NGUYỄN CÔNG THÁI
Thứ nhất, phụng sự quan trọng vì nó là bản chất cao quý của con người. Nghĩa rằng, con người ta được sinh ra là để phụng sự xã hội. Bạn có tin không? Một hạt mầm, nó có thể lựa chọn “nảy mầm” hoặc lựa chọn “không nảy mầm”. Khi hạt không được nảy mầm, nó thối rữa và vẫn góp chút gì đó cho đất mẹ, góp cho đất màu mỡ và tươi xốp hơn, nhưng giá trị của nó không đạt đến “ngưỡng giá trị” cao cả nhất của chính nó. Tận sâu bên trong mỗi hạt giống, luôn luôn là một “mầm sống”. Nếu nó lựa chọn “phụng sự” bằng việc nảy mầm, thì một cây con sẽ mọc lên… Từ cây con đó, nó có thể sản sinh ra hàng nghìn hạt giống khác, làm phong phú hơn cho môi sinh, và cũng có thể làm thức ăn hoặc các giá trị khác hữu ích to lớn hơn rất nhiều. Hay như một đóa hoa, lựa chọn phụng sự bằng việc khoe sắc, tỏa hương, để thu hút ong bướm làm mật, thụ phấn … đó là ngưỡng giá trị cao nhất mà hoa đạt tới. Thay vì chỉ lựa chọn mãi là một “búp trên cành”, thì búp đó không lộ sắc, lộ hương, không hữu ích bằng khi phụng sự nở hoa.
Tương tự như vậy, con người sinh ra là để hữu ích và tiến hóa trong hạnh phúc, thịnh vượng và bình an. Con người sinh ra không phải để cho địa cầu thêm đông. Vậy để trở nên hữu ích, bắt buộc phải đi trên con đường phụng sự, hay nói cách khác, bí quyết đạt đến hạnh phúc, thịnh vượng và bình an, đó chính là phụng sự. Phụng sự là một châu ngọc quý báu mà khi châu ngọc này được khám phá và khai quật, nó sẽ chiếu sáng các châu ngọc khác trong nội tại của chúng ta, như sự kiên nhẫn, sự hòa ái, sự yêu thương, sự cho đi… Phụng sự là con đường duy nhất để trở nên hữu ích và tiến hóa. Trách nhiệm và sự phụng sự của một người càng cao, càng rộng, thì người đó nấc thang tiến hóa càng cao. Cho nên, tu thân chính là nhận lãnh trách nhiệm và hoàn thành những trách nhiệm của mình đối với mọi sự, mọi người chung quanh.
Thứ hai, phụng sự quan trọng vì nó thỏa mãn được bản ngã của mỗi người trong cuộc đời này. Con người ta ai cũng có bản ngã, ai cũng muốn được thỏa mãn cái tôi của mình. Trong cuốn sách Đắc Nhân Tâm đã nói rõ về “thị dục huyền ngã” của mỗi con người. Chúng ta ai cũng có nhu cầu được Công Nhận, được Yêu Thương. Như tôi đã chia sẻ trong Chương 4, ta không thể cho đi điều mà ta chưa có. Do vậy, nếu chưa được tôn trọng, chưa được yêu thương, thì phụng sự là chìa khóa để một con người được yêu thương, được tôn trọng, được công nhận… Bạn sẽ nói rằng, vậy tôi phụng sự là bởi vì tôi muốn được yêu thương, có mâu thuẫn với việc “phụng sự vô điều kiện” hay không? Đúng là một câu hỏi rất có tính phản biện! Nhưng bạn ạ, nó hoàn toàn không có gì mâu thuẫn. Sự thật thì luôn luôn là sự thật, và sự thật ở đây là người ta sẽ luôn luôn có xu thế yêu quý và trân trọng những cá nhân phụng sự cho xã hội, và khi ai đó phụng sự một cách vô vi thì người đó nhận lại năng lượng tích cực đó như một “quả ngọt”, vậy thôi.
Bản chất của con người luôn luôn có hai dạng: bản chất cao và bản chất thấp hèn. Chúng ta quán chiếu tâm tưởng của mình vào bản chất cao quý thì chúng ta sẽ hành xử một cách cao quý, chúng ta giúp người khác trong tâm thế thực sự rung động mong muốn từ nội tại bên trong của mình, thì điều đó sẽ lấn át tất cả để ta phụng sự một cách vô điều kiện. Còn nếu ta gắn phụng sự với động cơ thấp hèn, tôi phụng sự vì tôi muốn được thế này, muốn được thế kia, thì quay trở lại, đó chỉ là mang danh phụng sự mà thôi.
Thứ ba, phụng sự xã hội chính là quy luật của hạnh phúc. Cách hay nhất và độc nhất để có được hạnh phúc là làm cho người khác hạnh phúc. Không ai có thể hạnh phúc khi làm cho người khác đau khổ. Niềm hạnh phúc sẽ đánh bay những điều tiêu cực len lỏi trong ta, mang đến một cuộc đời bình an mà chẳng dễ gì đạt được nếu không hạnh phúc. Ngay trong phụng sự đã có niềm an vui, và phụng sự càng lớn thì an vui càng lớn. Và ý nghĩa cuộc đời có gì khác hơn là an vui và viên mãn. Đây chính là mấu chốt mà chúng ta cần trân quý và tập trung vào nó để có thể hoàn thành sứ mệnh cũng như an yên trong cuộc sống. Nhất là khi tôi và bạn – những người được biết đến là giáo viên càng cần phải thấu hiểu tầm quan trọng của phụng sự. Bởi lẽ một giáo viên hạnh phúc không chỉ chia sẻ tri thức mà còn lan tỏa năng lượng tích cực đến học sinh, rồi chúng sẽ mang về gia đình năng lượng tích cực ấy và dần dần truyền đến muôn nơi. Khi ấy, kết quả của phụng sự xã hội không chỉ là hạnh phúc, bình an mà còn là sự viên mãn trong cuộc sống. Ngoài ra, phụng sự không chỉ mang tầm ảnh hưởng nhỏ mà thậm chí còn có thể ảnh hưởng đến toàn nhân loại.
Một ngày nào đó, bạn sẽ nhận ra hạnh phúc đơn giản chỉ là phụng sự người khác. Bạn có lẽ đã nhận ra điều này rất lâu rồi nhưng có lẽ sự bận rộn của cuộc sống làm bạn phớt lờ đi. Nhưng những cảm giác hạnh phúc lâu bền nhất nhất trong cuộc đời của mỗi người, không phải là lúc họ “nhận về”, mà là lúc họ “cho đi”.
Giáo viên chính là chủ thể có vai trò nâng tầm trí tuệ, phụng sự xã hội mà chỉ khi thực hiện trọn vẹn vai trò này họ mới có thể hạnh phúc và thịnh vượng. Thứ giáo viên chúng ta mang đến chính là kiến thức, tri thức vô giá mà chúng ta cần dùng để phụng sự được cho sự sống, phụng sự cho con người, phụng sự cho an sinh xã hội. Do đó, việc chúng ta làm không chỉ là dạy học mà còn là phụng sự và cống hiến cho sự nghiệp, cho tri thức và tương lai của những trí tuệ đất Việt.
Thứ tư, phụng sự là một nhu cầu sống còn của mỗi người. Nghe thì có thể bạn sẽ thấy lạ lẫm. Nhưng, khi bạn nhìn vào cuộc đời của mình, bạn sẽ nhận ra rằng, những giai đoạn quý báu nhất trong cuộc đời là khi bạn dùng nó để phục vụ cho người khác. Và bạn cũng sẽ nhận ra, trên đời này, có nhiều người cả đời không làm một điều xấu nào, nhưng sẽ không có ai cả đời mà không làm việc tốt, không phụng sự người khác. Hãy cùng nhau đi xa hơn một bước nữa qua ví dụ sau đây, bạn sẽ thấy phụng sự là một nhu cầu hiện hữu như thế nào. Chúng ta dành ra một tuần để chơi game yêu thích của mình. Một tuần so với cuộc đời mấy chục năm của ta, thì có gì thấm tháp? Nhưng, từ sâu bên trong mỗi người, chúng ta sẽ hỏi: “Tại sao mình dành quá nhiều thời gian để chơi game vậy? Tại sao mình không đứng dậy và làm điều gì đó hữu ích hơn, có ý nghĩa hơn? Thật là vô bổ!”. Chính chúng ta sẽ cảm thấy như vậy, lương tâm của chúng ta sẽ lên tiếng điều đó, chứ không ai phán xét chúng ta là chúng ta vổ bổ hay không. Tại sao lại vậy? Là bởi vì, phụng sự là nhu cầu sống còn của con người. Nếu xa rời bản chất cao quý này, phần đa họ sẽ thấy mình “vô tích sự” và “vô ích”. Đêm đến, bạn sẽ thấy có lỗi với chính mình, vì mình đã không làm được việc gì có giá trị cho xã hội hay cho người khác. Cảm giác vô giá trị đó lâu dần sẽ giết chết bạn, khiến bạn bị trầm cảm hoặc ảnh hưởng tinh thần lâu dài nếu không thể thoát ra.
Tựu trung lại, cho dù bạn ý thức về phụng sự hay không, thì phụng sự cũng là bản chất của bạn. Vậy, tại sao không sống với bản chất cao quý đó, và tìm hiểu, khám phá nó, để đạt đến cuộc sống bình an, thịnh vượng và hạnh phúc? Thay vì cũng phụng sự nhưng lại mong cầu và toan tính có điều kiện để làm mất đi ý nghĩa của chính bản thân mình?