanh tròn một gót hài để bắt phải sửa. Lại nói theo thiền tông, cả vũ trụ múa nằm nơi một gót hài, và một chút sai nơi một ngón chân làm hỏng cả vũ trụ múa.

Cuộc đời của chúng ta cũng giống như một màn múa, một bản hòa âm. Chỉ là những ngón chân, chỉ là những nốt nhạc tập hợp lại. Chỉ là những khoảnh khắc, có khi vui, có khi buồn, và đầy khó khăn, thách đố, đầy vấn đề. Khoanh tròn từng vấn đề một, đừng để nó lẫn lộn trong mớ bòng bong quá khứ với tương lai, và giải quyết trong tỉnh táo. Nhờ vậy, hiện tại vốn là không có mà thành có, vốn là không thật mà thành thật. Nó thành có, thành thật, nó có bề dày, bởi vì ta có ý thức về nó, ý thức của ta tạo ra nó. Ý thức rằng ta đang sống với nhà ngươi đây, trong từng khoảnh khắc, chỉ với nhà ngươi đời ta mới có ý nghĩa, chỉ với nhà ngươi ta mới thực sự có tự do. Với nhà ngươi, cả thời gian, cả vũ trụ nằm trong bàn tay ta. Ngoài cái vòng tròn nhỏ của nhà ngươi, đâu biết cái chết sẽ đến lúc nào?

Chính thế, chính vì cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, và chính vì cái chết chỉ có ý nghĩa khi nó khởi đầu một cuộc sống tốt hơn, hãy sống như thể bao giờ cũng là khoảnh khắc cuối cùng và hãy yêu cuộc đời như một ân huệ tối thượng mà ta phải đền đáp bằng tất cả tốt đẹp, thánh thiện trong lòng.

Nói như thế không phải ta không biết cái vòng tròn sinh lão bệnh tửấy là khổ. Đến một tuổi nào đó, nhìn lại cuộc đời mình, nhìn mọi người chung quanh, ai có chút suy nghĩ đều không khỏi chạnh lòng về cái vô lý của kiếp người. Sáng suốt mà nói, cuộc đời không có ý nghĩa, không có mục đích gì cả. Như là một thành phần của thiên nhiên, con người cũng như mọi thành phần khác của thiên nhiên, sinh ra là để già, nghĩa là để sống từng ngày, từng ngày. Chỉ là những ngày rất tròn trôi qua, bắt đầu rồi chấm dứt ở một khoảnh khắc nào đó không rõ trong đêm. Văn minh muốn thuyết phục ta rằng ta đi đến một cái gì, một mục đích xa xôi nào đó. Sự thực, mục đích duy nhất của con người là sống, là sống mỗi ngày, và ta đạt được mục đích ấy khi ta sống hết mọi giờ của một ngày.

Nhưng đó là con người của thiên nhiên. Con người còn là con người xã hội, của những xã hội riêng biệt, và mỗi xã hội đều có những ước muốn, những mục đích riêng. Con người xã hội, vì vậy, cũng tưởng tượng ra cho mình một thời gian đi thẳng, một tương lai nhắm đến. Ngoài tương lai của từng cá nhân lại còn tương lai của tập thể. Tương lai riêng, tương lai chung, trăm mối bận tâm khiến con người lúc nào cũng sống trong dự phóng tương lai mà quên rằng đời sống chỉ có thực trong hiện tại. Ta không sống mà chỉ chạy theo hụt hơi cái bóng mình ở đằng trước.

Vậy thì làm sao giải quyết mâu thuẫn giữa con người thiên nhiên và con người xã hội, giữa thời gian – vô thời gian của thiên nhiên và thời gian một chiều của lịch sử văn minh? Thì vẽ vòng tròn với Marc Aurèle! Vòng tròn lớn là thiên nhiên vô thời gian, vòng tròn nhỏ là khoảnh khắc của hành động. Và sống, chính là sống trong vòng tròn nhỏ đó. Sống trọn vẹn, sống hết mình, sống không nhìn lui, sống không nhìn tới, ta với khoảnh khắc là một, ta với vấn đề phải giải quyết là một. Hãy đừng muốn cái gì khác ngoài cái ta đang có, và hơn thế nữa, thương cái đó, yêu cái đó, amor fati như chữ nghĩa của ông Nietzsche triết gia. Nhưng sống như thế mà vẫn không quên cái vòng tròn lớn của thiên nhiên. Không quên rằng hết ngày là đêm, hết đông là xuân, hoa đào ấy vẫn là hoa đào ấy, không có gì phải vui, không có gì phải buồn, không có gì sinh, không có gì diệt, không có gì sống, không có gì chết, bốn mùa tuần hoàn, muôn triệu ngôi sao múa lượn trên thiên hà mà không ngón chân nào chạm ngón chân nào. Là hạt cải, ta sống bùng chất sống trong hạt cải. Nhưng là hạt cải, hạt cải cũng biết luật của vũ trụ, của thiên nhiên, chỉ mọc lên cây xanh đúng mùa, đúng tháng.

Trong đời sống máy móc này đây, hãy sống với một chút triết lý và một chút thơ. Hãy có một chút rùng mình khi mặt trời chìm trong nước biển, khi con chim thốt nhiên vẫy cánh kêu lên một tiếng trước hoàng hôn. Khi nhìn trăng, hãy nghĩ như Lý Bạch: trăng ngày nay đã chiếu người thời xưa, người thời nay đang ngắm trăng thời xưa. Cũng trăng chiếu, cũng người ngắm, cổ cũng vậy mà kim cũng vậy, vòng tròn lớn luôn luôn là thế. Hãy sống trọn vẹn trong vòng tròn nhỏ và hãy cúi đầu trước vòng tròn lớn vô thời gian mà ta không bao giờ hiểu hết được nhiệm mầu.

Và hãy nói với chàng Kim Trọng: anh chính là tôi, tôi chính là anh, tôi cũng đã từng nhìn hoa đào ấy như anh, đã từng như anh nhớ nhung, mòn mỏi. Cả nhân loại này, từ vô thỉ cho đến vô chung, tất cả đều là anh, đều là tôi, đều mòn mỏi, nhớ nhung không có gì khác, đều biết biệt ly là khổ như nhau. Hoa đào mà anh đang nhìn cười một nụ cười muôn thuở, vì tương tư vẫn là như thế từ vô cùng đến vô tận. Anh là hạt cải chứa đựng cả vũ trụ khổ. Nhưng anh hãy khoanh một vòng tròn nhỏ lại mà sống. Cuộc đời, thưa anh, là vậy: như một tấm vải dệt bằng buồn thảm và vô lý, nhưng trên đó ta vẫn có tự do thêu những nét đỏ xanh, thêu một nụ cười.

Bình luận


Bài viết mới

  1. BIỂU LỘ CHÍNH MÌNH MỘT CÁCH TRỌN VẸN
  2. CHÂN LÝ CÓ THỂ CÓ ĐƯỢC BẰNG LAO ĐỘNG QUÊN MÌNH
  3. CẢM GIÁC TỰ DO, ĐƯỢC GIẢI PHÓNG BẢN THÂN