SỰ SÁNG SUỐT CỦA KHUÔN MẶT VÀ TÂM HỒN

ERAN KATZ

Trích: Trí Tuệ Do Thái; Phương Oanh dịch; NXB. Lao Động-Xã Hội

—–???—–

Vị giáo sĩ chậm rãi đưa tay vuốt bộ râu và nhìn ra xung quanh. Để ý thấy mọi con mắt đang chăm chú nhìn mình chờ đợi một câu trả lời, ông bắt đầu.

“Mỗi người có một tâm hồn đặc biệt và độc nhất. Mỗi người có một nhân cách tự bộc lộ qua khuôn mặt và cơ thể. Có người tốt, kẻ xấu, người bình tĩnh, kẻ nóng nảy, người cao, người thấp, người béo, người gầy, người xinh đẹp, người không-xinh-đẹp-lắm..”. Vị giáo sĩ cẩn trọng lựa chọn từ ngữ.

“Và đừng quên những đặc điểm của người Do Thái”, Jerome nhận xét. “Mũi to, tai vểnh…”.

“Theo khuôn mẫu của những kẻ bài Do Thái thì đúng là vậy”, vị giáo sĩ nói và nhìn chằm chằm vào chúng tôi. “Ngoài tôi ra thì tôi chẳng thấy ai ở đây có mũi to bất thường cả. Nói thật, một vài người còn trông không giống người Do Thái lắm”. Ông nhìn tôi rồi chuyển sang Fabio.

“Tất nhiên, đó chỉ là sự khái quát thôi. Dù những kẻ bài Do Thái có nói gì thì cũng có rất nhiều người Do Thái ưa nhìn. Chẳng hạn, Đức vua David có đôi mắt rất đẹp. Thầy David Rosen, giáo sĩ trưởng của Ai-len trong thời gian dài, được coi là khá đẹp. Nói ngắn gọn, chúng ta đâu có thiếu những người đẹp”.

“Xin lỗi một phút”, Jerome lịch sự ngắt lời, “nhưng mọi người vừa làm tôi nhớ đến một câu chuyện cười mà tôi rất muốn kể”.

“Vậy, cậu kể đi”. Vị giáo sĩ cười và ra hiệu cho Jerome. “Tôi đã hiểu được tầm quan trọng của việc kể chuyện cười với cậu rồi. Cậu mang trong mình một sự bức bách phải giải phóng khiếu hài hước ra bên ngoài”.

“Cảm ơn thầy”.

“Một phụ nữ ngồi trên máy bay cạnh một anh chàng. Bà ta cứ nhìn chằm chằm anh này mấy lần liền cho đến khi không kiềm chế được nữa. Bà ta quay sang và nói, ‘Anh là người Do Thái, phải không?’. Anh ta lịch sự mỉm cười và lắc đầu, ‘Thực sự là không. Tôi không phải là người Do Thái’. Người phụ nữ quay trở lại với lờ tạp chí nhưng chỉ năm phút sau lại quay sang người ngồi cạnh. ‘Anh có chắc anh không phải là người Do Thái không?”. ‘Chắc chứ’. Không đầy hai phút trôi qua, người phụ nữ lại hỏi lần nữa. ‘Có thật anh không phải là ngưòi Do Thái không, hay chỉ là anh không muốn thừa nhận điều đó?’. Anh này, dù đã hơi bực mình rồi nhưng vẫn giữ bình tĩnh. ‘Thật, tôi không phải là người Do Thái. Tôi theo đạo Tin lành’. Dù đã nhận được câu trả lời đó, trong ba tiếng tiếp theo, người phụ nữ vẫn không để cho anh ta yên, liên tục quấy rầy anh ta về việc anh ta có phải là người Do Thái không. Cuối cùng, anh ta cáu. ‘Bà biết sao không? Bà nói đúng đấy. Tôi là người Do Thái. Tốt rồi chứ hả?’. Người phụ nữ đặt tờ báo xuống và dịch gần vào người bên cạnh. ‘Dù vậy, lạ thật. Trông anh chẳng Do Thái chút nào!”’.

Tất cả chúng tôi phá lên cười. Ngay cả Itamar cũng đập tay xuống bàn cười ngặt nghẽo.

“Tôi xin lỗi”, Jerome nói với vị giáo sĩ. “Xin cứ tiếp tục”.

“Như ta đã biết”, vị giáo sĩ bắt đầu, “cơ bản là phải tạo được mối liên kết giữa tên của một người và diện mạo của người đó. Diện mạo thể chất, hay có lẽ quan trọng hơn là diện mạo của tâm hồn, là ý thức về tính cách và ấn tượng nó tạo ra. Các nhà hiền triết đã phân thành bốn nhóm: những người có tên đẹp làm những điều tốt đẹp; những người có tên xấu làm những điều xấu xa; những người tên đẹp nhưng làm những điều xấu xa; những người tên xấu nhưng làm những điều tốt đẹp. Nói cách khác, có hai khả năng xảy ra: Tên có thể hợp hoặc không hợp với người mang tên đó”. Ông ngả người ra phía sau, bắt chéo chân và suy nghĩ xem nên nói gì tiếp.

“Khi ta gặp một ai đó, điều đầu tiên ta cần chú ý đến chính là tên người đó. Điều thứ hai là nhìn người ta gặp và xem ấn tượng của ta về người đó ra sao. Lần đầu tiên nhìn, trông cô ta hay anh ta thế nào? Hòa nhã, nóng tính, một người hay cười hay một người xảo quyệt… Ta nên luôn tự hỏi mình rằng, ‘Sao người đó lại có tên như thế? Cái tên có phù hợp với ấn tượng người đó tạo nên hay không?’. Quan trọng nhất là cái tên đó phù hợp, hay không phù hợp, với bản thân con người đó ở khía cạnh nào?”, ông giải thích.

“Khuôn mặt của một con người trả lời rất nhiều câu hỏi về con người đó, trong đó có câu hỏi về việc cái tên có phù hợp với người đó không”.

“Thầy có thể lấy ví dụ nào đó thực tế hơn một chút được không?”, Jerome đề nghị.

Vị giáo sĩ ngẫm nghĩ một lát rồi trả lời. “Giả sử cậu gặp ông Melamed, một người có khuôn mặt cáu kỉnh. Tên ‘Melamed’ trong tiếng Do Thái có nghĩa là giáo viên. Liệu một người trông lúc nào cũng khó chịu như thế có phải là một giáo viên tốt không? Tôi không dám chắc lắm đâu. Trong tình huống này cậu có thể nói với chính mình rằng có lẽ ông Melamed mang khuôn mặt cáu kính như vậy là bởi vì ông ta ghét nghề giáo. Lần sau gặp ông ta, cậu sẽ nhớ rằng cậu đã gặp người có khuôn mặt cau có đó và cậu sẽ tự bảo mình, ‘Nếu ông ta để lại một ấn tượng khó chịu như vậy thì điều này có liên hệ gì với tên ông ta không nhỉ?”’. Ông đưa tay gãi gãi trán rồi mới trả lời câu hỏi mình vừa đưa ra. “À! Ông ta cau có bởi vì ông ta phải dạy bọn trẻ! Đúng rồi… tên ông ta là Melamed!”.

“Thế làm sao tôi nhớ được tên Josik, là Joseph Hayim ấy?”. Jerome cười với cậu sinh viên.

“Ồ, tùy cậu thôi”, vị giáo sĩ trả lời thận trọng. “Cậu có ấn tượng gì về cậu ấy không?”.

Jerome nhìn chằm chằm vào cậu sinh viên lúc này đang hơi lúng túng vì trọng tâm của cuộc đối thoại đã chuyển về phía mình.

“Cậu ấy là một người có một trái tim đẹp, một người thông minh và thú vị. Cậu ấy có trí tưởng tượng phong phú, một trí tưởng tượng thực sự giúp tôi rất nhiều. Nghĩ về điều này, tôi cho rằng cậu ấy đã mang đến cho tôi một món quà cực kỳ quý giá. Cậu ấy đã làm cho cuộc sống của tôi trong suốt những ngày thi tốt nghiệp trở nên dễ dàng và bớt căng thẳng hơn bằng việc chia sẻ với tôi những phương pháp ghi nhớ của cậu ấy”. Hắn gật đầu về phía cậu sinh viên. “Cảm ơn nhiều, Josik”.

“Vậy, cậu có thể nói rằng cậu ấy đã có ảnh hưởng tích cực đến cuộc sống của cậu”, vị giáo sĩ tóm tắt những điều Jerome nói.

“Đúng vậy”.

“Thực tế, thậm chí có thể nói rằng cậu ấy đã đem đến cho cuộc sống của cậu một điều gì đó, đúng không?”.

“Chính xác!”.

“Vậy trong tiếng Do Thái thì ‘mang đến cuộc sống’ là gì? Joseph (mang đến thêm) Hayim (cuộc sống)!”.

Jerome nhíu mày nghĩ về lời ông. Rồi hắn đập hai bàn tay vào nhau. “Joseph Hayim! Thật đáng kinh ngạc! Cái tên còn hơn cả phù hợp nữa. Nó thật… hoàn hảo!”.

“Thầy cũng nói rằng chúng ta nên tạo ra mối liên kết giữa tên người và diện mạo bên ngoài của người đó”, Itzik nhắc.

“Ổ. Tôi làm thế suốt mà”, Fabio lên tiếng. “Lần đầu tiên thấy George Bush trên TV, tôi đã lập tức chú ý đến mái tóc của ông ta. Tôi nghĩ trông nó hơi rậm rạp hơn mức bình thường”. Anh ta đưa tay vòng vòng quanh đầu để diễn tả ý mình.

“Một ví dụ rất hay”, vị giáo sĩ nhận xét. “Nhưng không cần phải lấy người nổi tiếng thế. Jerome đã từng lấy một ví dụ cực kỳ hay về tên cậu đấy”. Ông chỉ vào Itzik.

“Tôi á?”, Itzik cực kỳ ngạc nhiên.

“Cậu có nhớ cậu đã gọi Itzik là gì không? Itzik ‘Diễn viên’ BenDavid”. “Oa!”. Tôi mỉm cười. “Itzik Diễn viên”. Tôi nhìn anh chàng. “Đúng thật”.

“Nhưng cũng không cần thiết phải liên hệ tên với vẻ bề ngoài nói chung”, vị giáo sĩ tiếp tục. “Cậu có thể tập trung vào những đặc điểm cụ thể. Có câu nói thế này, ‘sự sáng suốt của một con người làm cho khuôn mặt người đó bừng sáng’, có nghĩa là ánh sáng sẽ phát ra từ đôi mắt, phản chiếu từ cái trán và bừng lên trong nụ cười. Hãy chú ý đến sự tương quan giữa diện mạo khuôn mặt và những tính cách cá nhân.

“Cái trán của một người có thể là dấu hiệu biểu hiện sự dũng cảm, quyết tâm và sức mạnh”, ông nói thêm, “Khuôn mặt mạnh mẽ… cái trán mạnh mẽ. Đức vua David đã miêu tả những người phù hợp với chiến trận là những người có ‘khuôn mặt giống như mặt của những vị chúa sơn lâm’. Ở đây cũng vậy, nó muốn ám chỉ một khuôn mặt can trường tràn đầy sức mạnh. Cậu đã thấy mình có thể biết được nhiều điều từ khuôn mặt chưa?”.

“Tôi thì tin rằng đôi mắt là thứ phản chiếu con người rõ nhất”, Itamar nhận xét.

“Anh nói đúng”, Lisa tán thành. “Đôi mắt có thế cho ta biết con người đó có một trái tim ấm áp và hào phóng hay một trái tim xâu xa, đầy sự khinh bỉ, miệt thị và hằn học”.

“Nói tóm lại”, vị giáo sĩ tiếp lời. “Nếu Ori có một đôi mắt đẹp, ta có thể thấy ánh sáng chiếu rọi trong đó. Nếu Ori có một đôi mắt u tối, có nghĩa là ánh sáng mà cha mẹ anh ta đã mang đến cho anh ta trong cái tên đã ra khỏi cuộc đời anh ta”, ông giải thích.

“Nếu Melody có giọng nói ngọt ngào, dễ chịu”, Itzik nói, “cô ấy có thể là một ca sĩ. Có nghĩa là, Melody lúc nào cũng ngân nga những giai điệu”.

“Rose cao và tóc ngắn”, Itamar bật ra. “Vậy làm sao để nhớ ra tên cô ấy”.

Vị giáo sĩ nhìn Jerome. “Có ý tưởng nào không?”.

“Tôi hình dung cô ấy mang một vòng hoa hồng trên đầu. Thứ nhất, vòng hoa này sẽ sưởi ấm đầu cô ấy… mà cô ấy rất cần hơi ấm đó bởi vì như cậu nói, tóc cô ấy ngắn mà. Thứ hai, cô ấy cao, lộng lẫy, rực rỡ, như một nữ hoàng vậy”, Jerome miêu tả. “Đó là lý do vì sao cô ấy được mang vòng hoa hồng trên đầu, như kiểu một chiếc vương miện vậy”.

“Thế còn những cái tên không phải Do Thái thì sao?”, Itamar nêu ra một câu hỏi có vẻ còn khó hơn.

—–???—–

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. TẠI SAO MỘT BÀ MẸ DO THÁI LẠI LUÔN MUỐN CON MÌNH ĂN THẬT NHIỀU?

Bài viết mới

  1. NUÔI DƯỠNG TRÍ TÒ MÒ
  2. HIỂU VỀ NỖI ĐAU KHỔ CỦA CHÚNG TA
  3. LỜI RĂN DẠY CỦA KHỔNG TỬ