SỬ DỤNG HIỆU QUẢ SIÊU NĂNG LỰC QUYỀN LỰC & TÁC ĐỘNG

NHIỀU TÁC GIẢ

Trích: “Quyền Lực & Tác Động” Harvard Business Review Press Tác giả: Nhiều tác giả Người dịch: Huy Nguyễn NXB Công Thương, 2021 Ảnh: Nguồn Internet

EMOTIONAL INTELLIGENCE
HAVARD BUSSINESS REVIEW PRESS
—🌼🌸🌼—

Cảm xúc rất dễ lan truyền – Peter Bregman

Tôi gấp chiếc xe đạp và mang theo vào sảnh tòa nhà văn phòng ở khu trung tâm Manhattan. Nhân viên bảo vệ đang ngồi sau bàn làm việc ngước lên nhìn tôi,nhăn mặt, rồi lại nhìn xuống và lẩm bẩm gì đó.

Tôi hỏi nhân viên đó: “Xin lỗi, có chuyện gì vậy?”

Anh ta thở dài và im lặng một lúc. Sau đó, anh ta không thèm nhìn tôi và nói: “Anh không được mang cái đó vào đây.”

Lúc nãy tôi suýt lỡ taxi, và giờ đây sự việc này lại khiến tôi thậm chí mất tự tin hơn. Lý do không phải ở những gì anh ta nói – tôi từng gặp nhiều nhân viên bảo vệ không muốn mọi người mang xe đạp vào tòa nhà – mà nằm ở giọng điệu khinh thường, lạnh lùng của anh ta.

Tôi cố gắng giữ bình tĩnh và vui vẻ, cho anh ta thấy mức độ gọn gàng của chiếc xe khi gấp lại. Tôi nói tôi có túi bao ngoài của chiếc xe và có thể đặt nó vào, nhưng anh ta vẫn không thay đổi quan điểm.

Cuối cùng, sau khi tôi viện dẫn luật về quyền sử dụng xe đạp tại các tòa nhà có thang máy chở hàng chấp nhận xe đạp tại thành phố New York, anh ta mới cho tôi vào.

Khi đi đến thang máy chở hàng, tôi mỉm cười với người vận hành thiết bị đang bông đùa với các công nhân xây dựng. Anh ta nhìn tôi, rồi quay lại nhìn bạn bè và tiếp tục trò chuyện. Tôi cảm thấy không thoải mái khi phải đợi một lúc, sau đó hỏi xem liệu anh ta có thể đưa tôi lên tầng 19 không. Anh ta nói với với bạn bè điều gì đó khá bất lịch sự về những người thuê văn phòng, sau đó dẫn tôi lên mà chẳng nói năng gì, để tôi ở một tiền sảnh nhỏ có khóa cửa nhưng không rõ lối vào.

Khi tôi đang hỏi làm thế nào để vào trong thì anh ta đã đóng cửa thang máy. Anh ta nói to qua cửa thang máy đã đóng: “Thử ấn nút xem” Tôi thấy có nút ở đó và ấn thử. Lúc ấy, tôi cảm thấy bản thân còn thấp kém hơn cả những người thấp kém.

Sau đó, như thể một phép màu xuất hiện, buổi sáng của tôi đã thay đổi.

Lisa (tên nhân vật đã được thay đổi), nhân viên lễ tân, mở cửa rồi cất tiếng chào tôi: “Xin chào! Chắc hẳn anh là Peter. Chào mừng anh!” Cô ấy mỉm cười nhưng sau đó có vẻ ái ngại, “Tại sao anh lại xuất hiện trong thang vận chuyển hàng hóa vậy?”

Tôi giải thích về việc mình vừa gặp và cô ấy nhăn mặt vẻ thông cảm. “Tôi rất xin lỗi. Điều đó thật tồi tệ. Hãy để tôi cầm xe đạp giúp anh.”

Tôi cảm giác như có thể khóc vì hạnh phúc. Chỉ trong giây lát, Lisa đã xoay chuyển cảm xúc của tôi từ vòng xoáy tiêu cực của nỗi tức giận, chán nản và tuyệt vọng sang vòng xoáy tích cực của sự nhẹ nhõm, cảm kích và hạnh phúc.

Và đó là khi tôi nhận ra: Tất cả chúng ta đều có siêu năng lực.

Chúng ta có thể khiến mọi người cảm thấy tốt đẹp hoặc tồi tệ chỉ bằng một điều đơn giản như cử chỉ, biểu cảm, lời nói hoặc giọng điệu.

Nhưng hãy chờ đã. Liệu tôi thực sự có thể đổ lỗi cho người khác về sự khó chịu của chính mình? Chẳng phải mỗi người đều phải chịu trách nhiệm về tâm trạng của chính mình hay sao?

Chúng tôi nhận thấy rằng cũng giống như bệnh cảm lạnh thông thường, cảm xúc có tính lan truyền. Sau khi tiến hành nghiên cứu trên 70 nhóm làm việc thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, Caroline Bartel tại Đại học New York và Richard Saavedra tại Đại học Michigan nhân thấy những người làm việc cùng nhau đều có chung tâm trí cả tốt và xấu. Tâm trạng mang tính đồng quy.

Điều này đặc biệt quan trọng đối với những người có chức vụ, bởi vì hơn ai hết, các nhà lãnh đạo là những người thiết lập và lan truyền tâm trạng. Nếu đã từng làm việc trong văn phòng, hẳn bạn sẽ trải qua điều này. Khi sếp có tâm trạng không tốt, mâu thuẫn có xu hướng gia tăng. Ngược lại, khi sếp có tâm trạng tốt, mọi người sẽ thoải mái hơn.

Điều đó có đồng nghĩa rằng chúng ta không phải chịu trách nhiệm khi tức giận với ai đó ở hành lang? Đó có thực sự là lỗi của anh chàng đã va vào chúng ta trên tàu điện ngầm và không xin lỗi hay không?

Hãy nhìn nhận từ một góc độ khác: Nếu bị lây cảm lạnh từ ai đó, bạn có thể đi xung quanh và hắt hơi vào khác hay không? Bạn có thể đổ lỗi cho người khác vì gây ảnh hưởng đến tâm trạng của bạn, nhưng bạn phải chịu trách nhiệm về những gì gây ra cho người khác.

Tuy nhiên, khi bị cảm lạnh thì thật khó để tránh lây nhiễm cho người khác một cách triệt để. Vài năm trước, tôi nhận được lời mời khai vấn cho Renée – quản lý cấp cao tại một công ty bán lẻ tên tuổi. Nhiều ý kiến phản hồi rằng cô ấy quá khắt khe với nhân viên. Renée thường xuyên to tiếng, chỉ trích gay gắt và sỉ nhục các nhân viên mỗi khi họ mắc sai lầm.

Khi nói chuyện với những người khác trong văn phòng, tôi phát hiện ra vị giám đốc trực tiếp của Renée cũng có cách hành xử với nhân viên cấp dưới tương tự như vậy. Anh ta rất nóng tính, thường xuyên la mắng và yêu cầu mọi thứ phải hoàn hảo.

Thật không dễ dàng cho Renée khi đối xử với cấp dưới theo cách không hề tốt đẹp, nhưng cũng còn khó hơn khi không làm như vậy.

Do tâm trạng luôn ảnh hưởng đến hiệu suất nên doanh nghiệp cũng gặp phải những vấn đề tương tự. Theo nghiên cứu do Sigal Barsade tại Đại học Yale thực hiện, tâm trạng tích cực giúp thúc đẩy hợp tác, giảm thiểu xung đột và gia tăng hiệu suất.

Vậy giải pháp là gì? Hãy hiểu rõ cảm xúc và tâm trạng của bản thân, coi chúng như bệnh cảm lạnh thông thường. Khi bị lây nhiễm do thể trạng kém, hãy hít thở sâu, nhận biết cảm giác và không khiến nó lây lan.

Thay vào đó, hãy đồng cảm, quan tâm và vui và với mọi người vì điều đó sẽ khiến họ cảm thấy hạnh phúc hơn, gắn kết hơn và làm việc hiệu quả hơn.

Một thông tin tích cực là theo nghiên cứu của Barsade, tâm trạng tích cực cũng dễ lan truyền như tâm trạng tiêu cực.

Thế nhưng, đó có thực sự là một lựa chọn? Khi đang ở trong tâm trạng tồi tệ, bạn có thể quyết định bản thân sẽ hạnh phúc hay không? Theo tôi, giả vờ hạnh phúc thực sự là điều khó khăn, giả tạo, thậm chí không trung thực. Nhưng tôi đã tìm ra một giải pháp khá đơn giản để xoay chuyển tình thế, đó là lòng tốt.

Bất kể tâm trạng tồi tệ đến đâu, hãy cố gắng đối xử tử tế với người khác. Điều đó luôn tác động tích cực đến những người xung quanh cũng như bản thân tôi. Và thật tuyệt, tâm trạng của tôi cũng được cải thiện theo.

Khi Lisa đưa tôi đến văn phòng của khách hàng, tôi đã kể cho anh ấy nghe cô lễ tân thú vị đã xoay chuyển buổi sáng tồi tệ của tôi như thế nào. Anh ấy đáp lại bằng một câu chuyện của riêng mình. Một lần nọ, khi Lisa bị ốm và không thể đến làm việc, một người đàn ông trầm tính và dè dặt tên Frank làm thay cô ấy. Dù không phải kiểu người sôi nổi, hòa đồng, nhưng Frank đã quen với phong cách vui vẻ của Lisa. Giống như những người khác trong văn phòng, anh ấy nhận được email chào buổi sáng hằng ngày của Lisa. Vào một ngày đặc biệt khi được yêu cầu làm thay cho Lisa, chỉ riêng những ký ức vui vẻ cũng đủ ảnh hưởng đến anh ấy.

Điều đầu tiên mà Frank làm vào sáng hôm đó là viết một email gửi tới toàn bộ nhân viên văn phòng: – “Pizza cho bữa trưa nhé! Chúc mọi người có một ngày vui vẻ!!!!!!”

—🌼🌸🌼—
PETER BREGMAN là CEO của Bregman Partners, một công ty tư vấn và hỗ trợ những người thành công trở thành những nhà lãnh đạo xuất sắc hơn, thiết lập các nhóm hiệu quả hơn và lan truyền cảm hứng nhằm mang lại những kết quả tuyệt vời. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách best-seller, có thể kể đến 18 Minutes, Leading with Emotional Courage (tạm dịch: 18 phút, dẫn đầu bằng cảm xúc dũng cảm), đồng thời là người dẫn chương trình “Bregman Leadership Podcast”.

—🌼🌸🌼—

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. THỜ KÍNH VÀ BÁO ƠN CHA MẸ
  2. MỖI NGÀY LÀ MỘT MÓN QUÀ
  3. TÂM HỒN VÀ TÌNH YÊU CỦA THIÊN NGA

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP