DALE CARNEGIE
Trích: Quẳng Gánh Lo Đi Và Vui Sống; Nguyên tác: How to Stop Worrying and Start Living; Việt dịch: Nguyễn Hiến Lê
Mùa xuân năm 1871, một thành niên may mắn đọc được một câu văn ảnh hưởng sâu xa tới tương lai của chàng. Hồi ấy còn là sinh viên y khoa ở trường Montreal, chàng lo đủ thứ: lo thi ra cho đậu, đậu rồi sẽ làm gì, làm ở đâu, sao cho có đủ thân chủ, kiếm cho đủ ăn?
Nhờ câu văn đọc được trong sách của Thomas Carlyle mà chàng trở nên một y sĩ có danh nhất thời đó. Chính chàng đã tổ chức trường y khoa John Hoplins hiện nổi tiếng khắp hoàn cầu, rồi làm khoa trưởng ban y khoa tại Đại học Oxford, một danh dự cao nhất trong y giới Anh. Về sau chàng lại được Anh hoàng phong tước và khi mất người ta viết hai cuốn sách dày 1.466 trang để kể lại thuở sinh bình.
Tên chàng là William Osler. Còn câu văn mà chàng đọc được mùa xuân năm 1871, câu văn đã giúp chàng quẳng được gánh lo trong đời chàng là: “Những công việc ở ngày trước mặt ta phải coi là quan trọng nhất, và đừng bận tâm tới những công việc còn mờ mờ từ xa”.
Bốn mươi hai năm sau, một đêm xuân ấm áp, trong khi trăm bông đua nở giữa sân trường, William Osler diễn thuyết trước sinh viên Đại học Yale đã nói rằng, thiên hạ đã lầm khi bảo một người như ông, làm giáo sư tại bốn trường Đại học và viết một cuốn sách nổi danh, tất phải có “bộ óc dị thường”. Vì những người thân của ông biết rõ “óc ông vào hạng tầm thường nhất”.
Vậy thì bí quyết thành công của ông ở đâu? Ông đáp lại bí quyết đó ở chỗ ông biết “chia đời sống ra từng ngăn, cách biệt hẳn nhau, mỗi ngăn một ngày”. Ý ông muốn nói gì vậy? Vài tháng trước buổi diễn thuyết ở Yale, ông đã đáp một chiếc tàu biển lớn, vượt Đại Tây Dương. Trên chiếc tàu đó, ông thấy người thuyền trưởng, đứng ở cầu thang, chỉ nhấn vào một cái nút mà làm chạy một cái máy, tức thì ngăn thiệt kín những bộ phận chính trong tàu, không cho phần này thông qua phần khác, ví dụ vì tai nạn nước có tràn vào cũng không đắm tàu được.
Rồi ông nói tiếp với các sinh viên: “Cơ thể chúng ta là một bộ máy kỳ dị hơn chiếc tàu đó nữa. Tôi khuyên các anh tập cách điều khiển bộ máy đó để sống ngày nào riêng biệt ngày ấy: đó là cách chắc chắn nhất để yên ổn trong cuộc viễn hành. Nhận một nút đi rồi nghe, trong mỗi đoạn đời, chiếc cửa sắt sập lại, ngăn hiện tại với quá khứ. Quá khứ đã chết, đừng cho nó sống lại nữa. Nhận một cái nút khác và đóng kín cửa sắt của tương lai lại, cái tương lai nó chưa sinh. Như vậy các anh được yên ổn – yên ổn trong ngày hôm nay!… Đóng quá khứ lại!
Để cho quá khứ đã chết rồi tự chôn nó… Đóng những hôm qua lại, chúng đã bước mau về cõi chết. Để cho gánh nặng của ngày mai đè thêm vào gánh nặng hôm qua và hôm nay thì kẻ mạnh nhất cũng phải quỵ. Đóng chặt tương lai cũng như đóng chặt dĩ vãng lại. Tương lai là hôm nay… Không có ngày mai. Ngày vinh quang của ta là ngày hôm nay. Sự phung phí năng lực, nỗi ưu tư sẽ làm cho ta lảo đảo, nếu ta cứ lo lắng về tương lai… Vậy đóng kỹ những bức vách trước và sau đi, và luyện lấy tập quán “Đắc nhất nhật quá nhật nhất”.
Như vậy có phải bác sĩ Osler muốn khuyên ta đừng nên gắng sức một chút nào để sửa soạn ngày mai không?. Không. Không khi nào. Trong đoạn cuối bài diễn văn đó, ông nói rằng, cách hay hơn hết và độc nhất để sửa soạn ngày mai là đem tất cả thông minh, hăng hái của ta tập trung vào công việc hôm nay.
Ông lại khuyên các sinh viên mỗi buổi sáng, mới thức dậy, đọc kinh “Lạy cha”:
“…Xin Cha cho chúng con hàng ngày dùng đủ…”
Các bạn nhớ trong câu kinh đó chỉ xin cơm cho đủ ngày một thôi, chứ không phàn nàn về cơm ôi mà hôm qua đã phải nuốt đâu nhé. Mà cũng không xin: “Chúa thương con với. Mới rồi đã hạn hán dữ, mà còn có thể hạn hán được nữa – làm sao con có gạo ăn mùa thu tới đây được? – hoặc nếu mất việc thì con làm sao có gạo mà ăn?”.
Không, câu kinh đó chỉ cầu xin được cơm ăn cho đủ từng ngày mà thôi. Vì chỉ có cơm hôm nay mới là thứ cơm ta có ăn được.
Hồi xưa, một triết gia, túi không có một xu, thơ thẩn trong một miền núi đá mà dân cư sống rất vất vả. Một hôm, nhân thấy một đám đông quây quần chung quanh mình, trên một ngọn đồi, ông bèn đọc một diễn văn mà nhân loại đã trích lục nhiều hơn hết từ trước tới giờ. Trong diễn văn có câu này được lưu truyền muôn thuở:
“Đừng lo tới ngày mai vì ngày mai ta phải lo tới công việc của ngày mai. Ta chỉ lo tới hôm nay thôi cũng đủ khổ rồi”.
Tôi xin nhắc bạn: Câu đó khuyên đừng “lo” tới ngày mai chứ không phải là đừng “nghĩ”. Bạn cứ nghĩ tới ngày mai, cứ cẩn thận suy nghĩ, dự tính, sửa soạn đi, nhưng đừng lo lắng gì hết.
Trong chiến tranh vừa rồi, các nhà chỉ huy tối cao của quân đội ta luôn luôn dự tính cho ngày mai và cả những ngày còn xa hơn nữa, nhưng họ không bao giờ vì vậy mà ưu tư cả. Đô đốc E.J.King chỉ huy hải quân Huê Kỳ nói: “Tôi đã đưa những khí giới tốt nhất cho những quân tài cán nhất và đã giao phó sứ mạng cho họ trong lúc tiện nghi nhất. Đó, tôi chỉ làm được có vậy thôi”. Đô đốc tiếp: “Một chiếc tàu bị đắm, tôi không thể trục nó lên được. Dùng thì giờ của tôi để tính công việc sắp tới, ích lợi nhiều hơn là ưu phiền về những lỗi lầm hôm qua. Vả lại nếu tôi nghĩ tới chuyện cũ hoài, chắc tôi không thể sống lâu”.
Trong thời loạn cũng như thời bình, khéo suy với vụng suy chỉ khác nhau ở chỗ này: Khéo suy là nghĩ kỹ về nhân quả rồi hành động một cách hợp lý, hữu ích; còn vụng suy chỉ làm cho thần kinh ta căng thẳng và suy nhược thôi.
Mới rồi tôi được cái hân hạnh phỏng vấn ông Arthur Sulzberger, chủ bút một tờ báo nổi danh nhất thế giới, tờ “Nữu ước nhật báo”. Ông nói với tôi rằng khi chiến tranh thứ nhì bùng lên ở Âu Châu, ông gần như chết điếng, lo về tương lai đến nỗi mất ngủ. Nửa đêm ông thường tỉnh giấc, nhìn bóng trong gương rồi lấy bút, sơn tự vẽ mặt ông. Ông không biết chút gì về môn hội hoạ hết, nhưng ông cứ vẽ càn cho óc khỏi phải lo lắng. Mãi đến khi ông dùng câu hát dưới đây làm châm ngôn, ông mới thấy bình tĩnh trong tâm hồn. Câu đó trong bài Thánh ca:
“Xin Chúa chỉ đường cho con bằng ánh sáng của Chúa…”.
“Xin Chúa dắt con bước. Con chẳng mong được trông cảnh xa xa. Chỉ xin Chúa dắt con từng bước… Vì từng bước là đủ cho con rồi…”.
Đồng thời, một thanh niên Mỹ đang tùng chinh bên Châu Âu, cũng học được bài học như vậy. Chàng tên là Ted Bengermino bị lo lắng giày vò tới nỗi thần kinh suy nhược nặng.
Chàng viết: “Tháng tư năm 1945, vì quá lo nghĩ, tôi mắc một chứng bệnh ruột, đau đớn vô cùng. Nếu chiến tranh không kết liễu ngay lúc đó thì chắc là tôi nguy rồi. Tôi mỏi mệt quá lẽ. Lúc đó tôi làm hạ sĩ quan ở bộ binh, đội thứ 94. Công việc của tôi là ghi tên những người tử trận, hoặc mất tích, hoặc nằm nhà thương. Tôi phải thu những đồ dùng của họ để gởi về cho thân nhân họ, vì người ta trọng những kỷ niệm đó lắm. Tôi luôn luôn sợ vì lúng túng mà rồi lẫn lộn đáng tiếc chăng. Tôi lo lắng không biết có làm tròn phận sự không, có sống sót để về ôm đứa con một hay không – đứa con mới 6 tháng mà tôi chưa được biết mặt. Tôi lo lắng mệt nhọc đến mức mất 17 ki lô. Tôi hoảng hốt gần hoá điên. Tôi ngó tay tôi chỉ thấy còn da với xương.
Nghĩ tới khi về nhà, thân hình tiền tuỵ mà sợ, khóc lóc như con nít. Tâm hồn bị rung động quá chừng, nên mỗi khi ngồi một mình là nước mắt tràn ra. Có một hồi, ít lâu sau trận Bulge, tôi khóc nhiều quá, không còn hy vọng gì tinh thần sẽ thư thái như xưa nữa”.
Sau cùng, tôi phải vào nằm nhà thương. Vị bác sĩ săn sóc tôi chỉ khuyên có vài lời mà thay đổi hẳn đời tôi. Sau khi đã khám kỹ cơ thể tôi, ông nhận rằng bệnh tôi thuộc bệnh thần kinh. “Này anh Ted, anh nên coi đời của anh như cái đồng hồ cát. Anh biết rằng phần trên đồng hồ đó có đựng hàng ngàn hột cát. Và những hột cát ấy, đều lần lần liên tiếp nhau, chui qua cái cổ nhỏ ở giữa để rớt xuống phần dưới. Không có cách gì cho nhiều hạt cát chui cùng một lúc được, trừ phi là đập đồng hồ ra, hết thảy bọn chúng ta đều như chiếc đồng hồ ấy. Buổi sáng, thức dậy, ta có hàng trăm công việc phải làm trong nội ngày. Nhưng nếu chúng ta không làm từng việc một, chậm chạp, đều đều như những hột cát chui qua cái cổ đồng hồ kia thì chắc chắn là cơ thể và tinh thần ta hư hại mất”.
“Tôi đã theo triết lý đó từ ngày ấy. Mỗi lần chỉ có một hột cát xuống thôi… Mỗi lần chỉ làm một việc thôi. Lời khuyên đó đã cứu thể chất và tinh thần tôi trong hồi chiến tranh, mà bây giờ còn giúp tôi trong công việc làm ăn nữa. Tôi là một viên kiểm soát số hàng dự trữ của một công ty ở Baltimore. Tôi thấy trong nghề buôn cũng có những khó khăn y như trong hồi chiến tranh: Nào lo những tờ mới, lo tính toán số dự trữ mới, nào lo những thay đổi địa chỉ, lo mở thêm hoặc đóng bớt những chi nhánh v.v. Nhưng tôi không nóng nẩy và luôn luôn nhớ lời khuyên của bác sĩ: “Mỗi lần chỉ có một hột cát xuống thôi. Mỗi lần chỉ làm một việc thôi”. Tôi tự nhắc đi nhắc lại câu đó và làm việc một cách rất hiệu quả, không hoảng hốt hay có cảm giác ruột rối như tơ vò nó đã làm cho tôi chết dở ở mặt trận khi xưa nữa”.
Một trong những tình trạng ghê gớm nhất của đời sống bây giờ là một nửa số bệnh nhân điều trị tại các nhà thương là những người mắc bệnh thần kinh hay loạn óc. Họ bị đè bẹp dưới sức nặng của những lo lắng về quá khứ lẫn với tương lai. Mà đại đa số những bệnh nhân đó đều có thể khỏe mạnh, đi đứng như thường, ngay từ hôm nay, sống một đời sung sướng, hay hơn nữa, một đời hữu ích nếu họ chịu nghe lời Chúa Giê-Su dạy: “Con đừng lo cho ngày mai”, hoặc lời khuyên của Wiliam Osler: “Chia đời sống thành từng ngăn, cách biệt hẳn nhau, mỗi ngăn là một ngày”.
Bạn và tôi, ngay trong lúc này đây, chúng ta đứng tại chỗ hai cái vô tận gặp nhau: cái dĩ vãng mênh mông có từ thời khai thiên lập địa và cái tương lai nó bắt đầu từ tiếng cuối cùng mà tôi mới thốt. Chúng ta không thể sống trong cả hai cái vô tận đó được, dù chỉ là trong một phần giây. Mà hễ rán sống trong hai thời gian thì ta sẽ làm hai cho tinh thần và thể chất của ta liền. Vậy chúng ta hãy chịu sống trong hiện tại vì ta chỉ có thể sống được trong hiện tại thôi.
Robert Louis Stevenson nói: “Bất kỳ ai cũng có thể làm công việc hàng ngày của mình được, dù công việc đó nặng nhọc tới bực nào đi nữa. Bất kỳ ai cũng có thể sống một cách êm đềm, trong sạch, kiên nhẫn, đầy tình thương chan chứa trong lòng, từ mặt trời mọc cho tới khi mặt trời lặn. Đó, ý nghĩ của cuộc đời như vậy”.
Phải, đời chỉ đòi hỏi ta có bấy nhiêu thôi. Nhưng bà E.K.Shields ở Michigan lại thất vọng tới nỗi muốn tự tử, trước khi học được cách sống từng ngày một. Bà kể với tôi: “Năm 1937 nhà tôi mất, tôi đau đớn thất vọng lắm và gia tư gần như khánh kiệt. Tôi viết thư xin việc ông chủ cũ của tôi là ông Leon Roach ở Công ty Roach-Fowler và được cử làm lại việc cũ. Hồi xưa, tôi đã bán sách cho các trường tỉnh và trường làng để kiếm ăn. Hai năm trước tôi bán chiếc xe hơi để lo thuốc thang cho nhà tôi. Nhưng tôi cũng ráng thu nhặt tiền nong để mua dài hạn một chiếc xe cũ rồi chở sách đi bán.
Tôi tưởng trở về nghề cũ như vậy sẽ bớt ưu phiền, tinh thần sẽ phấn khởi lên được; song tôi gần như không chịu nổi cảnh thui thủi một mình trên đường và trong quán trọ. Miền tôi bán sách dân tình nghèo khổ, ít người mua cho nên số lời không đủ để trả tiền xe. Mùa xuân năm 1938, tôi đến bán ở gần Versailles[7]. Ở đây trường học nghèo, đường xấu; tôi thấy cô đơn, thất vọng đến nỗi có lần muốn tự tử, cho rằng không sao thành công được hết. Mà cũng phải, làm sao đủ sống được? Mỗi buổi sáng khi tỉnh dậy, nghĩ tới nỗi phấn đấu với đời, tôi lo sợ đủ thứ: Sợ không trả nổi tiền xe, sợ không trả nỗi tiền phòng, không kiếm đủ ăn, sợ rồi sẽ đau ốm không có tiền uống thuốc. Nhưng may có hai điều làm cho tôi không tự tử là nếu tôi chết thì các em tôi sẽ khổ lắm và tôi không có đủ tiền để lại cho họ làm ma tôi.
Rồi một hôm ngẫu nhiên tôi đọc một bài báo nó kéo tôi ra khỏi cảnh thất vọng và khiến tôi đủ can đảm để sống. Tôi sẽ suốt đời mang ơn tác giả bài đó, người viết câu này: “Đối với một đạt nhân thì một ngày mới là một đời sống mới”. Tôi đánh máy lại câu ấy rồi dán lên tấm kính che mưa trong xe tôi, để trong khi cầm lái, lúc nào tôi cũng phải ngó tới. Từ đó tôi thấy chỉ sống từng ngày một thì đời sống không khó khăn gì cả. Tôi tập quên đi dĩ vãng và không nghĩ tới tương lai nữa. Mỗi buổi sáng tôi tự nhủ: “Ngày hôm nay là một đời sống mới”. Nhờ vậy tôi thắng được nỗi lo sợ cảnh cô đơn, hăng hái và yêu đời. Bây giờ tôi biết rằng ta chỉ sống được nội ngày hôm nay thôi, không sống được thời dĩ vãng và tương lai và “Đối với một đạt nhân thì một ngày mới là một đời sống mới”.
Bạn có biết tác giả của những câu thơ này là ai không?
Ai kia sung sướng suốt đời
Vững lòng nói được “Của tôi ngày này
Ngày mai, mặc kệ: mai ngày
Vì tôi đã sống hôm nay, đủ rồi”.
Ý thơ có vẻ mới lắm, phải không bạn? Vậy mà câu đó thi hào Horace đã viết 30 năm trước Thiên Chúa giáng sinh đấy.
Một trong những điều bi đát nhất là loài người có tánh muốn đẩy bỏ đời sống hiện tại đi. Hết thảy chúng ta đều mơ mộng những vườn hồng diễm ảo ở chân trời thăm thẳm mà không chịu thưởng thức những bông hoa nở kề ngay bên cửa sổ.
Tại sao chúng ta điên như vậy? Điên một cách thê thảm như vậy? Stephen Leacok viết: “Lạ lùng thay cái chuỗi đời của ta. Con nít thì nói: “Ước gì tôi lớn thêm được vài tuổi nữa”. Nhưng khi lờn vài tuổi rồi thì sao? Thì lại nói: “Ước gì tôi tới tuổi trưởng thành”. Và khi tới tuổi trưởng thành lại nói: “Ước gì tôi lập gia đình rồi ở riêng”. Nhưng khi thành gia rồi thì làm sao nữa? Thì lời ước lại đổi thành: “Ước gì ta già được nghỉ ngơi”. Và khi được nghỉ ngơi rồi thì lại thương tiếc quãng đời đã qua, và thấy như có cơn gió lạnh thổi qua quãng đời đó. Lúc ấy đã gần xuống lỗ rồi, còn hưởng được gì nữa. Khi ta biết được rằng đời sống ở trong hiện tại, ở trong từng ngày một, thì đã trễ quá rồi mà”.
Ông Edward S.Evans gần tự hủy đời ông cho tới khi ông học được rằng: “Đời sống ở trong hiện tại, ở trong ngày đang sống, trong giờ đang sống”. Sinh trong một gia đình nghèo, nghề đầu tiên của ông là bán báo, rồi làm công cho một tiệm tạp hoá. Sau ông giúp việc trong thư viện, để nuôi một gia đình 7 người. Lương ít mà không dám bỏ sở. Sau 8 năm do dự, ông mới quyết định tạo lại cuộc đời. Mới ra với số vốn là 55 mỹ kim mượn của bạn, ông phát đạt ngay và mỗi năm kiếm được 20.000 mỹ kim. Rồi thì ông gặp một chuyện rủi, tai hại đến nỗi giết ông được. Ông cho một người bạn vay một số tiền lớn và người bạn đó vỡ nợ. Rồi hoạ vô đơn chí: nhà ngân hàng ông gởi tiền cũng vỡ nợ. Sự nghiệp tiêu tan hết, ông còn mắc thêm món nợ 16.000 mỹ kim nữa. Đau đớn quá, ông không chịu nổi. Ông nói: “Tôi ăn không được, ngủ không được. Tôi đau một chứng kỳ dị mà nguyên nhân chỉ là ưu phiền chứ không có chi khác. Một hôm đương đi, tôi té xỉu trên lề. Từ lúc đó tôi không cất chân được nữa. Tôi phải nằm liệt giường, mụt mọc đầy mình. Những mụt đó sưng mà không vỡ, sau cùng bác sĩ nói với tôi rằng tôi chỉ sống được hai tuần nữa thôi. Tôi lo sợ lắm, viết di chúc rồi nằm đợi chết. Từ lúc đó, tôi hết phải lo lắng, phấn đấu nữa. Tôi bỏ tuốt cả, nghỉ ngơi rồi thì yên chí đợi chết, tôi ngủ được. Đã hàng tuần trước đây, chưa bao giờ tôi ngủ được luôn hai giờ, nhưng lúc ấy biết chắc sẽ giũ sạch nợ đời, ngủ li bì như một em bé. Hết lo thì thôi tôi cũng hết mệt, ăn được và lên cân.
Vài tuần sau, tôi chống nạng đi được. Rồi sau sáu tuần tôi đi làm lại. Trước kia tôi kiếm 20.000 mỹ kim một năm, bây giờ kiếm được mỗi tuần 30 mỹ kim mà tôi thấy hài lòng.
Tôi đã học được một bài học mới, không còn lo lắng, không còn tiếc thời phong lưu trước, không lo về tương lai nữa. Tôi đem hết thời giờ, nghị lực và hăng hái để làm nghề mới của tôi”.
Thế rồi ông Edward S.Evans lại lên như diều. Chỉ trong vài năm được làm hội trưởng Công ty. Những chứng khoán của Công ty ông, được Sở Hối đoái Nữu Ước cho là có giá trị. Cho đến năm 1945, ông mất thì đã là một trong những nhà doanh nghiệp mau phát đạt nhất ở Mỹ. Nếu bạn ngồi máy bay tới Greenland, phi cơ của bạn có thể đáp xuống phi trường Evans, một phi trường mang tên ông.
Ta phải kết luận rằng: Chắc chắn không khi nào ông Edward S.Evens được hưởng cái thú thành công như vậy, nếu ông không biết đường diệt ưu tư, nếu ông đã không học được cách chia đời sống ra từng ngày một, ngày nầy cách biệt hẳn với ngày khác.
Năm trăm năm trước khi Thiên Chúa giáng sinh, triết gia Hy lạp Heraclite bảo đệ tử rằng: “Mọi vật đều thay đổi. Các đệ tử không thể tắm hai lần trên một khúc sông”. Vì sông mổi giây một thay đổi mà người tắm trên khúc sông đó cũng vậy. Đời sống là một cuộc biến đổi không ngừng. Chúng ta chỉ chắc chắn một điều là ta đang sống trong hiện tại. Thế thì tại sao lại nằng nặc đòi giải quyết những vấn đề về tương lai, để làm phai mờ cái đẹp của hiện tại? Tương lai còn bị bao phủ trong những biến dịch không ngừng, những biến dịch mà không ai đoán trước được kia mà!
Người La Mã hồi xưa cũng có một tiếng để diễn ý đó. Thiệt ra là hai tiếng “Carpe diem” nghĩa là “Vui ngày hôm nay đi”. Phải nắm lấy ngày hôm nay và tấn hưởng cái thú của nó đi.
Đó cũng là triết lý của ông Lowell Thomas. Mới rồi tôi lại chơi nhà ông vài ngày và nhận thấy hai câu này trong Thánh thi (Psaume CXVIII) đóng khung treo trên tường phòng để ông được thường thấy nó.
“Ngày hôm nay là ngày Thượng Đế ban cho ta. Ta hãy vui vẻ và sung sướng hưởng nó đi”.
Ông John Ruskin đặt trên bàn giấy của ông một phiến đá nhỏ trên đó có khắc hai chữ: “Hôm nay”. Tôi không có phiến đã kia trên bàn, nhưng tôi có một bài thơ dán trên tấm gương trong phòng tắm để mỗi buổi sáng tôi thấy một lần, khi cạo râu. Bài thơ đó là nhà soạn kịch trứ danh ở Ấn Độ là ông Kalidasa làm và ông William Osler chép lại, luôn luôn để trên bàn giấy ông:
CHÀO BÌNH MINH
“Hãy chăm chú vào ngày hôm nay,
Vì nó là đời sống, chính là sự sống của đời sống…
Nó tuy ngắn ngủi
Nhưng chứa tất cả chân lý về đời ta:
Sự sung sướng khi tiến phát,
Sự vẻ vang của hành động,
Sự rực rỡ của thành công.
Vì hôm qua chỉ là một giấc mộng,
Vì ngày mai chỉ là một ảo tưởng.
Nhưng hôm nay, nếu sống đầy đủ, ta sẽ thấy hôm qua là một giấc mộng êm đềm,
Và ngày mai là hình ảnh của hy vọng.
Vậy ta hãy chăm chú kỹ vào hôm nay!”
Lời chào bình minh của tôi là vậy đó.
Vậy phương sách thứ nhất để trị ưu phiền là bắt chước William Osler:
- Khoá chặt dĩ vãng và tương lai lại để sống trong cái phòng kín của ngày hôm nay. Tại sao bạn không tự hỏi những câu này và chép lại những lời bạn tự giải đáp?
- Tôi có cái thói quên hiện tại để lo về tương lai hoặc mơ mông “một khu vườn hồng diễm ảo ở chân trời xa xăm” không?
- Tôi có thường nghĩ tới quá khứ mà làm cho hiện tại hoá ra chua xót không? Quá khứ đó đã qua rồi và thiệt chết rồi.
- Sáng dậy tôi có quyết: “Nắm lấy ngày hôm nay” để tận hưởng 24 giờ đó không?
- Sống trong “cái phòng kín mít của ngày hôm nay” có lợi cho đời sống không?
- Và bao giờ tôi bắt đầu sống như vậy? Tuần sau?… Ngày mai?… Hay hôm nay?